Thứ Sáu, Tháng Chín 20, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 36: Sức Mạnh Của Sự Hợp Tác Cầu Nguyện

Bài 36: Sức Mạnh Của Sự Hợp Tác Cầu Nguyện

Bài 36: Sức Mạnh Của Sự Hợp Tác Cầu Nguyện

Ma-thi-ơ 18:19-20

Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.  Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.

Một trong những điều đầu tiên về cầu nguyện Chúa dạy là: Đừng để người ta thấy mình cầu nguyện. Vào phòng riêng một mình với Cha. Chúa dạy như thế vì cầu nguyện là sự tiếp xúc cá nhân với Đức Chúa Trời, nhưng Chúa lại dạy cũng phải hợp tác cầu nguyện nữa. Câu Kinh Thánh vừa đọc nói rằng, nếu hai ba người hợp ý nhau cầu nguyện thì Chúa hiện diện.

Lý do cũng dễ hiểu tại sao Chúa dạy như thế.  Mối quan hệ kết hợp một người với đồng bào mình cũng thân gần và cụ thể không kém gì mối quan hệ kết hợp người ấy với Chúa. Chúng ta thường nói “Lạy Cha chúng con” hơn là “Lạy Cha của con”.  Người tin Chúa không những là con trong một gia đình, nhưng còn là thành phần của một thân thể nữa. Mỗi thành phần trong một thân thể đều phụ thuộc vào nhau. Hoạt động của thân thể phụ thuộc vào sự hợp nhất và hợp tác của tất cả các thành phần, tương tự như thế, người tin Chúa không thể đạt đến phúc ân toàn vẹn của Chúa mà Ngài sẵn ban qua Thánh Linh của Ngài, nhưng họ tìm kiếm và nhận được với người khác. Vì qua sự hợp nhất và thông công của người tin Chúa mà Thánh Linh có thể biểu hiện năng quyền toàn diện của Ngài. 

Ngày xưa khi 120 người tụ họp lại một nơi, đồng tâm nhất trí cầu nguyện, thì Thánh Linh từ ngôi Chúa vinh quang đã hiện xuống.

Qua lời dạy của Chúa, chúng ta thấy những dấu hiệu của một cuộc cầu nguyện hợp tác chân chính. 

Thứ nhất là sự thuận hợp về vấn đề cầu xin. Đây không phải chỉ là sự đồng ý tổng quát về bất cứ điều gì người khác cầu nguyện, nhưng phải có một vấn đề đặc biệt nào đó, điều mà mọi người cùng ao ước rõ ràng, tất cả đều thuận hợp với thần linh và lẽ thật. Sự thuận hợp như thế làm cho vấn đề cầu xin rõ ràng và chính xác, nghĩa là chúng ta cầu nguyện mà tin rằng theo ý chỉ của Chúa, và chúng ta có sẵn sàng tin rằng mình đã nhận được điều cầu xin, như chúng ta đã học hay không?

Dấu hiệu thứ hai trong việc hợp tác cầu nguyện chân chính là tụ họp trong danh nghĩa của Chúa Giê-xu. Sau này chúng ta còn nhiều điều khác để học về việc cần đến quyền năng của Danh Chúa Giê-xu trong sự cầu nguyện, nhưng tại đây Chúa dạy rằng danh Chúa Giê-xu phải là tâm điểm của cuộc tụ họp người tin Chúa, vì đó là mối quan hệ hợp nhất, như một gia đình tụ họp và kết hợp mọi người lại. Vì danh Chúa Giê-xu là ngọn tháp canh kiên cố, người công chính chạy vào đó ẩn núp.

Danh Chúa Giê-xu là một thực sự cho những ai hiểu và tin danh ấy, gặp gỡ nhau nhân danh Chúa Giê-xu tức là có mặt Chúa tại nơi nào đó. Tình thương và sự hợp nhất giữa các môn đệ Chúa thu hút Chúa Giê-xu đến nỗi Chúa nói: Nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại thì có ta ở giữa họ. Sự hiện diện thật sự của Chúa trong lúc các môn đệ thương yêu, hợp tác nhau, tạo nên sức mạnh cho lời cầu nguyện của những người ấy.

Dấu hiệu thứ ba là chắc chắn lời cầu xin được đáp ứng. “Nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.” Chúng ta hiện có những buổi cầu nguyện chung để duy trì mối thông công trong hội thánh, để cầu thay và xây dựng đức tin cho nhau, đó là chuyện thường. Nhưng Chúa nói đến sự trả lời cho một cách cầu nguyện đặc biệt. Một buổi cầu nguyện chung mà không chắc là có được Chúa đáp lời hay không là chuyện hơi lạ. Mặt khác khi mỗi chúng ta có niềm trông mong nào đó nhưng nghĩ rằng mình quá yếu đuối để xin Chúa, thì lúc ấy nên tìm đến người khác để xin giúp sức cầu nguyện, đây chính là lúc mà Chúa hiện diện để ban phước và nhậm lời cầu xin.

Khi nào có hợp tác về đức tin, về tình thương và về Thánh Linh, với quyền năng trong danh Chúa Giê-xu, và sự hiện diện của chính Chúa, thì chắc chắn lời cầu nguyện được Chúa nghe và đáp ứng. Dấu hiệu của một cuộc hợp tác cầu nguyện chân chính là kết quả, là việc Chúa đáp lời, việc nhận được điều ta cầu xin, vì Chúa bảo: “Ta nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.”

Việc hợp tác cầu nguyện là một ưu quyền và sức mạnh không thể nào diễn tả được. 

Nếu hai vợ chồng tin Chúa và biết rằng nếu họ thuận ý nhân danh Chúa mà kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa và năng lực của sự cầu nguyện hợp tác, họ sẽ ngồi xuống với nhau mỗi buổi tối để cầu nguyện và nhận lấy kết quả vô cùng quý giá. 

Nếu những người bạn tin rằng hai ba người cùng cầu nguyện với nhau sẽ giúp nhau như thế nào. 

Nếu mỗi buổi cầu nguyện chung, chúng ta nhân danh Chúa mà hội họp, đặt đức tin nơi hiện diện của Chúa, và cùng trông mong Chúa trả lời, thì chắc chắn sẽ nhận được phước hạnh thật. 

Nếu mỗi hội thánh coi việc hợp tác cầu nguyện là một trong những mục đích chính để cộng tác, thì sẽ nhận năng quyền từ Chúa. 

Nếu hội thánh chung hợp tác nhân danh Chúa Giê-xu, với hiện diện của chính Chúa, rồi Thánh Linh tuôn đổ, và mọi người đồng cất tiếng cầu nguyện không ngừng, thì ai có thể tưởng tượng ra nổi phước hạnh từ trời ban xuống theo lời Chúa hứa như thế nào?

Sứ đồ Phao-lô cũng có đức tin vào quyền năng do từ hợp tác cầu nguyện. Ông viết trong thư Rô-ma 15:30 rằng: Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, và nhờ sự yêu thương sanh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình cùng Đức Chúa Trời,

Trong thư cho Hội Thánh Cô-rinh-tô ông viết 2 Cô-rinh-tô 1:11: Chính anh em lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa.

Thư gửi cho Hội Thánh Ê-phê-sô ông viết Ê-phê-sô 6:19: Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành.

Thư gửi cho Hội Thánh Phi líp ông viết, Phi-líp 1:19: Vì tôi biết rằng nhờ anh em cầu nguyện, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Jêsus Christ giúp đỡ, thì điều nầy sẽ trở làm ích cho sự rỗi tôi.

Thư viết cho Hội Thánh Cô-lô-se ông viết Cô-lô-se 4:3: Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, hầu cho tôi được rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, vì lẽ đó mà tôi bị xiềng xích,

Thư cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca ông viết 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1: Vả lại, hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, hầu cho đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh, như thể ở trong anh em vậy,

Những câu Kinh Thánh trích đọc vừa qua minh chứng rằng sứ đồ Phao-lô coi ông như một thành phần trong thân thể của Chúa là Hội Thánh, vì vậy ông kêu gọi mọi người cầu nguyện cho ông, nhất là sự hợp tác cầu nguyện.

Sự hợp tác cầu nguyện phổ thông trong Hội Thánh Việt Nam thường gọi là cầu nguyện chung, và hay tổ chức vào tối thứ tư mỗi tuần. Trong kỷ niệm của người viết bài này thì tối thứ tư là buổi tối buồn nhất, vì gần như ở đâu cũng chỉ có ông bà mục sư với mấy ông bà cụ già đi cầu nguyện mà thôi. Tuy nhiên chúng tôi ước mong các Hội Thánh nghe bài học hôm nay, đọc lại câu Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 18:19-20:

 Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.

Chúng ta cần học lại câu Kinh Thánh này và đem áp dụng vào hội thánh để buổi tối thứ tư cầu nguyện mỗi tuần không còn bị coi là nhàm chán, nhưng chính là lò lửa để luyện lọc hội thánh để nhiều người hợp tác cầu nguyện để nhiều chương trình hoạt động của việc mở mang nước Chúa được phát triển.  Nếu không, chúng ta dần dần sẽ chán nản và hội thánh sẽ không có sức mạnh để tăng trưởng.

Chúng ta căn cứ vào lời Kinh Thánh để cầu nguyện, nhưng ít khi chúng ta áp dụng câu Kinh Thánh có lời hứa về việc hợp tác cầu nguyện, chính vì vậy mà hội thánh nhiều khi dường như rất yếu đuối và lời cầu nguyện coi như ít được Chúa nhậm.

Mời quý vị hãy bắt đầu thực hành câu Kinh Thánh này ở trong gia đình mình, và lây lan sang mấy gia đình quen thuộc nhau. Các buổi cầu nguyện cần được tổ chức đúng giờ, ngắn gọn, chỉ dành để cầu nguyện, không tổ chức ăn uống và không có bài giảng của mục sư hay người hướng dẫn. Khi cầu nguyện, nên chia thành nhiều tổ. Mỗi tổ hai ba người và ghi ra những vấn đề cầu nguyện. Các buổi cầu nguyện như thế chỉ cần khoảng 30 phút là đầy đủ, vì vậy không tốn nhiều thời gian và không gây bận rộn cho gia đình tổ chức.

Chúng tôi cầu xin Chúa cho Hội Thánh Việt Nam bắt đầu thực hiện thành công buổi cầu nguyện căn cứ vào Ma-thi-ơ 18:19-20, và chứng kiến phép lạ của Chúa cho dân tộc chúng ta.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN