Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 5: Chịu Khổ Vì Chúa

Bài 5: Chịu Khổ Vì Chúa

Bài 5: Chịu Khổ Vì Chúa

Cô-lô-se 1:24-29

24Nay tôi lấy làm vui về sự tôi đã chịu khổ sở vì anh em, tôi lại vì thân thể Đấng Christ, là Hội thánh, mà đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài.

25Tôi làm kẻ giúp việc của Hội thánh đó, bởi sự phân phát của Đức Chúa Trời, là Đấng giao cho tôi cái phần việc truyền đạo Chúa cho anh em cách trọn vẹn,26tức là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời các kiếp, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài.

27Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển.28Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời. 29Ấy cũng là vì đó mà tôi làm việc, nhờ sức Ngài giúp đỡ mà chiến đấu, là sức hành động cách có quyền trong tôi.

Sứ đồ Phao-lô đã viết các dòng này cách đây trên 2000 năm, như là một trong những người truyền giảng Phúc Âm bị bách hại đầu tiên của giáo hội. Tuy nhiên đối với những truyền đạo tình nguyện, truyền đạo, mục sư nhiệm chức, mục sư và các nhân sự truyền bá Phúc âm ngày nay, câu 24 vẫn còn phản ánh lý do chịu thương khó của họ. Nhất là trên quê hương của chúng ta ngày nay.

Có ba điểm được nói đến về nỗi đau thương của sứ đồ Phao-lô:

Thứ nhất là: sứ đồ Phaolô chịu đau thương bách hại không phải vì tội lỗi của chính ông ta, nhưng là vì người khác. Sứ đồ Phao-lô nêu rõ là vì anh em, tức là các tín hữu tại Cô-lô-se; và vì thân thể của Chúa, tức là Hội thánh. Sứ đồ Phao-lô chịu đòn vọt và tù tội trong khi đi truyền giảng Tin mừng, Tin lành về Chúa Giê-xu cho những người sống trong thành Cô-lô-se, là những người không phải là người Do-thái. Nhưng không phải chỉ vì một địa phương mà ông chịu khổ. Ông đang thi hành mạng lệnh truyền bá Tin mừng của Chúa Cứu Thế Giê-xu ban bố cho toàn thế giới, để mở rộng nước Chúa hay thân thể của Ngài.  Ông cho đây là một vinh dự và mừng vì mình được tham gia một chiến dịch vĩ đại như thế.

Ngày nay mỗi người truyền giảng Tin Lành đang chịu các bức hại cũng phải có tinh thần chịu đựng này.  Chúng ta chịu khổ không phải vì vô cớ, và vì thế hãy hãnh diện vì đang đóng góp vào công  việc vĩ đại để cứu nhân loại mà Chúa Giê-xu đã khởi xướng.

Thứ hai, nỗi đau thương của sứ đồ Phao-lô được đặt ngang hàng với đau thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu: ‘Mang lấy đầy đủ trên thân xác tôi những gì mà người ta cho là còn thiếu trong nỗi đau thương của Chúa Giê-xu’ Dĩ nhiên, Chúa Giê-xu đã chịu tất cả nỗi đau thương sỉ nhục trên thập tự giá và không có gì so sánh được với việc hi sinh đó. Nhưng đây nói về những đau thương mà môn đệ Chúa tiếp tục theo gương Chúa mà chịu. Môn đệ Chúa là những người tiếp nối công việc cứu rỗi nhân loại mà Chúa đã khởi xướng, nên cũng tiếp tục chịu bức hại như Chúa khi xưa. Điều này chứng tỏ rằng người tin Chúa là hợp làm một với Chúa,  nên những gì Chúa chưa chịu, những người ấy tiếp tục chịu, cũng như chính Chúa chịu vậy.

Điều này dạy ta rằng khi ta chịu bức hại vì Chúa, và vì công việc cứu rỗi nhân loại, cứu vớt đồng bào là ta chịu khổ vì Chúa, và chính Chúa cũng chia sẻ nỗi đau thương ấy với ta.  Vì vậy, những ai đang bị bức hại, tù đầy,  khó khăn vì truyền giảng Phúc Âm, vì làm mục sư, mục sư nhiệm chức, truyền đạo và những nhân sự cho Chúa Cứu Thế,  hãy vui mừng lên, bởi vì chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu đang đứng bên cạnh chúng ta trong những lúc chúng ta bị đau thương bức hại đó.

Thứ baNỗi đau thương của sứ đồ Phao-lô là một niềm vui.  Toàn bộ kinh nghiệm đau thương, bị bức hại vì loan truyền Tin Lành của sứ đồ Phao-lô không bao giờ bị coi là nguồn gây cho ông bối rối hay buồn rầu. Sứ đồ Phao-lô cũng không coi việc chịu khổ vì Chúa là công đức để sẽ nhận phần thưởng lớn khi gặp Chúa.  Ông chỉ coi đó là một niềm hãnh diện. Niềm vui của sứ đồ Phao-lô không phải là một điều thích thú, vì không ai lại thích thú trong việc chịu bức hại cả.Nhưng hãnh diện vì chịu khổ như Chúa từng chịu khổ ngày xưa để đem cứu rỗi đến cho những ai tin nhận Chúa.  Ngày nay anh em chị em chúng ta đang chịu khổ vì Chúa khắp nơi cũng hãnh diện vì cùng mang lấy đau thương như Chúa và các môn đệ Ngài từ hơn hai nghìn năm nay. Tuy nhiên, những ai là môn đệ của Chúa cũng phải chia sẻ các nỗi đau thương này bằng cách hết lòng hỗ trợ và cầu nguyện cho những người đứng mũi chịu sào hay ở tiền tuyến của mặt trận.

