CHƯƠNG I QUY ĐỊNH CHUNG

0
2711

NỘI QUY
HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC)
Lời mở đầu
Hệ thống tổ chức của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) được quy định trong Hiến chương của Hội thánh. Bản Hiến chương đã tóm tắt cơ cấu tổ chức từ Tổng hội đến Hội thánh cơ sở. Nội quy này quy định chi tiết để thi hành Hiến chương.

CHƯƠNG I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: DANH XƯNG
Tên gọi của Hội thánh là:
HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC)
Điều 2: GIÁO HIỆU VÀ CON DẤU
1. Giải thích Giáo hiệu
Hình chữ Thập ở giữa: Biểu tượng cho sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời ban cho nhân loại.
Quyển Kinh Thánh: Biểu tượng cho Lời Đức Chúa Trời là nền tảng chân lý của Giáo hội.
Thập Tự giá: Biểu tượng cho sự cứu rỗi đến từ sự chết của Đức Chúa Giê-xu Christ trên thập tự giá.
Mão Triều thiên: Biểu tượng cho phần thưởng dành cho mỗi tín hữu tận trung với Chúa trong ngày Đức Chúa Giê-xu Christ tái lâm để được đồng trị với Ngài.
Bình dầu: Biểu tượng cho mỗi tín hữu bởi niềm tin Đức Chúa Giê-xu Christ và quyền năng của Đức Thánh Linh được chữa bệnh và thêm sức.
Ly Tiệc Thánh: Biểu tượng cho tín hữu duy nhờ huyết Đức Chúa Giê-xu Christ được sạch tội và được thánh hoá.
2. Con Dấu
a. Quy cách
– Tất cả con dấu của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đều sử dụng hình tròn, ở giữa là giáo hiệu, nửa trên là hàng chữ ‘Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc)’, nửa dưới là hàng chữ ‘Tổng hội’, tên Hội thánh cơ sở, hoặc cơ quan Giáo hội.
– Kích thước con dấu theo quy định của pháp luật.
– Con dấu dùng mực đỏ, đóng áp lên 1/3 đầu chữ ký của người có thẩm quyền.
b. Thẩm quyền sử dụng
– Chỉ có Hội trưởng và Quản nhiệm Hội thánh mới có quyền sử dụng con dấu, chịu trách nhiệm trước Giáo hội và các cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp ngoại lệ được các chức danh trên uỷ quyền.
– Không được sử dụng các con dấu để đóng khống chỉ.
c. Giữ và bảo quản con dấu
Tổng Thư ký cùng Văn phòng Tổng hội, Quản nhiệm Hội thánh.
d. Trường hợp con dấu bị thất lạc
Người có thẩm quyền phải thông báo ngay cho Ban Trị sự Tổng hội, toàn thể Hội thánh cùng các cơ quan hữu quan, đồng thời tiến hành thủ tục xin cấp con dấu mới.

Điều 3: MỤC ĐÍCH
(xem Hiến chương điều 3)

Điều 4: TÔN CHỈ
(xem Hiến chương điều 4)

Điều 5 : ĐƯỜNG HƯỚNG
(xem Hiến chương điều 5)

Điều 6: TÍN LÝ
(xem Hiến chương điều 5)

Điều 7: LỄ NGHI
1. Thánh Lễ Báp-tem
a. Người cầu lễ Báp-têm phải từ 13 tuổi trở lên, đã tin nhận Chúa ít nhất ba (03) tháng, đã học Giáo lý Báp-têm và được Quản nhiệm cùng Ban chấp sự Hội thánh xác nhận đủ điều kiện để Báp-têm. Trường hợp một Hội thánh có tín hữu đủ điều kiện nhận Báp-têm, thì có thể gửi tín hữu đó đến nhận Báp-têm tại một Hội thánh khác.
b. Chỉ Mục sư, Mục sư Nhiệm chức mới được quyền thi hành lễ Báp-tem. Các trường hợp khác phải được Ban Trị sự Tổng hội uỷ quyền.
c. Cả Mục sư hành lễ và người nhận Báp-têm nên mặc áo lễ. Mục sư hành lễ phải đứng trong nước, người nhận Báp-têm phải được dầm mình trong nước.
d. Trường hợp đặc biệt (già yếu, tật nguyền, đau ốm) Quản nhiệm Hội thánh cần hội ý với Ban Chấp sự về điều kiện và cách thực hiện lễ Báp-têm phù hợp.
2. Thánh Lễ Tiệc Thánh
– Bánh: Tượng trưng cho thân Chúa.
– Nước nho: Tượng trưng cho huyết Chúa (loại bánh và nước Nho sẽ do Ban Trị sự Tổng hội quy định).
– Hành lễ: Do Quản nhiệm thực hiện, các Chấp sự phụ lễ.
– Giữ lễ: Các Hội thánh giữ lễ Tiệc Thánh mỗi tháng một (01) lần vào chủ nhật đầu tháng, trừ những trường hợp đặc biệt.
– Người tham dự lễ: Chỉ những tín hữu đã chịu Báp-tem mới được dự Tiệc thánh. Tín hữu bị dứt phép thông công không được dự Tiệc thánh.
3. Lễ Giáng Sinh
Hội thánh giữ lễ kỷ niệm Chúa Giáng sinh vào hai ngày chính lễ 24 và 25 tháng 12 hàng năm. Tuỳ theo điều kiện và nhu cầu mỗi Hội thánh có thể tổ chức các chương trình mừng Chúa Giáng sinh bên cạnh hai ngày lễ chính.
4. Lễ Kỷ Niệm Chúa Giê-xu Chịu Thương Khó
Lễ kỷ niệm Chúa Jêsus Chịu thương khó được tổ chức vào tối thứ Sáu trước Chúa nhật Chúa Phục sinh.
5. Lễ Kỷ Niệm Chúa Giê-xu Phục Sinh
Lễ kỷ niệm Chúa Jêsus sống lại, được cử hành vào sáng sớm Chủ nhật thứ nhất sau ngày 15 Âm lịch và sau ngày 21 tháng 3 Dương lịch.
6. Lễ Kỷ Niệm Chúa Giê-xu Thăng Thiên
Sau khi Chúa Giê-xu Phục sinh bốn mươi (40) ngày, lễ kỷ niệm Chúa Giê-xu thăng thiên.
7. Lễ Đức Thánh Linh Giáng Lâm
Sau lễ Chúa Giê-xu thăng thiên mười (10) ngày, lễ kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm.
8. Lễ Thành Hôn
– Tín hữu chính thức (cả nam và nữ đã chịu lễ Báp-têm) được tổ chức hôn lễ trong nhà thờ. Quản nhiệm và Ban Chấp sự phải thông báo cho Hội thánh về lễ thành hôn trước hai (02) tuần lễ. Hôn lễ của đôi nam nữ tín hữu chính thức phải có giấy đăng ký kết hôn hợp pháp.
– Quản nhiệm cử hành lễ thành hôn cho tín hữu tại nhà thờ, hoặc tại nhà riêng. Trường hợp tái hôn, tục huyền, tái giá thì không được hành lễ tại nhà thờ, song có thể tổ chức tại nhà riêng. Trường hợp kết hôn không phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, thì Hội thánh không tổ chức hôn lễ dưới bất cứ hình thức nào.
9. Lễ Dâng Con
– Cha mẹ có trách nhiệm dâng con cho Chúa, Quản nhiệm Hội thánh cử hành lễ. Trường hợp Hội thánh chưa có Quản nhiệm, Ban Chấp sự mời Mục sư cử hành lễ hoặc giới thiệu cha mẹ con trẻ đến Hội thánh khác xin hành lễ.
– Trường hợp chỉ có cha, hoặc mẹ, hoặc người giám hộ có đức tin xin được dâng con trẻ, thì Quản nhiệm và Ban Chấp sự nên xem xét quyết định.
10. Lễ Tang
– Khi tín hữu qua đời, Quản nhiệm cử hành lễ tang tại nhà riêng hoặc nhà tang lễ để an ủi tang quyến.
– Trường hợp tín hữu qua đời có nguyên nhân trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, thì Quản nhiệm và Ban Chấp sự phải xem xét và quyết định để an ủi tang quyến.
11. Lễ Xức Dầu Cầu nguyện Cho Người Bệnh
Khi tín hữu lâm bệnh mà chính người ấy hoặc thân nhân xin xức dầu cầu nguyện, thì Quản nhiệm hoặc Ban Chấp sự đến cầu nguyện cho người bệnh.
12. Lễ Tấn Phong Mục Sư
Lễ tấn phong Mục sư do Tổng hội tổ chức tại nhà thờ của vị Mục sư cầu phong, hoặc tại nhà thờ do Tổng hội quy định.
13. Lễ Bổ Nhiệm
Lễ bổ nhiệm được tổ chức tại Hội thánh cơ sở hoặc cơ quan đón nhận tân Quản nhiệm hoặc Trưởng cơ quan. Lễ bổ nhiệm do đại diện Ban Trị sự Tổng hội chủ lễ.
14. Lễ Cung Hiến Nhà Thờ
Lễ cung hiến Nhà thờ được tổ chức tại Hội thánh cơ sở do đại diện Ban Trị sự Tổng hội làm chủ lễ.
15. Lễ Cảm Tạ
Lễ cảm tạ được tổ chức khi Hội thánh cơ sở, Tổng hội hoặc gia đình tín hữu muốn bày tỏ lòng biết ơn Chúa cách đặc biệt.
16. Ủy Nhiệm Thi Hành Các Lễ Nghi
Ban Trị sự Tổng hội xem xét và uỷ nhiệm người được quyền thực hiện thánh lễ Báp-têm, Lễ Tiệc Thánh, Lễ Thành Hôn, Lễ Dâng Con, Lễ Tang trong trường hợp Hội thánh không có hoặc khuyết Quản nhiệm, và những trường hợp đặc biệt khác.

Điều 8: TRỤ SỞ (xem Hiến chương điều 8)