Đọc Kinh thánh: Ma-thi-ơ 7:17-20
17Vậy, nếu cây lành thì sinh trái lành; còn cây độc thì sinh trái độc.
18Cây lành không thể sinh trái độc, còn cây độc cũng không sinh trái lành được.
19Bất cứ cây nào không sinh trái lành, thì bị đốn và ném vào lửa.
20Như thế, nhờ bông trái, các con sẽ nhận biết được chúng.
Suy niệm: Chúng ta đã nghiên cứu qua phần tiên tri giả, và đã phân tích việc xem quả mà biết cây, tức là phân biệt người tin Chúa thật và giả. Hôm nay xin tiếp tục phần thử nghiệm giữa thật và giả.
Nhiều khi chúng ta quá quan tâm về tình trạng băng hoại của xã hội bên ngoài mà bỏ qua những hư hỏng bên trong giáo hội. Giáo hội đang bị đời xâm nhập nhiều hơn là đời bị giáo hội xâm nhập. Người ta đem đời vào đạo thay vì đạo vào đời. Chính vì vậy mà có những người tín đồ giả hiệu của đời lồng vào đạo.
Đây là một nan đề tế nhị cần phải thí nghiệm bằng nhiều phương cách mới tìm ra được. Thí nghiệm có thể vừa tổng quát, lại vừa chuyên biệt cho từng trường hợp.
Trước tiên, chúng ta nhìn vào một người tự xưng là người tin Chúa. Người ấy không nói điều gì sai lạc với giáo lý và có vẻ sống một cuộc sống tin Chúa tốt. Làm sao có thể thí nghiệm xem người ấy có thật tin Chúa hay không? Ta nên nhớ rằng có những người sống tốt, đạo đức, không làm điều gì tai hại, giống y như người tin Chúa, nhưng vẫn có thể không tin Chúa.
Ta có thể đặt các câu hỏi trắc nghiệm sau đây: Tại sao người ấy sống cuộc đời như vậy? Có nhiều lý do, có thể là vì bẩm sinh tính tình người ấy như thế. Người ấy có tính tốt, không ồn ào, không có những tính hư tật xấu. Đây là một loại người tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Câu hỏi thứ hai, người này sống cuộc đời như vậy vì có một niềm tin nào đó hay là có theo một hệ thống luân lý đạo đức nào không?
Có những người đọc sách, theo một số triết lý sống đông phương cương kỷ, lành mạnh và sống rất thánh thiện, đến nỗi có khi người ta bảo rằng, không có đạo mà còn hơn có đạo nữa. Nhưng có đời sống đạo đức cũng không quan hệ gì đến việc có tin Chúa thật hay không.
Các triết gia Hi-lạp thời xưa đã có những lối sống rất sâu nhiệm và dạy về các nguyên tắc luân lý đạo đức trước khi Chúa Giê-xu vào đời nữa, nhưng đối với tin mừng cứu rỗi của Chúa Giê-xu, nhiều khi các triết gia này lại là những người chống đối cực kỳ mãnh liệt. Chính họ là những người gọi việc giảng thập tự giá là điên dại.
Câu hỏi thứ ba, Người ấy sống cuộc đời tốt lành như vậy có phải từ khi người ấy tin Chúa và theo lời Chúa mà áp dụng vào cuộc đời mình hay không? Nếu không phải vì niềm tin nơi Chúa mà người ấy sống đời thiện lành như vậy thì không có giá trị gì cả. Nếu người ấy tự xưng là người tin Chúa chỉ vì bẩm sinh đã là người có tính hiền tốt, thì chỉ là một loại quả trái mà Chúa gọi là xấu mà thôi.
Ta nên nhớ rằng lời Chúa dạy rằng: Tất cả những công đức thánh thiện của loài người chúng ta chỉ là những giẻ rách hôi hám trước Chúa toàn thánh, toàn thiện. Vì nếp sống thánh thiện theo mắt người đời là những con người tội lỗi thật là đáng khen, nhưng so với tiêu chuẩn của Chúa vẫn còn thiếu hụt, chưa hội đủ tiêu chuẩn vinh quang của Chúa. Vì chỉ con người tin Chúa thật, được Chúa tha tội và ban cho bản tính mới mới thật sự có giá trị trước mắt Chúa mà thôi.
Đó là những trắc nghiệm tổng quát. Ta hãy xem thử một vài trắc nghiệm chuyên biệt. Trắc nghiệm này không phải chỉ để phán xét người nào khác, nhưng cũng là để nghiệm xét chính mình chúng ta nữa, vì vậy nên cẩn thận. Trắc nghiệm này vừa tiêu cực lại vừa tích cực.
Tiêu cực nghĩa là, nếu một người không phải là một tín đồ thật của Chúa, nếu người ấy không tin giáo lý căn bản chân chính, thì chắc chắn chúng ta trước sau cũng sẽ thấy trong đời sống người ấy có một khuyết điểm, hay một thất bại nào đó trong việc tuân giữ đúng bản chất của người tin Chúa thật. Người ấy có thể không phạm lỗi gì trắng trợn như say sưa, trộm cắp hay giết người chẳng hạn, nhưng nếu người ấy không thực sự tin vào những giáo lý căn bản Chúa dạy, thì trước sau cũng sẽ thấy có vi phạm luật Chúa. Nếu một người không biết hay không quan tâm đến đức thánh thiện tuyệt đối của Chúa và tình trạng vô hi vọng của tội, nếu người ấy không thấy rõ rằng sứ điệp thập tự giá là mọi công đức đạo đức của con người đều vô giá trị và tự nhận rằng người ấy là một tội nhân nhơ bẩn hoàn toàn bất lực trong việc tự cứu lấy mình, thì người ấy sẽ chứng tỏ rõ như vậy trong đời sống. Mặc dù người ấy có sống theo đúng tiêu chuẩn luân lý đạo đức chăng nữa. Vì người không công nhận giáo lý cao vời vợi về cứu rỗi này, trước sau sẽ không bước nổi trên đường hẹp, và ít nhiều sống phù hợp với đời và tiêu chuẩn của con đường rộng. Lối sống người ấy trông không khác gì người tin Chúa cho lắm, nhưng nếu quan sát kỹ vào từng chi tiết, ta sẽ thấy đó là một cuộc đời thất bại. Đây là điểm khó nói rõ từng chi tiết, nhưng tổng quát là, có người thấy không có gì sai lạc cả, tuy nhiên ta cảm thấy đời sống người ấy không hoàn toàn đúng. Dù không thấy gì để tố cáo, nhưng cảm thấy lối sống của người ấy có vẻ rất đời và không thiêng liêng gì cả.
Về phương diện tích cực, ta tìm người tín đồ thật là người sống với các bằng chứng về phước lành Chúa dạy trong chương năm của Phúc Âm Ma-thi-ơ mà chúng ta đã học. Trắc nghiệm về quả trái này không tiêu cực, nhưng tích cực. Có những quả xoài trong coq vẻ ngon ngọt, nhưng khi ăn mới thấy là rất chua. Một người tin Chúa thật phải là người phản ánh những phước lành của bài giảng trên núi. Vì cây tốt tất nhiên sinh trái tốt. Một người khi có bản chất thiêng liêng thì tất nhiên phát sinh quả trái mô tả trong tám phước lành. Người ấy sẽ có tâm hồn nghèo khó, than khóc về tội, nhu mì, đói khát về thánh thiện công nghĩa, làm người giải hòa, có lòng trong sạch v.v.
Trên đây chỉ là một vài trắc nghiệm để loại ra những người tín đồ giả hiệu. Vì các trắc nghiệm này đụng đến con người thật. Ta cũng có thể dùng trái của Thánh Linh trong Ga-la-ti để chứng nghiệm. Vì quả tốt sẽ phải có các đặc tính là yêu thương, mừng vui, an bình nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ. Những điều này không thể nào tìm thấy trong một người chỉ có đời sống đạo đức tốt theo tiêu chuẩn của đời. Đây cũng chính là quả tốt mà cây tốt sinh ra. Một người thực sự tin vào đức thánh khiết của Chúa, biết chính tình trạng tội phạm của mình, sự đóan phạt của Chúa, hỏa ngục và đau khổ đời đời, một người tin rằng mình thực sự là người xấu xa, vô hi vọng và không có ai khác hơn là Chúa Giê-xu từ trời xuống để cứu mình, Chúa đã chịu bao hổ nhục đau thương và chết để cốt đem ta trở lại với Đức Chúa Trời, nếu ý thức như vậy và tin như thế, người ấy sẽ chứng tỏ ra trong cuộc sống.
Một trong những thánh tính của người tin Chúa lhật là đức khiêm nhường hạ mình. Người nào không có đức tính này thì có thể đặt nghi vấn. Người ấy không phải chỉ đóng kịch khiêm nhường, nhưng thực sự nhu mì khiêm nhường. Con người tin Chúa tiêu biểu nhất là hạ mình trước Chúa và khiêm nhường trước mọi người. Người ấy tràn niềm vui trong Chúa, nhưng không sống bừa bãi, vô kỉ luật. Ngay đến cách ăn mặc, nói năng, cư xử cũng phản ánh đức khiêm nhường, hạ mình, chịu đựng, như thế mới chứng nghiệm cho lòng tin thật. Người khiêm nhường thường không biểu diễn bên ngoài những gì thuộc về mình, cũng không muốn tạo ấn tượng tốt về bản thân, nhưng lúc nào cũng tôn cao Chúa, và tôn trọng người khác. Đây cũng là trắc nghiệm cuối cùng để phân biệt tín đồ thật của Chúa.
Tuy nhiên dù có trắc nghiệm hay đến đâu, chỉ có Chúa mới là Đấng biết rõ tâm hồn người và định giá đúng về tình trạng của mỗi người. Ta cũng nên dùng các trắc nghiệm này để xem thử mình có thật là người tin Chúa không. Nếu tin Chúa, ta có thật sự đang sinh ra trái tốt cho Chúa hay không?
Mỗi chúng ta cần đến với Chúa mỗi ngày để xin Chúa cho mình sống thật với Chúa và có được quả trái ngon ngọt cho trần gian tội lỗi này nếm biết được và nhiều người được thu hút vào tình thương của Chúa.
Nguyễn Sinh