Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhLạm Dụng Giải Trí Huỷ Hoại Cuộc Sống?

Lạm Dụng Giải Trí Huỷ Hoại Cuộc Sống?

Lạm Dụng Giải Trí Huỷ Hoại Cuộc Sống?

Khi ngừng đọc và bắt đầu xem, xã hội trở nên ít nói và ít suy nghĩ hơn. Neil Postman đưa ra “báo động đỏ” này từ những năm 60 trong tác phẩm kinh điển của ông, “Amusing Ours yourself to Death” (tạm dịch: “Giải trí cho đến chết”) xuất bản vào năm 1985.

Khi chiếc tivi ra đời, Postman nhận thấy rằng giải trí không chỉ đơn thuần chiếm phần lớn cuộc sống, mà đã trở thành chính cuộc sống chúng ta. Mọi thứ trong cuộc sống – tin tức, chính trị, giáo dục, thậm chí cả tôn giáo – buộc phải diễn ra trên sân khấu tivi. Đột nhiên, mọi thứ trông phải thật “giải trí”. Báo chí đã nhường chỗ cho “tin tức buổi tối”; các buổi thờ phượng phải lùi bước trước những chương trình hòa nhạc và diễn thuyết sự đời.

Tivi dần tiêm nhiễm vào tâm trí chúng ta một suy nghĩ: chẳng đáng để mất thời gian cho những thứ không mang tính giải trí. Vì giải trí đòi hỏi nơi chúng ta ít hơn – ít suy nghĩ hơn, ít học hỏi hơn, ít làm việc hơn. Xét cho cùng, chẳng có gì nghiêm trọng khi giải trí. Nhưng nếu mọi thứ quá hướng về giải trí, thì liệu chúng ta có nên nghiêm túc xem xét vấn đề này? 

Đối với những người xem trọng vinh hiển Chúa và niềm vui trong Ngài, đây thật sự là một vấn đề cần được xem xét cẩn trọng. 

Điều gì sẽ tàn phá xã hội?

Postman đã cảnh báo về sự tàn phá này rất lâu trước khi mọi người nhận thấy điều đang xảy ra. Ông viết:

“George Orwell cảnh báo rằng quân ngoại xâm áp bức sẽ khuất phục chúng ta. Nhưng theo Aldous Huxley, thật ra không nhất thiết là “kẻ khổng lồ” mới có thể tước đi quyền tự chủ, phát triển và lịch sử của người khác. Mọi người sẽ tự yêu thích những thứ hủy hoại mình, ngưỡng mộ thứ công nghệ làm suy giảm chức năng suy nghĩ của mình. Orwell lo sợ về những kẻ cấm đọc sách. Huxley thì cho rằng việc cấm đọc sách không đáng sợ, nhưng điều đáng sợ nhất là không còn một ai muốn đọc sách cả. Tóm lại, Orwell rằng những gì ta ghét sẽ hủy hoại chúng ta. Nhưng Huxley lại sợ rằng những gì ta yêu thích sẽ hủy hoại ta. Và tại đây, quan điểm của Huxley đã đúng, không phải Orwell.”

Khi Postman viết những lời đó, tivi mới chỉ xuất hiện được khoảng ba mươi năm (truyền hình được phát minh sớm hơn nhiều, nhưng không phổ biến trong các hộ gia đình cho đến những năm 50). Internet vẫn chưa phổ biến rộng rãi cho đến những năm 90. Mạng xã hội đến 15 năm sau mới xuất hiện (và chưa thật sự phổ biến cho đến khi iPhone ra đời vào năm 2007, vài năm sau khi Postman qua đời).

Nếu điều Postman nói là đúng khi mà truyền hình còn mới sơ khai, thì liệu ngày nay sẽ ra sao: thời kỳ mà chúng ta không còn phải sắp xếp thời gian ngồi xem chương trình yêu thích nữa, mà có thể tự do mang theo mọi chương trình giải trí đi khắp mọi nơi? Nếu giải trí đã nắm quyền kiểm soát cuộc sống từ một “chiếc hộp nhỏ” trong phòng khách, thì liệu còn đáng sợ đến mức nào khi chúng ta hầu như không bao giờ rời chiếc điện thoại của mình?

Tôi tin rằng Postman đã đúng hơn cả những gì ông nghĩ – và những tác động này không chỉ liên quan đến xã hội hay văn hóa, mà còn là tâm linh.

Những thứ vô ích ràng buộc chúng ta

Điều gì khiến chiếc tivi trở thành nỗi khiếp sợ của cả một nền văn hóa? Postman lập luận rằng “phương tiện là một phép ẩn dụ”. Có nghĩa là, bất kỳ phương tiện nào – dù là văn bản, truyền hình hay mạng xã hội – không chỉ cung cấp nội dung mà còn định hình nội dung. Cách tiếp nhận thông tin cũng quan trọng không kém những thông tin chúng ta tiếp nhận. Phương tiện định hình cách chúng ta tiếp nhận thông tin. Phương tiện dạng văn bản thường hướng chúng ta theo đuổi các lập luận, tra xét kết luận và phản biện mâu thuẫn. Ngược lại, truyền hình luôn loại bỏ các đối số, ngữ cảnh và liên tục chuyển từ hình ảnh này sang hình ảnh khác.

Truyền hình không chỉ là một phương pháp xử lý thông tin mới, mà còn tràn ngập những dữ kiện vượt xa cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tất nhiên, điện báo đã làm điều này qua ngôn ngữ văn bản trước khi có tivi, nhưng hãy lưu ý những gì xảy ra sau đó:

“Trong thời kỳ điện báo, chúng ta nhận được những thông tin không liên quan đến mình, và cũng không có quyền đáp trả thông tin. Có thể nói rằng điện báo chỉ mang đến những thông tin không liên quan và không hữu ích.”

Thông tin về nơi này thường không cần thiết ở nơi khác, và tin tức từ khắp nơi trên thế giới cũng vậy. Những câu chuyện này chỉ hấp dẫn khi có điểm gì đó vượt trội hơn cuộc sống bình thường (dành cho những người muốn thoát khỏi thực tại nhàm chán).

Và phần lớn thông tin này đều thuộc loại vô ích. Postman đặt câu hỏi: “Liệu bản tin buổi sáng có khiến bạn phải thay đổi kế hoạch trong ngày, hoặc làm những việc lẽ ra bạn sẽ không làm, hoặc cung cấp thông tin chi tiết về một số vấn đề bạn cần giải quyết?”

Truyền hình khiến những thứ không liên quan trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn nhiều (hình ảnh và đoạn phim thực tế về người nổi tiếng trái ngược với những mô tả khô khan trong điện báo). Và mạng xã hội còn hơn thế! Chúng ta ngày càng biết nhiều về các vận động viên, diễn viên và ca sĩ yêu thích của mình, nhưng đồng thời ngày càng mù tịt về những người thân xung quanh và những nơi mà chúng ta có thể thực sự tạo ra sự khác biệt.

Đáng giá hơn một nghìn hình ảnh 

“Chẳng phải một hình ảnh giá trị hơn hàng nghìn từ ngữ sao?” Năm 1921, nhà tiếp thị Fred Bernard đã phát biểu câu nói nổi tiếng này. Ông khuyến khích sử dụng hình ảnh quảng cáo trên xe điện, và ông đã đúng. Nếu bạn muốn tạo ấn tượng đáng nhớ trong vài giây, hãy sử dụng hình ảnh. Nhưng liệu đây là cách truyền thông hiệu quả hay chỉ đơn thuần là phương pháp tiếp thị tốt? Chính xác hơn, một bức ảnh có giá trị tương đương một nghìn lần bán hàng, một nghìn cú nhấp chuột hoặc một nghìn lượt thích. Tuy nhiên, liệu một bức ảnh có thể thực sự truyền đạt mọi thứ người tiêu dùng cần biết về một chiếc điện thoại mới, hoặc bộ sưu tập quần áo mới? Chẳng phải những người tiêu dùng nghiêm túc đã học được rằng “một câu mô tả trung thực đáng giá hơn cả nghìn hình ảnh sao”?

Postman nhận thấy rằng khi hình ảnh chiếm chỗ ngôn từ và trở thành hình thức truyền thông thống trị trong xã hội, thì việc giao tiếp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. “Khi ngôn từ bị thất sủng và truyền hình chiếm vị trí trung tâm, thì tính nghiêm túc, rõ ràng và giá trị ngôn luận sẽ bị giảm sút đến mức nguy kịch”. Chúng ta trở nên “cực kỳ tầm thường”, và ngày càng ngớ ngẩn. 

Ông cảnh báo: “Nền văn hóa ngày nay khuyến khích chúng ta xem liên tục. Nhưng chúng ta chỉ đang xem những thông tin ở dạng đơn giản, phi thực tế, phi lịch sử và phi ngôn từ; nghĩa là thông tin chúng ta tiếp thu chỉ ở dạng giải trí. Và chúng ta hầu như không bao giờ từ chối cơ hội giải trí.”

Ban đầu có Ngôi Lời

Theo Neil Postman, thế giới hiện đại đang đặt ý thức tập thể lên “bàn thờ giải trí”. Cơ Đốc nhân có nên quan tâm đến truyền hình hoặc mạng xã hội? Chúng ta có nên dành nhiều thời gian để lo lắng về việc mình xem quá nhiều và đọc quá ít?

Có, bởi vì đời sống Cơ Đốc nhân trọn vẹn nhất được neo chặt nơi ngôn từ, câu chữ và đoạn văn. Trong vô vàn cách thức quyền năng để bày tỏ chính Ngài, Chúa lại chọn bộc lộ bản thân qua ngôn từ. “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian” (Hê-bơ-rơ 1:1–2). Chúa không tổ chức triễn lãm hay bắt đầu kênh YouTube: Ngài chọn viết nên Kinh Thánh (2 Ti-mô-thê 3:16). “Ban đầu có Ngôi Lời. . . . Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:1,14). Ngay từ đầu, Đức Chúa Trời đã đặt Ngôi Lời – Con Ngài làm trung tâm. Và khi làm như vậy, Ngài đã ban cho ngôn từ một sức mạnh và tầm quan trọng phi thường để nói tiên tri, diễn giải và chúc tụng Ngài.

Đúng vậy, các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Thi thiên 19:1). Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài (Rô-ma 1:20). Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng. (Rô-ma 10:17). Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy (2 Cô-rinh-tô 4:18). Và chúng ta chăm nhìn vào những điều không thấy được qua ngôn từ. Chúng ta có thể nhìn thấy Chúa qua những ngọn núi, đại dương và thiên hà, nhưng chỉ có thể nhận lãnh ơn cứu rỗi qua chính Lời Ngài. Ngài đã viết nên câu chuyện theo cách đó.

Niềm vui thật trong thời kỳ mê mẩn

Nếu các phương tiện giải trí có thể làm mai một khả năng phản biện, suy luận và tiếp nhận lẽ thật của chúng ta, thì nó cũng sẽ làm xói mòn khả năng nhận biết và vui thỏa trong Chúa Cứu Thế Jêsus. “Phước cho người nào … lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi Thiên 1:1–2). Nếu mất đi kỹ năng suy nghĩ, chúng ta cũng mất khả năng suy ngẫm, và lạc lối khỏi con đường dẫn đến nơi phước hạnh. Tâm trí và tấm lòng là chiến trường nơi theo đuổi cuộc sống ý nghĩa thật sự.

Phương tiện truyền thông không phải là kẻ thù. Nhưng nếu Postman đúng, thì thế gian, xác thịt và sa-tan có thể lợi dụng nó khi chúng ta lạm dụng giải trí và phớt lờ hậu quả. Bạn có thói quen giải trí nào cần hạn chế hoặc thay đổi vì lợi ích tâm linh không? Bạn có đang tìm cách trau dồi món quà tâm trí – học và ghi nhớ Kinh thánh, đọc những cuốn sách hay, bàn luận những chủ đề ý nghĩa với bạn bè, dành nhiều thời gian để suy ngẫm Lời Chúa không mệt mỏi?

Khi học cách bảo vệ và nuôi dưỡng tâm trí theo đúng cách của Chúa, thì những loại hình giải trí vô bổ ngày nay sẽ ít hấp dẫn và ít nguy hiểm hơn. Khi ấy, chúng ta sẽ tìm thấy thú vui sâu sắc dài lâu hơn nhiều so với những hình ảnh hào nhoáng trên màn hình.

Bài: Marshall Segal; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/the-blissful-and-trivial-life)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN