- Dâng hiến là mệnh lệnh bắt buộc
Chúng ta thường xem dâng hiến là một hành động “anh hùng”, tốt đẹp và đáng khen, nhưng nếu không dâng thì cũng không sao.
Kinh Thánh đề cập hơn 2000 lần đến người nghèo, và sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để mô tả nghĩa vụ của chúng ta với những người khó khăn:
Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy (Lu-ca 3:11)
Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được! Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật (1 Giăng 3:17–18)
Chỉ cần từ bỏ vài thói quen xa hoa của mình, chúng ta đã có thể cho người đói ăn, chữa lành người bệnh, và mặc quần áo cho người thiếu thốn. Chẳng lẽ chỉ vậy mà chúng ta không làm được sao? Làm sao chúng ta có thể bày tỏ tình yêu Đấng Christ nếu cứ sử dụng tài chính Ngài ban vào những thứ xa hoa cho bản thân, trong khi người khác chẳng có thức ăn và thức uống?
Câu hỏi đặt ra: “Nhưng tôi nên cho ban cho nhiêu?” C. S. Lewis đáp lại bằng một vài lời khuyên khôn ngoan và lời khuyến khích cần thiết:
Chúng ta khó mà quy định mình sẽ dâng bao nhiêu. Có lẽ quy tắc an toàn nhất là cho đi nhiều hơn những gì chúng ta có thể dành cho bản thân. Nói cách khác, nếu chi tiêu dành cho những tiện nghi, xa hoa, thú vui của chúng ta bằng với mức tiêu chuẩn chung của những người có cùng thu nhập, thì có lẽ chúng ta đang cho đi quá ít. Nếu khoản dâng của chúng ta không hề gây khó khăn hay cản trở gì cho đời sống của bản thân, thì có lẽ chúng ta đang dâng quá ít. Cần phải có những thứ chúng ta muốn mua nhưng không thể mua, vì số dâng hiến của chúng ta đã lấn sang khoản đó.
Đừng ngạc nhiên khi đời sống Cơ Đốc nhân đòi hỏi sự hy sinh. Tất cả chúng ta đều biết điều đó.
Không phải mọi khoản dâng đều tốt
Đừng ném tiền bừa bãi vào bất cứ thứ gì gắn cái mác “dâng hiến”. Chúng ta phải cân nhắc dâng hiến, quyên góp hợp lý, giúp các tổ chức uy tín thực hiện tốt công việc mà họ đang làm. Hãy suy rằng khoản dâng của chúng ta có thể mang lại hiệu quả tốt nhất ở đâu. Một đồng được dâng vào đúng nơi có thể tạo ra sự khác biệt tuyệt vời.
Chia sẻ phước hạnh tài chính Chúa ban
Tại sao chúng ta không dâng nhiều hơn? Có lẽ chúng ta nghĩ rằng linh hồn mới quan trọng, chứ không phải vật chất. Chẳng phải Chúa Jêsus đã nói rằng vương quốc Ngài không nằm thế gian này sao? Hoặc có lẽ, chúng ta ích kỷ hơn nhiều so với những gì chúng ta muốn thừa nhận – “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không” (Rô-ma 3:10–12) và chúng ta “chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét” (Rô-ma 7:15–20).
Trong 2 Các Vua 7, có bốn người phung ngoài tường thành Sa-ma-ri khi quân Sy-ri bao vây Ê-li-sê và cư dân trong thành. Cuộc vây hãm này khiến cả thành chết đói (đến mức ăn thịt đồng loại) và trên bờ vực đổ nát, nhưng Chúa đã đánh đuổi quân Sy-ri trong một đêm, như lời Ngài đã hứa. Tuy nhiên, chỉ có bốn người phung biết rằng doanh trại Sy-ri giờ đã hoang vắng. Họ đến trại “ăn và uống; đoạn họ lấy bạc, vàng, và quần áo đem đi giấu” (câu 8). Sau đó, họ nhận ra mình có nghĩa vụ chia sẻ phước hạnh Đức Chúa Trời ban để giúp đỡ cả thành đang đói kém:
“Bấy giờ, họ bèn nói với nhau rằng: Chúng ta làm chẳng phải; ngày nay là ngày có tin lành, và chúng ta nín lặng sao! Nếu chúng ta đợi đến rạng đông, thì sự hình phạt chắc sẽ lâm vào chúng ta. Vậy, ta hãy đi báo tin nầy cho nhà vua” (câu 9)
Giống như những người phung này, mong rằng chúng ta nhận ra phước hạnh Chúa ban không chỉ dành cho chúng ta. Chúa cung cấp cho nhu cầu của chúng ta, và Ngài cũng mong chúng ta cung cấp cho nhu cầu của người khác. Như sứ đồ Phao-lô khuyên nhủ, mong sao chúng ta “miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (1 Ti-mô-thê 6:8). Hãy nhớ rằng mọi thứ chúng ta có đều do Chúa ban, nên chúng ta phải quản lý thật tốt. Hãy yêu thương những người mang hình ảnh Chúa bằng phước hạnh tài chính mà Chúa đã ban cho chúng ta.
Bài: Paul Rezkalla; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/giving-isnt-optional/)