Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhNiềm Tin Phục Hồi Qua Một Câu Hỏi!

Niềm Tin Phục Hồi Qua Một Câu Hỏi!

Niềm Tin Phục Hồi Qua Một Câu Hỏi!

Khi bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi mắc bệnh ung thư cách đây sáu năm, đức tin tôi trở nên vô cùng mong manh. Tôi muốn vươn tay nắm lấy một điểm tựa để đứng vững, nhưng cảm giác thật chơ vơ như đang lơ lửng giữa không trung. Tôi đã cố gắng tiếp tục sống trong cương vị Cơ Đốc nhân, nhưng ở đâu đó trong suốt chặng đường, đức tin tôi đã phai nhạt dần thành tâm linh hâm hẩm.

Tôi không muốn bỏ đức tin, nhưng mọi chuyện còn tồi tệ hơn thế: đơn giản là tôi không quan tâm. Tôi vẫn đi nhà thờ và thỉnh thoảng cầu nguyện, nhưng thật ra tâm linh không hề nhiệt thành hay sốt sắng. Tôi chỉ nghĩ về Chúa khi cảm thấy Ngài đã làm tôi thất vọng.

Trong thời gian mẹ bị bệnh và qua đời, tôi đã trải qua quá trình phục hồi và phấn hưng đức tin. Tôi đã cẩn thận xem xét những điều tôi cho rằng mình tin. Phải thừa nhận rằng cách tôi sống không hề thể hiện niềm tin vào lẽ thật ấy. Tôi biết mình nên tin cậy Chúa, nhưng tôi phải cố gắng lắm để tin rằng Ngài biết điều gì là tốt nhất cho tôi, và Ngài có quyền lèo lái cách tôi sống.

Khi tranh đấu với những câu hỏi này, tôi nhận ra một lý do khiến mình không tin cậy Chúa: tôi không thật sự biết Ngài. Tôi biết một số điều về Chúa, nhưng những lẽ thật đó quá xa vời và tách biệt khỏi thực tế cuộc sống tôi.

Tôi biết Chúa là tình yêu, nhưng điều đó thực sự có nghĩa là gì? Tại sao cuộc sống lại có lúc đau đớn như vậy nếu Chúa yêu tôi? Tôi biết Chúa tốt lành, nhưng tốt lành ở đây được định nghĩa như thế nào? Đôi khi tôi không cảm thấy Ngài tốt với tôi. Sự hiểu biết tôi có về Chúa thật thiếu chiều sâu; tôi không thể trả lời câu hỏi của chính mình về Đấng tôi đang tin.

Chúa đã ban ơn cho tôi trong cuộc hành trình đó, cho tôi khao khát theo Ngài và dành thời gian trong Lời Ngài. Tôi nhận ra rằng không thể tin cậy một người mà bạn không hề thân thuộc. Làm sao có thể tin cậy lòng tốt Chúa trong khi tôi thậm chí không biết “tốt” có nghĩa là gì?

Một câu hỏi đơn giản

Tôi tiếp cận Kinh Thánh với một câu hỏi đơn giản: Phân đoạn này cho tôi biết điều gì về Chúa? Việc cầu xin Chúa giúp tôi hiểu biết Ngài hơn qua Kinh Thánh dần dần trở thành một thói quen hàng ngày. Khi đọc Kinh thánh – từ các sách Phúc âm, thư tín, Thi thiên và thậm chí cả sách Lê-vi Ký – tôi đã suy ngẫm và ghi chú ngắn gọn những thuộc tính, đặc tính của Chúa thể hiện trong mỗi phân đoạn.

Đôi khi việc tìm hiểu tính cách của Chúa thật đơn giản. Ví dụ, khi đọc Phục truyền luật lệ ký 7, tôi có thể dễ dàng nhận thấy Đức Chúa Trời luôn thành tín và giữ các giao ước Ngài. Trong Ê-phê-sô 2, tôi xác định được rằng Ngài giàu lòng thương xót và yêu thương chúng ta. Nhưng một số phân đoạn Kinh thánh yêu cầu tôi phải suy nghĩ nhiều hơn. Đôi khi tôi cần mở rộng tầm nhìn ra toàn bộ Kinh thánh, để hiểu tại sao các gia phả, thiết kế đền thờ và lời tiên tri chống lại quốc gia lại được đưa vào Kinh thánh.

Ví dụ, Xuất Ê-díp-tô Ký 25–27 tập trung vào hướng dẫn làm đền tạm, chân đèn và sân xung quanh đền tạm. Điều đó liên quan gì đến đặc tính của Đức Chúa Trời? Khi đọc những chương đó, tôi nhận thấy các hướng dẫn này chỉ ra một lẽ thật lớn hơn: Cuộc nổi loạn chống lại Chúa đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài. Con người tội lỗi không thể đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết theo cách thức của loài người. Do đó, những chỉ dẫn trong Cựu Ước về đền tạm đã hướng dẫn cách thức chính xác để sự thờ phượng của dân sự được Ngài chấp nhận.

Với suy nghĩ này, tôi đã ghi chú về Xuất Ê-díp-tô Ký 25–27: “Đức Chúa Trời đã vạch ra con đường để đến và ngự giữa loài người tội lỗi.” Lẽ thật này đã làm gia tăng tình yêu tôi dành cho Đấng Christ. Bởi sự hy sinh trọn vẹn, một lần đủ cả của Ngài, chúng ta không còn cần đến những nghi thức trong đền tạm và chân đèn để được đến gần Đức Chúa Trời.

Tác động to lớn

Trong thời gian đầu, việc đặt câu hỏi và suy ngẫm này thật ra không có nhiều ảnh hưởng trên đời sống tâm linh tôi. Nhưng mỗi tác động nhỏ bé không rõ ràng này đã dần lớn lên theo thời gian – giống như từng giọt nước nhỏ tích tụ đều đặn hàng ngày. Mỗi giọt nước dường như chẳng có gì đáng kể; nhưng khi tựu chung lại, chúng có thể làm đầy cả bể nước lớn.

Đức tin nơi Chúa ngày càng lớn khi tâm trí tôi liên tục hướng về lẽ thật trong bản thể Ngài. Những thử thách đức tin bắt đầu phai mờ, bởi vì tôi biết Chúa. Lời Chúa là sự soi sáng tuyệt vời về chính Ngài dành cho tôi, và khi dốc hết lòng mình trong lời cầu nguyện, mối quan hệ thực sự sâu sắc và ý nghĩa giữa Chúa và tôi dần dần được hình thành.

Nhiều điều xảy ra trong những năm qua đã góp phần vào sự phát triển tâm linh tôi, nhưng đây là việc mà tôi sẽ tiếp tục thực hành trong suốt phần đời còn lại. Tin cậy Chúa không phải là một bước nhảy vọt mù quáng (như tôi đã từng nhiều năm trước). Đọc thuộc lòng những câu Kinh thánh về tình yêu thương và sự tốt lành Chúa không chỉ là một nghi thức rập khuôn. Chúa ban Lời Ngài nhằm mục đích bày tỏ chính Ngài cho chúng ta, và cho chúng ta biết phải sống như thế nào để đáp lại.

Giờ đây, khi nói rằng Chúa là Đấng thành tín, yêu thương, nhân từ và công bình, thì một giếng sâu tràn ngập những câu chuyện, hiểu biết và lẽ thật trỗi lên trong lòng tôi; vì Chúa đã liên tục thể hiện những thuộc tính tốt lành của Ngài trong suốt dòng lịch sử, và trong cuộc đời chính tôi.

Như Chúa đã phán qua tiên tri Giê-rê-mi:

“Đức Giê-hô-va phán như vầy: Người khôn chớ khoe sự khôn mình; người mạnh chớ khoe sự mạnh mình; người giàu chớ khoe sự giàu mình; Nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất; vì ta ưa thích những sự ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 9: 23–24).

Qua nhiều trải nghiệm, tôi học được rằng Đức Chúa Trời sở hữu chính xác mọi tính cách tuyệt vời mà Kinh thánh tuyên bố về Ngài, và Ngài là Đấng hoàn toàn xứng đáng để tôi tin cậy.

Bài: BETH CLAES; dịch: Jennie
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/question-revived)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN