Bài 26: Tin Cậy Chúa Trong Thân Phận Của Mình
Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm. Khi tôi được dựng nên trong nơi kín, Chịu nắn nên cách xảo lại nơi thấp của đất, Thì các xương cốt tôi không giấu được Chúa. Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, Đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy (Thi Thiên 139:13-16).
Phần Kinh Thánh vừa đọc cho biết mỗi chúng ta được chính Chúa sáng tạo với cả thể chất lẫn tâm linh. Chúng ta là con người gồm thể chất, tâm linh và tình cảm. Nhưng mỗi chúng ta đều hoàn toàn riêng biệt. Gióp cũng từng nói rằng:
Tay Chúa đã dựng nên tôi, nắn giọt trót mình tôi; Nhưng nay Chúa lại hủy diệt tôi! Xin Chúa nhớ rằng Chúa đã nắn hình tôi như đồ gốm; Mà Chúa lại lại muốn khiến tôi trở vào tro bụi sao? Chúa há chẳng có rót tôi chảy như sữa, Làm tôi ra đặc như bánh sữa ư? (Gióp 10:8-10).
Thi Thiên 119:73 cũng viết: Bàn tay Chúa đã làm tôi và nắn hình tôi; Xin hãy ban cho tôi trí hiểu, để tôi học điều răn Chúa.
Trong khi đó thì Chúa bảo Giê-rê-mi rằng: (Giê-rê-mi 1:4) Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng tôi như vầy: Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, ta đã biết ngươi rồi;
Có người không bằng lòng con người của mình và như thế là phản chống lại ý định của Chúa. Thật ra bản chất tội lỗi di truyền đã làm thay đổi con người và mỗi chúng ta cần được thay đổi cho trở thành con người mới. Chúng ta nên theo lời Đa-vít là tác giả Thi Thiên 139 câu 14, mà thưa với Chúa rằng: Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng.Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.
Đa-vít cảm tạ Chúa không phải vì là người đẹp trai hay giỏi dang, nhưng vì Chúa đã sáng tạo ra ông. Chúng ta cũng vậy, Chúa là Đấng vĩnh hằng, khôn ngoan vô cùng và thương yêu tuyệt đối đã đích thân tạo ra mỗi chúng ta. Chúa tạo ra chúng ta theo ý định và mục đích của Ngài. Chúng ta được tạo nên vì Chúa thương chúng ta và Chúa được vinh danh qua con người của chúng ta.
Đây chính là cơ sở cho mỗi chúng ta chấp nhận chính mình. Và đó cũng là căn bản cho chúng ta tin cậy Chúa trong thân phận của mình. Nếu chúng ta có những khuyết tật trong thân thể, chúng ta vẫn chấp nhận, vì trong khôn ngoan và thương yêu Chúa đã sáng tao chúng ta như thế. Chúng không hiểu tại sao Chúa làm như vậy. Chúa từng trả lời cho Môi-se ngày xưa rằng: Đức Giê-hô-va bèn phán rằng: Ai tạo miệng loài người ra? hay là ai đã làm câm, làm điếc, làm sáng, làm mờ? Có phải ta là Đức Giê-hô-va chăng? (Xuất 4:11).
Việc chấp nhận tình trạng khuyết tật bẩm sinh không dễ, nhưng chính Chúa Giê-xu ngày xưa cũng đã xác nhận có bàn tay của Tạo Hóa trong những khuyết tật đó. Phúc Âm Giăng ghi lại câu chuyện như sau: Đức Chúa Jêsus vừa đi qua, thấy một người mù từ thuở sanh ra. Môn đồ hỏi Ngài rằng: Thưa thầy ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người. (Giăng 9:2-3).
Những tín hữu tin Chúa có khuyết tật, cần đến với Chúa, thưa rằng: Lạy Cha thánh, con tin rằng Cha đã tạo nên con như hiện trạng vì Cha thương yêu con và muốn qua con danh Cha được vinh quang. Con xin hết lòng tin cậy Cha trong thân phận của con.
Muốn nói được câu kể trên, người mang khuyết tật phải hết lòng tin rằng Đấng khôn ngoan, biết rõ những gì tốt nhất cho mình và hết lòng thương yêu khi sáng tạo ra mình. Nhiều khi người khuyết tật gặp khó khăn trong việc chấp nhận thân phận của mình, vì khuyết tật vẫn ở với mình, không thay đổi được. Sứ đồ Phao-lô viết: Bởi vì, ai phân biệt ngươi với người khác?Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao?Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh? (1 Cô-rinh-tô 4:7).
Câu này dạy chúng ta rằng: Tất cả chúng ta đều nhận được khả năng, học vấn, của cải, vị thế trong đời, hay ảnh hưởng từ nơi Chúa ban cho và được sử dụng cho vinh quang của Chúa. Dù khả năng hay khuyết tật chúng ta đều nhận từ nơi Chúa cả, chúng ta cảm tạ Chúa và tìm cách sử dụng cho vinh quang của Chúa.
Tin cậy Chúa trong thân phận của mình
Chúa sáng tạo chúng ta trong lòng mẹ đúng như ý định của Ngài để chúng ta có thể theo đúng kế hoạch Ngài dành cho chúng ta. Thi Thiên 139:16 ghi: Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy.
Câu này có thể nói đến số tuổi của Đa-vít đã được Chúa định sẵn. Đa-vít cũng đã nói tương tự như thế trong Thi Thiên 31:15 Kỳ mạng tôi ở nơi tay Chúa; Xin giải cứu tôi khỏi tay kẻ thù nghịch, và khỏi tay kẻ bắt bớ tôi.
Sứ đồ Phao-lô từng nói: Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở (Công vụ 17:26).
Nhưng câu này cũng có thể có nghĩa là tất cả những kinh nghiệm của cuộc đời Đa-vít, từng ngày một, đã được ghi trong sách của Chúa trước khi ông sinh ra. Nghĩa là Chúa có kế hoạch cho đời sống Đa-vít.Ý nghĩa này ăn khớp với ý của các câu từ 13-15. Tức là Chúa sáng tạo mỗi chúng ta đặc biệt để hoàn tất kế hoạch mà Chúa đã dành cho đời chúng ta. Khả năng hay khuyết tật của chúng ta đều phù hợp với kế hoạch đó. Việc sáng tạo và kế hoạch của Chúa cho mỗi chúng ta đều tương ứng phù hợp.
Có người nói rằng, một trong những bài học đáng ghi nhớ là Chúa có một kế hoạch rõ ràng cho mỗi chúng ta khi đưa chúng ta vào trần gian này. Kế hoạch này không những bao gồm cuộc sáng tạo ra chúng ta, mà còn có cả những chi tiết như gia đình và cộng đồng xã hội mà chúng ta sinh ra nữa. Kế hoạch này gồm tất cả những khía cạnh của cuộc đời, tất cả những chuyện xẩy ra như ngẫu nhiên hay bất ngờ nữa, rồi tất cả những sự cố đột xuất hay không ai mong đợi, những việc tốt cũng như những việc xấu xẩy ra trong đời chúng ta. Tất cả những sự việc này, những hoàn cảnh đó, dù xẩy ra như tình cờ, đã ghi rất chi tiết trong cuốn sách của Chúa khi chưa có việc nào xẩy ra.
Tuy nhiên kế hoạch của Chúa cho mỗi chúng ta không phải chỉ là những sự cố hay tình huống xẩy ra cho chúng ta. Kế hoạch ấy gồm cả những gì Chúa muốn chúng ta trở thành một người nào và làm gì nữa. Kinh Thánh dạy rằng Chúa đặt mỗi người chúng ta trong thân thể của Chúa Giê-xu theo ý Ngài muốn. Chúa ấn định những nhiệm vụ cho mỗi chúng ta trong thân thể của Chúa Giê-xu và ban cho ân tứ phù hợp với chức năng đó, kể cả phần thể chất lẫn phần tâm linh.
Không phải sau khi chúng ta tin nhận Chúa rồi Ngài mới có kế hoạch và mới nghĩ đến ân tứ. Chúa đã có kế hoạch chu đáo từ ban đầu. Chúa từng phán bảo Giê-rê-mi rằng: trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước. (Giê-rê-mi 1:5).
Sứ đồ Phao-lô cũng viết: Nhưng khi Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, và lấy ân điển gọi tôi, (Ga-la-ti 1:15).
Bạn là ai không phải là một tai nạn về sinh học. Bạn sống trong hoàn cảnh nào cũng không phải là trường hợp bất ngờ.Chúa đều có kế hoạch cả. Chúng ta phải tin cậy Chúa về thân phận của mình, nhưng cũng phải tin cậy Chúa về hoàn cảnh sống của mình nữa.
Nói về hoàn cảnh sống tức là nghề nghiệp, là việc làm trong đời.Có người làm việc này, người khác làm việc khác. Các việc này đều được ấn định sẵn. Vấn đề quan trọng hay kém cỏi không đặt ra. Vì nghĩ cho cùng, đều do Chúa đưa đẩy và xui khiến cả. Chỗ cao nhất mà một người đạt đến được trong đời là chỗ Chúa đã hoạch định và tạo nên người ấy cho việc đó.
Nói như thế không phải là phủ nhận rằng lao động, cùng với tất cả các sắc thái khác trong cuộc sáng tạo đã bị nguyền rủa vì tội phản chống Chúa của tổ tiên gây ra. Chúa đã bảo A-đam rằng: ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi. (Sáng 3:19).
Là người tin Chúa chúng ta vẫn bị lời nguyền ảnh hưởng, nhưng chúng ta có cái nhìn khác về việc làm. Chúng ta không coi việc làm như điều hư xấu để kiếm sống, nhưng như chỗ mà Chúa đã xếp đặt cho chúng ta để phục vụ Chúa trong xã hội.
Sứ đồ Phaolô viết cho những người nô lệ trong Hội Thánh Cô-lô-se rằng: Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, (Cô-lô-se 3:23). Dĩ nhiên là công việc của người nô lệ rất là hèn kém và chán chường, nhưng họ được dạy là phải hăng hái làm việc như là phục vụ Chúa vậy.
Mỗi một ngày đều quan trọng đối với người đã tin nhận Chúa, vì ngày ấy đã được Chúa ấn định. Nếu ngày nào ta chán nản cuộc sống thì phải xét đến ý niệm của mình về Chúa hôm ấy ra sao vì Chúa có quan hệ với ta mỗi ngày ta sống trên đời.
Nhận thức rằng Chúa đã kế hoạch cho cuộc sống của mình không dẫn chúng ta đến thái độ chấp nhận thụ động. Vì nếu có cơ hội cải tiến hoàn cảnh theo chiều hướng vinh danh Chúa, ta rất nên làm. Sứ đồ Phao-lô dạy: Ai nầy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ theo đấng bậc ấy. Ngươi đương làm tôi mọi mà được gọi chăng? Chớ lấy làm lo; song nếu ngươi có thể được tự do, thì hãy nhơn dịp đó là hơn. (1 Cô-rinh-tô 7:20,21).
Đối với nhiều người việc thay đổi những chi tiết trong cuộc đời dường như không mấy hi vọng, dù ta có cố gắng hay cầu nguyện nhiều. Những hoàn cảnh như thế có thể là kế hoạch của Chúa dành cho mình. Ta có thể dùng lời Chúa an ủi dân Ngài khi bị đày sang Ba-bi-luân trong Giê-rê-mi 29:11 rằng: Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình. Như thế, chúng ta có thể hết lòng tin là Chúa có chương trình tốt lành cho mỗi chúng ta, vì đã được ấn định từ khi mình chưa sinh ra. Chúng ta hãy kiên trì hy vọng và tin cậy Chúa, bước đi trong đức tin và thỏa lòng nơi Chúa.
Tin cậy vào hướng dẫn của Chúa
Nhận thức rằng Chúa đã ấn định mỗi ngày sống cho chúng ta đưa chúng ta đến ý nghĩ: Tôi có thể tin cậy Chúa hướng dẫn tôi trong kế hoạch đó hay không? Nếu tôi nhầm lẫn không theo đúng hướng thì sao? Để trả lời các câu hỏi này ta cần phân biệt rõ giữa sự hướng dẫn của Chúa và điều mà chúng ta thường gọi là tìm ra ý Chúa.
Đa-vít nói rằng: Chúa dẫn tôi đến mé nước bình tịnh…Dẫn tôi vào các lối công chính, vì cớ danh Ngài… (Thi-thiên 23:2,3). Đây là hình ảnh người chăn chiên đang dẫn dắt đàn chiên. Người ấy tự ý đưa chiên đi đâu, bãi cỏ nào, suối nước nào, những nơi mà người ấy nghĩ là tốt nhất cho chiên. Đấng chăn giữ chúng ta cũng vậy, mỗi ngày đã được Ngài định sẵn cho chúng ta sống, với những kinh nghiệm và sự việc mà Ngài biết rõ. Đó là nói về sự hướng dẫn của Chúa.
Vấn đề tìm ra ý Chúa có hơi khác, mặc dù vẫn có quan hệ với sự hướng dẫn của Chúa. Chúng ta chú trọng về ý định ban đầu của Chúa, và sự hướng dẫn thành tín của Ngài, sao cho chúng ta hoàn thành mọi việc theo đúng kế hoạch của Chúa. Nhiều khi chúng ta cố tìm cho ra ý Chúa trong một hoàn cảnh nào đó hay để quyết định một việc hệ trọng trong đời, nhưng Kinh Thánh dường như nhấn mạnh về sự hướng dẫn của Chúa nhiều hơn.
Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ chỉ ghi lại có một lần các môn đệ quyết định tìm ý muốn của Chúa, đó là khi họ chọn lựa Ma-thia để thay thế cho Giu-đa.Từ đó trở đi sách chỉ ghi lại sự hướng dẫn của Chúa.Thí dụ như Công Vụ chương 16. Phao-lô và các bạn tiếp tục hành trình truyền giáo theo một chiều hướng rất là hữu lý. Nhưng đã hai lần Thánh Linh ngăn họ lại, kết quả là sau sự khải thị của Chúa cho Phao-lô, họ phai quay hướng sang Ma-xê-đoan. Khi họ chuyển hướng, thì Thánh Linh hướng dẫn họ. Thánh Linh ngăn cản họ hai lần và đưa họ theo hướng Ngài muốn. Phần miêu tả không cho biết Thánh Linh hướng dẫn như thế nào, nhưng chỉ ghi là Thánh Linh hướng dẫn. Như thế ta thấy Chúa không để cho Phao-lô đi tìm ý Chúa, nhưng khi Phao-lô di chuyển, Ngài ra tay trước hướng dẫn.
Chúa có một chương trình cho mỗi chúng ta. Chúa ban cho chúng ta ân tứ, khả năng, tính tình khác nhau, và đặt mỗi người vào đúng chỗ trong Hội Thánh là thân thể Chúa theo ý Ngài. Chúa làm như vậy là để chúng ta không lựa chọn gì cả. Chúa chuẩn bị mọi hoàn cảnh để bảo đảm là chúng ta tìm đúng chỗ đứng và hoàn thành nhiệm vụ Chúa giao cho làm.
Chúng ta vẫn có trách nhiệm quyết định khôn ngoan hay là tìm ra ý Chúa. Nhưng kế hoạch của Chúa không phụ thuộc vào quyết định của chúng ta. Kế hoạch của Chúa không phụ thuộc vào cái gì cả. Vì kế hoạch của Chúa hoàn toàn tể trị, dù chúng ta có quyết định đúng hay sai.
Hướng dẫn của Chúa luôn luôn gần như từng bước một; Ngài không cho chúng ta biết ngay chương trình của cuộc đời chúng ta. Chúng ta dù có nóng lòng hay tò mò cũng phải chờ đợi thôi. Một điều khác ta cần nhớ là Chúa còn hướng dẫn cả lối suy nghĩ của chúng ta nữa. Chính vì sự hướng dẫn này mà ta thấy thỏa mãn khi ta có những quyết định hợp với kế hoạch của Chúa.
Chúng ta có thể tin cậy là Chúa hướng dẫn, Ngài sẽ đưa chúng ta đi đúng nẻo đường, cuối cùng, chúng ta có thể nhìn lại cuộc đời mình và cảm tạ Chúa vì lúc nào Chúa cũng đi trước và hướng dẫn chúng ta không sai một bước. Điều quan trọng là ta có bằng lòng theo sự hướng dẫn chi tiết của Chúa hay không mà thôi.
Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn