Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhKhi Nào Chúa Mới Chữa Lành Tôi?

Khi Nào Chúa Mới Chữa Lành Tôi?

Khi nào Chúa sẽ chữa lành những nỗi đau của chúng ta? Và tại sao dường như rất ít người được Đấng Christ chữa lành khi Ngài còn trong chức vụ trên đất?

Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng tham khảo bài giảng của mục sư John Piper có tựa đề “Đấng Christ và bệnh ung thư”. Từ khi bắt đầu chức vụ khoảng một tháng, mục sư John đã “quen thuộc” với cái chết, ung thư và bệnh tật. Lời chứng bắt đầu như sau:

Trước khi vào đại học, tôi hầu như không nghĩ đến bệnh ung thư hay bệnh nan y nói chung. Khi tôi đi học ở Wheaton, hai người rất thân thiết với tôi đã qua đời trước khi bước sang tuổi 22, một người mắc bệnh bạch cầu và một người bị ung thư tuyến bạch huyết. Sau đó, tôi đến Fuller Seminary, và trong vòng một năm, tôi chứng kiến giáo sư Jim Morgan gầy đi và qua đời vì ung thư ruột. Ông chỉ mới 36 tuổi.

Tiếp theo, tôi đến Đức học tập trong ba năm, và sáu tháng trước khi hoàn thành chương trình, cố vấn của tôi, Giáo sư Goppelt đã qua đời đột ngột trên đường đến trạm tàu điện ngầm vì nhồi máu cơ tim. Sau đó, tôi đến Bethel giảng dạy trong sáu năm, chứng kiến nhiều người trong ​​ban quản lý, sinh viên và giảng viên qua đời vì ung thư: Sue Port, Paul Greeley, Bob Bergurude, Ruth Ludeman, Graydon Hale, Chet Lindsey, Mary Ellen Carlson. Tất cả họ đều là Cơ Đốc nhân. Tất cả đều qua đời dù chưa ai đến tuổi bảy mươi. Bây giờ tôi đến Bethlehem, và Harvey Ring cũng đã ra đi. Bạn có thể nhân danh sách này lên gấp mười lần. Chúng ta nên nói gì về điều này?

Chúa chịu tổn thương vì chúng ta

Phần sau của bài giảng, mục sư John nói về việc chữa bệnh: Lời Chúa hứa chữa lành chúng ta và thời điểm Ngài sẽ làm điều đó.

Sẽ đến một ngày, mọi chiếc nạng, mọi chiếc xe lăn đều hóa thành mão triều thiên cứu chuộc, và tất cả chúng ta sẽ vui mừng cùng nhau trên vương quốc Thiên Đàng. Thời điểm đó vẫn chưa đến, nhưng ngày ấy chắc chắn sắp đến, tôi khẳng định như vậy.

Đấng Christ đã đến thế gian chết thay để cứu chuộc, bày tỏ sự cứu rỗi cả về tâm linh lẫn thể xác, và cho chúng ta biết trước điều đó. Nhiều “thầy thuốc” trong thời đại này hiểu sai và bóp méo ý định của Chúa. Tiên tri Ê-sai nói trong 53:5-6, phân đoạn mà Phi-e-rơ đã chọn lọc và hướng dẫn Cơ Đốc nhân (1 Phi-e-rơ 2:24):

“Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”.

Sự hy sinh của Đấng Christ đã cho chúng ta phước hạnh của sự tha thứ và chữa lành. Tất cả những ai hiệp nhất với Đấng Christ và sống cho Ngài sẽ có cả hai phước hạnh này.

Số ít được chữa lành 

Nhưng đến khi nào? Khi nào những phước hạnh đó được ban trọn vẹn? Khi nào cơ thể chúng ta không còn bị nô lệ cho sự thối nát nữa? Trong các sách Phúc Âm, Chúa Jêsus thực hiện chức vụ chữa lành và tha thứ. Ngài nói với các môn đồ đang bối rối của Giăng Báp-tít:

“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy về, thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy: Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành. Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!” (Ma-thi-ơ 11:4–6).

Chúa Jêsus khiến kẻ chết sống lại. Ngài đang mang đến vương quốc được mong đợi từ lâu. Vậy tại sao lại có người vấp phạm vì cớ Ngài? Vì Ngài chỉ cứu sống ba người và để hàng nghìn người chết. Tại sao Chúa chỉ cứu ba người trong khi Ngài đến làm cho kẻ chết sống lại? Có phải vì người thân của những người chết kia không có đủ đức tin? Hoàn toàn sai lầm!

Trong Lu-ca 7, Ngài đã gọi con trai bà góa sống lại. Bà không biết Ngài thuộc dòng dõi A-đam. Bà không biết Chúa Jêsus là ai. Bà thậm chí chưa từng nhìn thấy Ngài. Kinh Thánh chỉ viết rằng Ngài động lòng thương xót khi thấy họ đưa quan tài cậu bé rời khỏi thị trấn. Chẳng lẽ Ngài không thương xót tất cả góa phụ ở Y-sơ-ra-ên sao? Chắc chắn là có.

Dành riêng cho thời đại sắp tới

Tại sao Chúa Jêsus chỉ kêu một vài người sống lại, chứ không phải tất cả mọi người? Câu trả lời trái ngược với mong đợi của người Do Thái: lần đầu Đấng Mê-si xuất hiện vẫn chưa hoàn thành công trình cứu chuộc và cũng chưa kết thúc thời đại sa ngã. Lần đầu Đấng Mê-si đến là để trả giá cho sự cứu rỗi, để chứng minh rằng sự cứu chuộc sẽ đến với cả thể xác lẫn tâm linh, và cho chúng ta nếm biết trước điều đó. Ngài sẽ đến lần nữa, và khi ấy, sẽ có sự phục sinh và chữa lành cho tất cả con dân Ngài. Vào ngày ấy, không còn khóc lóc, không còn nỗi đau.

Nhưng đừng nhầm lẫn, vì chúng ta đã được nếm trước sự cứu chuộc đó. Sự tha thứ và chữa lành là có thật. Chúa có thể và hiện đang chữa lành những người bệnh để đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta, và đừng bao giờ nghĩ rằng Ngài không làm vậy. Nhưng không phải lúc nào Ngài cũng làm điều đó. 

Trong thời đại này, có những người bịa đặt về phép lạ, họ công bố rằng Chúa Jêsus muốn bạn khỏe mạnh ngay lúc này. Họ đang phạm tội làm sai lệch hoàn toàn ý muốn Đức Chúa Trời. Họ không hiểu được cốt lõi mục đích của Chúa trong thời đại sa sút này. Họ đã giảm thiểu mức độ nguy hiểm của tội lỗi, và khả năng thanh tẩy trong đau khổ, cũng như giá trị đức tin có được từ nỗi đau, và họ có tội khi cố gắng đánh đồng những điều Chúa dành cho thời đại sau vào chính thời đại này.

Thở than trong lòng

Rô-ma 8:23–24 viết: “Không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng, đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy. Vì chúng ta được cứu trong sự trông cậy, nhưng khi người ta đã thấy điều mình trông rồi, ấy không phải là trông nữa: mình thấy rồi, sao còn trông làm chi?”. Vì sự cứu chuộc từ Đấng Christ, chúng ta có Thánh Linh, nhưng chỉ mới là trái đầu mùa, là sự cứu chuộc chúng ta được nếm biết trước. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh: “lại chúng ta … cũng than thở trong lòng” – ông đang cảnh báo người Rô-ma và chính chúng ta để không suy luận sai lầm.

Suy luận sai lầm đó là: “Tôi có Đức Thánh Linh – Đức Chúa Trời toàn năng đang ngự trị trong cuộc đời mình. Vậy tại sao tôi vẫn phải chịu sự trói buộc của thời này?” Và Phao-lô phản biện lại suy luận của những người chỉ trông chờ đợi sự giải cứu thể xác: “lại chúng ta… cũng than thở trong lòng”. Phao-lô dứt khoát chỉ ra tình trạng nhiều người đòi hỏi sự chữa lành cho cả thế gian ngay trong thời đại này. 

Trong phân đoạn này, chúng ta cũng mong ngóng cơ thể xác thịt được cứu chuộc, và than thở trong khi mong đợi. Cứu Chúa Jêsus Christ đã mua lấy sự cứu chuộc, Ngài đã chứng minh rằng sự cứu chuộc sẽ đến với cả thể xác lẫn tâm linh, và Ngài đã cho chúng ta nếm biết trước vinh hiển của sự cứu chuộc.

Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/interviews/when-will-christ-heal-my-body)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN