Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhĐể Nên Thánh, Phải Đánh Đổi Hạnh Phúc?

Để Nên Thánh, Phải Đánh Đổi Hạnh Phúc?

Để Nên Thánh, Phải Đánh Đổi Hạnh Phúc?

Trong một lần tìm kiếm những cuốn sách hay về hôn nhân, có một tác phẩm được mệnh danh là “cổ điển hiện đại” với một câu hỏi ấn tượng trên trang bìa: “Sẽ ra sao nếu Chúa thiết kế hôn nhân để khiến chúng ta nên thánh, chứ không phải hạnh phúc?”

Tôi không thích quan điểm này. Tại sao thánh khiết và hạnh phúc phải đối lập nhau? Đúng, đây chỉ là một giả sử “sẽ ra sao nếu…” nhắm vào một thần tượng phổ biến trong thời đại này (hôn nhân), nhưng tôi vẫn cảm thấy không chút đồng tình. 

Tất nhiên, tôi hiểu rằng nhiều người định nghĩa “hạnh phúc” rất hời hợt. Nếu “hạnh phúc” chỉ là cảm giác nhất thời, thoải mái, dễ chịu, không đau khổ, và không cần được tái sinh, thì xin thưa, sự thánh khiết thật trong Chúa sẽ luôn luôn mâu thuẫn với kiểu “hạnh phúc” này. Tuy nhiên, hạnh phúc đối với tôi không nông cạn và hời hợt đến vậy. Kinh Thánh cũng không hề chép rằng thánh khiết phải đối lập với hạnh phúc. Thực tế, cả hai gắn bó mật thiết với nhau.

Quan niệm sai lầm về sự thánh khiết

Khi nhận được đức tin thật, chúng ta cần đổi mới khái niệm “thánh khiết”. Chúng ta đã chết trong tội lỗi mình (Ê-phê-sô 2: 1, 5), còn sống trong thể xác nhưng tâm linh đã chết; và cần được tái sinh một lần nữa. Khi Đức Chúa Trời giúp chúng ta được sống trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 2: 5), chúng ta có cái nhìn mới về Đấng Tạo Hóa và thế giới Ngài tạo ra, cũng như sự thánh khiết Ngài và lời kêu gọi chúng ta trở nên thánh khiết như Ngài.

Việc định nghĩa “sự thánh khiết” một cách đúng đắn không phải là thách thức của riêng thế hệ chúng ta. Ba trăm năm trước, chàng trai trẻ Jonathan Edwards (1703–1758) cũng gặp phải rào cản này, và vượt qua khi nương cậy nơi Chúa. Ông thừa nhận: “Trong thời thơ ấu, sự thánh khiết dường như là “thứ u sầu, buồn tẻ, chua chát và khó chịu”.

Edwards không đơn độc, dù trong thế hệ của ông hay chúng ta. Nhiều người thiếu đức tin bị tiêm nhiễm khái niệm thánh khiết sai lệch, đối nghịch với hạnh phúc, khiến chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc là thứ trần tục. Sau khi được tái sinh, chúng ta cần xem xét lại khái niệm thánh khiết, bắt đầu từ sự thánh khiết của chính Chúa, sau đó là sự thánh khiết của chúng ta.

Sự thánh khiết đến từ Chúa

Sự thánh khiết bắt nguồn từ Chúa. Có thể xem “thánh khiết” là một tính từ chỉ chính Chúa. Ê-sai kinh ngạc khi nhìn thấy Chúa trong vinh quang thánh khiết Ngài (Ê-sai 6). Trước sự hiện diện của Chúa, chúng ta nghe thấy tiếng các sê-ra-phim cùng nhau tôn cao  Chúa với giá trị vô hạn của Ngài:

“Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3)

Nhiều người cho rằng đặc tính thánh khiết ám chỉ sự khác biệt của Chúa đối với các tạo vật, tội lỗi và thế gian. Tất cả đều tầm thường, còn Ngài là thánh.

Đúng, khác biệt là một khía cạnh quan trọng trong bản chất thánh khiết của Chúa, nhưng không phải là tất cả. Khi các sê-ra-phim ca ngợi “Thánh thay, thánh thay, thánh thay”, điều đó không chỉ có nghĩa là “khác biệt thay”! Các sê-ra-phim kêu lên trong sự thờ phượng, ca ngợi Chúa là thánh, và vui thích vì Ngài là thánh. Chúa không chỉ khác biệt, mà còn tốt lành. Các sê-ra-phim đã nhìn thấy và nhận thức được giá trị vô hạn của Chúa, họ công bố trong sự kính sợ: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay!”

Trước sê-ra-phim và loài người, chính Chúa cũng xác nhận giá trị của chính Ngài. Nói cách khác, Chúa hạnh phúc trong chính Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời hạnh phước (1 Ti-mô-thê 1:11; 6:15). Như Edwards, sau khi gạt bỏ “những quan niệm sai lầm” trước đây, ông đã bắt đầu nhìn thấy lẽ thật:

“Sự thánh khiết Chúa có thể đi đôi với tất cả mọi thứ, bao gồm cả tình yêu vô hạn Chúa dành cho chính Ngài – Đấng vĩ đại nhất và xuất sắc nhất.”

Trọng tâm sự thánh khiết Chúa là sự tôn trọng, yêu thương và hạnh phúc dành cho chính bản thân Ngài. Trước khi Chúa thánh khiết với tạo vật, Ngài đã thánh khiết với chính Ngài – có nghĩa là hoàn toàn nhận biết, tận hưởng, yêu thương và say mê sự trọn vẹn của chính bản thân Ngài với tư cách “Đấng vĩ đại và toàn năng nhất”. Khác xa sự thánh khiết đối nghịch với hạnh phúc, cả hai khái niệm này gắn bó chặt chẽ với nhau. Trước hết, Chúa thánh khiết vô cùng hạnh phúc trong chính Ngài.

Bản chất của sự thánh khiết

Vậy còn “sự thánh khiết” của chúng ta – những tạo vật của Chúa thì sao? Thánh khiết liên quan đến đời sống chúng ta nơi thế gian, rằng liệu lời nói, hành động của chúng ta có phù hợp với giá trị của Chúa hay không. Tuy nhiên, chúng ta nên đặt câu hỏi: “Sự thánh khiết trọn vẹn phát sinh từ đâu?” Bản chất thánh khiết của những người được Chúa cứu chuộc là tấm lòng kính sợ, yêu thương và vui thích trong Chúa vì Ngài xứng đáng.”

John Piper viết: “Tiến trình “nên thánh” (nghĩa là trở nên thánh khiết hơn, trưởng thành trong sự thánh khiết) là điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành động cho phù hợp với giá trị của Chúa”. Sự thánh khiết của chúng ta – những tạo vật hữu hạn của Chúa – bắt đầu từ việc thực sự nhận thức và đánh giá đúng giá trị xuất sắc, trọn vẹn của Chúa.

Vì vậy, không chỉ sự thánh khiết thật sự mới đem lại niềm hạnh phúc lớn nhất, nhưng hạnh phúc trong Chúa cũng chính là cốt lõi của sự thánh khiết. Như Piper từng nói: “Bạn sẽ thất bại khi cố gắng nên thánh mà lại không hạnh phúc. Bản chất của sự thánh khiết là hạnh phúc trong Chúa”.

Và sự thánh khiết không chỉ dừng lại ở tâm hồn mỗi người. 

Thánh khiết thể hiện trong hành động 

Sự thánh khiết phải được thể hiện ra giữa thế gian. Sự thánh khiết trong tâm hồn lan tỏa thành lời nói và hành động làm cho người khác biết đến giá trị của Chúa. Việc Chúa hạnh phúc nơi chính Ngài được “công bố” qua công trình sáng tạo ra thế giới hữu hình. Tương tự, Chúa muốn niềm hạnh phúc của chúng ta nơi Ngài được “công bố” trong thế gian thông qua những lời nói đầy ơn và đời sống kết quả của chúng ta. 

Hạnh phúc thật trong Chúa là cội rễ của sự thánh khiết thật trong chúng ta. Sự thánh khiết thật trong cả linh hồn và thể xác bắt nguồn từ những tâm hồn vui vẻ trong Chúa, sinh ra những lời nói và việc làm phù hợp để làm chứng cho giá trị của Ngài.

Hạnh phúc và thánh khiết

Quay lại việc cuốn sách đó gần như dùng sự thánh khiết để chống lại hạnh phúc, tôi muốn hỏi: Tại sao lại biến bạn thành thù? Tại sao lại nghĩ rằng sự thánh khiết mà Chúa kêu gọi chúng ta đạt đến sẽ đối nghịch với hạnh phúc?

Điều cốt lõi ở đây là: Chúa quan tâm đến sự thánh khiết của chúng ta hơn là những “hạnh phúc” xác thịt. Nếu đó là kiểu “hạnh phúc” theo tiện nghi vật chất – cảm giác dễ chịu nhất thời, hời hợt, thoải mái, không đau khổ, và không cần được tái sinh, thì vâng, trường hợp này Chúa sẽ quan tâm đến sự thánh khiết nhiều hơn. Nhưng xin đừng định nghĩa “hạnh phúc” theo cách tầm thường như vậy.

Khi chúng ta hiểu được rằng hạnh phúc đích thực là niềm vui sâu xa, tuôn tràn, bền bỉ, bắt nguồn từ Chúa – sáng chói trong ánh hào quang Đấng Christ – thì hạnh phúc ấy không chỉ liên quan mật thiết mà còn là trọng tâm của sự thánh khiết. Điều đó xua tan những quan niệm sai lầm về sự thánh khiết – u sầu, mệt mỏi, chua ngoa và khó chịu. Hãy đến xem sự thánh khiết đẹp đẽ, đáng mơ ước và tuyệt vời đến nhường nào!

Sự thánh khiết thật trong thế gian bắt nguồn từ niềm hạnh phúc thật sự trong Chúa. Và những người thực sự hạnh phúc trong Chúa cũng sẽ thánh khiết trong Ngài. 

Bài: David Mathis; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/can-i-be-holy-without-happiness)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN