Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 27: Cầu Nguyện Cho Người Khác

Bài 27: Cầu Nguyện Cho Người Khác

Bài 27: Cầu Nguyện Cho Người Khác

Giăng 17:9,15,20 Con vì họ mà cầu nguyện; chẳng phải vì thế gian mà cầu nguyện, nhưng vì kẻ Cha đã giao cho Con, bởi chưng họ thuộc về Cha…. Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác…Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa,

Lu-ca 22:31,32 Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy quỉ Sa-tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì. Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.

Chúa dạy chúng ta cầu nguyện và cũng nêu gương cầu nguyện cho chúng ta học theo. Những câu vừa đọc cho ta thấy Chúa cầu nguyện cho chúng ta nữa. Trong đó ta thấy Chúa cầu nguyện cho chúng ta để sống trong trần gian mà không bị ma quỷ cám dỗ phạm tội, Chúa cầu nguyện cho những người nghe chúng ta truyền giảng Phúc Âm, Chúa cầu nguyện cho sứ đồ Phi-e-rơ và chúng ta ngày nay không thiếu đức tin.  Đây là những  điều Chúa cầu nguyện cho chúng ta. Chúa vẫn cầu thay cho chúng ta và thường xuyên làm như thế.

Chúng ta sẽ theo gương Chúa mà cầu nguyện cho người khác.

Chúng tôi đi thăm một bà cụ đã cao tuổi và thân thể tàn tạ.Cụ hay đặt câu hỏi là tại sao Chúa không cho cụ về an nghỉ với Chúa mà cứ còn sống khổ sở như hiện tại? Dĩ nhiên là không ai dám trả lời câu hỏi đó, vì không biết và cũng không dám võ đoán. Chúng tôi chỉ biết yên lặng. Nhưng cụ tiếp nối câu chuyện bằng cách kể về đứa con trai hiện đang sống trong truỵ lạc và gây đau khổ cho cụ. Dù rất buồn vì con, nhưng cụ vẫn luôn nghĩ đến nó và cầu nguyện thường xuyên. Sau cùng, cụ tự trả lời câu hỏi mà cụ đã nêu lên: “Chắc Chúa cho tôi còn sống ở đây là để cầu nguyện cho đứa con trai hư hỏng ấy của tôi.”

Trong đời sống nhiều khi có những sự việc vượt xa tầm tay của chúng ta, có những người thân của chúng ta đau yếu tật bệnh, có những trường hợp vô hi vọng, nhưng dù không làm gì được, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện xin Chúa thương xót cứu giúp. Việc cầu thay cho người khác không những là đặc ân, nhưng còn là bổn phận nữa. Nhà tiên tri Sa-mu-ên ngày xưa đã nói rằng: Sa-mu-ên đáp cùng dân sự rằng: Chớ sợ chi. Thật các ngươi có làm mọi điều gian ác nầy; song chớ xây bỏ Đức Giê-hô-va, phải hết lòng phục sự Ngài, chớ lìa bỏ Ngài đặng đi theo những hình tượng hư không, chẳng có ích chi, cũng không biết cứu; vì hình tượng chỉ là hư không mà thôi. Đức Giê-hô-va vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ bỏ dân sự Ngài: chỉn thật, Đức Giê-hô-va đã định các người làm dân sự của Ngài. Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi. Ta sẽ dạy các ngươi biết con đường lành và ngay. Chỉ hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, lấy hết lòng trung tín phục sự Ngài; vì khá xem những việc lớn lao mà Ngài làm cho các ngươi là dường nào!(1 Sa-mu-ên 12:20-24).

Trong đoạn văn vừa đọc ta thấy lĩnh tụ Sa-mu-ên cho rằng không cầu nguyện cho dân là một tội phạm trước mắt Chúa. Đó là câu 23.

Người tin Chúa được dạy là cầu nguyện cho mọi người kể cả những kẻ ghét mình và làm hại mình. Đó là lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 5:44: Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.

Cầu nguyện cho người khác đem lại nhiều hữu ích. Trước tiên là giúp ích cho người cầu nguyện.

Khi ta đến với Chúa và nêu danh người làm khó dễ hay làm hại mình, ta sẽ bớt căm thù, vì ta sẽ xin Chúa tha tội và cứu vớt người đó. Lời cầu nguyện cho kẻ mình ghét sẽ giúp ta không còn cay đắng nữa, và cũng không trả thù, vì biết rằng Chúa sẽ phân xử công bình cho mình.

Khi ta cầu thay cho người thân ta sẽ phát triển một hi vọng và làm cho mình có sức mạnh trong chính thân thể mình.

Khi Chúa Giê-xu nói với Phi-e-rơ rằng Chúa sẽ cầu nguyện cho ông, chắc chắn đã giúp Phi-e-rơ sau cơn thử thách, đã hồi phục và đứng vững trong đức tin.

Khi một người bị phê bình chỉ trích thì người ấy cảm thấy đau khổ, nhưng khi nghe rằng có người cầu nguyện cho mình thì ai cũng được khích lệ và vui mừng.

Sứ đồ Phao-lô khi cầu thay đã có thái độ ra sao? Xin đọc trong Phi-líp 1:3-5: Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi, và mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở, vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành;

Sứ đồ Phao-lô là nhà truyền giáo tiên phong và khai sáng ra phong trào truyền giáo, không những cầu nguyện cho các hội thánh, mà còn thường xin các Hội Thánh cầu nguyện cho ông.

Ê-phê-sô 6:18-20 ghi: Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ. Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành, mà tôi vì đạo ấy làm sứ giả ở trong vòng xiềng xích, hầu cho tôi nói cách dạn dĩ như tôi phải nói.

1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:25 Hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi với.

Chúng tôi là những người giảng truyền Phúc âm trên Đài Nguồn Sống cũng xin mượn lời của Sứ đồ Phao-lô để yêu cầu quý thính giả cầu nguyện cho hầu cho Lời Chúa được đến với nhiều đồng bào của chúng ta, và nhiều người được tin nhận Chúa để được cứu rỗi.

Quý vị cũng nên dành thời gian để liên hệ với các vị mục sư, truyền đạo, truyền đạo tình nguyện xa gần để biết thông tin các Hội Thánh để cầu nguyện cho các đầy tớ Chúa, như thế công việc Chúa mới phát triển và người phục vụ Chúa thêm tinh thần và sức mạnh để góp phần mở rộng nước Chúa.

Khi chúng ta cầu nguyện cho người nào, chúng ta còn thấy có sự thúc đẩy để có thể giúp người đó nữa. Những người đau yếu tật bệnh hay nghèo khó thường rất cô đơn và buồn bã.Cầu thay còn giúp cho người ấy bình tĩnh, trông cậy nơi Chúa, lên tinh thần và vấn đề mau được giải quyết.

Gia-cơ 5:14-16 dạy: Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhơn danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.

Gia-cơ dạy rằng khi ta cầu nguyện cho một người thì quyền năng của Chúa xuất hiện trên đời sống và hoàn cảnh của người ấy. Việc lành bệnh thể xác có khi còn giải quyết cả vấn đề tội lỗi và người ấy được lành toàn diện. Câu Kinh Thánh kể trên đề cập đến “cầu nguyện bởi đức tin”.  Đây là đức tin của người cầu nguyện. Chúa có thể trả lời cầu nguyện cho người có đức tin cầu thay cho người khác, mặc dù đối tượng không tin và phạm tội. Khi ta cầu nguyện với lòng tin, Chúa sẽ trả lời. Điều này khuyến khích ta nên cầu thay nhiều hơn với đức tin.

Việc cầu thay cho người khác nhiều khi không hiệu quả. Ta nên nhớ rằng, mỗi lời cầu nguyện đều có thể thêm câu: Nhưng không theo ý con mà xin theo ý Chúa. Chúng ta phải đặt ý Chúa lên trên tất cả.

Cũng có khi vì lý do nào đó Chúa chậm trễ trả lời cầu nguyện, ta nên nghe theo tác giả Thi Thiên 37:4,5,7 như sau: Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, Thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước. Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, Và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy. Ngài sẽ khiến công bình ngươi lộ ra như ánh sáng, Và tỏ ra lý đoán ngươi như chánh ngọ. Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, Hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác.

Sau đây xin nêu ra một số nguyên tắc cho việc cầu thay:

  1. Khi cầu nguyện cho người nào, nên chú trọng vào người ấy. Hình dung ra người ấy trong tâm trí và nêu rõ nhu cầu của người ấy trong hoàn cảnh người đang gặp.
  2. Giữ hình ảnh người ấy trong tâm trí nhưng suy nghĩ về Chúa. Suy nghĩ về một cảnh nào đó trong thời Chúa Giê-xu ở mặt đất.Thí dụ như, nếu đối tượng có nhu cầu về vật chất, hãy nghĩ đến cảnh Chúa hóa bánh nuôi ăn hơn 5000 người. Nếu người ấy sống đời hư hỏng, hãy nghĩ đến cảnh Chúa nói với người phụ nữ xưa: Hãy đi, đừng phạm tội nữa. Nếu người ấy đang mắc bệnh, hãy nghĩ đến người phụ nữ mắc bệnh băng huyết, lần trong đám đông, đến đụng vào gấu áo của Chúa. Như thế là ta vừa nghĩ đến Chúa vừa nghĩ đến một người đặc biệt.
  3. Hãy nghĩ đến việc cầu nguyện của ta như nâng người ấy lên trước hiện diện của Chúa.
  4. Hãy thưa với Chúa những gì ta đang nghĩ trong lòng. Hãy cầu nguyện tích cực, nghĩa là nghĩ đến người bệnh được chữa lành và khỏe mạnh. Nghĩ đến khi lời cầu nguyện của ta được Chúa đáp ứng thuận lợi.
  5. Tiếp tục cầu nguyện cho đến khi Chúa trả lời.

Cầu nguyện không phải chỉ hiệu nghiệm đối với tật bệnh, nhưng với mọi nan đề khác trong đời. Các cặp vợ chồng gặp nan đề hay xung khắc cũng được khuyên là: Nên yên lặng dành thì giờ cầu nguyện cho nan đề và bằng lòng theo lời Chúa giải quyết nan đề với lòng nhu mì và hạ mình. Chúa sẽ cứu giúp.

Ta có thể hình dung ra việc cầu thay như sau:

Một người có nan đề đứng trong một căn phòng, và Chúa ở bên phòng bên cạnh. Một bức tường ngăn chia hai phòng đó. Bức tường ngăn cách có thể tượng trưng cho sự vô tín, không quan tâm hay lối sống vô đạo.  Nhưng nếu hai phòng này có một cửa thông, khi ta đứng ở cửa ấy ta thấy cả hai phòng. Ta có thể kết nối người có nan đề với Chúa, ta là người đưa nan đề của người ấy đến trước quyền năng của Chúa.  Đó chính là ý nghĩa của việc cầu thay.

Chúng ta hãy nhớ cầu thay cho nhau và cho những người khác.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN