Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 24: Tình Thương Của Chúa

Bài 24: Tình Thương Của Chúa

Bài 24: Tình Thương Của Chúa

Rô-ma 8:35-37 35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? 36 Như có chép rằng: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày; Họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt. 37 Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.

Muốn cầu nguyện hiệu quả, người tin Chúa phải tin cậy Chúa. Chúng ta đã học về quyền chủ tể của Chúa, đức khôn ngoan vô hạn của Ngài, hôm nay ta bàn đến đức thương yêu của Chúa.

Chính là nhờ biết rõ ba đức tính này của Chúa mà khi gặp nghịch cảnh hay những thử thách khó khăn trong đời, con dân Chúa mới có thể vượt qua và trưởng thành trong đời sống tâm linh. Nếu quí vị đã theo dõi loạt bài về Phương Pháp Cầu Nguyện cho đến bài hôm nay, quý vị sẽ thấy rằng muốn cầu nguyện hữu hiệu không phải chỉ tổ chức chu đáo, bền bỉ và hết lòng tin, nhưng còn phải biết Chúa càng ngày càng rõ hơn nữa.

Câu hỏi mà nhiều người sống trong nghịch cảnh đặt ra là: Nếu Chúa toàn năng, toàn tri, chủ tể tất cả, thì tại sao trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác không thấy Chúa ra tay hành động gì cả? Chúa toàn năng nhưng có thương yêu hay không?

Nghĩa là Đấng Chủ Tể vũ trụ vạn vật có thiện lành hay không?

Chúng ta cũng cẩn thận khi nêu lên một thắc mắc như thế, vì chính Sa-tan, kẻ chống nghịch Chúa, khi tiếp xúc với con người lần đầu tiên cũng đã đề cập đến vấn đề thiện lành của Chúa, nó thường xuyên gieo vào tâm hồn ta ý nghĩ Chúa trên trời không quan tâm và còn chê cười chúng ta khi chúng ta chịu khổ nạn.

Nhưng chúng ta không phải lựa chọn giữa quyền tể trị của Chúa và đức thiện lành của Ngài.

Kinh Thánh xác nhận rõ Chúa vẫn là Đấng Chủ Tể và Ngài vô cùng thiện lành. Tình thương của Chúa, cũng như quyền chủ tể của Ngài được nói đến gần như trong mỗi trang Kinh Thánh.

Sứ đồ Giăng nói rằng: Chúa là tình yêu. (1 Giăng 4:8).

Lời tuyên bố này được nói ra đồng thời với câu nói: Chúa là ánh sáng. 1 Giăng 1:5 nghĩa là Chúa thánh khiết, và bao hàm mọi đức tính của Chúa mà Kinh Thánh khải thị cho ta biết.

Vì Chúa là tình yêu, vì vậy bản chất của Chúa là làm điều thiện lành và tỏ bày tình thương đối với mọi tạo vật.

Thi thiên 145 ghi: 8 Đức Giê-hô-va hay làm ơn, có lòng thương xót, Chậm nóng giận, và đầy sự nhơn từ. 9 Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người, Sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên.(7-9) Đức Giê-hô-va là công bình trong mọi đường Ngài, Hay làm ơn trong mọi công việc Ngài.(17).

Ngay cả khi Chúa phán xét tội nhân, Ngài cũng nói: 11 Hãy nói cùng chúng nó rằng: Chúa Giê-hô-va phán: Thật như ta hằng sống, ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây bỏ đường lối mình và được sống. Các ngươi khá xây bỏ, xây bỏ đường lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên? Ê-xê-chi-ên 33:11.

Khi người tin Chúa sống giữa nghịch cảnh, tai ách này đến tai ách nọ dồn dập tấn công, có khi bị cám dỗ nghi ngờ tình yêu của Chúa, trong lúc đó, Sa-tan còn chen vào thì thầm những xui giục như: “Nếu Chúa thương anh hay chị thì Ngài đã không để việc này xẩy ra.”

Sa-tan hay dùng mưu này để ta nghi ngờ tình thương của Chúa và khước từ Ngài. Chúng ta không thể ngăn cản Sa-tan cám dỗ như thế, nhưng có thể không chấp nhận những ý nghĩ này ẩn tàng trong tâm hồn mình. Vì khi người nào nghi vấn về đức thiện lành của Chúa, thì người ấy quan tâm về đức thiện lành hơn là về Chúa. Dễ chối bỏ Chúa.  Đây cũng chính là mục đích của cuộc cám dỗ ta nghi ngờ đức thiện lành của Chúa.

Thánh nhân Gióp trong những ngày đầu của tai ách có thể nói: Đức Giê-hô-va ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ca ngợi danh Đức Giê-hô-va. Gióp 1:21.

Nhưng cuối cùng, khi ông nghi ngờ về đức thiện lành của Chúa, ông nói: Tôi vốn là công bình, Nhưng Đức Chúa Trời đã cất sự lý đoán tôi.   Chẳng ích lợi chi cho loài người Tìm kiếm điều vui thích mình nơi Đức Chúa Trời. Gióp 34:5,9.

Làm thế nào chống lại sự cám dỗ nghi ngờ tình yêu Chúa và giữ vững niềm tin?

  1. Tình yêu Chúa biểu lộ tại Gô-gô-tha

Người tin Chúa ai cũng biết bằng chứng về tình yêu Chúa được thể hiện khi con Ngài là Chúa Giê-xu chịu hi sinh chết thay vì tội của mỗi chúng ta. 1 Giăng 4:9-10 ghi rằng: 9 Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. 10 Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm sinh tế chuộc tội chúng ta.

Sứ đồ Giăng nói rằng Đức Chúa Trời là tình yêu, và Ngài đã sai con Ngài chết thay cho chúng ta để chứng minh điều ấy. Nhu cầu lớn nhất của mỗi chúng ta không phải là được thoát khỏi nghịch cảnh trong đời đâu.  Vì tất cả những tai ách có thể xẩy ra trong đời không thể nào so được với tai ách kinh khủng nhất đó là cuộc gián cách vĩnh hằng với Chúa. Hơn thế nữa không có nghịch cảnh nào trong đời so sánh được với cuộc đau khổ kinh khủng vĩnh hằng mà Chúa dành cho những kẻ phạm tội với Ngài. Vì thế khi sứ đồ Giăng nói rằng Chúa tỏ bày tình thương của Ngài trong việc sai Con Ngài chết thay chuộc tội cho chúng ta, tức là giải phóng chúng ta khỏi một tai ách kinh khủng nhất, đó là điều quan trọng nhất cần được giải quyết.  Nếu chúng ta muốn thấy bằng chứng về tình thương của Chúa đối với chúng ta, chúng ta phải nhìn vào thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha khi xưa. Gô-gô-tha là một bằng chứng khách quan, tuyệt đối không chối cãi được về tình thương của Chúa đối với chúng ta.

Sứ đồ Phao-lô thêm rằng: 7 Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; ít khi có kẻ bằng lòng chết vì người lành. 8 Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. Rô-ma-5:8.

Nhiều người sống trong một gia đình thiện lành và tin Chúa nữa, ít khi quan niệm được rằng mình vốn là tội nhân, vì đối với xã hội, mình hoàn toàn là người lương thiện. Tội nhân hay phạm nhân là những người sống lầm than, khổ sở vì chờ đợi án tù.

Phao-lô mô tả chúng ta vốn chết về tâm linh trong tội ác. Hình ảnh thung lũng xương khô trong sách tiên tri Ê-xê-chi-ên diễn tả đúng tình trạng của chúng ta khi chưa tin nhận Chúa. Mặc dù chúng ta là ai, tình trạng chưa tin nhận Chúa của chúng ta y hệt như đám xương khô không sống động.

Phao-lô còn cho biết khi chưa tin Chúa chúng ta sống theo chiều hướng của thế gian, làm nô lệ cho ma quỷ vì sống trong vùng chế ngự của nó. Chúng ta là kẻ thù đối với Chúa và đáng bị trừng trị. Chúng ta chưa tin Chúa thì hoàn toàn sống cho thỏa mãn tham dục, và chỉ đáng hưởng cuộc trừng phạt do cơn phẫn nộ của Chúa mà thôi.

Chúng ta nói đến tình trạng tội phạm của chúng ta để hiểu tình yêu của Chúa vĩ đại chừng nào. Khi chúng ta gặp nghịch cảnh và lên tiếng nghi ngờ tình thương của Chúa thì nên nhớ đến tình trạng phạm tội chờ án phạt của mình.  Chúng ta thật ra không đáng được Chúa thương xót gì cả. Cho nên khi một người thắc mắc: Tôi không hiểu tại sao chuyện này lại xẩy ra cho tôi? Người ấy nên bình tĩnh nghĩ đến tình thương cứu vớt của Chúa, và thân phận xấu xa hư hoại của mình để bớt tủi thân vô lý.

Như vậy, nếu sống trong nghịch cảnh và muốn tin cậy Chúa, cầu nguyện với Ngài thì tâm trí ta phải lý luận về quyền chủ tể của Chúa, đức khôn ngoan vô hạn của Ngài, và tình thương vĩ đại được khải thị trong Kinh thánh. Nếu tình yêu của Chúa đủ cho nhu cầu to lớn nhất là sự cứu rỗi vĩnh hằng của tôi, thì chắc chắn cũng đủ cho tôi thắng vượt nghịch cảnh mà tôi gặp phải trong đời. Chúng ta có thể nói như sứ đồ Phao-lô rằng; không có bất cứ điều gì, kể cả nghịch cảnh ghê gớm nhất có thể phân cách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa. Chúng ta cần bình tĩnh dùng tâm trí lý giải mọi hoàn cảnh mà mình lâm vào để hết lòng tin Chúa.

  1. Tình yêu của Chúa là tình cha đối với con

Khi chúng ta nhờ ân sủng của Chúa tin nhận Chúa Cứu Thế làm Chúa của chúng ta, chúng ta trở thành con cái trong đại gia đình của Chúa. Ngài có giao ước với chúng ta và chúng ta là dân của Ngài. Nhờ Chúa Giê-xu, chúng ta được Chúa coi chúng ta như con và sai Đức Thánh Linh sống với chúng ta và minh chứng rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời.

Chúa trở thành cha của mỗi chúng ta và Chúa yêu chúng ta bằng tình thương cha con đó. Phao-lô trong thư Cô-lô-se 3:12 nói rằng: Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài. Trong tiên tri sô-phô-ni 3:17 ghi rằng: 17 Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở giữa ngươi; Ngài là Đấng quyền năng sẽ giải cứu ngươi: Ngài sẽ vui mừng cả thể vì cớ ngươi; vì lòng yêu thương mình, Ngài sẽ nín lặng; và vì cớ ngươi Ngài sẽ ca hát mừng rỡ. Câu nói đến niềm vui của Chúa như một người cha vui thích con cái mình.

Thi thiên 103:11-13 còn ghi: 11 Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu, Thì sự nhơn từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu. 12 Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, Thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu. 13 Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, Khác nào cha thương xót con cái mình vậy.

Trong nghịch cảnh của cuộc đời, ta hãy dùng các câu Kinh Thánh này để an ủi mình và tiếp tục tin cậy nơi Cha Toàn Năng đầy tình thương của chúng ta.

3. Tình yêu của Chúa trong Đấng Christ

Tình thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ trên chúng ta không phải vì chúng ta là ai, nhưng vì chúng ta ở trong Chúa Giê-xu. Sứ đồ Phao-lô viết trong Rô-ma 8:38-39 rằng: Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, 39 bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.

Sở dĩ Chúa thương yêu chúng ta là vì chúng ta ở trong Chúa Giê-xu. Khi chúng ta tin Chúa, thì chúng ta được trở thành hiệp một với Chúa Giê-xu, như cành nho được kết hợp với cây nho vậy

Nhiều khi chúng ta không hiểu tại sao Chúa thương yêu và hậu đãi mình.  Thật ra chúng ta không có gì đáng cho Chúa thương cả, nhưng nên nhớ rằng: Chúa thương yêu chúng ta vì chúng ta ở trong Chúa Giê-xu.

  1. Quyền chủ tể kết hợp với tình thương vĩ đại.

Khi chúng ta in Chúa Giê-xu chúng ta được kết hợp với Chúa Giê-xu, và điểm này đảm bảo quyền tể trị của Chúa vì chúng ta mà vận hành. Quyền chủ tể của Chúa hợp nhất với tình thương của Ngài để đem lại phúc lợi cho dân Chúa và được biểu hiện trong hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên.  Điều này được miêu tả trong tiên tri Ê-sai 40:10-11 như sau: 10 Nầy, Chúa Giê-hô-va sẽ lấy quyền năng mà đến; Ngài dùng cánh tay mình và cai trị. Nầy, sự ban thưởng Ngài ở nơi Ngài, sự báo trả Ngài ở trước mặt Ngài. 11 Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đương cho bú.

Hai câu Kinh Thánh này nói lên quyền chủ tể của Chúa và sự săn sóc dịu hiền của Ngài kết hợp để đem phúc lợi cho dân Chúa. Chính cánh tay quyền năng tác động trên vũ trụ vạn vật đã được dùng để chăn bầy chiên và bồng ẵm những con chiên nhỏ bé. Chúng ta là bầy chiên của Chúa và cũng được chính cánh tay quyền năng ấy săn sóc, bồng ãm vào lòng Chúa trong tình thương vĩ đại của Ngài.

Trong bài này chúng ta đã nói về Tình yêu của Chúa tại Gô-gô-tha, tình yêu của người cha, tình yêu trong Đấng Christ và quyền chủ tể kết hợp với tình thương vĩ đại, đó chính là những lý do khiến chúng ta vững tin nơi Chúa dù sống trong bất cứ nghịch cảnh nào và hết lòng tin ở quyền chủ tể, đức khôn ngoan và tình thương vĩ đại của Chúa để cầu nguyện và không dao động.

Cầu xin Chúa nghe lời cầu xin của con dân Chúa sau khi nghe những lý giải về tình thương của Chúa hôm nay.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN