Trong Thánh Kinh có ghi lại các lễ hội nào của dân Chúa? Ngày nay chúng ta giữ các Lễ Hội nào?
Ngày nay dân Chúa trên thế giới có nhiều loại Lễ Hội khác nhau, và nhiều Lễ Hội mà ngày xưa dân Chúa không có.
Lễ Hội trong Kinh thánh hoàn toàn mang tính cách tôn giáo và đã có từ thời dựng nước Israel. Toàn bộ Lễ Hội được ghi lại trong Lê Vi Ký, nhất là chương 23.
Hai câu đầu tiên ghi: 1 Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: 2 Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nầy là những ngày lễ của Đức Giê-hô-va các ngươi hãy rao truyền ra là các lễ hội thánh. có nghĩa là các Lễ Hội trong dân Chúa là do chính Chúa truyền bảo tuân giữ.
Các Lễ Hội này bao gồm: Lễ Sa-bát hằng tuần, Lễ Vượt Qua hay Lễ Bánh Không Men, Lễ Thu Hoạch Mùa Màng, Lễ Các Tuần Lễ, Lễ Thổi Kèn, Lễ Thanh Tẩy, và Lễ Lều Tạm.
Tất cả các Lễ Hội này, trừ Lễ Thu Hoạch Mùa Màng, dân chúng đều được nghỉ làm việc và có hội họp trọng thể. Trong các lễ này người ta dâng lễ vật cho Chúa.
Trong ba Đại Lễ: Bánh Không Men, Các Tuần Lễ và Lều Tạm, tất cả những người nam của dân Chúa đều phải đến thờ phượng Chúa tại đền tạm, sau này là đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Theo như Xuất Ê-díp-tô ký 23:17 ghi: “17 Mỗi năm ba kỳ các người nam phải đến trước mặt Chúa, tức là Đức Giê-hô-va.”
Các Lễ Hội là dịp dân chúng được nghỉ làm việc, dâng hiến lễ vật cho Chúa. Dân chúng cũng có thể đem lễ vật thông công dâng lên Chúa để cảm tạ, hay hứa nguyện trước hiện diện của Chúa. Trong các lễ dâng này, thường thường người dâng được nhận lại một phần thịt con vật đem dâng để có thể ăn với gia đình và bè bạn ngay trong Lễ. Như Lê Vi Ký 7:11-18 đã ghi:
“11 Đây là luật lệ về của lễ cảm tạ mà người ta phải dâng cho Đức Giê-hô-va.
12 Nếu ai dâng của lễ đó đặng cảm tạ, thì phải dâng chung với những bánh nhỏ không pha men, chế dầu, bánh tráng không pha men thoa dầu, bột lọc trộn làm bánh nhỏ chế dầu;
13 lại phải thêm bánh có pha men mà dâng với của lễ thù ân cảm tạ.
14 Họ sẽ lấy một phần trong mỗi lễ vật làm của lễ chay giơ lên dâng cho Đức Giê-hô-va; của lễ đó sẽ thuộc về thầy tế lễ đã rưới huyết của con sinh tế thù ân.
15 Thịt của con sinh tế cảm tạ thù ân thì phải ăn hết nội ngày đã dâng lên, không nên để sót chi lại đến sáng mai.
16 Nếu của lễ dâng về việc thường nguyện hay là lạc ý, thì phải ăn con sinh đó nội trong ngày đã dâng lên; còn dư lại thì ăn ngày mai.
17 Nhưng phần còn dư lại đến ngày thứ ba thì phải thiêu đi.
18 Nếu ai ăn thịt của lễ thù ân trong ngày thứ ba, thì người nào dâng của lễ đó sẽ chẳng được nhậm và chẳng kể chi của lễ đó cho người nữa; ấy là một điều gớm ghê, ai ăn thịt đó sẽ mang lấy tội mình.”
Đôi khi các Lễ Hội được tổ chức lúc dân Chúa vừa hoàn thành một công việc nào lớn, như vượt qua Biển Đỏ và cuộc hủy diệt đoàn quân Ai-cập đuổi theo chẳng hạn. (Xuất 15). Hay là khi đưa Hòm Giao Ước của Chúa về Giê-ru-sa-lem (2 Sam 6:12-23). Hoặc là khi hoàn thành việc xây đền thờ (1 Vua 8:62-63) cũng như lúc tái thiết đền thờ. (Nê-hê-mi 12:27-47). Đa số các việc làm trong các dịp này là ca hát, tấu nhạc và nhẩy múa.
Dân Chúa ngày xưa cũng có các lễ hội như mừng sinh nhật, và đám cưới.
Mác 6:21: “Nhưng vừa gặp dịp mừng sinh nhật vua Hê-rốt, vua đã tiệc các quan lớn trong triều, các quan võ, cùng các bậc tôn trưởng trong xứ Ga-li-lê.” Chúa Giê-xu, mẹ Ngài và một số môn đệ khác cũng tham dự đám cưới tại Ca-na.
Các Lễ Hội được người Do-thái trong thời Tân Ước tiếp tục tuân giữ. Chúa Giê-xu khi ở trần gian đã dùng nhiều dịp Lễ Hội để dạy cho dân về chính Ngài và Phúc Âm. Thực ra chính Chúa Giê-xu đã hoàn thành ý nghĩa của các Lễ Hội, vì vậy mà người tin Chúa không còn giữ các Lễ Hội xa xưa nữa.
Chẳng hạn như trong một Lễ Hội Lều Tạm, Chúa Giê-xu đã nói rằng:
“37 Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống.
38 Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.
39 Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển. (Giăng 7:37-39).
Trong một Lễ Các Tuần Lễ hay quen gọi là Lễ Ngũ Tuần (Lễ 50 ngày), Đức Chúa Trời đã giáng Thánh Linh xuống cho các môn đệ để phổ truyền Phúc Âm.
Nhưng có lẽ bi thảm nhất là trong dịp Lễ Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giê-xu đã dạy các môn đệ về Thánh Tiệc với ý nghĩa của cái chết hi sinh của Ngài. Các khúc Thánh Kinh sau đây cho ta biết về việc này:
Ma-thi-ơ 26:26-30:
“26 Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta.
27 Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi;
28 vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.
29 Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta.
30 Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đi ra mà lên núi, Ô-li-ve.”
1 Cô-rinh-tô 11:23-26:
“23 Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh,
24 tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta.
25 Cũng một lẽ ấy, sai khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta.
26 Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.
Sứ Đồ Phao-lô giải thích:
“7 Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. 8 Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.”
Ngày nay người tin Chúa không còn giữ các Lễ Hội Do-thái nữa là vì các Lễ Hội này là bóng mà hình chính là Chúa Giê-xu. Hay nói cách khác, Chúa Giê-xu đã làm ứng nghiệm hết các ý nghĩa của Lễ Hội cổ thời. Phao-lô dạy rằng không ai còn bị bó buộc phải tuân giữ các lễ nghi cổ truyền, ông nói:
“16 Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, 17 Ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.” Cô-lô-se 2:16, 17.
Hội Thánh của Chúa ngày nay tuân giữ hai Lễ Hội lớn hằng năm là Chúa Giáng Sinh và Chúa Phục Sinh. Trong khi đó, Hội Thánh của Chúa còn có Lễ Thánh Tiệc vào mỗi tháng. Trong đó mọi người suy niệm về cái chết hi sinh của Chúa và tái cam kết rao truyền danh Chúa cho đồng bào, và đồng lọai.
Thực ra mỗi ngày Chủ Nhật, con dân Chúa trên toàn thế giới đều nghỉ việc để tham gia việc tôn thờ Chúa và học hỏi về Ngài. Con dân Chúa còn trông mong ngày Chúa trở lại trần gian. Đó là một đại lễ, vì mọi người được đoàn tụ với Chúa Giê-xu, và không còn bị ma quỷ làm hại nữa. Khải Thị gọi đó là Tiệc Cưới Chiên con, khi tất cả mọi người tin Chúa đều gặp Chúa.
Lễ Hội trong Hội Thánh ngày nay không phải là một bổn phận, nhưng là dịp tiện để ca ngợi Chúa và rao truyền Tin Mừng.
Đối với người tin Chúa thì việc tôn thờ ca ngợi Chúa không phải chỉ giới hạn trong các Lễ Hội, nhưng mỗi ngày đều dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, nài xin và cảm tạ, với những lời tái cam kết hứa nguyện sống ngay lành, trung tín, thánh thiện và phục vụ nhân loại bằng cách rao truyền tin mừng cứu rỗi của Chúa Giê-xu cho họ để vô số đồng bào được biết Chúa và tin Ngài.
Nguyễn Sinh