Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhTại Sao Chúa Ghét Ê-sau

Tại Sao Chúa Ghét Ê-sau

Phân đoạn Kinh Thánh suy ngẫm: 

“Gánh nặng lời Đức Giê-hô-va cho Y-sơ-ra-ên bởi Ma-la-chi.

Đức Giê-hô-va có phán: Ta yêu các ngươi; và các ngươi nói rằng: Chúa yêu chúng tôi ở đâu? Đức Giê-hô-va phán: Ê-sau há chẳng phải là anh Gia-cốp sao? Nhưng ta yêu Gia-cốp, mà ghét Ê-sau, ta làm cho những núi nó nên hoang vu, và phó sản nghiệp nó cho những chó nơi đồng vắng.

Nếu Ê-đôm nói rằng: Chúng ta đã bị hủy diệt, song chúng ta sẽ trở về dựng lại những nơi đổ nát, thì Đức Giê-hô-va vạn quân cũng phán rằng: Chúng nó sẽ dựng lại, nhưng ta sẽ đổ xuống, người ta sẽ gọi chúng nó là Cõi độc ác, và là dân mà Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng đời đời. Mắt các ngươi sẽ thấy, và các ngươi sẽ nói rằng: Nguyền Đức Giê-hô-va là lớn ngoài cõi Y-sơ-ra-ên!” (Malachi 1:1-5).

Tác giả thiêng liêng 

Câu đầu tiên không chỉ giới thiệu tác giả loài người là Ma-la-chi. Mỗi từ ngữ đều cung cấp thông tin về vị Tác Giả thiêng liêng và thẩm quyền tối thượng bao phủ trên toàn bộ sứ điệp này. Từ “tiên tri” thường mở đầu các sách tiên tri (ví dụ như Ê-sai 13:1; 15:1; 17:1) có nghĩa đen là “gánh nặng” (Dân số ký 4:47; 11:11), nhằm truyền đạt cảm giác cấp bách. Gánh nặng này còn được định nghĩa là Lời Chúa (xem 2 Phi-e-rơ 1:21) do một sứ giả con người nói ra. Đó là Lời tuyên bố hùng hồn của Vua, có tác dụng uốn nắn mọi sự kiện trong lịch sử theo ý muốn Ngài (Ê-sai 55:11; Giê-rê-mi 1:9–10; 23:29). Từ này được dùng cho Y-sơ-ra-ên, mặc dù vào thời Ma-la-chi chỉ còn lại dân Giu-đa. Họ là những người kế thừa mọi lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Y-sơ-ra-ên.

Lời đầu tiên Đức Chúa Trời phán qua Ma-la-chi không phải là lời vạch trần tội lỗi Y-sơ-ra-ên (không giống như Ê-sai 1:2–3; Giê-rê-mi 2:1–3; Ê-xê-chi-ên 2:3–4) mà là tuyên bố tình yêu thương Ngài dành cho họ. Lời này thể hiện cả tình yêu thương sâu sắc và lòng thành tín trong mọi mối quan hệ của con người (hôn nhân, Sáng Thế Ký 24:67; cha mẹ và con cái, Sáng Thế Ký 25:28; bạn bè, 1 Sa-mu-ên 20:17). Lời này cũng nhắc lại những lời Chúa hứa từ xưa về tình yêu thương dành cho dân Y-sơ-ra-ên trong 5 sách của Môi-se; Đức Chúa Trời yêu thương các thế hệ dân Y-sơ-ra-ên đầu tiên và lựa chọn họ (Phục truyền Luật lệ Ký 4:37; 10:15), thể hiện tình yêu thương Ngài bằng cách ban phước và nhân rộng dòng dõi họ (Phục truyền Luật lệ Ký 7:13). Tình yêu này có chủ quyền và vô điều kiện, không vì bất cứ lý do gì ngoài đặc tính yêu thương, thành tín của Đức Chúa Trời. Từ “yêu” diễn tả toàn diện tình yêu thương Đức Chúa Trời – một hành động hoàn hảo và trọn vẹn. Đức Chúa Trời bắt đầu cuộc tranh luận này bằng cách tuyên bố tình yêu bất biến và lâu dài dành cho dân Ngài.

Từ “ở đâu” đôi khi ám chỉ bằng chứng cho thấy những hành động đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra (Sáng Thế Ký 15:8; Xuất Ê-díp-tô 33:16). Những người lắng nghe Ma-la-chi không thấy bằng chứng rõ ràng nào về tình yêu thương Chúa dành cho họ. Họ cảm thấy Ngài chẳng hề yêu thương mình, và điều này không phải là hoàn toàn không có lý lẽ. Nhưng Ma-la-chi tiết lộ những nghi ngờ đen tối nhất của họ về Đức Chúa Trời để rồi lật đổ chính những nghi ngờ đó.

Tình yêu bền vững, không đổi dời 

Để thách thức tuyên bố “không được yêu thương” của người dân, Ma-la-chi đưa họ trở lại thời kỳ đầu dòng lịch sử. Mặc dù câu chuyện về Gia-cốp và Ê-sau rất phức tạp (Sáng Thế Ký 25–36), và Ê-sau tỏ ra vô cảm thuộc linh trong một số trường hợp (25:29–34; 26:34–35; 28:6–9), Sáng Thế Ký cho biết Đức Chúa Trời đã ưu ái Gia-cốp trước khi họ được sinh ra (25:23; xem Rô-ma 9:10–13). Mặc dù cả hai anh em bình đẳng như nhau, Chúa đã dành tình yêu thương cho Gia-cốp, chứ không phải Ê-sau, nhưng không phải vì bản chất của họ. Bởi vì tình yêu này là vô điều kiện và không thay đổi. Từ trước khi tổ phụ của họ sinh ra, Đức Chúa Trời đã yêu thương dân Y-sơ-ra-ên. Động từ “yêu” kết thúc Ma-la-chi 1:2 ngụ ý tình yêu thương lâu bền Đức Chúa Trời dành cho Gia-cốp, trong khi động từ “yêu” ở đầu câu 3 cho thấy việc Ngài kiên định chống lại Ê-sau.

Giống như tình yêu thương của Đức Chúa Trời bao hàm cả tình cảm và lòng thành tín, nên “ghét” trong Cựu Ước bao hàm sự ghê tởm và căm phẫn (Thi Thiên 119:163; Truyền đạo 2:18) cũng như khước từ và chống đối (Thi Thiên 26:5; Ê-sai 66:5); người vợ ít được yêu hơn bị “ghét”, Phục truyền Luật lệ Ký 21:15). Có thể dân Y-sơ-ra-ên không thấy bằng chứng tình yêu Chúa dành cho mình, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy Ngài ghét Ê-đôm, vì Chúa “làm cho những núi nó nên hoang vu”. Trong Cựu Ước, núi là biểu tượng của khả năng sinh sản (Phục truyền Luật lệ Ký 33:15; Tê-sa-lô-ni-ca 50:10; 72:3), sức mạnh và sự ổn định (Thi Thiên 46:2; Ê-sai 54:10), nhưng khía cạnh vững chắc nhất của Ê-đôm đã khô héo, nên không còn gì có thể phát triển được. Ngoài ra, Ê-đôm không được thừa kế; sản nghiệp nó (xem Phục truyền Luật lệ Ký 32:8–9) bị phó cho những chó nơi đồng vắng. Hình ảnh những con vật ô uế sống trong một vùng đất từng có người ở là kết quả sự phán xét của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 44:19; Ê-sai 13:22; 34:13; Giê 9:11; 10:22; 49:33). Hình ảnh này giống như một điềm gở đối với dân Y-sơ-ra-ên xưa, như thể Ê-đôm đã bị phó mặc cho một thế lực tâm linh đen tối.

Cách Đức Chúa Trời chứng minh tình yêu Ngài đối với quốc gia này có vẻ lạ lùng, thậm chí xúc phạm đối với một quốc gia khác. Nhưng việc làm phu tù cho Ba-by-lôn là sự vi phạm nghiêm trọng và khủng khiếp đối với dân sự Đức Chúa Trời, đến nỗi Ê-đôm lấy làm vui mừng khi Y-sơ-ra-ên tàn lụi (Thi Thiên 137:7) và lợi dụng sự yếu đuối của Y-sơ-ra-ên để thu lợi riêng (Ê-xê-chi-ên 35:15; Áp-đia 10), vang vọng khắp các sách tiên tri. Sự phán xét của Đức Chúa Trời trên Ê-đôm không hề quá đáng chút nào.

Khi chứng minh cho dân sự thấy tình yêu bền vững Ngài dành cho họ, Chúa đã ngăn chặn những phản đối tiềm tàng. Trong khi nền kinh tế Giu-đa suy thoái vào thời Ma-la-chi, vận may của Ê-đôm có ​​vẻ đang tăng lên (“chúng ta sẽ trở về dựng lại những nơi đổ nát”) – Ê-đôm kỳ vọng sẽ phục hồi. Chúa không phủ định khả năng này, thay vào đó Ngài bày tỏ thái độ căm ghét Ê-đôm bằng cách phá hủy bất cứ công trình nào mà họ dựng nên. Ê-đôm sẽ được gọi là “Cõi độc ác”, nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ giam cầm họ trong tội lỗi một cách công khai và rõ ràng đến nỗi không ai có thể thắc mắc tại sao Ngài lại phán xét dân tộc này.

Ảnh hưởng của tội lỗi

Số phận thuộc linh của Ê-đôm được mô tả trong hai cụm từ: “Cõi độc ác” và “dân mà Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng đời đời”. Hai cụm từ này mô tả cả lãnh thổ và con người, “nhân quả” dưới sự phán xét đời đời của Đức Chúa Trời. “Nổi giận” song hành với “ rủa sả” trong Dân số ký 23:7 và “cơn thạnh nộ” của Đức Chúa Trời trong Thi Thiên 69:24, Xa-cha-ri 1:12. Ê-đôm mãi mãi hứng chịu cơn thịnh nộ chính đáng và dữ dội của Đức Chúa Trời vì tội lỗi họ.

Trong câu cuối cùng, Đức Chúa Trời thể hiện lòng căm ghét với Ê-đôm bằng cách thể hiện tình yêu thương dành cho Y-sơ-ra-ên. Chúng ta đinh ninh rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo đảm với Y-sơ-ra-ên rằng (trái ngược với Ê-đôm) họ sẽ được xây dựng lại và phát triển thịnh vượng, hoặc sẽ không bao giờ bị lợi dụng nữa. Thay vào đó, dân sự Chúa được bao bọc trong chủ quyền vĩ đại của Đức Chúa Trời, vượt ra ngoài biên giới của chính họ.

Câu Kinh Thánh ngắn gọn này thật đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa vĩ đại. Việc dân Y-sơ-ra-ên “thấy” sẽ đảo ngược hoàn toàn những hoài nghi về tình yêu Chúa, khi họ tuyên bố không thấy bằng chứng nào về tình yêu thương ấy (câu 2b). Bây giờ họ sẽ nói khác, và hoàn toàn bị thuyết phục. Những gì họ tuyên xưng hoàn toàn là về Đức Chúa Trời và vinh quang Ngài, không phải về bản thân họ. Sự vĩ đại của Đức Chúa Trời thể hiện qua những lần Ngài can thiệp để cứu giúp dân Y-sơ-ra-ên (Thi Thiên 92:5; 126:2–3) hoặc các cá nhân trong dân Y-sơ-ra-ên (Thi Thiên 35:17; 40:17; 86:11). Nói đến sự vĩ đại của Đức Chúa Trời là ám chỉ sự vinh hiển (xem Ê-sai 42:21) và sự cao trọng Ngài (Thi Thiên 99:2). Trong câu văn ngắn gọn này, Ma-la-chi thể hiện tương lai đáng kinh ngạc của Y-sơ-ra-ên nhờ vinh quang hiển hiện của Đức Chúa Trời khi Ngài thực thi công lý trên thế gian.

Sự vĩ đại của Đức Chúa Trời sẽ được biết đến ở “ngoài cõi Y-sơ-ra-ên”. Sự vĩ đại Ngài tập trung nơi lãnh thổ dân giao ước, nhưng không giới hạn ở đó. Đây là cách Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương Ngài đối với dân sự lầm than và nản chí – Chúa thực thi công lý trên toàn trái đất, để bày tỏ vinh quang cao cả của Ngài.

Bài: Eric Ortlund; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crossway.org/articles/what-does-it-mean-that-god-hated-esau-malachi-1/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN