Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhNgười Mẹ Cũng Cần Chăm Sóc Bản Thân

Người Mẹ Cũng Cần Chăm Sóc Bản Thân

Một người mẹ cần phải tự chăm sóc bản thân, nhưng thành thật mà nói, tôi không giỏi lắm trong khoản này. Tôi đã biết điều này từ lâu, nhưng mỗi ngày tươi đẹp nhất trôi qua, tôi lại cảm thấy chết lặng và trống rỗng giữa cuộc đời.

Khi làm mẹ, thật khó để vừa yêu thương, nuôi dưỡng và hướng dẫn chu đáo cho con cái, vừa đảm bảo chăm sóc tốt cho bản thân mình. Trong quá khứ, tôi phải đấu tranh với ý nghĩ “yêu bản thân là ích kỷ”, nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra giá trị lớn lao của việc yêu thương bản thân mình để có thể chăm sóc tốt cho những người thân yêu.

Tôi chưa bao giờ giỏi chăm sóc bản thân… nhưng tôi đã làm được.

Chúng ta cần kiên định và tập trung, sống chậm lại, tĩnh lặng, kết nối với bản thân để nhận ra nhu cầu của chính mình, đồng thời cởi mở và sẵn sàng mở lòng khi Chúa hướng dẫn.

Thật khó khăn khi phải cân bằng giữa việc chăm sóc bản thân và sẵn sàng trước mặt Chúa; đảm bảo rằng bản thân vững vàng, đồng thời không được quá bảo bọc con cái mà tước đi trải nghiệm giá trị của sự đấu tranh, gian khổ và vinh quang thành công.

Làm mẹ thật là một công việc khó khăn.

Người mẹ cũng cần chăm sóc bản thân

Nếu bạn giống tôi, có lẽ bạn đang mệt mỏi. Quá tải, trống rỗng và thường cảm thấy cuộc đời quá lê thê. Dường như trẻ con không bao giờ cảm thấy đủ: thời gian không đủ, tập trung không đủ, ăn không đủ, chơi không đủ, ồn ào không đủ, sách vở không đủ… Có thể cuộc sống bạn không giống vậy, con bạn hoàn toàn hài lòng với bạn, nhưng hầu hết chúng ta luôn có ít nhất một đứa con như thế. 

Tôi chưa bao giờ thực sự hiểu làm mẹ sẽ khó khăn như thế nào, vì tôi là đứa trẻ luôn bằng lòng với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, những đứa con tôi lại cực kỳ khác biệt. 7 đứa trẻ là những cung bậc cảm xúc, tính cách, sở thích, mong đợi khác nhau. Điều đó chưa bao giờ dễ dàng và đơn giản.

Đây là lý do tôi phải quỳ gối trước Chúa cách đây vài năm. Tôi đã mất một thời gian dài để hiểu ra sự thật, rằng mình không bao giờ có khả năng làm hài lòng tất cả các con trong mọi việc. Với nhiều tính cách, độ tuổi và giai đoạn phát triển khác nhau diễn ra đồng thời hàng ngày, luôn có những đứa trẻ buồn bực vì một lý do nào đó. 

Tôi mệt mỏi rã rời.

Mọi thứ như một cuộc chiến, một ngọn núi cảm xúc hỗn loạn mà tôi dường như không bao giờ chinh phục nổi. 

Nhưng rồi tôi nghe thấy giọng nói nhỏ nhẹ thì thầm một điều thật sâu sắc, thật cần thiết, điều đã thay đổi tôi mãi mãi:

“Ta đâu bao giờ nói rằng nhiệm vụ của con là khiến mọi người hạnh phúc…?”

Câu hỏi rất đơn giản, nhưng sâu sắc đến nỗi tôi mất hàng tháng suy ngẫm mới thực sự hiểu được ý nghĩa. Dường như tất cả các con tôi đều cho rằng công việc và mục đích duy nhất của tôi trong cuộc đời này là khiến chúng hạnh phúc… 

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hiểu ra rằng mình chẳng kiểm soát được hạnh phúc của ai cả, đặc biệt là vì tôi có nhiều con (và ngay cả khi chỉ có một đứa con, tôi biết mình vẫn sẽ bị đẩy đến giới hạn).

Tuy nhiên, khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng quản lý cảm xúc của bản thân là việc của tôi chứ không phải bất kỳ ai khác, có nghĩa là tôi cũng không có nghĩa vụ quản lý cảm xúc của người khác.

Nhận thức này khiến tôi cảm thấy tự do vô cùng. Cha tôi qua đời vì cơn đau tim đột ngột khi ông mới 38 tuổi, lúc ấy tôi 6 tuổi. Sau đó là những năm xáo trộn, khó khăn và mệt mỏi nhất mà tôi từng trải nghiệm. Gia đình tôi quay cuồng vì mất mát đột ngột, và tôi không chắc rằng chúng tôi đã vượt qua nỗi đau ấy chưa, thậm chí giờ đã là 28 năm sau….

Giữa vô vàn sóng gió cảm xúc trong suốt những năm sau đó, tôi học cách không làm lung lay thêm hoàn cảnh bấp bênh của gia đình. Tôi đồng cảm với cảm xúc của mọi người xung quanh, cho rằng nhiệm vụ của mình là trở thành tảng đá vững chắc của cả gia đình, mặc dù không ai yêu cầu tôi phải như vậy.

Tôi trở thành “người giữ bình an” chứ không phải “người mang bình an”

Tôi là một người không có chính kiến, không có sở thích, bởi vì có ý kiến ​​hoặc sở thích riêng chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi, còn tôi thì kiệt quệ về mặt cảm xúc.

Rất may, những cuộc đấu tranh cảm xúc này luôn được Chúa giải quyết, nhưng việc chạm tới đỉnh giới hạn khi làm mẹ chắc chắn là bước ngoặt khiến tôi nhận ra sự tách biệt giữa trách nhiệm của mình và người khác.

Khi biết rằng tôi không có trách nhiệm chi phối cảm xúc của người khác, tôi được tự do đón nhận và chấp nhận cảm xúc chân thật của chính mình, dù sai hay đúng, tốt hay xấu. 

Đối với tôi, đây là bước ngoặt lớn của việc yêu bản thân, giúp tôi hiểu ra việc có những giới hạn và ranh giới riêng của bản thân là hoàn toàn bình thường. 

Điều đó giúp tôi dám nói “có” hoặc “không” theo chính kiến của mình, bất kể người khác có chấp nhận hay không.

Giờ đây, tôi chỉ tập trung vào Chúa và bản thân để quyết định việc mình cần làm, và trao quyền kiểm soát mọi người vào tay Chúa Tình Yêu – Người Bạn thân tôi hằng tin tưởng. Tôi đã phải đối mặt với nhiều lựa chọn đức tin:

Tôi sẽ tin cậy trao cho Ngài tấm lòng và cuộc sống của những người thân yêu, hay tiếp tục sống như thể chỉ bản thân tôi mới có khả năng giúp họ sống toàn vẹn và khỏe mạnh?

Chỉ khi tôi tách mình ra khỏi người khác, và nắm lấy lẽ thật rằng chỉ duy nhất Chúa có thể chi phối mọi thăng trầm cảm xúc của họ, tôi mới hoàn toàn chấp nhận người khác vì chính con người họ.

Chỉ khi đó, tôi mới có thể thực sự yêu thương người khác cách trọn vẹn, bởi vì tôi không còn tự lãnh trách nhiệm gánh vác những tranh đấu của họ nữa.

Nếu Chúa là Cha yêu thương cho tôi thấy rằng cảm xúc của tôi hoàn toàn ổn trong mắt Ngài, thì tôi cũng phải làm điều đó với con cái mình. 

Và, nếu cảm xúc không phải là thứ để phán xét, thì ngay cả giữa thời điểm đen tối và nặng nề nhất, Chúa vẫn có thể xử lý mọi việc.

Bỗng nhiên, thập tự giá trở thành nguồn tự do mới từ Đấng Christ:

Tự do đấu tranh, tự do gục ngã, tự do tan vỡ, tự do khóc than, tự do thất bại, tự do cảm nhận, tự do có ý kiến, giới hạn, ranh giới, sở thích, nhận thức khác biệt, và nhiều hơn thế nữa.

Tự do trong Đấng Christ nghĩa là tôi có thể thành thật giữa những tranh đấu của mình, chấp nhận những hạn chế và giới hạn của bản thân, giao phó cho Chúa, Đấng thực sự yêu thương và chào đón tôi vì chính bản thân tôi. Ngài giúp tôi bước đi khi không còn đứng vững được nữa.

Và nhận thức ấy đã thay đổi mọi điều. 

Không biết bạn thế nào, nhưng sự thật này hoàn toàn mới đối với tôi. Trong suốt nhiều năm, tôi đã nói đi nói lại với bản thân về những giới hạn, luật lệ, kỳ vọng của Chúa, Đấng yêu thương chúng ta đến mức sai Con Ngài xuống thế gian, nhưng cũng đặt kỳ vọng cao nơi sự trọn vẹn “không phải bởi việc làm” mà là bởi đức tin của chúng ta. Có lẽ tôi đã nhầm.

Việc học biết sự thật này giống như lần đầu tiên tôi được gặp lại Chúa.

Tôi vẫn ngạc nhiên biết bao khi Cha chúng ta thích thoát ra khỏi những chiếc hộp ta dùng để đóng khung Ngài. Tôi rất vui vì Ngài đã phá vỡ khuôn khổ ấy hết lần này đến lần khác.

Bạn có giới hạn Chúa trong một chiếc hộp không?

Bạn có biết kiểu tình yêu sẵn sàng mở rộng vòng tay chào đón khi bạn đang ở nơi tồi tệ nhất không? Bạn có biết vòng tay rộng mở của Đấng Cứu Rỗi, Đấng không hề lên án con cái Ngài, mà tràn đầy nhân từ, thấu hiểu và thương xót không?

Làm mẹ là điều khó khăn nhất tôi từng phải thực hiện. Nhiệm vụ ấy diễn ra không ngừng, liên tục, mỗi ngày đều thật mệt mỏi, và với sức lực hèn mọn này, chúng ta chẳng thể bước tiếp… nhưng, đây lại là một điều tốt.

Liệu chúng ta có ích gì cho nhau hoặc cho chính bản thân, nếu nghĩ rằng mình có thể đạt được thành công và tự vươn lên với sức riêng? Làm sao để giúp những người yếu đuối nhất bước đi trong khi chúng ta còn không thể đứng vững?

Chúng ta đang tự hại mình và hại nhau khi sống như thể mình đủ mạnh mẽ. Chúa bày tỏ ân điển Ngài qua bàn tay giúp đỡ trước những hố sâu và thử thách cuộc sống, để chúng ta nhận ra rằng mình yếu đuối đến dường nào giữa thế giới sa ngã này.

Ngài không kỳ vọng nơi sức lực chúng ta. Đó không phải là cách Ngài dựng nên chúng ta.

“Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi Thiên 103:14)

Từ đầu, chúng ta được tạo ra để nương cậy nơi Ngài. Ngài chưa bao giờ quên sự thật đó. Chính chúng ta mới là người liên tục không nhớ điều này… và chắc chắn cần phải được nhắc nhở.

Vì vậy, những người mẹ không cần phải chịu trách nhiệm cho tất cả. Bạn không thể cưu mang mãi những đứa con thân yêu trong suốt cuộc đời mình, mà chỉ có trách nhiệm yêu thương con nhiều như Cha đã yêu thương bạn. 

Trước hết, hãy chăm sóc bản thân trong Ngài, và Ngài sẽ tiết lộ cách để yêu thương người khác bằng sức mạnh của Ngài, chứ không phải sức lực của bạn.

Tình yêu bạn nhận lãnh có cho phép bạn được tan vỡ? Được thất bại? Được yêu cầu? Được đấu tranh?

Nếu không, làm sao bạn có thể yêu thương người khác thật lòng giữa thời gian khó khăn nhất, đen tối nhất của họ?

Tôi biết tấm lòng và mong muốn phục vụ Cha yêu thương của bạn. Nhưng, chúng ta không thể phục vụ Ngài khi chưa thực sự cảm nhận bàn tay chăm sóc của Ngài ở nơi yếu đuối nhất. 

Sẽ ổn thôi nếu bạn tan vỡ trong Ngài, vì đây chính là ý nghĩa trọn vẹn của việc làm người.

Sẽ ổn thôi khi bạn tự chăm sóc bản thân.

Sẽ ổn thôi khi bạn sống như một con người thực thụ. Sẽ ổn thôi khi bạn có giới hạn của riêng mình. Sẽ ổn thôi khi bạn bỏ lại mớ hỗn độn sau lưng. Và sẽ ổn thôi cho dù bạn có sụp đổ. 

Tan vỡ là con đường để nắm lấy ân điển Ngài.

Đừng sợ tan vỡ.

Đó là món quà tuyệt vời nhất mà bạn từng biết.

Shalom.

Bài: Julie Ann Filter; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://blogs.crossmap.com/2022/01/13/yes-mama-you-need-to-take-care-of-yourself-too-2/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN