Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh5 Lầm Tưởng Về Ba Ngôi Đức Chúa Trời

5 Lầm Tưởng Về Ba Ngôi Đức Chúa Trời

Lầm tưởng số 1: Giáo lý này chỉ dành cho các chuyên gia thần học.

Giáo lý Ba Ngôi Đức Chúa Trời dành cho tất cả những người được cứu bởi Chúa Jêsus. Đó là dành cho tất cả những ai được kéo đến với Cha bởi đức tin nơi Con nhờ quyền năng Thánh Linh (2 Cô-rinh-tô 13:13). Đó là dành cho tất cả những ai đã được Cha nhận làm con nuôi, Cha đã sai Con đến để cứu chuộc chúng ta, và ban Đức Thánh Linh vào lòng, khiến chúng ta kêu lên rằng: “Abba, Cha” (Ga-la-ti 4:4–6). Đó là dành cho tất cả những ai thông công với các tín đồ khác, đồng trong một Thánh Linh, được phép đến gần Đức Chúa Cha thông qua Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:18).

Hay nói chính xác hơn, đó là dành cho tất cả những ai muốn hiểu sâu hơn về cách sự cứu rỗi vận hành, và những gì Phúc Âm bày tỏ về Đức Chúa Trời, tác giả của sự cứu rỗi đó. Giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi là quan điểm duy nhất về Đức Chúa Trời liên quan đến cứu rỗi của Cơ Đốc nhân. Đó là lý do Hội Thánh làm Báp-têm nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19): đó là đặc quyền của tất cả những người được tái sinh.

Tất nhiên, có những chuyên gia về học thuyết Chúa Ba Ngôi, suy ngẫm về giáo lý này một cách chính xác và sâu sắc, cũng như nghiên cứu hàn lâm. Nhưng bất kỳ chủ đề nào cũng vừa có cách hiểu đơn giản, vừa có khía cạnh cần nghiên cứu chuyên sâu. Mọi lĩnh vực đều có chuyên gia, nhưng kiến ​​thức chuyên môn không thể biến những thứ họ nghiên cứu trở thành tài sản độc quyền của họ. Giáo lý về Đức Chúa Trời Ba Ngôi quá quan trọng, không thể chỉ giao phó riêng cho các các chuyên gia thần học.

Lầm tưởng số 2: Giáo lý này không có trong Kinh Thánh, mà bắt nguồn từ Hội Thánh đầu tiên.

Sở dĩ có lầm tưởng này là do các thuật ngữ truyền thống dùng để nói về Đức Chúa Trời Ba Ngôi không có trong Kinh Thánh: chẳng hạn như Ba Ngôi Đức Chúa Trời; bản thể, đặc tính, mối quan hệ, v.v. Nhưng những thuật ngữ đó được tạo ra nhằm mục đích mô tả ngắn gọn hữu ích những lẽ thật trong Kinh Thánh. Câu chuyện vĩ đại về một Đức Chúa Trời thành tín làm trọn lời hứa Ngài, ở cùng chúng ta qua việc ban Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Đây là một lẽ thật trọn vẹn, bằng chứng cho việc Đức Chúa Trời xưng danh Ngài qua sự cứu chuộc. Thay vì kể toàn bộ câu chuyện này mỗi khi suy ngẫm về danh tính của Đức Chúa Trời, kể từ thời tổ phụ của Hội Thánh đầu tiên đã bắt đầu sử dụng những từ ngắn gọn hơn, dễ truyền tải hơn. Nhưng khi bắt đầu sử dụng hình thức này, họ chưa bao giờ muốn được ghi công sáng tạo. Họ khẳng định rằng mình chỉ đang nói những gì Kinh Thánh đã nói.

Một số Cơ Đốc nhân hiện đại cảm thấy sợ sệt khi đi theo sự dẫn dắt này, họ không thích dùng bất cứ điều gì khác ngoài Lời Kinh thánh để truyền tải lẽ thật Kinh Thánh. Họ chắc chắn sẽ phải giải quyết những vấn đề tương tự như Hội Thánh sơ khai đã gặp phải (tìm ra tà giáo bằng cách sử dụng các thuật ngữ Kinh Thánh đa ý nghĩa, tìm cách truyền lại đức tin cho thế hệ tiếp theo, v.v.). Cơ Đốc nhân hiện đại khác quá sốt sắng tuân theo truyền thống và vui mừng ghi công tổ phụ Hội Thánh vì đã phát minh ra một học thuyết không có trong Kinh Thánh. Nhưng tổ phụ Hội Thánh trả lời rằng: “Không, cảm ơn!” Tổ phụ không bao giờ muốn chúng ta tin Chúa Ba Ngôi bằng lời chứng của riêng họ; họ cố gắng hết sức để chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời đã bày tỏ Ba Ngôi của Ngài trong Kinh Thánh.

Lầm tưởng số 3: Giáo lý này không liên quan đến đời sống tâm linh.

