Các Hoạt Động Của Hội Thánh

0
4186
  1. Thờ Phượng

Mục đích Hội Thánh nhóm lại là để phụng sự Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

– Ba bạn của Đa-ni-ên tuyên bố không chịu thờ phượng và hầu việc pho tượng vàng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng (Đa. 3:18).

– Sứ Đồ Phao-lô lên án dân ngoại đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài thọ tạo thay cho Đấng Tạo Hóa (Rôm. 1:25).

– Chúa Jêsus khuyên dạy loài người phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Đức Chúa Trời.

Về thì giờ thờ phượng, tùy theo sự sinh hoạt của mỗi Hội Thánh, nhưng thì giờ thuận tiện để bắt đầu mỗi sáng Chúa Nhật là vào lúc 8 giờ. Thời lượng khoảng 1 giờ 30 phút. Bài giảng nên ngắn gọn. Chúa Nhật đầu tháng có Lễ Tiệc Thánh nên thời lượng có thể dài hơn.

2. Truyền Giảng

Có thể tổ chức vào tối Chúa Nhật, hoặc vào một thì giờ thuận tiện. Thời gian khoảng 1 giờ 15 phút. Các tiết mục phải gọn nhẹ, sinh động và dễ hiểu cho người chưa tin Chúa. Các bài Thánh Ca phải hợp với chủ đề truyền giảng, cần hát rõ lời. Thỉnh thoảng có thể thay đổi hình thức truyền giảng như Ca Nhạc Thánh hoặc thực chứng về Ơn Cứu Rỗi của Chúa.

Lời kêu gọi rất cần thiết nhưng đừng quên đó là lời mời nương cậy vào quyền phép của Đức Thánh Linh. Làm sao cho khán thính giả được tự nhiên và cảm thấy muốn tham dự những chương trình kế tiếp.

3. Học Kinh Thánh

Học Kinh Thánh là nhu cầu quan trọng để đức tin của tín hữu được tăng trưởng. Bài giảng Chúa Nhật không thể thay thế cho các chương trình nầy. Các tín hữu cần tham dự Các Lớp Học Kinh Thánh vừa với trình độ của mình. Tùy thì giờ thuận tiện trong tuần mà Quản Nhiệm và Ban Chấp Sự Hội Thánh phân định các chương trình.

Có nhiều chương trình học Kinh Thánh tại Hội Thánh nhưng thiết thực nhất vẫn là Trường Chúa Nhật (Bài Học Kinh Thánh Hàng Tuần). Ủy Ban Cơ Đốc Giáo Dục của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) có Chương Trình Học Lời Chúa cho từng lứa tuổi và từng trình độ.

4. Cầu Nguyện

Các Nhóm Cầu Nguyện, Học Kinh Thánh tại nhà thờ và nhà tín hữu là những hạt nhân phát triển Hội Thánh. Chương trình cầu nguyện nhằm kêu gọi tín hữu biết sống tin cậy và phó thác đời mình cho Chúa. Trong chương trình không có giảng dạy, song đọc vài câu Kinh Thánh làm nền tảng, chia sẻ ngắn rồi để nhiều thì giờ cầu nguyện.

5. Sinh Hoạt Các Ban Ngành

Tùy mỗi Hội Thánh mà các giới có các buổi nhóm khác nhau: Nam Giới, Nữ Giới, Trung Tráng Niên, Thanh Thiếu Niên, Thiếu Nhi, Nhi Đồng và Ấu Nhi. Nội dung thờ phượng nên tổ chức sinh động, gọn nhẹ và thích hợp cho từng đối tượng.

Sinh hoạt Các Ban Ngành là yếu tố giúp cho Hội Thánh tăng trưởng. Tuy nhiên, đừng tạo cho tín hữu chỉ biết sinh hoạt trong nhóm riêng của mình mà bỏ qua các buổi nhóm chung. Tránh tình trạng lập Hội Thánh trong Hội Thánh.

6. Thăm Viếng

Thăm viếng là trách nhiệm của người chăn thuộc linh đối với tín hữu, nói lên sự quan tâm của người chăn đối với bầy chiên, và cụ thể hóa những lời thuyết giảng trên tòa giảng. Sứ Đồ Phao-lô đã để thì giờ thăm viếng nhiều lần những vùng mà ông đã lập Hội Thánh.

Quản Nhiệm Hội Thánh cần thường xuyên thăm viếng tín hữu để biết được tình trạng thuộc linh, hoàn cảnh của họ, đồng thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng tín hữu để có thể cầu thay cách riêng tư, hoặc giúp đỡ khi có cần (Châm 27:23a).

Dù đã có lịch thăm viếng nhưng trong những trường hợp đặc biệt, Quản Nhiệm Hội Thánh cần kịp thời thăm viếng để an ủi, nâng đỡ con dân Chúa.

Ngoài ra Quản Nhiệm cũng nên nhờ các Chấp Sự và Ban Thăm Viếng hỗ trợ công tác thăm viếng của mình. Nhưng lưu ý đến mục đích và nội dung của sự thăm viếng là để gây dựng đời sống thuộc linh của tín hữu (Rôm. 1:11).

Ban Thăm Viếng của Hội Thánh nên có chương trình sinh hoạt cụ thể để đem lại hiệu quả thiết thực trong Hội Thánh.

Những Điều Cần Lưu Ý Khi Thăm Viếng:

1) Quản Nhiệm Hội Thánh và Ban Thăm Viếng cần thường xuyên thăm viếng tín hữu.

2) Lắng nghe và nhận định những gì mình đã nghe.

3) Tránh gây hiểu lầm về giới tính và các sự giúp đỡ vật chất trong khi thăm viếng.

4) Không nên lạm bàn những điều có thể gây chia rẽ trong Hội Thánh.

5) Nếu có thể được nên hiệp cùng người được thăm viếng cầu nguyện trước khi ra về.

7. Thông Công

– Tổ chức những buổi nhóm thông công giữa các ban nghành trong các Hội Thánh, để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm sống đạo và truyền bá Tin Lành.

– Tổ chức các Hội đồng Hội Thánh, các Hội Đồng Bồi Linh, các khóa bồi dưỡng linh vụ nhằm mục đích bồi linh cho các tín hữu và những nhân sự trong các Hội Thánh.

8. Sinh Hoạt Xã Hội

Hội Thánh của Chúa là một thành phần giữa cộng đồng xã hội nên có trách nhiệm tương thân, tương trợ, giúp đỡ mọi người khi có cần. Mỗi tín hữu có trách nhiệm tham gia công tác xã hội địa phương, vâng phục và cầu nguyện cho nhà cầm quyền, tôn trọng pháp luật hiện hành, làm tròn mọi nghĩa vụ công dân hợp với tín lý.