Kinh Thánh bao gồm Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước là một giao ước cũ và Tân Ước là một giao ước mới. Khác biệt giữa các giao ước chỉ là một trong những yếu tố để phân biệt Cựu Ước và Tân Ước. Hãy bắt đầu từ đó, và xem còn điều gì khác biệt mà chúng ta có thể học thêm.
- Giao ước của luật pháp và giao ước của ân điển
Điểm khác biệt chính là Cựu Ước tập trung vào luật pháp, trong khi Tân Ước tập trung vào ân điển. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trọng tâm của Cựu Ước hay giao ước cũ là luật pháp bày tỏ tiêu chuẩn sống thánh khiết của Đức Chúa Trời. Luật pháp đã xác định rõ ràng những gì Đức Chúa Trời yêu cầu nơi dân Ngài. Dù luật pháp đặt ra tiêu chuẩn, nhưng bản thân luật pháp không thể khiến bất cứ ai sống đúng theo tiêu chuẩn đó. Dù có cố gắng thế nào, loài người vẫn thất bại, vì rốt cuộc luật pháp không thể thay đổi tấm lòng, đến tận thời nay vẫn vậy.
Chủ đề chính của Tân Ước hoặc giao ước mới là ân điển. Trong khi luật pháp vẫn tồn tại để bày tỏ những yêu cầu của Đức Chúa Trời, và giúp chúng ta ý thức về tội lỗi, thì ân điển có thể làm điều mà luật pháp không làm được. Ân điển mở ra cánh cổng cứu rỗi, và giúp chúng ta được xưng công bình. Chúng ta không được xưng công bình nhờ giữ luật pháp, bởi vì loài người không thể giữ trọn luật pháp. Ân điển giúp chúng ta đặt niềm tin nơi Đấng đã làm trọn luật pháp thay cho chúng ta – Chúa Jêsus. Ân điển đã biến những gì không thể thành có thể. Chúng ta không có khả năng được xưng công bình nhờ tuân thủ luật pháp. Tuy nhiên, chúng ta có khả năng được xưng công bình nhờ ân điển bởi đức tin nơi Đấng Christ. Trong khi Cựu Ước phơi bày tội lỗi chúng ta (luật pháp), thì Tân Ước dạy chúng ta cách đối phó với tội lỗi mình (ân điển). Tóm lại, ân điển đã làm cho chúng ta điều chúng ta không thể làm cho chính mình.
“Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt, hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh.” (Rô-ma 8:3-4).
- Thời điểm và khoảng thời gian viết khác nhau
Cựu Ước gồm 39 sách, được viết trong khoảng thời gian xấp xỉ một nghìn năm. Sách được viết đầu tiên và lâu đời nhất là Gióp, mặc dù một số học giả vẫn tranh luận rằng đó là Sáng Thế Ký. Cựu Ước bao hàm một phần lớn dòng lịch sử, bắt đầu với câu chuyện sáng tạo, trải qua nhiều thế hệ dân Y-sơ-ra-ên, giống như Hội Thánh trong Tân Ước.
Ngược lại, Tân Ước gồm 27 sách được viết trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Người ta vẫn đang tranh luận về sách Tân Ước được viết đầu tiên. Nhiều học giả tin rằng đó là sách Gia-cơ được viết vào khoảng năm 50 sau công nguyên. Bất kể sách xuất hiện đầu tiên, toàn bộ Tân Ước đã được viết trong khoảng 50 năm. Tân Ước kể câu chuyện về Cứu Chúa Jêsus Christ và sự bắt đầu của kỷ nguyên Hội Thánh vẫn đang phát triển cho đến ngày nay.
- Hình và bóng
Cựu Ước chứa đựng hình và bóng được ứng nghiệm trong Tân Ước. Hình hoặc bóng, còn gọi là lời tiên tri, là một người, một sự kiện hoặc một địa điểm trong Cựu Ước nói tiên tri hoặc ám chỉ về một sự kiện sẽ xảy ra trong Tân Ước. Ví dụ, Giô-sép trong Cựu Ước là “hình” của Chúa Jêsus trong Tân Ước.
Giô-sép là người con trai yêu thích của Gia-cốp. Chúa Jêsus là Con Một của Đức Chúa Trời.
Giô-sép bị anh em mình ghét bỏ. Chúa Jêsus bị dân tộc Ngài ghét bỏ và khước từ.
Giô-sép phải vào tù vì một tội ông hề không phạm. Chúa Jêsus bị đóng đinh vì những tội lỗi Ngài không hề phạm phải.
Chức vụ của Giô-sép ở Ai Cập giúp ông giải cứu dân tộc mình khỏi nạn đói. Chức vụ của Chúa Jêsus là Đấng Cứu Rỗi trao cho Ngài quyền năng giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi mình.
Hình và bóng tồn tại trong suốt Cựu Ước để chỉ về những sự kiện diễn ra trong Tân Ước. Khi đọc Cựu Ước, bạn có thể tìm kiếm hình và bóng bằng cách đặt câu hỏi: người này, địa điểm hoặc sự kiện này có tượng trưng hoặc đại diện cho các sự kiện sẽ xảy ra trong Tân Ước không? Khi bạn khám phá ra câu trả lời, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy nhiều hình và bóng xuất hiện trong suốt trong Cựu Ước.
- Hành trình của dân Y-sơ-ra-ên và Hành trình của Hội Thánh
Toàn bộ Kinh Thánh bày tỏ kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Cựu Ước và Tân Ước khác nhau ở cách bày tỏ và thực hiện kế hoạch này. Trọng tâm của Cựu Ước là dân Y-sơ-ra-ên, vì Đức Chúa Trời thiết lập giao ước với dân này. Đức Chúa Trời chọn một tuyển dân trên đất, hình thành một dòng dõi đưa Đấng Christ đến thế gian. Chính nhờ Đấng Christ đến qua dòng dõi này, Đức Chúa Trời đã hoàn thành lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham.
“… Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng thế ký 12:3)
Phước hạnh cho toàn thế giới chính là Cứu Chúa Jêsus Christ, và toàn bộ Cựu Ước thông qua dân Y-sơ-ra-ên đều dẫn lối về Ngài.
Tân Ước bày tỏ rõ ràng kế hoạch của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Trong khi Y-sơ-ra-ên là trọng tâm của Cựu Ước, Tân Ước cho biết kế hoạch của Đức Chúa Trời từ trước đến nay không chỉ để cứu chuộc Y-sơ-ra-ên, mà còn để cứu chuộc mọi quốc gia trên trái đất. Chúng ta được biết về Chúa Jêsus, cuộc đời, sự chết, sự phục sinh và thăng thiên của Ngài. Những người tiếp tục rao truyền sứ điệp này không chỉ là người Do Thái hay dân Y-sơ-ra-ên, mà là cả Hội Thánh. Tân Ước tập trung vào Chúa Jêsus và mối quan hệ của Ngài với hội thánh. Hội Thánh không chỉ bao gồm dân Y-sơ-ra-ên, mà là tất cả mọi người từ mọi chi phái, dân tộc và ngôn ngữ, đó là kế hoạch thật sự của Đức Chúa Trời từ trước đến nay.
Người ta thường nói rằng Cựu Ước là “Tân Ước ẩn giấu”, và Tân Ước là “Cựu Ước bày tỏ”. Khi hiểu kế hoạch và công việc của Đức Chúa Trời thông qua Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước và Hội Thánh trong Tân Ước, bạn sẽ thấy điều này trở nên sống động. Chúng ta đang tích cực sống trong thời đại Tân Ước. Kinh Thánh đã được viết hoàn chỉnh, nhưng kỷ nguyên của Hội Thánh thì chưa. Cựu Ước cho biết Đấng Mê-si sẽ đến. Tân Ước bày tỏ về Ngài. Và bây giờ, chúng ta phải tuyên bố danh Ngài với mọi quốc gia. Mặc dù có những khác biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước, kế hoạch của Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi. Chính Đức Chúa Trời soi dẫn Lời Ngài và thành tín làm trọn mọi điều. Những khác biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước không hề mâu thuẫn, mà bổ sung cho nhau. Cả Cựu Ước và Tân Ước cùng tiết lộ danh tính, kế hoạch và mong muốn của Đức Chúa Trời dành cho toàn thể nhân loại.
Bài: Clarence L. Haynes Jr.; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/the-difference-between-the-old-and-new-testaments.html)