Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh5 Câu Hỏi Giúp Thanh Thiếu Niên Lựa Chọn Kênh Giải Trí...

5 Câu Hỏi Giúp Thanh Thiếu Niên Lựa Chọn Kênh Giải Trí Đúng Đắn

Ngày nay, Hội Thánh dường như chỉ chiếm một phần nhỏ trong cuộc sống Cơ Đốc nhân. Thờ phượng sáng Chúa Nhật, nhóm họp giữa tuần, các nhóm nhỏ là những yếu tố quan trọng không thể thiếu. Nhưng tất cả cộng lại chỉ lên đến tới 3-4 giờ mỗi tuần. Trong khi đó, Cơ Đốc nhân trẻ tuổi trung bình dành tới 40–50 giờ mỗi tuần cho mạng xã hội. Và mạng xã hội đang nắm quyền định hình lối sống người trẻ.

Vì thế, cha mẹ, mục sư và nhân sự thanh thiếu niên nên chú ý đến vấn đề này. Cơ Đốc nhân trẻ tuổi dành thời gian cho điều gì? Họ đang xem gì, nghe gì, đọc gì? Và tại sao họ lựa chọn những điều này? Kinh Thánh chính là “phễu lọc” để người trẻ đánh giá liệu mạng xã hội tốt hay xấu cho tâm linh họ.

Sau đây là năm câu hỏi để thảo luận với thanh thiếu niên về mạng xã hội.

  1. Bạn có dễ dao động?

Nhiều Cơ Đốc nhân trẻ tuổi dễ mắc phải “hiệu ứng con lắc”. Có thể do họ lớn lên trong sự bảo bọc, hoặc bị hạn chế sử dụng mạng xã hội. Họ thường tỏ ra bực bội, coi “những khuyến cáo Cơ Đốc” là luật lệ hà khắc hoặc ngớ ngẩn. Có thể sau khi đến trường đại học, họ được “khai sáng” trước những điều kỳ diệu của thế giới phức tạp, nghiệt ngã. Hoặc có thể họ chỉ đang cố gắng theo kịp bạn bè. Người trẻ thường không có khả năng giữ vững lập trường, nên họ bắt đầu “lắc” từ bên này sang bên khác.

Tôi biết rõ “quỹ đạo con lắc” này bởi vì chính tôi đã từng như vậy. Tôi không lớn lên trong sự cấm đoán như một số bạn (tôi rất biết ơn vì điều này), nhưng năm 20 tuổi, tôi được tiếp cận với phương tiện truyền thông nhiều hơn – bao gồm cả nhiều phim bạo lực mà tôi ước mình chưa bao giờ xem. Tôi đã vung con lắc quá xa – từ thận trọng quá mức đến liều lĩnh quá đà.

Khi đã ngoài 30, tôi trở nên ổn định hơn giữa những thái cực này. Tuy vẫn xem nhiều phim và chương trình truyền hình, nhưng tôi cẩn thận hơn khi lựa chọn nội dung, và càng cẩn trọng hơn khi đề xuất nội dung cho người khác. Tôi cố gắng cân bằng giữa nguyên tắc và tự do.

Khi bạn nhận thấy “vấn đề con lắc” trong đời sống Cơ Đốc nhân trẻ, đừng quá lo lắng. Đó là chuyện bình thường, xảy ra với mọi thế hệ. Nhờ sự tốt lành Chúa, người trẻ sẽ tự nhận ra mình đã đi quá xa, điều đó không tốt cho mình, và hiểu rằng cha mẹ thật khôn ngoan khi nhắc mình thận trọng với mạng xã hội. Nhưng đôi khi cũng nên nhắc nhở để các bạn nhận thức được điều này. Vấn đề là chúng ta làm điều đó như thế nào.

  1. Mạng xã hội khiến tâm linh bạn khỏe mạnh hay bệnh tật?

Cơ Đốc nhân cần suy nghĩ nhiều hơn về sức ảnh hưởng của thói quen sử dụng mạng xã hội. Nếu thức ăn có thể khiến cơ thể khỏe mạnh hoặc bệnh tật, thì tương tự, những gì chúng ta tiếp thu (ý tưởng, hình ảnh, lời nói, lý lẽ) có thể nuôi dưỡng một tâm linh khỏe mạnh, sáng suốt hoặc khiến tinh thần trở nên thiếu lành mạnh, dại dột. Nội dung chúng ta tiếp thu từ mạng xã hội sẽ định hình con người chúng ta. Những bộ phim chúng ta xem, âm nhạc chúng ta nghe, sách vở chúng ta đọc – tất cả những gì chúng ta quan tâm và dành thời gian sẽ chiếm lấy tấm lòng và tình cảm. Nếu không cẩn thận, tình yêu của chúng ta sẽ hướng về những thứ vô ích.

Hãy yêu cầu các bạn trẻ xem xét lại những gì họ tiếp thu qua mạng xã hội – điều gì đang “nuôi dưỡng tâm linh họ”. Nếu bạn nhận thấy sức khỏe tâm linh của các em thay đổi, hoặc có xu hướng đi xuống, rất có thể các em đã tiêu thụ những nội dung không lành mạnh.

  1. Bạn có đang quá lạm dụng mạng xã hội?

Hầu hết chúng ta ngày nay đều đam mê mạng xã hội. Có rất nhiều mánh lới để lôi kéo bạn. Ở cuối mỗi tập phim sẽ có thông báo “xem tập tiếp theo!” để tiếp tục dán mắt vào màn hình. Nếu không chủ động chống cự, nhịp sống tự nhiên trong thời đại mạng xã hội sẽ liên tục lôi kéo bạn. Khi xếp hàng mua đồ, bạn thử nhìn xung quanh xem. Bất cứ khi nào rảnh tay, chúng ta ngay lập tức nhấc điện thoại lên, và bắt đầu lướt trên màn hình. Đó là một thói quen khó bỏ. Kết quả? Cuộc đời chúng ta bị mạng xã hội đóng khung. Điều đó không tốt cho tâm linh chút nào.

Khi mỗi giây phút cuộc đời đều bị lấp đầy bởi các nội dung trên mạng, không còn thời gian để những thứ chúng ta tiêu thụ chuyển hóa thành “dinh dưỡng”. Tất cả chỉ là “đồ ăn vặt”, những viên kẹo ngọt hấp dẫn. Không còn thời gian để suy nghĩ, kết nối, tổng kết, phân biệt, cân nhắc, đánh giá. Chúng ta chỉ tiêu thụ và tiêu thụ.

Hãy thử thách các bạn trẻ và chính bản thân chống lại thôi thúc nhìn vào màn hình. Bạn có thể để yên điện thoại trong túi khi ngồi một mình ở trạm xe buýt trong vòng năm phút không? Bạn có thể dành một giờ để đọc sách hoặc ngồi im lặng ngắm cảnh, thay vì bật thiết bị điện tử không? Kéo dài trong hai tiếng thì sao? Chúng ta cần lấy lại không gian để im lặng, nghỉ ngơi, tĩnh tâm và cầu nguyện. Việc đặt chiếc điện thoại xuống nay trở thành một kỷ luật thuộc linh cần thiết.

  1. Phương tiện này có giúp bạn yêu Chúa hơn không?

Giữa vô số chương trình giải trí và phương tiện truyền thông, làm sao Cơ Đốc nhân có thể đưa ra quyết định đúng đắn? Nếu tôi muốn giới hạn bản thân chỉ xem một bộ phim hoặc chương trình  (tôi nghĩ điều này là khôn ngoan), thì tôi nên cân nhắc điều gì khi lựa chọn?

Để trả lời câu hỏi này, hãy xem xét hai điều răn quan trọng nhất đến từ Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 22:35–40; Mác 12:28–31; Lu-ca 10:25–28): yêu Chúa và yêu người lân cận.

Hầu hết các lựa chọn trong đời sống Cơ Đốc nhân nên được sàng lọc qua điều răn lớn nhất. Liệu điều này sẽ giúp ích hay cản trở tôi thờ phượng Đức Chúa Trời?

Kiểu phương tiện truyền thông hoặc hình thức giải trí nào sẽ chúng ta yêu mến Chúa hơn? Mọi người đều trải qua những khoảnh khắc “nổi da gà” khi xem một bộ phim, một buổi hòa nhạc, hoặc sự kiện thể thao. Đối với người ngoại, những trải nghiệm mơ hồ đó sẽ tự kết thúc: khoái cảm nhất thời làm rúng động cảm xúc và có thể là cả linh hồn. Tuy nhiên, đối với Cơ Đốc nhân, việc “nổi da gà” cho thấy rằng thế giới này không phải ngẫu nhiên và vô nghĩa. Đó là công trình sáng tạo có trật tự của một Đấng Tạo Hóa (Thi Thiên 24:1). Mọi điều có nét đẹp và ý nghĩa riêng minh chứng cho điều này – và khiến chúng ta ca ngợi Đức Chúa Trời.

Hãy nhắc nhở người trẻ rằng mọi câu chuyện và vẻ đẹp đều là ý tưởng của Chúa. Chúa bày tỏ chính Ngài với chúng ta qua Kinh Thánh, không phải bằng danh sách 2.000 trang gạch đầu dòng “những điểm cần lưu ý”, mà bằng vẻ đẹp và câu chuyện: anh hùng và nhân vật phản diện, xung đột và giải quyết, thơ ca và ngụ ngôn, ẩn dụ và bài hát. Ngài tạo ra chúng ta không chỉ với những bộ não khô khan, mà còn là những sinh vật toàn diện với các giác quan và cảm xúc.

Đây là lý do nghệ thuật, cái đẹp và các hình thức giải trí có thể giúp chúng ta yêu Ngài.

  1. Mạng xã hội có giúp bạn yêu người lân cận không?

“Yêu người lân cận” sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta lựa chọn giải trí. Một là nội dung. Những người tôi đang xem trên màn hình có được tôn trọng và đối xử như con người không, hay họ bị lợi dụng và hạ thấp chỉ để tôi vui? Bộ phim hoặc chương trình tôi đang xem có nghiêm túc mô tả giá trị con người theo lẽ thật, hay hạ thấp và tầm thường hóa con người theo những cách sai trái? Là khán giả theo dõi cuộc sống của những người mình không quen – cho dù là ngôi sao TikTok hay vũ công ca nhạc – tôi ngày càng đồng cảm và yêu thương họ hơn, hay họ chỉ đơn thuần là “sản phẩm” để tôi tiêu dùng?

Chọn những nội dung đề cao giá trị nhân văn giúp bạn tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương mọi người – những người mang hình ảnh Chúa với những tranh đấu thực, tài năng thực và cuộc sống thực.

“Yêu người lân cận” sẽ giúp chúng ta lựa chọn các chương trình truyền thông nhằm mục đích xây dựng cộng đồng chung. Chúng ta có thể quyết định không xem vì nội dung đó không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà còn đến những người khác trong cộng đồng (1 Cô-rinh-tô 8). Chúng ta có thể coi giải trí là một trải nghiệm chung thay vì trải nghiệm riêng tư, “chỉ mình tôi với chiếc màn hình”. Hãy đi xem hòa nhạc với cả nhóm bạn. Tham gia một câu lạc bộ thảo luận về phim. Tận hưởng vẻ đẹp của thế giới với mọi người. 

Cuối cùng, “yêu người lân cận” sẽ khơi dậy khả năng nhìn nhận thói quen giải trí qua lăng kính sứ mệnh. Những lựa chọn này có làm tổn hại đến chứng ngôn uy tín của chúng ta với tư cách “người được biệt riêng” không? Làm sao để biến việc giải trí thành cơ hội để tiếp cận người chưa tin? Là Cơ Đốc nhân, việc quan sát, suy nghĩ và bình phẩm nền văn hóa đại chúng giúp bạn học được nhiều điều: những câu hỏi, khao khát, bối rối và thần tượng của thời đại này. Đây là cơ hội để nói chuyện hiệu quả với những người chưa tin, gợi ra suy nghĩ về những câu hỏi thuộc linh mà họ đã vô tình bỏ qua. Có thể họ không nhận lời mời đến nhà thờ ngay lập tức, nhưng sau khi cùng xem phim với nhau, biết đâu cơ hội trò chuyện về đức tin sẽ mở ra.

Bài: BRETT MCCRACKEN; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/5-questions-media)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN