Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 32: Cầu Nguyện Phải Xác Định

Bài 32: Cầu Nguyện Phải Xác Định

Bài 32: Cầu Nguyện Phải Xác Định

Mác 10:46-53 

Kế đó, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đến thành Giê-ri-cô. Ngài và môn đồ cùng một đoàn dân đông đang từ đó lại đi, thì có một người ăn mày mù tên là Ba-ti-mê, con trai của Ti-mê, ngồi bên đường. Vì đã nghe nói ấy là Đức Chúa Jêsus, người Na-xa-rét, người vùng la lên mà rằng: Hỡi Đức Chúa Jêsus, con vua Đa-vít, xin thương tôi cùng! Có nhiều kẻ rầy người, biểu nín đi; song người lại kêu lớn hơn nữa rằng: Hỡi con vua Đa-vít, xin thương tôi cùng! Đức Chúa Jêsus dừng lại, phán rằng: Hãy kêu người đến. Chúng kêu người mù đến, mà nói rằng: Hãy vững lòng, đứng dậy, Ngài gọi ngươi. Người mù bỏ áo ngoài, bước tới đến cùng Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus bèn cất tiếng phán rằng: Ngươi muốn ta làm chi cho ngươi? Người mù thưa rằng: Lạy thầy, xin cho tôi được sáng mắt. Đức Chúa Jêsus phán: Đi đi, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi rồi. (10-53) Tức thì người mù được sáng mắt, và đi theo Đức Chúa Jêsus trên đường.

Câu chuyện kể lại rằng người mù khi nghe nói Chúa Giê-xu đi ngang qua thì vùng kêu lên rằng: “Lạy Chúa Giê-xu, con vua Đa-vít, xin thương tôi cùng!” Tiếng kêu này lần thứ hai, to hơn đã đến tai Chúa,. Chúa bảo gọi người ấy đến gần, vì đám đông chen lấn, Chúa biết người mù ấy muốn gì, và sẵn sàng ban cho anh ta, nhưng vừa khi thấy người mù, Chúa hỏi: “Anh muốn ta làm gì cho anh?” Chúa muốn người mù nói rõ điều mà anh ta cầu xin Chúa ban cho chứ không phải chỉ là một lời cầu nguyện tổng quát xin cứu giúp thông thường, người mù phải nói rõ chính điều mà anh ta mong Chúa làm cho là gì. Nếu anh ta không nói ra, chưa chắc đã được chữa lành.

Ngày nay vẫn có người đến với Chúa cầu xin, Chúa cũng hỏi đúng câu hỏi đó và cũng sẽ được đáp ứng khi trả lời xác định trực tiếp. Lời cầu nguyện của chúng ta nhiều khi kêu xin ân huệ của Chúa quá mơ hồ và tổng quát, có nhiều khi chỉ là xin Chúa ban phước lành, thật ra chúng ta cần xác định rõ nhu cầu. 

Câu hỏi của Chúa không có nghĩa là Chúa không hiểu thấu vấn đề chúng ta cần hay là Ngài chưa sẵn sàng nghe để ban cho. Nhưng Chúa muốn làm điều đó vì lợi ích của chúng ta. Vì lời cầu xin xác định rõ vấn đề dạy chúng ta biết rõ nhu cầu của mình hơn. Vì ta cần thời gian, ý nghĩ và tự xét để tìm ra thực sự nhu cầu thiết yếu nhất của mình trong lúc đó là gì. Việc xác định ấy đòi hỏi một cuộc tìm tòi và trắc nghiệm xem những điều chúng ta ước ao có chân thành và xác thực hay không đến nỗi chúng ta cứ kiên trì cầu xin. Việc xem xét ấy cũng phán định xem các ước muốn của chúng ta có theo đúng lời Chúa dạy hay không và chúng ta có thực sự tin rằng sẽ nhận được điều mình cầu xin, vì rất chính đáng. Việc này cũng giúp chúng ta kiên nhẫn chờ đợi sự trả lời đặc biệt và ghi nhận khi nó đến.

Thông thường thì lời cầu nguyện mơ hồ và không xác định. Đôi khi là tiếng kêu xin ân huệ, nhưng không xác định là ân huệ đó tác động vào việc gì? Nhiều lời cầu nguyện xin Chúa giải cứu ra khỏi tội, nhưng không xác định rõ là tội gì để được giải thoát. Có những lời cầu xin Chúa ban phước cho những người chung quanh, xin Thần Linh Chúa tuôn đổ xuống trên đất nước hay trên cả thế giới này, nhưng không nói rõ khu vực nào để người ta trông đợi và đón chờ phước hạnh đó. Đối với những lời cầu nguyện như thế, Chúa sẽ bảo: Thế thì con thực sự muốn và trông mong ta làm gì cho con?

Mỗi người tin Chúa có những quyền năng giới hạn và phải có lĩnh vực mà mình phục vụ, những lời cầu nguyện cũng giới hạn trong các lĩnh vực đó. Vì mỗi người đều có môi trường sống riêng, gia đình riêng, bè bạn riêng và cả những người xóm giềng nữa. Nếu người ấy phải lựa chọn một hay nhiều người trong các nhóm này để cầu xin, thì người ấy nhận ra rằng thực sự bước vào một cuộc thử thách đức tin với cuộc hẹn riêng với Chúa. Vì vậy vấn đề không tổng quát được mà phải xác định rõ, như thế nới mong được đáp ứng và lời cầu xin mới hiệu quả.

Ngày xưa châu Âu có câu chuyện một đám loạn quân tên là Transvaal Boers ở Majuba đã chiến thắng các đoàn quân thiện chiến của các nước châu Âu. Làm sao bọn này thắng được? Các đoàn quân thiện chiến châu Âu xả súng vào những số đông địch quân chứ không ngắm bắn cẩn thận. Nhưng loạn quân Boers vì thường săn thú hoang, nên đã học bài học khác. Đó là người lính nhắm mỗi viên đạn phải trúng một mục tiêu rõ ràng. 

Trong lĩnh vực tâm linh cũng cần nhắm cẩn thận như thế mới mong thành công được. Khi nào cầu nguyện mà chúng ta cứ tuôn đổ tâm hồn ra với bao nhiêu là lời cầu xin, mà không để thời gian xem thử mỗi lời cầu xin dâng lên Chúa có mục đích rõ ràng không và có trông mong được đáp lời hay không, thì không mấy trúng đích. 

Nhưng nếu ta cúi đầu yên lặng trước Chúa và tự hỏi: Ước muốn thật sự của tôi là gì? Tôi có ước muốn trong niềm tin và trông mong Chúa đáp lời không? Bây giờ tôi có sẵn sàng trình dâng lên Cha ước muốn đó của tôi hay không? Liệu rằng giữa tôi và Chúa có sự thỏa thuận là tôi sẽ nhận được đáp ứng từ Ngài hay không? Chúng ta cần phải tập cầu nguyện như thế để Chúa có thể xét vấn đề và chúng ta biết thực sự mình mong đợi giải đáp từ Chúa.

Đây cũng chính là lý do mà Chúa cảnh cáo chúng ta về cách cầu nguyện như những dân ngoại giáo, là những người tưởng rằng cầu nguyện nhiều thì được nhậm lời. Chúng ta thường nghe những lời cầu nguyện rất tha thiết và tuôn đổ, trong đó những đám đông dâng lên bao nhiêu lời cầu xin, nhưng có ai được Chúa hỏi: Thật sự con muốn ta làm chi cho con?, và người ấy sẽ trả lời ra sao?

Nếu tôi sắp đến một nơi xa lạ để lo một vài việc cho cơ sở thương mại mà cha tôi làm chủ, thì tôi cần viết hai bức thư. Một bức thư gửi cho những người quen thuộc để thăm hỏi, một bức thư khác là thư đặt hàng, là những gì tôi cần. Bức thư thăm hỏi thì không cần trả lời, nhưng bức thư đặt hàng thì tôi mong xem họ trả lời ra sao. Khi chúng ta giao dịch với cõi trời cũng vậy. Chúng ta cầu nguyện, ca ngợi, cảm tạ và tỏ lòng biết ơn thì không cần trả lời, nhưng những gì chúng ta xin thì phải rõ ràng để trông mong trả lời.

Nhưng lời Chúa còn dạy chúng ta điều khác nữa. Chúa không hỏi: 

Con ước ao điều gì? 

Nhưng Ngài hỏi: Con muốn ta làm gì cho con?

Nhiều khi ta ao ước một điều gì đó mà không muốn. Tôi có thể ao ước có một ngôi nhà như thế nào đó nhưng không bao giờ dám muốn có, vì không thể có tiền mua. Người lười biếng ao ước có nhà ở nhưng không dám muốn, vì làm sao có được? Nhiều người ước ao được cứu, nhưng vẫn bị diệt vong vì chỉ ước ao thế thôi mà không có quyết tâm gì cả. Khi ta muốn điều gì thì điều ấy ảnh hưởng đến cả cuộc sống của ta, nếu trong khả năng của ta.

Khi Chúa hỏi: Con muốn ta làm chi cho con? Câu hỏi có hàm ý là điều con xin có thật là mục tiêu và con sẵn trả mọi giá để được điều đó không? Con có thật sự muốn điều ấy không? Nếu phải chờ đợi lâu thì con có sẵn lòng chờ không? 

Có nhiều người cầu xin chỉ ước ao, dâng lên lời cầu nguyện trong một thời gian ngắn rồi quên hẳn đi, hay là tiếp tục cầu nguyện từ năm này sang năm khác theo bổn phận, thực ra đã thỏa lòng với lời cầu nguyện không có giải đáp rồi.

Nhưng có người sẽ hỏi: Thì ta cũng có thể trình dâng những gì mình ước ao lên cho Chúa chứ? Rồi để Chúa quyết định chứ cần gì phải muốn như thế nào nữa? Nhưng đó không phải là cách Chúa dạy môn đệ cầu nguyện. Ngoại trừ trường hợp chúng ta không biết ý muốn của Chúa thì khác. Cầu nguyện với đức tin thì khác. Vì khi ấy ta tìm lời hứa của Chúa mà nương vào. 

Trong trường hợp hai người mù ghi trong Ma-thi-ơ 9:28-30 thì Chúa hỏi họ rằng: Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ao ước chăng? Họ thưa: Lạy Chúa, được. Chúa bèn rờ mắt hai người và nói rằng: Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. Mắt hai người liền mở.

Trường hợp người mù ghi trong Mác 10:51-52 thì Chúa hỏi: Ngươi muốn ta làm chi cho ngươi? Người mù thưa: Lạy Thầy, xin cho tôi được sáng mắt. Chúa Giê-xu nói: Đi đi, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi rồi.

Trong cả hai trường hợp chữa bệnh mù kể trên, Chúa đều nói rằng đức tin đã cứu họ.

Một lần khác khi Chúa đuổi quỷ ám ra khỏi con gái một phụ nữ ở thành Sy-đôn, Ngài nói: Hỡi bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó con gái người liền được lành. (Ma-thi-ơ 15:28).

Đức tin là việc đặt ý muốn của mình trên lời hứa của Chúa và nói rằng: Ta phải có điều ấy! Nhưng như thế có phải chỉ là quyết tâm của mình thôi sao? Không phải đâu, vì khi ta thuận phục Chúa thực sự thì ta vinh danh Ngài. Đó là khi đứa con đặt quyết tâm của mình hoàn toàn dưới ý muốn của Cha, thì nhận được quyền năng để muốn điều mà nó cần.

Lạy Chúa Giê-xu xin dạy con cầu nguyện với tất cả tâm hồn và sức lực, để không còn một điều nghi ngờ nào về phía Chúa hay về phía con về điều mà con cầu xin. Xin cho con biết rõ điều con xin Chúa và tin chắc rằng lời cầu xin đó đã được ghi lại trên trời cũng như trên đất và con trông mong sự đáp lời.  Xin cho đức tin của con đặt nơi lời Chúa thật rõ ràng đến nỗi Thánh Linh thực sự làm việc trong con, và lời cầu nguyện của con thật sự được Chúa nhậm.

Phương Pháp Cầu Nguyện

Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN