Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh7 chìa khoá để lắng nghe tiếng Chúa

7 chìa khoá để lắng nghe tiếng Chúa

Tôi nên làm gì với cuộc đời mình? Tôi nên đi học ở đâu? Tôi có nên nhận công việc này không, hay là chờ đợi một cơ hội tốt hơn? Tôi nên kết hôn với ai?

Cuộc sống là một chuỗi lựa chọn không có hồi kết. Chúng ta không biết liệu mình có đang quyết định đúng hay không? Liệu có nên tham khảo tử vi? Liệu có nên tìm đến các nhà ngoại cảm? Liệu chúng ta nên tuân theo các chuyên gia, hay nên dựa vào cảm xúc thật của mình?

Chúng ta nên tìm kiếm các vì sao – hay tìm kiếm Đấng tạo ra các vì sao?

Gần đây, tôi nhận được thư phản hồi cho bài viết “Công việc của Đức Thánh Linh” của mình. Một độc giả đã đưa ra một tuyên bố vô cùng thách thứ:

“Mọi người đều nói rằng hãy làm theo lời Đức Thánh Linh, nhưng lại không nói rõ làm thế nào để ‘biết’ đó là tiếng phán của Đức Chúa Trời. Thật dễ dàng để nói rằng ‘Chúa bảo tôi đừng làm điều này và hãy làm điều kia, và tôi đã được phước vì vâng lời Ngài’. Nếu có ai dám khẳng định rằng họ ‘biết’ giọng nói họ đang nghe là từ Đức Chúa Trời, chứ không phải từ con người hay sa-tan, thì người đó chắc chắn có thể thay đổi thế giới. Có lẽ là lý do tại sao thế giới không hề thay đổi!”

Có một tin tốt lành cho tất cả chúng ta: Chúa muốn phán với chúng ta, và vâng, bạn có thể ‘biết’ rằng mình đang nghe tiếng Ngài.

Đức Chúa Trời muốn thông công và giao tiếp với chúng ta. Đó là giao tiếp hai chiều. Tại sao? Bởi vì bạn sẽ không gây dựng được mối quan hệ thực sự trừ khi cả hai đối thoại với nhau. Làm thế nào để chúng ta thấu hiểu một người? Bằng cách giao tiếp với họ. Bằng cách trò chuyện và lắng nghe.

Mối quan hệ của chúng ta với Chúa cũng vậy. Ngài nói, chúng ta lắng nghe. Chúng ta nói, Ngài lắng nghe.

Đức Chúa Trời yêu chúng ta đến nỗi đã sai Chúa Jêsus đến chết thay cho chúng ta. Ngài làm điều này để chúng ta có thể tương giao với Ngài một lần nữa. Qua sách Hê-bơ-rơ, chúng ta biết rằng mình có thể chạm đến chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời, “…vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, 20 bởi đường mới và sống…” (Hê-bơ-rơ 10:19-20a).

Chúa cũng muốn chúng ta được trọn vẹn, được phước và thành công trong kế hoạch Ngài đã thiết lập cho cuộc sống chúng ta – để chúng ta có thể phản chiếu tình yêu thương và ơn phước của Ngài trên đất. Trong Giê-rê-mi 29:11, Chúa nói rõ ý định Ngài dành cho bạn và tôi: “Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.”

Sáng thế ký 3:8a chép: “… nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn…” Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng mong muốn giao tiếp với chúng ta như vậy. Đức Chúa Trời muốn cùng đi và trò chuyện với con cái Ngài.

Chúa muốn nói chuyện với chúng ta. Ngài cũng muốn chúng ta lắng nghe và nói chuyện với Ngài.

Thậm chí còn tuyệt vời hơn, chúng ta có thể nghe thấy giọng nói của Ngài. Kinh Thánh – bức thư Đức Chúa Trời gửi cho nhân loại – khẳng định rõ rằng chúng ta được tạo ra để giao tiếp hai chiều với Ngài. Chúa Jêsus nói với chúng ta trong Giăng 10:27: “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta.”

Đây là một câu hỏi thời đại: Làm thế nào để biết liệu bạn có đang đưa ra quyết định đúng đắn trong cuộc sống hay không?

Là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta không cần phải bước đi trong mù quáng. Chúng ta có thể tin chắc rằng mình sẽ nghe thấy tiếng Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết trong Rô-ma 8:14: “Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời”. Câu Kinh Thánh này ngụ ý rằng: nếu chúng ta là con cái đã được tái sinh của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được Thánh Linh Ngài dẫn dắt.

Lời hứa này được đảm bảo một lần nữa trong Thi Thiên 37:23-24: “Đức Giê-hô-va định liệu các bước của người, và Ngài thích đường lối người: dầu người té, cũng không nằm sải dài; vì Đức Giê-hô-va lấy tay Ngài nâng đỡ người”. Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn các bước chúng ta, và nếu chúng ta cố gắng làm theo ý muốn Ngài, thì dù có vấp ngã, Ngài cũng sẽ đỡ chúng ta dậy và cho chúng ta cơ hội thứ hai.

Phần khó nhất của việc lắng nghe Chúa là: chúng ta cần có thời gian để học cách phân biệt đâu là tiếng Chúa – và cần có một tấm lòng khiêm nhu. Giê-rê-mi 29:12-13 chép: “Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu ta, sẽ đi và cầu nguyện ta, và ta sẽ nhậm lời. Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.”

Chúng ta không thể yêu cầu Đức Chúa Trời toàn năng phán với mình. Chúng ta không thể chỉ tay lên trời và nói: ‘Chúa ơi, hãy để con nghe thấy tiếng Ngài.’ Nhưng chúng ta có thể cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa, và Kinh Thánh hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ mở cửa. Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ chính Ngài cho những ai khiêm nhu tìm kiếm Ngài.

Sách Châm Ngôn cho biết: suy nghĩ và ý muốn chúng ta đẹp lòng Đức Chúa Trời khi chúng ta hoàn toàn vâng phục Ngài. “Hãy phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì những mưu ý mình sẽ được thành công” (Châm ngôn 16:3).

Chúa bày tỏ chính Ngài khi chúng ta khiêm nhu tìm kiếm Ngài. Phân đoạn quen thuộc trong Châm ngôn 3 làm cho điều đó càng trở nên đơn giản hơn. “Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va; quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt. Nhờ sự nhân từ và chân thật tội lỗi được chuộc; và bởi sự kính sợ Đức Giê-hô-va người ta xây bỏ điều ác” (Châm ngôn 3:5-6).

Ngoài tiếng nói của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải cảnh giác những giọng nói khác thì thầm vào tai mình. Thực tế, có ba giọng nói mà chúng ta có thể nghe thấy – tiếng nói của Đức Chúa Trời, tiếng nói của những ham muốn xác thịt của chúng ta và tiếng nói của ma quỷ. Nhưng Chúa Jêsus nói với chúng ta trong Giăng 10:4b-5: “… chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người. Nhưng chiên chẳng theo người lạ; trái lại, nó chạy trốn, vì chẳng quen tiếng người lạ.”

Sách Hê-bơ-rơ chép rằng chúng ta có thể ‘luyện tai’ để nhận biết tiếng nói của Đức Chúa Trời giữa những tiếng ồn khác. “Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ” (Hê-bơ-rơ 5:14). Nhờ luyện tập, chúng ta có thể phân biệt được tiếng nói mà mình nghe thấy là của Chúa, của xác thịt hay là của ma quỷ.

Ê-sai 30:21 chép: “Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!”

Vì vậy, Đức Chúa Trời phán, và bạn có thể nghe tiếng Ngài, nhưng bạn phải cẩn thận – đặc biệt nếu bạn là một Cơ Đốc nhân còn non trẻ – rằng bạn nghe tiếng Đức Thánh Linh chứ không phải một giọng nói nào khác. Xác thịt có thể kêu gào khá to (đặc biệt là khi chúng ta bị áp lực, hoặc quá ham muốn một điều gì đó). Và ma quỷ là cha của sự dối trá.

Vậy làm sao để phân biệt có phải chúng ta đang nghe tiếng Đức Chúa Trời hay không? Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta 7 chiếc chìa khóa để nhận định vấn đề. Chúng ta phải xem xét cẩn thận những suy nghĩ và ý muốn của lòng mình, và lời khuyên của những người tin kính – những người có thể ảnh hưởng đến chúng ta bằng lời nói và hành động của họ – thông qua việc sử dụng 7 chìa khóa sau:

  1. Lời Kinh Thánh: “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17). 
  2. Đức Thánh Linh phán với lòng chúng ta: “Chúa lại phán: Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, họ sẽ làm dân ta. Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa; vì hết thảy trong vòng họ, từ kẻ rất nhỏ cho đến kẻ rất lớn đều sẽ biết ta” (Hê-bơ-rơ 8:10-11).
  3. Lời Tiên Tri (lời tri thức, lời khôn ngoan, lời tiên tri cá nhân): “Chớ dập tắt Thánh Linh; chớ khinh dể các lời tiên tri” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:19-20).
  4. Lời khuyên của Đức Chúa Trời: “Dân sự sa ngã tại không chánh trị; song nếu có nhiều mưu sĩ, bèn được yên ổn” (Châm-ngôn 11:14).
  5. Lời xác nhận: “Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn” (Ma-thi-ơ 18:16).
  6. Sự bình an của Đức Chúa Trời: “Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn” (Cô-lô-se 3:15).
  7. Hoàn cảnh/Thời gian: “Rồi đó, Phao-lô đi khỏi thành A-thên, mà tới thành Cô-rinh-tô. Tại đó, người gặp một người Giu-đa, tên là A-qui-la, quê ở xứ Bông, mới từ nước Y-ta-li đến đây với vợ mình là Bê-rít-sin, bởi vì vua Cơ-lốt có chỉ truyền mọi người Giu-đa phải lánh khỏi thành Rô-ma; Phao-lô bèn hiệp với hai người. Vì đồng nghề, nên Phao-lô ở nhà hai người mà làm việc chung nhau; vả, nghề các người đó là may trại” (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:1-3 – mối quan hệ giữa Phao-lô, A-qui-la và Bê-rít-sin nảy sinh do hoàn cảnh, đã trở thành một trong những quan hệ chiến lược quan trọng nhất trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ).

Chúa có thể xác nhận sự hướng dẫn Ngài dành cho chúng ta thông qua những chìa khóa này – đặc biệt là khi chúng ta sắp phải đưa ra một quyết định quan trọng, thay đổi cuộc đời.

Điểm mấu chốt là những quyết định lớn cần tấm lòng cầu nguyện lớn. Nói cách khác, khi chúng ta hạ mình trước mặt Chúa, tìm kiếm sự hướng dẫn Ngài trong đời sống mình, thì Người Chăn Nhân Lành sẽ thành tín dẫn dắt chúng ta “… dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài” (Thi Thiên 23:3).

Kinh Thánh Tân Ước cũng kể câu chuyện về các môn đồ đầu tiên – như Phao-lô, Bê-rít-sin và A-qui-la – những người đã nghe tiếng Chúa phán. Người bạn viết thư cho tôi sẽ rất vui khi nghe các môn đồ làm chứng thế này:

“Kìa những tên nầy đã gây thiên hạ nên loạn lạc, nay có đây” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:6b).

Vâng, bạn có thể nghe thấy và nhận biết tiếng phán của Chúa. Và vì điều này, thế giới đang thay đổi – thay đổi nhiều hơn những gì bạn biết.

Bài: Craig von Buseck, D.Min.; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www1.cbn.com/prayer/seven-keys-to-hearing-god)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN