Bạn có bao giờ cảm thấy niềm tin của mình bị lung lay khi nói về Phúc Âm không?
Khi nói về Đấng Christ với những người xa lạ trên đường phố, bạn thấy trong mắt họ có chút bối rối hoặc khinh thường. Khi cà-phê trò chuyện với một người bạn cũ, bạn chẳng thể mở miệng nói lời nào về Chúa. Đứng trên bục giảng, bạn nhìn thấy mọi người ngủ gật.
Bạn nghe những lời phát ra từ miệng mình – về Đấng Christ bị đóng đinh, kêu gọi những người không tin hãy ăn năn và tin Chúa, cảnh báo rằng đây là cách duy nhất để cứu linh hồn họ khỏi quyền lực tội lỗi và hồ lửa địa ngục kinh hoàng. Đó là những lời quen thuộc, nhưng đôi khi bạn lại tự nhủ: “Có lẽ đây là điều kỳ lạ nhất mà họ từng nghe!”.
Chúng ta biết rằng Tin Lành và sứ điệp về thập tự giá là “điều ngớ ngẩn” đối với những người đang hư mất. Đối với những người được cứu như chúng ta, đó là quyền năng của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 1:18). Nhưng đôi khi, niềm tin của chúng ta vào Phúc Âm cũng bị lung lay. Bản thân chúng ta tin Phúc Âm (hy vọng là vậy!), nhưng lại không dám cho rằng bất kỳ ai khác sẽ tin nổi điều này.
Một thời gian dài truyền giáo nhưng không có nhiều kết quả sẽ làm dấy lên nghi ngờ, khiến tâm linh chúng ta mệt mỏi. Lại thêm những người chế nhạo hoặc nhún vai ngán ngẫm, khiến chúng ta tự hỏi liệu có vấn đề gì với Phúc Âm mà mình đang rao truyền hay không. Đối với các nhân sự truyền giáo, sự nghi ngờ, chán nản và thậm chí là tuyệt vọng hiện diện thường trực hơn chúng ta tưởng tượng.
Bạn cảm nhận điều này bao giờ chưa? Làm sao để vững lòng chống lại những lúc nản chí như vậy? Làm sao để tiếp tục rao giảng Phúc Âm khi chính bạn còn cảm thấy điều mình nói thật khác thường?
Ăn năn
Trước tiên, chúng ta cần ăn năn vì đã không tin quyền năng của Phúc Âm. Chúng ta phải nhìn nhận lẽ thật và đối diện một cách phù hợp. Sự thiếu đức tin chính là giọng nói của con rắn thì thầm câu hỏi cũ vào tai bạn: “Đức Chúa Trời há có phán dặn…?”
Chúng ta nên gặp gỡ Chúa, “là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! – đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ” (2 Cô-rinh-tô 4:6) và cầu xin Ngài tha thứ vì chúng ta đã nghi ngờ lòng nhân từ và năng quyền Ngài.
Tìm kiếm ân điển
Thứ hai, chúng ta cần cầu xin ân điển: “Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!” (Mác 9:24). Thậm chí khi đang truyền giáo, chúng ta vẫn có thể nghĩ rằng những lẽ thật này dường như không phù hợp. Tâm hồn chúng ta đau đớn khôn tả với cuộc chiến nội tâm, trong khi bề ngoài lại cố gắng rao truyền danh Chúa.
Vì thế, chúng ta trở lại với Chúa, dâng những lo âu lên Ngài, cầu xin ân điển và sức mạnh Ngài được làm trọn trong sự yếu đuối chúng ta.
Khơi dậy niềm tin
Thứ ba, chúng ta nên khuấy động và củng cố đức tin của mình. Suy ngẫm một số yếu tố sau để thực hiện điều này:
- Lời Chúa hứa
Hãy nhìn xem những lời Chúa hứa. Cầu nguyện để được an ninh nơi Kinh Thánh. Đức Chúa Trời phán rằng “lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:11).
Ngài nói rằng Phúc Âm Đấng Christ “là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin… vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa” (Rô-ma 1:16–17). Với Đức Thánh Linh giúp đỡ, chúng ta phải tin những gì Đức Chúa Trời nói về Phúc Âm.
- Lịch sử Hội Thánh
Hãy nhìn lại lịch sử Hội Thánh. Hãy xem Phao-lô và các anh em đồng lao đã rao giảng trên khắp thế giới như thế nào. Nhờ việc họ làm, “những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:48).
“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 1:27–29 ). Phao-lô đang nói về những Cơ Đốc nhân xưa và nay, những cá nhân được Đức Chúa Trời dùng để mang mọi người đến với Ngài. Chúa không thay đổi. Nếu đây luôn là cách Ngài làm việc, thì chẳng phải Ngài cũng sẽ tiếp tục làm vậy với chúng ta sao?
- Kinh nghiệm cá nhân
Hãy nhìn lại kinh nghiệm cá nhân của bạn. Đối với những người được cứu như chúng ta, Phúc Âm chính là quyền năng Đức Chúa Trời.
Chẳng phải bạn được cứu nhờ tin Đấng Christ sao? Bạn đã nghe, và tin, và được cứu chuộc chưa? Còn các tín đồ trong Hội Thánh bạn thì sao? Họ không phải là kết quả của ân điển thiêng liêng sao? Vậy tại sao những người ngoại khác lại không được?
Bạn hẳn đã có những kỷ niệm sống động lần đầu được biết Tin Lành, trước khi Chúa mở mắt để bạn nhìn thấy vinh quang Đấng Christ. Cũng có thể bạn lớn lên trong Phúc Âm, nhưng vẫn bịt tai và đóng chặt tấm lòng cho đến khi được tái sinh nhờ quyền năng Thánh Linh.
Nếu Đức Chúa Trời có thể cứu bạn – kẻ tội lỗi khốn khổ, tại sao Ngài không thể cứu người khác, mở mắt họ và soi sáng tâm hồn họ? Chúa đã từng dùng bạn để làm rạng danh Ngài chưa? Vậy chẳng lẽ Ngài không thể dùng bạn một lần nữa để kêu gọi người khác đến với Ngài sai?
- Mở rộng tầm nhìn
Hãy mở rộng tầm nhìn đến nhiều nơi trên thế giới này, tại đó Chúa đang làm việc theo nhiều cách khiến chúng ta phải ganh tị. Hãy coi chừng, đừng phàn nàn rằng tại sao Chúa không làm việc ở đây như Chúa làm việc ở đó. Hãy can đảm – “tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu” (Ê-sai 59:1)? Khi nghe nói về việc làm quyền năng của Đức Chúa Trời ở nơi khác, chúng ta được khuyến khích càng phụng sự Ngài ở chính nơi Ngài đặt để chúng ta.
- Nhiệm vụ Chúa ban
Cuối cùng, hãy nhìn lại nhiệm vụ của bạn. Sứ mệnh của bạn rao truyền danh Cứu Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời nhập thể, Đấng đã hiến mạng sống thay cho tội nhân, để bảo đảm tất cả những ai kêu cầu danh Ngài đều sẽ được cứu (Rô-ma 10:13).
Bạn không cần biết Đức Chúa Trời sẽ sử dụng bạn khi nào, ở đâu, trong công việc gì. Bạn được kêu gọi đi khắp thế giới, rao giảng Phúc Âm cho tất cả mọi người, trao kết quả cho Đức Chúa Trời và dâng mọi vinh hiển lên Ngài.
Bài: JEREMY WALKER; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/keep-evangelizing-fool/)