Kinh Thánh sử dụng từ “công bình” như thế nào? Giữa vô vàn định nghĩa, hôm nay chúng ta sẽ cùng làm sáng tỏ ý nghĩa của sự công bình.
Công bình là gì và như thế nào là sống công bình?
Công bình là sự thánh khiết trọn vẹn của Đấng Christ. Đó là một thuộc tính thiết yếu của Đức Chúa Trời; hoàn toàn đúng nghĩa đen “Đấng Công Bình”. Có thể coi công bình là đối cực của tội lỗi. Tội lỗi đi ngược lại điều Chúa đã thiết lập trên đời sống chúng ta, do đó, công bình là tiêu chuẩn sống duy nhất để chúng ta được chấp nhận trước mặt Cha. Tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng “sự sống ở nơi đường công bình; trên lối nó không có sự chết” (Châm ngôn 12:28).
Tôi từng nghĩ rằng sống công bình liên quan đến việc sửa đổi hành vi hơn là biến đổi tấm lòng. Đối với tôi, bề ngoài thánh khiết quan trọng hơn được biến đổi đầy dẫy Thánh Linh. Nếu tôi cố gắng ngừng chửi tục hoặc ngừng xem phim bạo lực, điều đó có nghĩa là tôi đang sống công bình.
Mặc dù đó là những việc làm tốt và chính đáng, nhưng càng đọc Kinh thánh, tôi càng nhận ra rằng mình đã hiểu ngược vấn đề. Sự công bình thật sẽ dẫn đến những hành động tốt đẹp, chứ không phải ngược lại.
Kinh Thánh nói gì về con người và sự công bình?
Tất cả chúng ta sinh ra đều là nô lệ của tội lỗi, không thể tự mình tạo ra bất kỳ loại công bình nào (Rô-ma 3:9-12). Ê-sai nói rằng, việc con người tự nỗ lực để sống công bình là điều đáng kinh tởm trong mắt Đức Chúa Trời. “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi. Chẳng có ai kêu cầu danh Ngài, hay là gắng sức đặng cầm lấy Ngài; vì Ngài đã ẩn mặt khỏi chúng tôi, để chúng tôi bị tiêu mất bởi tội ác mình” (Ê-sai 64:6).
Dù việc lành xuất phát từ những động cơ trong sáng nhất, nhưng nếu mục đích không phải để tôn vinh danh Chúa Jêsus, thì việc lành rốt cuộc cũng chỉ là tội lỗi, tự cho mình là công bình. Ví dụ, việc tôi ngừng nói lời tục tĩu chính là hành động tự cho mình là đúng, bởi vì động cơ thực sự không phải do Đức Thánh Linh xác tín, mà chỉ để tỏ ra thánh khiết hơn trong mắt người khác.
Theo thời gian, tôi nhận ra mình cần phải ăn năn và đặt tất cả mọi điều dưới chân Chúa Jêsus. Tôi hoàn toàn không có khả năng thay đổi tấm lòng mình. Chỉ có Ngài mới làm được điều đó. Khi chúng ta ngừng cố gắng tự mình sống công bình, và bắt đầu nhờ cậy Đức Thánh Linh thay đổi tấm lòng, thì Ngài sẽ làm cho chúng ta trở nên công bình.
“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1 Giăng 1:9).
Sự công bình tôi đến từ đâu?
Kinh Thánh xác định rõ ràng, công bình là điều mà dân Chúa phải theo đuổi (2 Ti-mô-thê 2:22), nhưng chúng ta không thể tự mình sống công bình. Vậy chúng ta tìm kiếm sự công bình nơi đâu? Sự công bình của chúng ta đến từ Chúa Jêsus qua công việc chuộc tội Ngài đã hoàn thành trên thập tự giá (Phi-líp 1:11) Chúng ta không thể tạo ra sự công bình, chính Chúa Jêsus đã ban công bình cho chúng ta.
“Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:21).
Chỉ có Đấng hoàn hảo như Chúa Jêsus mới làm được việc này. Chỉ Đấng Christ mới có thể sống một cuộc đời trọn vẹn, vâng lời và vô tội. Chỉ Chúa Jêsus mới có thể chuộc lấy tội lỗi của dân Ngài. Chỉ sự công bình Đấng Christ mới giúp chúng ta vào Vương quốc Ngài (Ma-thi-ơ 5:20).
Mục đích của luật pháp Cựu Ước
Nhiều hệ phái ngày nay không xem trọng luật pháp Cựu Ước. Khi mới trở thành Cơ Đốc nhân, tôi nghĩ các luật trong Cựu Ước do một Đức Chúa Trời hà khắc ban bố – trái ngược với ân điển của Đức Chúa Trời hạnh phước và nhân từ ngày nay. Xin tha thứ cho quan điểm sai lầm này, và cùng tôi tìm hiểu xem luật pháp liên quan thế nào đến việc trở nên công bình.
Khi Đức Chúa Trời giải cứu dân Ngài khỏi Ai Cập, Ngài ban cho họ một bộ luật thông qua Môi-se; bao gồm 5 sách đầu tiên của Cựu Ước. Mục đích của Ngài là dạy dân Y-sơ-ra-ên cách sống công bình qua sự vâng lời, dạy họ cách sống giống như Ngài. “Vả, chúng ta sẽ được xưng là công bình nếu chúng ta cẩn thận làm theo các điều răn nầy trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, y như Ngài đã phán dặn vậy” (Phục truyền luật lệ ký 6:25).
Năm sách đầu tiên của Cựu Ước là câu chuyện Đức Chúa Trời giải cứu, khôi phục và thiết lập giao ước với dân Ngài. Tuy nhiên, vì lòng cứng như đá, họ liên tục nổi loạn chống lại luật pháp Đức Chúa Trời. Tiên tri Ê-xê-chi-ên nói rằng, một ngày nào đó Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ tấm lòng mới để tuân theo luật pháp Ngài. “Ta sẽ ban cho chúng nó một lòng đồng nhau, phú thần mới trong các ngươi; bỏ lòng đá khỏi xác thịt chúng nó, và sẽ cho chúng nó lòng thịt; để chúng nó noi theo lề luật ta, giữ và làm theo mạng lịnh ta. Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta làm Đức Chúa Trời chúng nó” (Ê-xê-chi-ên 11:19).
Để tuân theo luật pháp và sống theo lẽ phải, dân sự cần một tấm lòng mới thay thế cho tấm lòng chai đá. Họ cần một tấm lòng khao khát Đức Chúa Trời và vui thích luật pháp Ngài, từ bỏ lối sống gian ác.
Vì họ (cũng như chúng ta) không có khả năng thay đổi tấm lòng chính mình, Đức Chúa Trời làm cách nào để thay đổi tấm lòng họ?
Qua Cứu Chúa Jêsus.
“Vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình” (Rô-ma 10:4).
Mục đích của thập tự giá trong Tân Ước
Khi xét đoán dân sự, Đức Chúa Trời không căn cứ vào bản chất tội lỗi của con dân Ngài. Thay vào đó, Ngài xem xét chúng ta qua “chiếc áo” công bình của Đấng Christ. Ngài thấy chúng ta được xưng công bình bởi Đấng Christ cách trọn vẹn, tức thì.
“Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rể mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới giồi mình bằng châu báu” (Ê-sai 61:10).
Đây là mục đích của thập tự giá. Vì tình yêu và lòng nhân từ, Đấng Christ đã đến để làm trọn luật pháp cho chúng ta. Ngài đã hoàn thành luật pháp Cựu Ước thay cho dân sự Ngài. Chúng ta không thể tuân theo luật pháp và sống trong sự công bình, vì vậy Đấng Christ đã đến và sống hoàn hảo thay cho chúng ta. Ngài đã đóng đinh tội bất tuân của chúng ta trên thập tự giá, và ban cho chúng ta sự công bình Ngài.
“Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh” (1 Phi-e-rơ 2:24).
Đây là Tin Lành đến từ Chúa Jêsus. Chúng ta không cần dùng công đức hay tiền của để được tha thứ và trở nên công bình, vì Đấng Christ đã mặc lấy sự công bình Ngài cho chúng ta. Toàn bộ sứ mệnh trên đất của Ngài là hòa giải, giúp Hội Thánh đứng về phía công bình với Đức Chúa Trời.
“Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta; hầu cho chúng ta nhờ ơn Ngài được xưng công bình, trở nên con kế tự của Ngài trong sự trông cậy của sự sống đời đời” (Tít 3:5-7).
Làm sao để theo đuổi sự công bình?
Trong 2 Ti-mô-thê 2:22, khi Phao-lô nói về việc từ bỏ ham muốn xác thịt và theo đuổi sự công bình, ông không có ý khuyên chúng ta cố gắng để đạt được điều đó. Ý Phao-lô ở đây là rèn luyện theo đặc tính của Đức Chúa Trời, vì bản chất mới của chúng ta luôn mong muốn trở nên giống Đấng Christ càng hơn.
Theo đuổi công bình là từ bỏ những ham muốn tội lỗi, quay về với Đấng Christ, bước trên đường lối công bình trọn vẹn của Ngài. Trong khi tuân theo mệnh lệnh này, Đức Chúa Trời đang chuẩn bị cho chúng ta sự sống đời đời bên Ngài – dẫn lối dân Ngài với sự công bình chúng ta có trong Đấng Christ.
Hãy yên lòng vì Đức Chúa Trời làm mọi điều vì lợi ích của dân Ngài, kể cả việc khôi phục chúng ta nhờ sự công bình của Con Ngài. Sự công bình của chúng ta bắt đầu trong Đấng Christ và nên trọn vẹn trong Đấng Christ. Hãy theo đuổi Ngài và sự công bình hàng ngày.
“Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài” (Thi thiên 23:3).
Bài: Topher Haddox; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/what-does-it-mean-to-be-righteous.html)