Tôi rất yêu thương và kính trọng cha mẹ. Nhưng không phải ai cũng có cha mẹ tuyệt vời như tôi. Đối với nhiều người, việc hiếu kính cha mẹ thật không dễ dàng. Càng trưởng thành, chúng ta càng thấy rõ lỗi lầm của cha mẹ. Và khi con cái bước sang tuổi trưởng thành, quyền hạn của cha mẹ cũng giảm bớt. Mối quan hệ cha mẹ – con cái dần dần thay đổi. Nhiều vấn đề bắt đầu nảy sinh: “Làm sao tôi có thể tôn kính cha mẹ trong khi tôi không thể tôn trọng họ?”
Ý nghĩa của “tôn kính” và “tôn trọng” không quá khác nhau. “Tôn trọng” là thái độ trong lòng chúng ta đối với tính cách hoặc thành tựu của người khác, trong khi “tôn kính” là những biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động thể hiện lòng tôn trọng danh cho họ.
Câu hỏi chính xác ở đây là: “Làm thế nào để chúng ta tôn kính hoặc tôn trọng cha mẹ trong khi họ không hề ăn năn và luôn làm chuyện sai trái?” Đây là một câu hỏi rất quan trọng, không chỉ vì mỗi Cơ Đốc nhân phải tuân theo mệnh lệnh của Chúa Jêsus – “hiếu kính cha mẹ” (Ma-thi-ơ 19:19) – mặc dù có rất nhiều bậc cha mẹ đáng trách. Câu hỏi này cũng quan trọng vì tất cả chúng ta đều phải đối mặt với cùng một vấn đề tương tự trong mọi mối quan hệ, bởi vì 1 Phi-e-rơ 2:17 chép: “Hãy kính mọi người” – không chỉ “tôn kính cha mẹ” mà còn là “ kính mọi người” – “Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua”. Nhưng có những kẻ thật đáng ghê tởm, suốt đời làm những việc hèn hạ, luôn căm ghét mọi người và chối bỏ Đức Chúa Trời – vậy thì nơi họ có điểm gì đáng để tôn trọng?
7 cơ sở cho lòng tôn trọng
Kinh Thánh Tân Ước đưa ra 7 cơ sở để tôn trọng một người. Những cơ sở khác nhau kêu gọi những cách tôn trọng khác nhau. Một số cơ sở có thể áp dụng cho việc tôn kính những bậc cha mẹ đáng trách hoặc phạm tội.
- Hình ảnh Chúa
Thứ nhất, con người đáng được tôn trọng đơn giản vì chúng ta được tạo ra theo hình ảnh Chúa, và phải được đối xử khác với động vật. Ví dụ:
“Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức-Chúa Trời. Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy” (Gia-cơ 3:9–10).
Nói cách khác, việc mang hình ảnh Đức Chúa Trời vốn đã mang đến danh dự cho mỗi con người. Vì vậy, khi được hỏi: “Làm sao để tôn trọng kẻ ấu dâm, kẻ hiếp dâm, kẻ giết người, kẻ cầm đầu tội ác diệt chủng?”, tôi trả lời rằng: “Bạn không nên ném đá họ như một con bò húc chết người” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:28–32). Họ nên được bồi thẩm đoàn xét xử, vì họ là con người chứ không phải động vật. Đó là một hình thức tôn trọng, ngay cả khi phiên tòa phán ra án tử.
- Quan hệ tự nhiên
Vốn có sự tôn trọng trong những mối quan hệ tự nhiên mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. “Hiếu kính cha mẹ” là thái độ tự nhiên trong mối quan hệ mà Đức Chúa Trời đã sắp đặt – không chỉ vì phẩm chất của cha mẹ. Thêm vào đó là lòng tôn trọng vì tuổi tác. Lê-vi Ký 19:32: “Các con phải đứng dậy trước mặt người tóc bạc, tôn kính người già cả và kính sợ Đức Chúa Trời của các con. Ta là Đức Giê-hô-va.”
- Thẩm quyền Đức Chúa Trời ban
Lòng tôn trọng đi kèm với thẩm quyền Đức Chúa Trời ban cho. Điều này trùng lặp với cơ sở thứ hai, nhưng bản chất lại không giống nhau. Trong thế gian, Phi-e-rơ nói phải “tôn trọng vua” (1 Phi-e-rơ 2:17). Trong Hội Thánh, Phao-lô nói qua 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12: “Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy kính trọng những người đang làm việc vất vả giữa anh em”. Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã ban thẩm quyền cho một số người trong thế gian và Hội Thánh, nên chúng ta phải tôn trọng những người do chính Đức Chúa Trời lựa chọn.
- Công sức lao động
Mọi người nên được tôn trọng vì công sức lao động và giá trị công việc của họ. Trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:13, Phao-lô nói rằng: “Hãy lấy lòng yêu thương mà tôn kính họ vì công việc họ làm”. Nói cách khác, mọi công việc đều có giá trị và đáng để chúng ta tôn trọng.
- Chức vụ đầy tớ
Phao-lô khuyên chúng ta vừa yêu thương vừa tôn trọng các lãnh đạo Hội Thánh vì những công việc của họ trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca. “Hãy lấy lòng yêu thương mà tôn kính họ vì công việc họ làm” (câu 13). Nói cách khác, chúng ta tôn trọng vì chúng ta yêu thương họ, chứ không chỉ vì chất lượng công việc của họ.
- Điểm yếu
Chúng ta cũng cần tôn trọng điểm yếu của nhau. Phi-e-rơ đề cập đến điều này trong mối quan hệ vợ chồng: “Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quý trọng vợ như phái yếu hơn” (1 Phi-e-rơ 3:7). Nói cách khác, những người thuộc về Đấng Christ không khinh dễ, bóc lột hay lạm dụng người yếu đuối, nhưng phải tôn trọng họ.
- Ân điển Đấng Christ
Đây là điều quan trọng nhất. Có một loại tôn trọng không phụ thuộc vào bất kỳ phẩm chất, địa vị, danh tiếng, cấp bậc hay lầm lỗi của người khác. Đó là sự tôn trọng bày tỏ cho những điều chẳng đáng được tôn trọng. Lòng tôn trọng ấy khiến chúng ta đối xử với mọi người như thể họ đáng kính và xứng đáng được phục vụ, vì đó là lòng tôn trọng vô điều kiện.
Kiểu tôn trọng này bắt nguồn chính tâm trí Đấng Christ, trong sự nhập thể và hy sinh của Ngài trên thập tự giá.
“Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình… Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Christ Jêsus đã có, Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:3,5–7).
Vì vậy, chúng ta cần tự do và ân cần tôn trọng những người không đáng được tôn trọng. Chúng ta cần đối xử với họ tốt hơn những gì họ xứng đáng nhận được. Chúng ta phải xem mình là người phục vụ. Chúng ta tôn trọng họ như thể họ xứng đáng được phục vụ, cho dù thực tế thì không. Nhờ đó, chúng ta trao cho họ lòng tôn trọng vô điều kiện, giống như ân điển Đấng Christ đã ban và hy sinh Ngài dành cho chúng ta – tôn trọng người khác như chúng ta đã được Ngài tôn trọng mặc dù không xứng đáng.
Dâng lên Đấng đáng được tôn kính
Những cơ sở này không hề khiến chúng ta chúng ta phạm tội giả hình khi tôn trọng những người không đáng. Kinh Thánh không bao giờ đòi hỏi chúng ta sống dối trá.
Tóm lại, chúng ta tôn trọng người khác vì:
- Họ mang hình ảnh Đức Chúa Trời,
- Mối quan hệ tự nhiên mà Đức Chúa Trời đã định,
- Thẩm quyền mà Đức Chúa Trời đã giao phó,
- Giá trị công việc họ đã làm,
- Tình yêu thương,
- Sự yếu đuối,
- Vô điều kiện, để bày tỏ ân điển dư dật Đức Chúa Trời dành cho mọi người.
Và trong số 7 cơ sở này, có ít nhất 4 hoặc 6 lý do để tôn trọng những bậc cha mẹ đáng trách. Hãy xem xét lý do nào là phù hợp cho tình huống của bạn.
Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/interviews/how-can-i-honor-my-parents-if-i-dont-respect-them)