Từ câu 25 đến câu 29 sứ đồ Phao-lô nói về sứ vụ truyền giảng Phúc Âm của ông.

Câu 25 sứ đồ Phao-lô từng xưng là người truyền giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời và của Chúa Giê-xu trong một giao ước mới.  Tại đây ông nói rằng, ông là người phục vụ Hội Thánh, nhưng do chính Đức Chúa Trời phân nhiệm, với mục đích là truyền đạo Chúa cho anh em trọn vẹn. Nghĩa là trung thực giảng truyền về tình thương của Chúa và kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Ngài. Đây là một tấm gương cho mỗi chúng ta là người truyền bá Phúc Âm ngày nay.  Chúng ta cần đem hết Tin Mừng của Chúa, toàn bộ công việc cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho đồng bào đồng loại biết. Chúng ta không đưa người ta vào một giáo hội, cũng không đưa người ta vào  một tổ chức tôn giáo nào,  nhưng hãy đưa mọi người đến với Chúa Cứu Thế, đến với Chân Lý, đến với sự cứu rỗi mà mỗi người trực tiếp nhận lấy từ nơi Chúa.

Hai câu 26 và 27 sứ đồ Phao-lô nói đến một chương trình bí mật của Chúa, đó là kế hoạch cứu rỗi nhân loại qua việc vào đời của Chúa Giê-xu. Việc Chúa hi sinh làm sinh tế chuộc tội cho loài người, và việc ai tin sẽ được tha tội và tái tạo. Chúa Giê-xu hé mở cho con người thấy sự giàu có vinh quang của Ngài. Đó là thiện lành, khôn ngoan, vinh quang và ân huệ. Ngày xưa dân Chúa được độc quyền hưởng phúc hạnh của Chúa. Nhưng từ thế kỷ thứ nhất cho đến nay, tình thương và hy vọng của Chúa đã lan truyền đến mọi người trên mặt đất. Huyền nhiệm là mọi người trên đất đều có thể nhận cứu rỗi của Chúa chứ không riêng gì dân Chúa là người Do-thái.

Huyền nhiệm ấy được sứ đồ Phao-lô giải thích rõ trong câu 27: Đấng Christ ở trong anh em là niềm hi vọng vinh quang.

Bản Kinh thánh truyền thống câu này dịch là: Đấng Christ ở trong anh em là trông cậy về vinh hiển.

Nghĩa là khi tin nhận Chúa Giê-xu mọi người trong số phận trầm luân xa cách vinh quang của Chúa lại có hi vọng được hưởng vinh quang rạng ngời về ân đức của Ngài.

Chúa Cứu Thế ở trong anh em, tức là khi tin nhận Chúa, thì Chúa ngự vào tâm hồn người tin nhận Ngài.  Một cuộc biến đổi tái tạo về con người mới sẽ xảy ra và ân huệ vinh quang của Chúa ta sẽ được hưởng.  Đây không phải tin Chúa để lên thiên đàng, nhưng là để hưởng hạnh phúc Chúa ban cho trong đời này và đời đời về sau.

Câu 28 nói về phương pháp truyền giảng Tin Mừng của sứ đồ Phao-lô. Thông thường khi nói về tôn giáo là người ta đề cập tới Kinh Sách và Luật Lệ. Nhưng tại đây sứ đồ Phao-lô nói đơn giản:

28Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng

Bản Kinh Thánh Truyền Thống Hiệu Đính dịch lại là: “Chính Ngài là Đấng chúng tôi rao giảng…”
“Ngài” đây chính là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vâng, trung tâm của Tin Lành,  của TinMừng là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây không phải nói về một tôn giáo, tuyên truyền về một đạo. Tất cả những gì người truyền bá Tin Lành nói đến phải hướng về Chúa Giê-xu, tập trung về Chúa Giê-xu, cho Chúa Giê-xu và đưa người ta đến với một mình Chúa Giê-xu mà thôi. Sứ đồ Phao-lô làm ba công việc:

Thứ nhất:  Rao giảng về Chúa Giê-xu

Thứ hai:    Răn bảo mọi người về tội ác của họ và kêu gọi họ ăn năn xưng tội.

Sau cùng: Giáo huấn và dạy

Công tác gồm ba khâu này ngày nay các mục sư, truyền đạo và nhân sự Tin Lành đang thực hiện trên đất nước Việt Nam của chúng ta.

Rao giảng, Răn bảo và giáo dục

Mọi người cần được nghe Tin Lành, cần ăn năn, nhưng khi đã tin nhận Chúa họ cần phải được học về Chúa cho thật thấu đáo. Bởi vì nếu không có căn bản, thì niềm tin đặt nơi Chúa lúc ban đầu sẽ như lửa rơm mà thôi.

Mục đích chính là ai tin Chúa phải được tái sinh đổi mới và trưởng thành. Như thế mới xứng đáng đứng trước mặt Chúa được. Sứ đồ Phao-lô làm việc truyền giảng Tin Mừng không phải chiêu mộ người ta vào một tôn giáo, nhưng là đưa mỗi người vào trình diện trước mặt Đức Chúa Trời. Đây là nguyên tắc mà mỗi chúng ta, người  truyền giảng Tin Lành phải nắm vững.

Chúng ta nên nhớ rằng: Nhiều người không tin Chúa vì chưa bao giờ được nghe Tin Lành. Nhiều người đã nghe mà không ăn năn xưng tội. Nhiều người ăn năn xưng tội nhưng không được giáo huấn về Chúa thấu đáo, nên dễ dàng bỏ Chúa.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN