Tuy nhiên Đức Chúa Trời Hằng Hữu này đã trở thành con người, khoác lên mình một bản chất loài người, nghĩa là trở thành hình hài nhục thể như một người trần thế.
Nhưng trở thành người như thế, Ngài có còn là Đức Chúa Trời nữa hay không? Ngài hạ mình như vậy có đặt riêng thần tính sang một bên không? Nếu thế thì làm sao Ngài trở về Thần Tính được? Chúa Cứu Thế Giê-xu, con người vinh quang, vẫn còn là một với Đức Chúa Trời là Cha và Đức thánh Linh chăng? Đây chính là vấn đề mà tác giả đề cập đến trong lá thư này.
Dù là người, Chúa Giê-xu vẫn trên tất cả tạo vật. Ngài cao trọng hơn cả thiên sứ. Chương 1:4,5 ghi:
4 vậy được hưởng danh cao hơn danh thiên sứ bao nhiêu, thì trở nên cao trọng hơn thiên sứ bấy nhiêu. 5 Vả, Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên sứ rằng: Ngươi là Con ta, Ngày nay ta đã sanh ngươi? Lại há có khi nào phán: Ta sẽ làm Cha người, Người sẽ làm Con ta?
Các thiên sứ tuyển chọn của Đức Chúa Trời thuộc về hàng cao nhất trong các tạo vật. Họ không bao giờ sa ngã phạm tội, họ thường hiện diện trước nhan Chúa. Họ cũng được ủy thác những công tác nặng nề nhất và trách nhiệm nhất. Họ là những sứ giả của Chúa và những người thi hành ý chỉ của Ngài. Không có tạo vật nào cao hơn họ, và họ không nhận mệnh lệnh từ ai khác hơn là Chúa.
Tuy nhiên trong thư Hê-bơ-rơ Chúa Cứu Thế được miêu tả là cao hơn các thiên sứ. Chỉ có Chúa là cao hơn các thiên sứ, vì vậy Chúa Cứu Thế chính là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Chủ Tể vũ trụ vạn vật. Để nhấn mạnh về địa vị cao cả vô cùng của Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, dù rằng Ngài hạ mình mang hình hài con người, Hê-bơ-rơ miêu tả tiếp:
6 Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con.
Đức Chúa Trời từng dạy rằng: “Ngươi phải thờ kính Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ phục vụ một mình Ngài mà thôi.”
Như thế khi nói rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con, thì Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời. Ngài vào đời làm người, nhưng Ngài vẫn cao trọng hơn thiên sứ và dù mang thân xác con người, thiên sứ vẫn thờ phượng Ngài.
Ta nên nhớ rằng chính Giê-xu đó đã bị đóng đinh vào thập giá, thân hình đầy máu và vết thương. Con người hạ mình chịu đau thương với bao nhục nhã đó không ai khác hơn là Chúa Toàn Năng, Đấng Tạo Hóa, đã bị chính tạo vật của Ngài đóng đinh trên thập giá. Chỉ khi nào chúng ta nghĩ đến Đấng đó là ai, thì ta mới hiểu được điều mà thư Hê-bơ-rơ đòi hỏi, đó là người được Chúa cứu chuộc phải tiến lên đến chỗ hoàn hảo và phải hoàn toàn dâng hiến cuộc đời cho Ngài không giữ lại chút nào. Đây chính là sứ điệp của Thư Hê-bơ-rơ, một lời nhắn nhủ những người tin Chúa phải dâng trọn cuộc đời cho Chúa là Đấng được miêu tả là Con Đức Chúa Trời và Con Người.
Chương thứ nhất là một bài luận thuyết về tính chất cao cả của Chúa Cứu Thế vượt trổi hơn các thiên sứ. Ta nên nhớ rằng độc giả của thư Hê-bơ-rơ là những người tín đồ Hê-bơ-rơ rất trọng vọng thiên sứ, vì thế nên những lời minh định này rất cần cho họ. So với thiên sứ thì Con Đức Chúa Trời được miêu tả là:
- Chúa là Vua trong vương quốc (câu 8)
- Chúa vô tội (câu 9)
- Chúa là Đấng vẽ kiểu cho vũ trụ (câu 10)
- Chúa là Tạo Hóa vĩnh hằng (câu 11)
- Chúa vẫn y nguyên không thay đổi (câu 12)
- Chúa là Đấng chiến thắng sau cùng (câu 13)
- Chúa là Chủ tể của thiên sứ (câu 14)
Sau khi đã lý luận như thế về vai trò của Chúa Giê-xu trong chương 1, chương 2 bắt đầu với những lời cảnh cáo:
Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng. Vì nên lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, (Hê 2:1-3).
Trong mấy câu kể trên có một từ cần được minh định cho rõ, đó là chữ ‘trễ nải’ chữ này trong nguyên văn là, bỏ qua, coi thường. Ta có thể đọc lại câu này là: mà nếu ta còn coi thường sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? Các câu này dành cho người đã tin Chúa chứ không phải cho người chưa tin Chúa, mặc dù thông thường người ta hay dùng để kêu gọi tội nhân trở về. Tại đây ta phải hiểu dụng ý của tác giả là cho người tin Chúa biết rằng: tin Chúa chưa đủ, phải tiến lên đến chỗ toàn vẹn. Đây cũng là mục đích chính của thư Hê-bơ-rơ. Người Israel ra khỏi Ai-cập, đươc chuộc bằng máu, nhưng mục tiêu là đất Ca-na-an, đất chiến thắng. Chỉ có ít người vào được đất hứa này, đa số vùi thây trong sa-mạc. Phao-lô viết trong thư gởi cho HT Phi-líp rằng:
12 Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy cùng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.
Lời này là cho những người đã được cứu. Cứu rỗi là một quà tặng, món quà này đòi hỏi ta phải có trách nhiệm. Ta có thể khiến nó sinh bông trái hay cứ bỏ qua đi.
Hê-bơ-rơ 2:3 ghi rằng: mà nếu ta còn coi thường sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? Tránh khỏi gì đây? Không phải hỏa ngục đâu, vì nhờ ân sủng mà chúng ta tránh được hỏa ngục. Tại đây là tránh khỏi sự khước từ của Chúa vào ngày tính sổ. Tất cả chúng ta rồi ra đều phải ứng hầu trước toà của Chúa để trả lời về những gì chúng ta đã thực hiện sau khi được cứu.
Đây là sứ điệp của Hê-bơ-rơ mà nhiều người bỏ qua.
Người tin Chúa phải nhận thức rằng tin nhận Chúa mới là bước đầu tiên trên một quá trình.
Nguyễn Sinh