Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh5 Thần Tượng Phơi Bày Qua Nghịch Cảnh

5 Thần Tượng Phơi Bày Qua Nghịch Cảnh

Thật tuyệt vời khi được hát ngợi khen sự tốt lành Chúa, được “A-men” với các lẽ thật Kinh Thánh, được vững vàng trong những lời hứa, được tạ ơn Ngài khi mặt trời còn chiếu sáng và cuộc sống vẫn đang tốt đẹp.

Không có gì sai khi chúng ta vui mừng trong ơn phước Chúa ban, nhưng thử thách thực sự xảy ra và phơi bày bản chất chỉ khi những đám mây đen ập đến. Đó là thời điểm sẽ thử thách nền tảng thần học, đức tin và sự kiên trì của chúng ta.

Nếu mây đen cứ kéo dài, mức độ thử thách không chỉ tăng lên mà còn phơi bày những thần tượng ẩn giấu: những thứ chúng ta đặt quá nhiều niềm tin.

Sách Ca Thương viết cho một thời gian dài đau khổ. Chúng ta yêu thích niềm hy vọng trong chương 3: “Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt” (Ca Thương 3:22). Nhưng chương 4 là cả một vùng đen tối.

Chương 4 khóc thương vì những ảnh hưởng lâu dài của các thần tượng. Chương này cũng nhấn mạnh việc các biểu tượng thành công và quyền lực bị phá hủy.

Nói cách khác, đoạn Kinh Thánh này than khóc vì những thần tượng mà chúng ta đặt quá nhiều hy vọng. Ca Thương không chỉ thể hiện nỗi đau mất mát, mà con thương tiếc cho niềm tin đặt không đúng chỗ. Khi nền văn hóa, thành phố hoặc cuộc sống sụp đổ, thần tượng của bạn sẽ bị phơi bày.

Giữa những khó khăn do COVID-19 và căng thẳng trên thế giới gần đây, hãy cùng xem xét những thần tượng trong Ca Thương chương 4.

  1. Nương dựa nơi an ninh tài chính

Ca Thương 4 than khóc vì Giê-ru-sa-lem mất đi an ninh và vinh quang của sự giàu có:

“Than ôi! Vàng mờ tối, vàng ròng biến đổi dường nào!

Đá nơi thánh đổ ra nơi mọi góc đường phố!” (câu 1)

Thành Giê-ru-sa-lem là trung tâm kinh tế và tâm linh của Y-sơ-ra-ên. Đền thờ sừng sững phía chân trời với kiến ​​trúc vĩ đại và những viên ngọc lấp lánh. Hòm giao ước, các bức tường trong nơi chí thánh, thậm chí các bình và đồ dùng đều được làm từ kim loại quý (1 Các Vua 6:20–22). Vàng ở khắp mọi nơi.

Sự giàu có gắn liền với vinh quang. Nhưng giờ vàng bạc hoá thành hư không.

Thành phố đã mất đi vẻ hào nhoáng. Đền thờ bị phá hủy. Mọi vật phẩm quý giá giờ đây nằm trong đống đổ nát. Tất cả niềm tin đặt nơi ngôi đền và vàng bạc đã hoàn toàn tan biến.

Bạn biết rằng tiền có sức mạnh. Tiền mang đến an ninh. Tiền tạo ra danh phận. Tiền mang đến nhiều sự lựa chọn. Nếu không cẩn thận, tiền sẽ khiến chúng ta nghĩ rằng mình có thể tự lo cho bản thân. Vì vậy, sự suy thoái, mất việc làm, đóng cửa doanh nghiệp và thành phố là cơ hội để phản ánh niềm tin sai lạc đặt nơi an ninh tài chính mong manh. Khi tài khoản vơi đi, than khóc cho sự mất mát sẽ khiến bạn thức tỉnh, nhận ra thật dại dột khi tin cậy vào an ninh tài chính. Tiền bạc hay nỗi sợ mất tiền bạc có thể dễ dàng trở thành thần tượng của chúng ta. Khó khăn hoặc căng thẳng tài chính sẽ phơi bày liệu chúng ta có thần tượng tiền bạc hay không.

Tiền có thể là thần tượng chung ẩn giấu trong cuộc sống chúng ta cách tinh vi. Có thể là đắc thắng trong thành công, cảm giác hài lòng tạm bợ về món đồ mới, đảm bảo chu cấp cho gia đình hoặc an ninh cho tương lai chúng ta. Dù biểu hiện như thế nào thì tiền bạc cũng dễ dàng trở thành nơi chúng ta đặt lòng tin. Khi những mất mát hoặc bất ổn ập đến, thần tượng này nhanh chóng phơi bày bộ mặt xấu xí của nó. Ca Thương dập tắt suy nghĩ chúng ta có thể “tự lo cho mình”, và chúng ta sẽ kinh nghiệm sự “phá sản tinh thần” khi tin cậy vào an ninh tài chính.

  1. Xem con người là cứu tinh

Đau khổ cũng phơi bày đối tượng thứ hai chúng ta thường đặt niềm tin: con người. Trong nỗi đau, chúng ta có thể nhận ra mức độ tin cậy vào mọi người, tin rằng họ có khả năng khắc phục vấn đề. Dù là chính trị, kinh doanh hay tôn giáo, chúng ta có thể dễ dàng đặt hy vọng của mình vào con người. Đó là một phần lý do khiến chúng ta say mê danh vọng và quyền lực. Chúng ta sống gián tiếp nhờ những người dẫn dắt mình. Chúng ta tin rằng cuộc sống rồi sẽ ổn nếu kiểm soát được những người quanh ta.

Chôn vùi trong đống đổ nát của Giê-ru-sa-lem không chỉ là vàng mà còn là niềm hy vọng, rằng một nhà lãnh đạo có thể khắc phục tình trạng hỗn độn trong dân sự. Nền văn hóa của cả dân tộc bị phá vỡ như “bình đất sét” (Ca Thương 4:2), và không ai có thể ngăn chặn sự hủy diệt. Những người giàu có đang ôm lấy đống tro tàn (Ca Thương 4:5). Các hoàng tử đẹp đẽ và danh tiếng giờ đây biến dạng đến mức không thể nhận ra (Ca Thương 4:8–9). Ngay cả nhà vua cũng bị bắt. Giê-rê-mi 39:1–10 ghi lại những sự kiện bi thảm xung quanh việc Vua Giê-cô-nia bị bắt khi cố chạy trốn khỏi thành phố. Con cái vua bị tàn sát, mắt vua bị khoét và bị trục xuất đến Ba-by-lôn. Ca Thương 4:20 giúp chúng ta cảm nhận giá trị biểu tượng của khoảnh khắc đau khổ này:

“Hơi thở của mũi chúng ta, tức là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va, thì đã mắc bẫy rồi, 

Về người, chúng ta thường nói rằng: Chúng ta nấp dưới bóng người mà sống giữa các nước”.

Lời than khóc này nhắc nhở chúng ta rằng khả năng lãnh đạo của con người là có giới hạn. Quyền lực của chính phủ loài người, lý thuyết kinh tế và an ninh quốc phòng không phải là tuyệt đối. Cả hệ thống và người lãnh đạo đều yếu đuối.

Tiếng khóc than nhắc nhở chúng ta rằng thật nguy hiểm khi đặt quá nhiều hy vọng vào các lãnh đạo loài người. Ca Thương cảnh báo chúng ta rằng Đấng Cứu Chuộc không ngồi trên ghế tổng thống, hoặc ghế giám đốc công ty, hoặc đứng sau bục giảng trong nhà thờ. Những giai đoạn bấp bênh và mất mát cho thấy rằng thật viển vông khi đặt hy vọng của mình vào bất kỳ ai ngoài Chúa. 

  1. Khao khát cuộc sống thoải mái

Đám mây đen tuyệt vọng bao trùm Giê-ru-sa-lem đã thay đổi cách mọi người đối xử với nhau. Nhưng không phải theo hướng tích cực. Các giá trị xã hội đã xói mòn. Con người thật độc ác, thậm chí từ bỏ cả tình mẫu tử, trong khi đến thú vật còn biết thương con mình (Ca Thương 4:3). Những đứa trẻ còn bú mẹ phải bơ vơ rồi chết đói. “Trẻ nhỏ đòi bánh chẳng ai bẻ cho.” (Ca Thương 4: 4). Sự vô vọng bao trùm cả thành phố, và dân sự muốn được chết đi (Ca Thương 4:9).

Thời điểm đen tối này thể hiện sự thay đổi hoàn toàn cấu trúc xã hội ở Giê-ru-sa-lem. Các chuẩn mực văn hóa sụp đổ khi thành phố và quốc gia sụp đổ. Các mối quan hệ cơ bản cũng hoàn toàn rối loạn. Lòng thương xót đã mất.

Giê-rê-mi dùng tiếng khóc than để phơi bày sự suy thoái này. Ông thương tiếc cho những mất mát, đồng thời cảnh báo rằng xã hội chúng ta có thể tan vỡ như thế nào.

Chúng ta yêu mến hòa bình và an ninh, đến nỗi vô tâm coi thường những vấn đề ẩn chứa. Chúng ta tìm cách lánh khỏi các vấn nạn văn hóa, bằng cách rút lui về những vùng ngoại ô bình yên với đồng cỏ tươi mát. 

Cầu nguyện với tấm lòng than khóc sẽ mở mắt chúng ta, để nhìn ra thực trạng xã hội mình đang sống. Thay vì tránh né hoặc phớt lờ hoàn toàn những vấn nạn văn hóa, than khóc có thể mở rộng tấm lòng để chúng ta bước vào nỗi đau. Than khóc sẽ lật đổ ham muốn sống trong một thế giới duy tâm cách xa khỏi những vấn nạn xung quanh mình – một loại thần tượng.

Ca Thương kêu gọi chúng ta không bỏ qua những tiếng kêu trong nền văn hóa của mình.

  1. Thần tượng các lãnh đạo thuộc linh 

Khủng hoảng văn hóa ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ với các lãnh đạo tâm linh. Sách Ca Thương than khóc vì những người được cho là công bình nay đã mất hết tín nhiệm. Các lãnh đạo thuộc linh tiếp tay khiến quốc gia suy tàn (Ca Thương 4:13), và họ phải nhận lãnh những hậu quả bi thảm. Giê-rê-mi mô tả những người từng lãnh đạo một thời giờ đây lang thang, mù quáng, bị cô lập và ô uế (Ca Thương 4:14). “Người ta kêu bảo chúng rằng: Hãy xê ra, chẳng sạch!” (Ca Thương 4:15), thật mỉa mai thay cho các lãnh đạo tâm linh lẽ ra phải luôn thánh khiết. Chẳng còn ai kính nể họ (Ca Thương 4:16). Nói tóm lại, các lãnh đạo tôn giáo đã mất hết uy tín và tầm ảnh hưởng. Họ trở thành những kẻ đào tẩu trong nền văn hóa bị chính họ phá vỡ.

Ca Thương 4 cho thấy các lãnh đạo thuộc linh có thể sa ngã đến mức nào. Lời than thở này chính là cảnh báo cho các lãnh đạo tâm linh. Tâm linh thờ ơ của họ là một lý do khiến Y-sơ-ra-ên lạc lối. Ca Thương chương 4 cho thấy khoảng cách giữa các lãnh đạo thuộc linh và luật pháp của Chúa.

Thay vì cố gắng lợi dụng vị thế chính trị của Hội Thánh để chiến thắng trong các cuộc chiến văn hóa, chúng ta nên suy xét lại mình. Các lãnh đạo thuộc linh nên đồng hành với hội chúng, làm gương về việc tra xét bản thân và ăn năn tội lỗi. Bị lưu đày là cơ hội để con dân Chúa than khóc vì sự thờ ơ tâm linh, không chỉ nền văn hóa mà còn nơi chính Hội Thánh. Chúng ta có thể than khóc như Đa-ni-ên:

“Vậy, ta cầu nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta, và ta xưng tội cùng Ngài mà rằng: Ôi! Chúa là Đức Chúa Trời cao cả và đáng khiếp sợ! Ngài giữ lời giao ước và sự nhân từ đối với những kẻ yêu Ngài và giữ các điều răn Ngài, chúng tôi đã phạm tội, làm sự trái ngược, ăn ở hung dữ, chúng tôi đã bạn nghịch và đã xây bỏ các giềng mối và lệ luật của Ngài. Chúng tôi đã không nghe các tôi tớ Ngài là các đấng tiên tri, đã lấy danh Ngài mà nói cùng các vua, các quan trưởng, các tổ phụ chúng tôi, và cùng cả dân trong đất. Hỡi Chúa, sự công bình thuộc về Ngài, còn sự hổ mặt về chúng tôi, như ngày nay; sự ấy bao trùm người Giu-đa, dân cư Giê-ru-sa-lem, hết thảy người Y-sơ-ra-ên ở gần ở xa, trong mọi nước mà Ngài đã làm cho họ tan tác, vì cớ những sự gian ác họ đã phạm nghịch cùng Ngài. Hỡi Chúa, sự hổ mặt thuộc về chúng tôi, về các vua, các quan trưởng, các tổ phụ chúng tôi, bởi chúng tôi đã phạm tội nghịch cùng Ngài” (Đa-ni-ên 9:4–8)

Thẩm quyền thuộc linh đã mất vẫn có thể lấy lại nếu chúng ta cẩn thận hơn, không thần tượng hóa các lãnh đạo thuộc linh, và chính các lãnh đạo cũng phải tiên phong than khóc.

  1. Lợi dụng sự ưu ái của Chúa

Thần tượng cuối cùng liên quan đến việc lợi dụng sự ưu ái của Đức Chúa Trời. Y-sơ-ra-ên có lý do lớn để yêu cầu quy chế tối huệ quốc. Họ là tuyển dân được Chúa chọn. Kinh Thánh Cựu Ước khẳng định điều này. Nhưng sự ưu ái của Đức Chúa Trời không cho phép con người kiêu ngạo, phớt lờ những lời cảnh báo từ Ngài. Trước khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ, dân Y-sơ-ra-ên đã tự xem mình là một dân tộc đặc biệt, xứng đáng giành được thành phố vĩ đại của họ, thay vì nhận ra rằng mọi thứ họ làm được là nhờ ân điển Đức Chúa Trời.

Ca Thương cho thấy rõ rằng quốc gia này đang ở dưới sự kỷ luật của Chúa. Giê-rê-mi sử dụng ngôn từ rất nặng nề. Ông mô tả sự trừng phạt dành cho họ còn lớn hơn Sô-đôm (Ca Thương 4:6). Câu 11 viết: “Đức Giê-hô-va đã làm trọn sự giận của Ngài, đổ cơn thạnh nộ Ngài ra”. Ngày tàn của họ sắp đến (Ca Thương 4:18). Phước hạnh Đức Chúa Trời giờ đây khuất sau một đám mây đen. 

Văn hóa ngày nay say mê tinh thần lạc quan. Đó là niềm tin rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, suy thoái sẽ kết thúc, cơ hội sẽ rộng mở và “mặt trời sẽ ló dạng vào ngày mai”. Ở một mức độ nào đó, lạc quan như vậy cũng tốt, nhưng liệu có bao nhiêu Cơ Đốc nhân đang biến tinh thần lạc quan thành thần tượng? Hoặc có bao nhiêu lạc quan vì cho rằng chúng ta được “Chúa ban phước”? Có lẽ đây là một phần lý do một số Cơ Đốc nhân phản ứng cực đoan trước những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội. Có vẻ như chúng ta khó mà giữ vững thuộc linh giữa một nền văn hóa suy thoái không hồi kết, và cấu trúc xã hội chẳng hứa hẹn gì một tương lai tươi sáng.

Chúng ta bị ràng buộc về cả tình cảm lẫn tâm linh với sự lạc quan này, đến nỗi không biết cách sống trong một nền văn hóa suy tàn đang gặt hái những gì nó đã gieo. Suốt nhiều thế kỷ, Cơ Đốc nhân đã tìm ra con đường tiến lên trong khi nền văn hóa vẫn còn thù địch hoặc đang suy tàn.

Sách Ca Thương nhắc nhở rằng ơn phước Chúa ban không đảm bảo một cuộc sống chẳng hề đau buồn, hay một nền văn hóa tuyệt vời. Ca Thương giúp chúng ta nhận ra lòng kiên trì của các tín đồ giữa một xã hội tràn lan thần tượng. Chúng ta cũng nhìn lại chính lòng mình để xem những thần tượng đó đang chiếm lấy cuộc sống chúng ta như thế nào.

Ca Thương là bài hát bạn cất lên khi những phước hạnh thiêng liêng dường như xa vời. Ca Thương 4 giúp chúng ta nhìn thấy những hình tượng tinh vi ẩn giấu. An ninh tài chính, con người, văn hóa thoải mái, lãnh đạo thuộc linh, hoặc lợi dụng ơn phước chỉ là một vài trong số những thần tượng nhỏ có thể chiếm đoạt tấm lòng chúng ta. Việc đánh mất những thần tượng này sẽ nhắc nhở rằng chúng ta nên đặt niềm tin ở đâu. Than khóc về các thần tượng sụp đổ sẽ dẫn lối các Cơ Đốc nhân lưu vong về với Vua và vương quốc chúng ta hằng ao ước.

Chưa hết hy vọng 

Khi nỗi đau đánh gục thần tượng của chúng ta, tiếng than khóc mời gọi chúng ta tự tra xét bản thân. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng hơn các thần tượng sai lầm mà lâu nay mình đặt niềm tin. Nỗi đau giúp chúng ta nhận biết mình là ai và mình yêu thích điều gì.

Khi trải qua khoảnh khắc đau buồn, đừng quên rằng những bài học thay đổi cuộc sống là một phần của quá trình này. Tuy việc chữa lành cảm xúc là tốt, nhưng đừng để nó là mục tiêu duy nhất của bạn. Hố sâu tối tăm là cơ hội học hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Nỗi đau là một “giáo viên” khó chịu nhưng hữu ích. Thay vì chống đối khi Chúa phơi bày những thần tượng của bạn, hãy chấp nhận và ăn năn. Hãy trò chuyện với Chúa về những gì bạn đang học được. Hãy tìm kiếm sự tha thứ của Ngài. Cầu xin Ngài giúp bạn thay đổi.

Sách Ca Thương được viết lại như một kỷ niệm cho những bài học này. Ca Thương hướng dẫn chúng ta cách suy ngẫm và những điều cần cầu nguyện khi các thần tượng bị phơi bày.
Bài: Mark Vroegop; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crossway.org/articles/5-idols-revealed-through-hardship)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN