Khoảng thời gian dài đau khổ khiến chúng ta khao khát được giải thoát. Sức nặng quá lớn khi phải chịu đựng một mình. Thay vì hướng về thần tượng – sự thoải mái, được công nhận, quyền lực và sự kiểm soát, Kinh Thánh kêu gọi chúng ta hướng về Đức Chúa Trời qua việc than khóc. Vì Ngài thấu hiểu nỗi đau chúng ta, luôn chăm sóc cho tấm lòng mong manh và không đánh giá những cảm xúc hỗn loạn của chúng ta. Ngài không ngạc nhiên, mà ngược lại còn mời gọi chúng ta mang tất cả tâm tư đến cho Ngài.
Những lời cầu nguyện than khóc trong Kinh Thánh cho chúng ta một hình mẫu để dâng trình nan đề lên Chúa. Mỗi lời cầu nguyện thường có nhịp điệu giống nhau, chỉ khác ở cách diễn đạt của mỗi tác giả khi bày tỏ nỗi lo của mình với Chúa. Không chỉ mô tả sâu sắc nỗi đau khổ và tuyệt vọng của tác giả, những lời cầu nguyện này cũng mang lại niềm an ủi khi hoa trái của những tiếng khóc than này là hy vọng và niềm vui.
Trong tất cả những lời than khóc, lời cầu nguyện của Đa-vít trong Thi Thiên 13 yên ủi tôi nhất. Đây là một ví dụ điển hình về quá trình tiến triển ba bước của việc than khóc với Chúa, để chấp nhận nỗi đau và tìm thấy hy vọng trong tấm lòng khao khát.
- Nói với Ngài
Trong Thi-thiên 13:1–2, Đa-vít bày tỏ cảm giác bị Đức Chúa Trời bỏ rơi. Ông lặp lại bốn lần cụm từ “đến chừng nào”, “đến bao giờ”, thể hiện sự thất vọng vì bị Đức Chúa Trời lãng quên. Đa-vít cho rằng mình đang bị kẻ thù đánh bại, trong khi Chúa thì không thấy đâu. Lời Đa-vít cực kỳ trung thực, thẳng thắn và không vội vàng. Như thể ông dành nỗi lo của mình cho Chúa, tìm cách giải phóng nỗi buồn đang đè nặng trên tâm hồn ông.
Than khóc cho chúng ta cơ hội “thành thật” với Đức Chúa Trời. Hãy trung thực về những gì đã xảy ra và thành thật bày tỏ cảm nhận của bạn. Hãy nói với Chúa về nỗi tuyệt vọng, đau buồn và mệt mỏi của bạn. Chia sẻ với Ngài bạn cảm thấy bị bỏ rơi và đuối sức vì hoàn cảnh của mình ra sao. Hãy nhớ rằng, khao khát trong lòng chúng ta thể hiện nỗi đau, vì hy vọng của chúng ta đã chết.
Để chịu đựng được nỗi đau, chúng ta phải nhìn nhận nó. Khóc than giúp chúng ta cởi mở và trung thực bày tỏ những mất mát của mình với Đức Chúa Trời. Cho dù đó là nỗi khổ vì cuộc sống độc thân quá lâu, hay gánh nặng chăm sóc cha mẹ già yếu, khóc than với Chúa làm nhẹ gánh nỗi đau khi chúng ta được thấu hiểu và yêu thương.
- Cầu xin Ngài
Toàn bộ Thi Thiên 13 mô tả niềm tin của Đa-vít về đặc tính và bản chất Đức Chúa Trời. Ông kêu cầu Chúa vì tin rằng Chúa thực sự có thể thay đổi hoàn cảnh ông. Đa-vít cũng biết rằng Đức Chúa Trời đã hứa nhiều lần rằng Ngài sẽ chu cấp cho ông. Vì vậy, trong các câu 3-4, Đa-vít được thêm sức bởi lẽ thật này, và cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu một cách không sợ hãi.
Niềm khao khát thể hiện những tình huống chúng ta mong muốn sẽ thay đổi, nhưng không thể tự mình thay đổi. Qua lời than khóc, chúng ta được nhắc nhở rằng: chúng ta không thể, nhưng Chúa luôn có thể. Mối quan hệ của chúng ta với Ngài được xây trên nền giao ước, nên chúng ta phải mạnh dạn cầu xin Ngài can thiệp vào cuộc sống mình. Chúng ta cần mở lòng cầu xin, tin tưởng Chúa sẽ hiển hiện trong hoàn cảnh của mình, mặc dù chúng ta không biết chi tiết thời điểm và cách thức của Ngài.
- Tin cậy Ngài
Đa-vít kết thúc Thi Thiên 13 bằng lời tuyên xưng ngợi khen. Nhưng ông không ngợi khen những điều Đức Chúa Trời sẽ làm. Ông ngợi khen vì những điều Ngài đã làm. Trong các câu 5-6, Đa-vít nói ông sẽ hát ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài đã “làm ơn” cho ông trong quá khứ. Bây giờ Đa-vít tin cậy Chúa vì Ngài đã giải cứu ông trước đây. Bất chấp nỗi đau, Đa-vít chọn ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban phước cho ông nhiều lần, nhiều cách.
Nương dựa nơi sự thành tín Đức Chúa Trời, lời than khóc sẽ giúp chúng ta nhớ lại những gì Ngài đã làm trong cuộc đời mình trước đây. Khi ôn lại những khoảnh khắc Chúa đã chu cấp kỳ diệu trong chính thời điểm cấp bách, lòng chúng ta sẽ bình an trở lại. Nhớ lại lòng tốt của Chúa trong quá khứ giúp chúng ta tin rằng Ngài sẽ tiếp tục ban ơn trong tương lai. Chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời, Đấng đã hiến mạng sống Ngài để chúng ta được sống đời đời với Ngài. Nếu chúng ta tin rằng Ngài ban sự cứu rỗi, thì Ngài hoàn toàn có quyền năng quan tâm đến mọi nhu cầu của bạn.
Cầu nguyện than khóc giúp chúng ta tin rằng những phước hạnh Chúa ban trong quá khứ sẽ tiếp tục kéo dài đến cả thực tại hiện tại và tương lai. Than khóc giúp chúng ta tin rằng một ngày nào đó, Chúa sẽ làm mọi thứ trở nên tốt đẹp – thậm chí nếu phải chờ đến khi được vào nước đời đời với Ngài. Đồng thời, than khóc sẽ khuấy động tấm lòng, sinh ra một hạt giống nhỏ bé tỏa sáng lấp lánh, thúc đẩy chúng ta kiên cường tiếp tục bước đi, được nuôi dưỡng bởi niềm tin rằng chúng ta “sẽ thấy ơn của Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống” (Thi Thiên 27:13).
Lời cầu nguyện than khóc sẽ dẫn chúng ta đến đâu trong niềm khao khát?
Bài: ELIZABETH WOODSON; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/finding-hope-season-longing)