Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeHướng Dẫn Mục VụGiáo NghiNội Dung Chương Trình Thờ Phượng

Nội Dung Chương Trình Thờ Phượng

Chương trình thờ phượng của Hội Thánh dầu có những tiết mục khác nhau, nhưng có ba phần chính: Hát Thánh Ca, Giảng Kinh Thánh và Cầu Nguyện.

  1. Thánh Ca

Âm nhạc chiếm phần quan trọng trong sinh hoạt tinh thần và tình cảm của con người. Âm nhạc cũng không thể thiếu trong hoạt động tôn giáo.

– Tuyển dân Y-sơ-ra-ên luôn dùng Thi Thiên để tôn vinh Đức Chúa Trời.

– Đa-vít đã khuyến khích con dân Chúa sử dụng mọi loại nhạc khí góp thành bản hòa âm thánh khiết để thờ phượng Đức Chúa Trời (Thi 5; 6; 8; 150).

Hội Thánh khắp nơi đã được khích lệ sử dụng âm nhạc thờ phượng, diễn tả bằng những ca vịnh, thơ thánh và bài hát thiêng liêng (Êph. 5:19; Côl 3:16) mà đối đáp nhau, miệng hát lòng họa để ngợi khen Chúa.

Đối với những người có khả năng âm nhạc trong Hội Thánh, Quản Nhiệm và Ban Chấp Sự khuyến khích họ dùng khả năng ấy để tôn vinh Chúa. Cần phải ý thức rằng các nhạc khí thường dùng để hỗ trợ cho tiếng hát thờ phượng của hội chúng, hoặc của ca đoàn, chứ không phải để trình diễn hay tạo sự chú ý. Có thể khéo léo phối hợp các âm thanh sao cho dịu dàng êm ái, thích hợp với sự trang nghiêm của nhà thờ.

Muốn cho hội chúng tôn vinh Chúa cách rập ràng, Hội Thánh nên có giờ tập hát chung, hoặc giờ ca ngợi trước khi bước vào lễ chính. Mỗi bài hát khi được hát lên, phải thể hiện nội dung và mục đích thiêng liêng, tức là phải ca ngợi bản tánh và quyền năng của Đức Chúa Trời, ca ngợi sự cứu rỗi và tình yêu của Ngài, quy mọi vinh hiển và tôn quý về Chúa Ba Ngôi.

Quản Nhiệm Hội Thánh và những vị hướng dẫn chương trình thờ phượng phải là người biết hát Thánh Ca. Nếu có bài Thánh Ca nào mà người hướng dẫn chương trình chưa biết chắc chắn thì nên chọn một người biết rõ để hát hỗ trợ. Ngoài nguyên tắc chọn những Thánh Ca hiệp lễ nghi, với số lượng bài thích hợp, người hướng dẫn phải nắm vững nội dung các bài ca ấy. Thánh Ca thường cô đọng những nội dung chính như sau:

– Các lẽ đạo quan trọng của Cơ Đốc giáo.

– Nói lên kinh nghiệm thuộc linh của Cơ Đốc nhân.

– Chia sẻ tình yêu Cơ Đốc cho tha nhân.

Trong các buổi thờ phượng của Hội Thánh, nên sử dụng các bài Thánh Ca truyền thống quân bình với các bài hát Thánh Ca mới, tránh tình trạng hướng dẫn thiên về một bên nào.

 Những Hướng Dẫn Về Hát Tôn Vinh Chúa Trong Hội Thánh:

1) Nên hát những bài nhiều người có thể hát.

2) Nếu là bài hát mới, nên có thì giờ tập cho hội chúng

3) Nói địa chỉ của bài hát cách rõ ràng.

4) Nhắc lại địa chỉ của bài hát.

5) Hát bao nhiêu câu nên nói trước

6) Thỉnh thoảng nên nói sơ lược tiểu sử của bài hát.

7) Hội Thánh nên có ban hát lễ trong các buổi thờ phượng.

8) Nếu có ban hát dẫn đầu giờ nên giới hạn trong vòng 10 phút với những bài hát quen thuộc và thích hợp với nội dung chương trình thờ phượng.

9) Nên mời Hội Thánh đứng lên hát từ 1 đến 2 bài là vừa, không nên đứng nhiều trong giờ hát thờ phượng vì có những người già cả, sức yếu tham dự.

2. Kinh Thánh

Lời Đức Chúa Trời là phần quan trọng của sự thờ phượng. Martin Luther tin rằng: “Lời thánh được đọc lên có năng lực phi thường.”

a. Đọc Kinh Thánh

Việc đọc Kinh Thánh chiếm phần chính trong sự thờ phượng của Hội Thánh đầu tiên. Hầu như các bài giảng thời ấy đều thuộc cách nầy. Diễn giả thường kết hợp những câu Kinh Thánh liên quan để đọc lên thành một bài giảng, cho nên sự trích đọc lời Chúa chiếm nhiều thì giờ trong sự thờ phượng. Dần dần, việc học Kinh Thánh trở thành một tiết mục quan trọng trong sự thờ phượng hiện nay. Người hướng dẫn đọc một phân đoạn làm nền tảng cho bài giảng, hoặc cho hội chúng đọc đối đáp khúc Kinh Thánh liên quan.

Trong giờ đọc Kinh Thánh, chỉ dùng Bản Truyền Thống (1926) của Hội Thánh, các bản dịch khác nên dùng để tham khảo.

 b. Cách Đọc Kinh Thánh Trong Giờ Thờ Phượng:

  1. Nên xem trước phân đoạn Kinh Thánh cần đọc để khi đọc không bị vấp váp hay ngập ngừng.
  2. Đọc chậm rãi, rõ ràng, tránh nuốt chữ, giữ đúng các dấu ngắt câu như dấu chấm, dấu phẩy, v.v…
  3. Nếu là đoạn Kinh Thánh quá dài, nên chọn đọc những phần cần đọc.
  4. Đọc đối đáp phải chờ lẫn nhau. Người hướng dẫn đọc câu trước, hội chúng đọc tiếp theo; hoặc bên nam đọc câu trước, bên nữ đọc câu kế tiếp.
  5. Nên tập cho hội chúng cung kính đứng lên khi nghe tuyên đọc Lời Chúa (Nêh. 8:5)
  6. Giảng Kinh Thánh

Giảng Kinh Thánh là phần quan trọng trong các chương trình thờ phượng. Trước khi vào Đất Hứa, Môi-se đã truyền lời Chúa cho dân sự (Phục 4:5). Vương quốc Giu-đa trong thời Vua Giô-si-a đã nhờ lời Chúa mà được phục hưng (II Vua 22:8-23:27). Hai môn đồ về làng Em-ma-út đã nhờ lời Chúa mà được khai tâm mở trí để nhận biết Đấng Christ là ai (Lu. 24:30-31).

Nhờ lời Chúa mà đời sống tâm linh các tín hữu Giáo Hội Cải Chánh được lớn lên và Hội Thánh phát triển mạnh mẽ… Trong các cuộc phục hưng của những Giáo Hội trên thế giới, các tín hữu ham thích đọc và học Kinh Thánh.

Trích đọc những câu Kinh Thánh trong khi giảng luận chứng tỏ diễn giả hằng nương cậy sự giảng dạy mình vào Lời Chúa. Hội chúng yên lặng, chú ý lắng nghe lời Chúa, ắt sẽ thấy hiệu quả quyền năng của lời Chúa. Người dầu có tài hùng biện đến đâu, nếu thiếu Lời Chúa thì bài giảng luận trở nên trống rỗng. Vì vậy, một bài giảng đầy ơn không phải là có nhiều tài liệu hấp dẫn, song phát xuất từ tấm lòng biết lắng nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh.  Thời lượng trung bình cho một bài giảng là 30 phút. Nhưng nếu là những buổi nhóm Bồi Linh quan trọng có thể bài giảng dài hơn.

Trong mỗi bài giảng cần nhấn mạnh sự cứu rỗi, vì trong Hội chúng đôi khi có những thính giả chỉ được nghe sứ điệp cứu rỗi một lần mà thôi.

Quản Nhiệm Hội Thánh phải biết giảng nhiều thể loại bài giảng khác nhau như: Đề Mục, Câu Gốc, Ký Truyện, Luân Lý Đạo, Giáo Lý, Giải Kinh, v.v… Sự giảng dạy từng chủ đề, từng sách trong Kinh Thánh là điều tối quan hệ, giúp tín hữu phát triển tri thức thuộc linh, đồng thời làm cho người nghe luôn ham thích lời Chúa.

  1. Cầu Nguyện

Cầu nguyện là sự hô hấp thuộc linh của tín đồ. Một Cơ Đốc nhân có thể không biết chữ để đọc Kinh Thánh, cũng không biết hát Thánh Ca, song phải biết cầu nguyện. Giống như một em bé vừa sanh ra đã thở và khóc, một người được tái sinh trong gia đình Đức Chúa Trời phải biết cất tiếng kêu cầu cùng Chúa.

Quản Nhiệm Hội Thánh và Các Ủy Viên Chăm Sóc cần giúp tân tín hữu biết nói chuyện với Đức Chúa Trời. Một Mục Sư cầu nguyện sẽ tạo một hội chúng cầu nguyện.

Mục Sư Andrew Bonar, người Tô Cách Lan đã hầu việc Chúa với nguyên tắc: “Không nói với loài người trước khi hầu chuyện với Đức Chúa Trời; không đi đâu làm gì trước khi quỳ gối cầu nguyện; không đọc thư từ hoặc báo chí trước khi đọc Kinh Thánh.” Người cầu nguyện phải có tinh thần gắn bó và thông công mật thiết với Đấng mình tin cậy, nghĩa là có một đời sống cầu nguyện bền đỗ chớ không phải chỉ là một bài cầu nguyện hay.

Những Lời Khuyên Về Sự Cầu Nguyện:

1) Phải có lòng thành thật ăn năn.

2) Phải tập trung và dốc đổ vì đang trực diện với Chúa trong sự cầu xin.

3) Phải có đức tin mạnh mẽ.

4) Nên học tập kiêng ăn cầu nguyện.

5) Cầu nguyện khai lễ, khác với cầu thay. Cầu nguyện khai lễ nói lên sự cảm ta Chúa về những phước hạnh Ngài ban cho và xin Chúa hướng dẫn sự nhóm lại. Cầu thay là đặc biệt nhấn mạnh đến những nhu cầu thiết yếu trong Hội Thánh  hoặc cá nhân tín hữu.

6) Muốn mời người cầu thay phải báo với người ấy trước khi giờ nhóm bắt đầu.

7) Cầu nguyện sau bài giảng là nhắc lại những sự dạy dỗ và xin Chúa giúp cho chúng ta làm theo lời Ngài.

(Nên tập cho hội chúng sốt sắng cầu nguyện sau bài giảng và mời người cảm động cầu nguyện. Nếu chờ lâu, người hướng dẫn nên cầu nguyện. Tránh mời những người “chuyên” cầu nguyện).

8) Cầu Nguyện Chung là cầu nguyện cách nhịp nhàng, chậm rãi Bài Cầu Nguyện Chúa Dạy, theo Ma-thi-ơ 6:9-13:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời. Danh Cha được thánh,  Nước Cha được đến, Ý  Cha được nên ở đất như trời! Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ phạm  tội nghịch cùng chúng con; Xin chớ để chúng con bị cám dỗ, mà cứu chúng con khỏi điều ác!

    1. Các Tiết Mục Khác.

a)Dâng Hiến

Dâng hiến tiền bạc cho Chúa là một trong những phương cách hầu việc Ngài. Sứ Đồ Phao-lô khuyên các Hội Thánh nên tập trung các của dâng vào ngày đầu tuần lễ khi nhóm lại, tức là vào mỗi Chúa Nhật (I Côr. 16:1) và mỗi người nên tự nguyện dâng với lòng hớn hở, biết ơn Chúa (II Côr. 8:1-15).

Giờ dâng hiến trong buổi thờ phượng phải được thực hiện cách trang nghiêm. Hội chúng hát bài Thánh Ca thích hợp. Những Chấp Sự phụ lễ phải ăn mặc chỉnh tề. Cách tốt nhất để nhận tiền dâng hiến là dùng hộp để sẵn nơi cửa ra vào nhà thờ. Đến giờ dâng hiến, các Chấp Sự đem những hộp tiền dâng đó đến đứng trước Bàn Tiệc Thánh, hướng lên tòa giảng, người hướng dẫn chương trình mời một trong số các vị nhận tiền dâng thay cho Hội Thánh cầu nguyện. Không nên kết hợp sự cầu nguyện dâng hiến chung với sự cầu thay, vì sẽ làm giảm nhẹ ý nghĩa của sự dâng hiến.

b) Thông Báo

Để  các  tín  hữu  biết  được  tin  tức  sinh  hoạt  của Hội Thánh mình hay của Hội Thánh chung, hoặc các việc liên quan đến cá nhân tín hữu mà Hội Thánh cần biết để cầu thay. Quản Nhiệm hay một Chấp Sự nên thông báo trước và sau đó cầu thay cho Hội Thánh.

c) Chúc Phước

Thời Cựu Ước, các thầy tế lễ được Đức Chúa Trời phán dạy phải chúc phước cho dân sự (Dân 6:22-27). Thời Tân Ước, những lời chúc phước trong các thư tín gởi cho các Hội Thánh (Hêb. 13:20-21; Giuđe 24-25), đã trở thành khuân mẫu cho giáo nghi của Hội Thánh hiện nay.

Dù không có một lời chúc phước mẫu nào, nhưng ý chung của các lời cầu nguyện chúc phước mà các Mục Sư, Mục Sư Nhiệm Chức của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam sử dụng, là dựa theo:

(1) Mẫu Chúc Phước Trong Các Lễ:

“Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho… và phù hộ… Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên… và làm ơn cho…! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem… và ban bình an cho…”  (Dân 6:24-26).

(2) Mẫu Chúc Phước Theo Kinh Thánh:

“Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy! Amen”  (II Côr. 13:13).

 (3) Mẫu Chúc Phước Phổ Thông Theo Truyền Thống Của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:

“Nguyền xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi ban sự yêu thương của Đức Chúa Cha, Ân điển của Đức Chúa Con, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở cùng Hội Thánh từ nay cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.”

  1. Chương Trình Thờ Phượng

Quản Nhiệm Hội Thánh cần thống nhất nội dung các chương trình với người hướng dẫn trước khi thờ phượng.

Chương Trình Gợi Ý Cho Một Buổi Thờ Phượng Ngày Chúa Nhật:

Chủ Lễ: Quản Nhiệm Hội Thánh
Kinh Thánh: Chọn theo bài giảng
Hướng Dẫn: Thành Viên BCS hay người được mời

Thời Lượng: 1 giờ 30 phút

    1. Thánh Nhạc (hoặc hát dẫn)....................Ban Nhạc
    2. Thánh Ca 26..................................Hội Chúng
    3. Đọc Bài Tín Điều Các Sứ Đồ...................Hội Chúng
    4. Cầu Nguyện Khai Lễ............................Quản Nhiệm
    5. Thánh Ca......................................Ban Hát Lễ
    6. Kinh Thánh Đối Đáp.............................Hội Chúng
    7. Cầu Thay.......................................Một Tín Hữu
    8. Thánh Ca.......................................Hội Chúng
    9. Dâng Hiến.......................................Hội Chúng
    10. Giảng Luận......................................Quản Nhiệm HT
    11. Cầu Nguyện.......................................Một Tín Hữu
    12. Cầu Nguyện Chung.................................Hội Chúng
    13. Chúc Phước........................................Mục Sư
    14. Tất Lễ

 

 

 

 

 

 

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN