Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh“Lạy Chúa, Xin Cho Chúng Con Lòng Dạn Dĩ”

“Lạy Chúa, Xin Cho Chúng Con Lòng Dạn Dĩ”

Nội dung lời cầu nguyện sẽ thể hiện bản chất người cầu nguyện, vì chúng ta thường cầu nguyện những gì mình yêu thích và những gì chúng ta yêu thích tạo nên con người chúng ta. Điều này không chỉ đúng với cá nhân, mà còn đúng với Hội Thánh. Giống như khi Hội Thánh đầu tiên cầu nguyện:

“Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ, giơ tay Ngài ra, để nhờ danh đầy tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Jêsus, mà làm những phép chữa lành bịnh, phép lạ và dấu kỳ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:29–30).

Trong vô vàn lời cầu nguyện, Hội Thánh sơ khai lại cầu xin Đức Chúa Trời ban cho họ sự dạn dĩ: “Và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ…”

Chúng ta – Hội Thánh ngày nay nên học hỏi từ lời cầu nguyện của thế kỷ thứ nhất này.

Lời cầu nguyện tập trung vào Chúa Jêsus

Trên đường đến đền thờ, sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng gặp một người què – khuyết tật từ khi mới sinh ra. Người này đang làm điều mà ông vẫn luôn làm: xin tiền những người đi ngang qua. Nhưng vào ngày đặc biệt này, điều bất ngờ đã xảy ra. Người đi ngang qua đáp: “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:6).

Trong tích tắc, người què được chữa lành. Ông bật dậy và bắt đầu bước đi: “người liền nhảy, đứng lên và bước đi cùng hai người vào đền thờ, vừa đi, vừa nhảy, vừa ngợi khen Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:8). Cảnh tượng thu hút cả đám đông, vì vậy Phi-e-rơ đã làm những gì Phi-e-rơ vẫn luôn làm. Ông giảng Phúc Âm. Bài giảng của ông đầy ắp chứng cứ rõ ràng về con người và mục đích của Chúa Jêsus. Ngài là Đấng Thánh và Đấng Công Bình (câu 14), Chúa của sự sống mà Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại (câu 15). Chúa Jêsus là lý do duy nhất khiến người què được chữa lành (câu 17).

Sau đó, Phi-e-rơ tiếp tục chứng minh rằng Kinh Thánh Hê-bơ-rơ đã tiên tri từ lâu về Chúa Jêsus, từ thời Môi-se trong Phục Truyền Luật Lệ Ký và lời Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký, đến hết thảy các tiên tri đã phán, từ Sa-mu-ên và các đấng nối theo người (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:24). Lời Phi-e-rơ nói luôn luôn tập trung vào Chúa Jêsus, và kêu gọi mọi người phải dứt khoát ăn năn ngay bây giờ (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19, 26).

Mở lối vào thế giới mới 

Các lãnh đạo Do Thái “tức mình vì hai người dạy dân chúng và rao truyền, nhân Đức Chúa Jêsus, sự từ kẻ chết sống lại” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:2).

Phi-e-rơ và Giăng không chỉ làm chứng về sự phục sinh của Chúa Jêsus, họ còn nói rằng sự sống lại của Ngài đã mở lối chúng ta vào thời đại phục hưng. Như Alan Thompson viết: “Trong bối cảnh Công Vụ Các Sứ Đồ 3–4, sự kiện Chúa Jêsus phục sinh báo trước sự phục sinh chung của thế giới, và hiện có cho những ai đặt đức tin nơi Ngài, phước hạnh của những ngày sau rốt. Việc chữa lành người què đã công bố điều này: Con người mới đã thay thế con người cũ”.

Bởi sự phục sinh của Chúa Jêsus, mọi thứ đã thay đổi. Ngài là trung tâm mọi mục tiêu cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nếu phớt lờ điều này sẽ khiến chúng ta lãnh hậu quả đời đời. Sứ điệp này làm các lãnh đạo Do Thái tức giận, nên họ bắt Phi-e-rơ và Giăng để đưa ra xét xử vì những việc xảy ra ngày hôm đó.

Họ hỏi: “Bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai mà các ngươi làm điều nầy?” họ yêu cầu (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:7). Phi-e-rơ, đầy dẫy Đức Thánh Linh, lại có lời chứng rõ ràng như pha lê, nói rằng người què được chữa lành nhờ Chúa Jêsus. Chúa Jêsus là Đấng Mê-si, đã bị đóng đinh và sống lại, và là Đấng được tiên tri trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Phi-e-rơ nói rằng Chúa Jêsus là hòn đá được đề cập trong Thi thiên 118:22, “hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà”. Chỉ trong Chúa Jêsus, con người mới có thể được cứu (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Những “người tầm thường”

Các lãnh đạo Do Thái đã rất ngạc nhiên. Họ không hiểu tại sao “người dốt nát không học” như Phi-e-rơ và Giăng lại dạn dĩ như vậy (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Họ không phải là thầy, thậm chí không phải học sinh, họ chỉ là ngư dân. Điều đó càng kích động các lãnh đạo Do Thái. Những con người “tầm thường” này đã dạy dỗ mọi người! Và bây giờ họ còn giải thích Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ trước những thông dịch viên Do Thái lành nghề, cho họ biết Chúa Jêsus là ai, và họ là ai theo Kinh Thánh.

Các lãnh đạo Do Thái đã nhìn thấy “sự dạn dĩ” của họ (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13), nhưng điều này không chỉ đơn thuần ám chỉ giọng điệu cảm xúc. Sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng không nói về thái độ nhiệt thành – mà là về những lời họ đang nói. Sự dạn dĩ này nhiều lần được dùng để mô tả lời nói trong Công Vụ Các Sứ Đồ, nên “sự dạn dĩ” trong nhiều phân đoạn có nghĩa là “nói một cách tự do hoặc cởi mở”. Đó là những gì Phi-e-rơ và Giăng đã làm. Họ nói rõ ràng, tự do, cởi mở, mạnh dạn về Chúa Jêsus theo Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ – và họ đã dạn dĩ như vậy dưới sự đe dọa dữ dội của bậc cầm quyền.

Khi chứng kiến điều này, ngay cả các lãnh đạo Do Thái cũng bắt đầu nhận ra sự thật: “Lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Làm sao những ngư dân chưa qua đào tạo này lại học được cách giảng giải Kinh Thánh như vậy? Làm sao họ có thể tự tin giải thích ý nghĩa Kinh Thánh khi họ chưa bao giờ được học? Bởi vì họ được chính Chúa Jêsus dạy dỗ. Họ đã ở với Chúa Jêsus, vì vậy họ dạn dĩ lạ thường. Họ đã bày tỏ rõ ràng về Chúa Jêsus, cả về con người và công việc Ngài, dựa trên những gì Kinh Thánh chép, ngay cả khi có thể phải trả giá bằng mạng sống.

Cất tiếng nói cùng nhau 

Đây chính là sự dạn dĩ mà Hội Thánh đầu tiên cầu xin trong Công Vụ Các Sứ Đồ 4:29–30.

Các lãnh đạo Do Thái cảnh báo Phi-e-rơ và Giăng không được nói về Chúa Jêsus, nhưng cuối cùng cũng phải thả hai người. Phi-e-rơ và Giăng đến cùng anh em mình để thông báo những việc đã xảy ra. Anh em của Phi-e-rơ và Giăng – Hội Thánh mới thành lập ở Giê-ru-sa-lem “một lòng cất tiếng lên cầu Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:24). Lời cầu nguyện chung của họ rất phong phú, với lời chứng trong Cựu Ước về Chúa Jêsus, giống như bài giảng của Phi-e-rơ. Họ biết con người của Chúa Jêsus. Họ biết tại sao Ngài đến. Và họ biết sứ điệp này sẽ bị phản đối. 

Họ đã cầu nguyện điều gì?

Họ không cầu nguyện để có được lập trường rõ ràng về các vấn đề văn hóa hiện tại, hoặc cơ hội đối thoại với những người ngoại đạo, hoặc bác bỏ các loại chủ nghĩa khác nhau, hoặc phát triển triết lý hay văn hóa Cơ Đốc cụ thể (những điều Hội Thánh có thể cầu nguyện trong những thời điểm đặc biệt). Nhưng Hội Thánh không cầu xin những điều này trong Công Vụ Các Sứ Đồ 4. Thay vào đó, họ cầu nguyện để được dạn dĩ nói lời Chúa. Họ cầu xin Chúa ban cho họ khả năng diễn đạt giống như Phi-e-rơ và Giăng – để làm chứng rõ ràng về danh Chúa Jêsus từ Lời Đức Chúa Trời, bất kể giá nào, khi thời đại mới tiếp tục mở rộng. 

Ngày nay, Hội Thánh chúng ta có bao giờ cầu nguyện như vậy không?

Chúng ta thiếu một tấm lòng như họ? Một góc nhìn như họ? Hoặc thiếu cả hai?

Thế giới ngày nay cần sự dạn dĩ của chúng ta như Giê-ru-sa-lem cần sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng. Họ cần được nghe lời chứng mạnh mẽ về danh Chúa Jêsus và công việc Ngài. 

Cầu xin sự phục hưng

Hội Thánh của Đấng Christ phải nổi bật với khao khát được biết Chúa Jêsus và làm cho danh Ngài được biết đến. Đây là ưu tiên thực sự của Hội Thánh trong mọi thời đại, mọi nền văn hóa.

Tất cả chúng ta đều phải nói về Chúa Jêsus, và những gì chúng ta nói về Ngài là yếu tố cực kỳ quan trọng. Khi không thể tuân theo lời kêu gọi này, chúng ta được nhắc nhở về nhu cầu được phục hưng – điều chúng ta phải cầu xin nơi Đức Chúa Trời. Giống như Hội Thánh đầu tiên, tấm lòng chúng ta phải luôn khao khát làm chứng cho sự vinh hiển Chúa Jêsus và mục đích Ngài trên thế gian. Đó chính là Hội Thánh. Hãy phục hưng, và phát triển Hội Thánh – mặc dù xã hội này chống lại chúng ta.

Xã hội muốn Hội Thánh “hữu ích” về mặt xác thịt – điều mà tác giả J.I. Packer gọi “Phúc Âm mới”, thay cho Phúc Âm Kinh Thánh. Packer giải thích, trong khi mục đích chính của Phúc Âm Kinh Thánh là kêu gọi mọi người thờ phượng Chúa, thì “Phúc Âm mới” lại tập trung làm hài lòng mọi người. Trọng tâm Phúc Âm Kinh Thánh là Đức Chúa Trời và đường lối Ngài; còn trọng tâm của “Phúc Âm mới” là con người và sự giúp đỡ Chúa dành cho con người. Xã hội đòi hỏi “Phúc Âm mới”, và những người từ chối làm điều này bị xem là lập dị. Trước áp lực ngày càng gia tăng, chúng ta cần cầu xin Chúa cho chúng ta khả năng nói rõ ràng, tự do, cởi mở, mạnh dạn về Chúa Jêsus theo Kinh Thánh, bất kể giá nào.

Chẳng phải đây là dấu hiệu phục hưng sao? Chẳng lẽ Chúa sẽ không nhậm lời chúng ta cầu nguyện như Ngài đã nhậm lời Hội Thánh đầu tiên sao?

“Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:31).

Bài: Jonathan Parnell; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/god-make-us-bold-about-jesus)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN