Bài 4: Căn Bản Cho Tính Cao Cả Tuyệt Đối Của Chúa Cứu Thế Giê-xu
19Vì Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài,
20và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời.
21Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình,
22nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được;
23miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của đạo ấy.
Cô-lô-se 1:19-23
Đây là các bài nghiên cứu rất thâm sâu về Chúa Cứu Thế Giê-xu căn cứ trên lá thư của sứ đồ Phao-lô gởi cho Hội thánh tại Cô-lô-se ngày xưa. Quý độc giả vui lòng nhẫn nại với chúng tôi, vì thư Cô-lô-se là một thư khó của sứ đồ Phao-lô.
Đề tài của bài hôm nay tiếp nối với đề tài bài trước, đó là:
Căn Bản Cho Tính Cao Cả Tuyệt Đối Của Chúa Cứu Thế Giê-xu
Bài nghiên cứu này có hai phần:
Thứ nhất là sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế.
Thứ hai là công việc làm cho Trời người hòa thuận của Chúa Cứu Thế.
Trước tiên là Sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế
Câu 19:
19Vì Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài,
Câu này có hai điều khó giải:
Thứ nhất là trong nguyên văn chữ ‘vui lòng’ không có chủ từ. Tuy nhiên vẫn có thể hiểu là Đức Chúa Trời vui lòng.
Thứ hai ‘sự đầy dẫy’. Sự đầy dẫy này là của Đức Chúa Trời, nghĩa là trong Chúa Giê-xu có đầy đủ giá trị, quyền uy, năng lực và đức tính cao cả, thích hợp cho việc sáng tạo vũ trụ, vạn vật, cứu chuộc loài người, và cung ứng mọi thứ cần thiết cho việc cứu rỗi.
Chúng ta có một Cứu Chúa không thiếu khôn ngoan, sức mạnh và ân sủng để cứu chuộc chúng ta.
Không có gì cần thiết cho việc cứu chuộc chúng ta mà Chúa Giê-xu lại không đủ tư cách để thực hiện.
Không có gì chúng ta cần để có thể làm trọn bổn phận, đối đầu với cám dỗ, và chịu đựng thử thách mà Chúa lại không có thể cung ứng.
Không có trường hợp nào nguy hiểm và rối loạn cho Hội thánh mà Chúa không có khả năng can thiệp.
Cũng không có công việc nào Hội thánh muốn thực hiện mà lại không có năng lực từ nơi Đấng làm đầu Hội thánh để hoàn thành. Vì Chúa đã kêu gọi Hội thánh làm những công việc ấy.
Chúng ta có thể chạy đến với Chúa trong mọi khó khăn, yếu đuối, cám dỗ và nhu cầu và chắc chắn Chúa sẽ cung ứng đầy đủ.
Thứ hai là Công việc làm cho Trời người hòa thuận của Chúa Cứu Thế.
Vì đầy dẫy Thần tính nên Chúa Cứu Thế mới có thể làm trung gian nối kết trần gian phản loạn với Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết Công Chính. Nhiều người có thể giải thích rằng Chúa Giê-xu làm trung gian giữa hai phía thù nghịch, nhưng thật ra Chúa Giê-xu là trung gian trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thượng Đế. Nói đúng ra, Chúa Giê-xu thực thi tình thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Vì nếu Đức Chúa Trời không sai Chúa Giê-xu đến thế gian thay cho loài người chịu chết chuộc tội, thì loài người đành chịu hình phạt, xa cách hẳn Nguồn Sống và vinh quang đời đời của Đức Chúa Trời.
Trong câu 20, sứ đồ Phao-lô viết: 20 và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời.
Ta cần hiểu ý nghĩa của việc Chúa Giê-xu chịu tử hình trên thập tự giá.
Đây không phải là một vụ án kỳ thị tôn giáo hay chính trị.
Đây cũng không phải là một vụ tàn sát của bạo quyền thống trị La-mã.
Cũng không phải thành công của phe Do-thái-giáo trong âm mưu bài trừ đối thủ.
Đây là kế hoạch hòa bình hay là nền móng cho cuộc giải hoà giữa con người tội ác, phản nghịch và Đức Chúa Trời toàn thánh toàn thiện. Máu của Chúa Giê-xu đổ ra trên thập tự giá chính là máu của sinh tế chuộc tội cho dân mà Đức Chúa Trời truyền dạy cho Môi-se ngày xưa.
Từ khi Chúa Giê-xu chịu đổ máu trên thập tự giá thì sự dâng sinh tế chuộc tội không còn cần thiết nữa. Ai phạm tội với Chúa, hay muốn được tha tội, chỉ cần tin nhận Chúa Giê-xu, thì tội được tha và linh hồn được cứu.
Câu 20 có hai từ ta cần lưu ý: Thứ nhất là Hòa Bình và thứ hai là Hòa Thuận
Hòa bình hay hòa thuận là để kết thúc cuộc xung đột và chống nghịch. Đây là cuộc chiến giữa Chúa Trời và nhân loại. Cuộc chiến này do sự phản nghịch bất tuân lệnh Chúa của con người gây ra và tiếp tục trong dòng giống loài người. Số phận loài người là hoàn toàn bị diệt vong. Nhưng Chúa Trời vì lòng thương đã lập kế hoạch cứu rỗi hay kế hoạch hòa bình. Muôn vật được nói đến trong câu này có nghĩa là sau khi Trời người thuận hòa thì tất cả cũng trở thành tốt lành. Vì khi con người phạm tội thì vạn vật cũng bị đổi thay theo hướng độc dữ. Khi con người được tha tội, vạn vật lại thay đổi theo hướng thiện lành.
Câu 20 nói tổng quát về việc giải hòa của Chúa Giê-xu.
Từ câu 21 đến 23 cho thấy việc này áp dụng ra sao đối với cá nhân mỗi người và nhất là tín hữu tại Cô-lô-se:
21Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình,22nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được;23miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không nao núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của đạo ấy.
Câu 21 nói về tình trạng của người chưa tin Chúa. Tình trạng ấy được miêu tả là xa cách Chúa, thù nghịch đối với Chúa trong tư tưởng và hành vi.
Ngày trước là khi chưa biết Chúa, chưa tin nhận Chúa. Khi ấy mọi người đều là thù nghịch đối với Chúa và chỉ chờ đợi bị trừng phạt và tiêu diệt. Vì đời sống sai trái từ tư tưởng đến hành vi và hoàn toàn xa cách Chúa là Đấng Toàn Thánh Toàn Thiện. Tội ác ảnh hưởng đến tư duy, làm cho tư tưởng không tập trung vào những gì tốt lành mà luôn luôn hướng về những điều tệ hại xấu xa. Từ tư tưởng sai trái dẫn đến hành vi sai trái là tất yếu. Trước đức công chính của Chúa, tất cả nhân loại đều là tội nhân và cần được tha thứ và thay đổi.
Câu 22 cho thấy khác biệt giữa lúc chưa tin Chúa và khi đã tin nhận Chúa:
22nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được. Khi ta bằng lòng tin nhận Chúa thì phép lạ xẩy ra. Từ chỗ xa cách Chúa, thù nghịch với Chúa trong tư tưởng và hành vi chờ đợi cuộc trừng phạt, trở thành thuận hòa với Chúa, dám đứng trước mặt Chúa như chưa từng phạm tội. Tất cả đều nhờ cái chết làm sinh tế chuộc tội của Chúa Giê-xu. Tất cả nằm trong chương trình thương yêu nhân loại của Đức Chúa Cha. Khi tin Chúa, ta có một địa vị, một chỗ đứng mới, và có quyền xuất hiện trước mặt Chúa, vì Chúa Giê-xu đã chết và máu Ngài bôi xóa tội ác chúng ta.
Nhưng cũng như người mặc bộ quần áo mới, lúc nào cũng sợ làm cho bẩn. Sứ đồ Phao-lô căn dặn những người tin Chúa là: 23miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không nao núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin lành mà anh em đã nghe. Câu này cho thấy trách nhiệm của người tin Chúa. Không phải cứ tin Chúa, sau đó mình sẽ là thánh nhân cả đâu. Mỗi người có trách nhiệm và bổn phận phải tuân hành. Người tin Chúa phải biết rõ điều mình tin chứ không phải về hùa, mê tín.
Tin lành hay tin mừng được gọi là đạo trong câu này chính là tin về việc Chúa Giê-xu vào đời hi sinh làm sinh tế chuộc tội cho mỗi người. Đây không phải là một tôn giáo. Tin về ân huệ tha thứ và tái tạo tội nhân của Đấng Thượng Đế, là giải thoát mọi người khỏi cơn giận và án phạt của Ngài dành cho kẻ phạm tội. Mỗi người tin Chúa cần biết rõ như thế chứ không phải chỉ tin hay theo một tôn giáo mà thôi. Vững vàng không nao núng, như là xây nhà trên một nền tảngvững chắc, không bị gió lạ thổi làm cho xiêu giạt. Không những tin mà còn tràn đầy hi vọng. Hi vọng đây là hi vọng về sự cứu rỗi toàn vẹn. Tức là khi ta xong hành trình đời sống và được về với Chúa. Sứ đồ Phao-lô còn nhấn mạnh rằng: Phải tin vào căn bản của Tin Mừng, đừng thêm thắt gì vào, vì sẽ đi sai lạc. Ông nhấn mạnh vai trò truyền giảng tin mừng và sứ vụ của ông.
Ngày nay ta tin Chúa nên xây dựng đời sống mình vững chắc trên lời dạy trong Kinh thánh. Vì ngoài Kinh thánh ra không có sách nào đưa ta đến chỗ biết Chúa tường tận được.
Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta tin Chúa và kiên trì cho đến cuối cùng.
Nguyễn Sinh