Vì Ba Ngôi Đức Chúa Trời gắn liền với Phúc Âm, nên Phúc Âm là nền tảng đời sống thuộc linh của mọi tín đồ. Càng hiểu rõ cấu trúc sâu nhiệm thiêng liêng mà bạn trải nghiệm trong Đấng Christ và Thánh Linh, bạn càng hiểu và trải nghiệm những điều sâu nhiệm Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Nếu nghĩ rằng Chúa Ba Ngôi không liên quan đến đời sống tâm linh của một Cơ Đốc nhân, có lẽ bạn đang bị đánh lừa. Bạn có thể tin vào Đấng Christ, được cứu và thông công với Đức Chúa Trời trong Thánh Linh một thời gian, rồi mới bắt đầu nghĩ về Chúa Ba Ngôi. Vì mọi chuyện đều suôn sẻ trước khi bạn bắt đầu nghĩ về Chúa Ba Ngôi, nên có thể bạn cho rằng đó là một loại giáo lý không cần thiết phải ghi dấu trong tâm trí mình. Có thể giáo lý này đúng, nhưng nó không ảnh hưởng đến cuộc sống bạn. Thực tế, mọi việc diễn ra tốt đẹp trước đây là vì Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh đang thôi thúc bạn đến với tình yêu của Đức Chúa Cha. Đây là một lời mời bạn đi sâu hơn vào những gì mình đã trải nghiệm trong đời sống Cơ Đốc.

Bạn có thể nói rằng Chúa Ba Ngôi không liên quan đến đời sống tâm linh của tín đồ, nghĩa là giáo lý này hoàn toàn độc lập với Cơ Đốc nhân: điều đó đúng. Đức Chúa Trời vẫn là Cha, Con và Thánh Linh ngay cả khi Đức Chúa Cha chưa bao giờ sai Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh xuống thế gian, hoặc ngay cả khi Đức Cha, Đức Con và Thánh Linh không sáng tạo ra bất cứ thứ gì để nhận lãnh phước lành và tin cậy nơi Ngài. Sự độc lập của Đức Chúa Trời trước mọi thứ là lẽ thật quan trọng mà chúng ta cần nhận biết. Đức Chúa Trời vẫn sẽ là Đức Chúa Trời mà không có bạn. 

Lầm tưởng số 4: Giáo lý này không hợp lý. 

Khi bàn về học thuyết về Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nói vắn tắt rằng “Đức Chúa Trời của là ba trong một” hoặc “ba và một”. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng nếu bạn thêm vào những từ ngữ liên quan, thì mâu thuẫn sẽ được giải quyết: Đức Chúa Trời là Ba Ngôi trong một bản thể. Điều này có thể bí ẩn, nhưng không mâu thuẫn. Cụm từ ngắn gọn “ba trong một” có thể ngụ ý “ba Chúa trong một Chúa” hoặc “ba ngôi trong một bản thể” hoặc “ba cá thể trong một bản thể”. Cụm từ ngắn gọn này bao hàm toàn bộ thông điệp từ Kinh Thánh (rằng có một Đức Chúa Trời, Ngài tồn tại như Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh). Đây là cụm từ được rút ngắn hết mức, nên có thể gây hiểu lầm. Khi Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài là Cha, Con và Thánh Linh, Ngài không muốn làm chúng ta rối trí. Nhưng Ngài cần chúng ta khiêm nhường học hỏi, chúng ta cũng cần tấm lòng khiêm nhu để nhận lãnh bất cứ điều gì Đức Chúa Trời bày tỏ.

Lầm tưởng số 5: Nên sử dụng các phép so sánh để hiểu sâu hơn về Chúa Ba Ngôi.

Đức Chúa Trời Ba Ngôi tương tự như điều gì? Một chiếc cỏ ba lá? Nước ở ba trạng thái lỏng, rắn và hơi? Mặt trời tỏa ra những chùm ánh sáng và làn sóng nhiệt? Vỏ, lòng đỏ và lòng trắng trứng? Một tâm trí nhớ về chính mình, biết về chính mình, và yêu thương chính mình? Ủy ban ba người với một chương trình chung? Một người làm ba công việc? Không, Đức Chúa Trời Ba Ngôi không hề giống bất kỳ điều nào trong số những điều này. Một số phép so sánh hoàn toàn sai và không bao giờ nên sử dụng; một số khác có ích một chút khi nói về những yếu tố biệt lập trừu tượng của học thuyết Chúa Ba Ngôi. Nhưng không phép so sánh nào có thể giúp bạn hiểu những gì Kinh Thánh mặc khải về Chúa Ba Ngôi. Việc cố tìm ra một ví dụ tương tự như Chúa Ba Ngôi là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang hiểu sai giáo lý. 

Đức Chúa Trời đã tuyên bố lẽ thật về Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà không đặt bất cứ phép so sánh nào trong Kinh Thánh. Sẽ ra sao nếu Đức Chúa Trời đã bày tỏ mọi thứ chúng ta cần biết về Ba Ngôi hằng sống mà không cần đề cập đến bất cứ ví dụ nào? Sẽ thế nào nếu cách tốt nhất để hiểu mối tương giao vĩnh hằng của Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh là nhận biết rằng Cha đã sai Con và Thánh Linh đến với chúng ta? Sẽ ra sao nếu Chúa hằng sống là Đức Chúa Cha sai Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh đến vào đúng thời điểm, bởi vì từ muôn thuở Đức Chúa Trời đã là Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh hằng sống đời đời? Khi kể câu chuyện Phúc Âm, chúng ta đang mô tả đặc tính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời Ba Ngôi và Phúc Âm thuộc về nhau, là nền tảng đức tin và cũng là khởi đầu mọi hiểu biết của chúng ta.

Bài: Fred Sanders; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crossway.org/articles/5-myths-about-the-trinity/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN