Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỷ, lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời. (Hê-bơ-rơ 2:14-15)
Hê-bơ-rơ 2:14-15, tôi nghĩ đây là phân đoạn yêu thích của tôi trong Mùa Vọng, vì tôi không biết bất kỳ chỗ nào khác diễn đạt rõ ràng như vậy về sự nối kết giữa phần bắt đầu và phần kết thúc cuộc sống trên đất của Chúa Jêsus—giữa sự nhập thể và sự đóng đinh. Hai câu Kinh Thánh này nói rõ tại sao Chúa Jêsus đến, ấy là để chết. Điều này rất tuyệt để sử dụng với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè chưa tin để từng bước hướng dẫn họ đến với quan điểm Cơ Đốc của bạn về Giáng sinh. Có thể thử làm gì đó như thế này, một cụm từ tại một thời điểm:
Vì con cái có phần về huyết và thịt …Từ ngữ “con cái” được lấy từ câu trước (Hê-bơ-rơ 2:13) và đề cập đến con cái thuộc linh của Đấng Christ, Đấng Mê-si (xem Ê-sai 8:18; 53:10). Đây cũng là những “con cái của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12). Nói cách khác, khi sai phái Đấng Christ, Đức Chúa Trời có sự cứu rỗi, đặc biệt là dành cho “con cái” Ngài.
“Đức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài [Chúa Jêsus]” (Giăng 3:16), chính xác là như vậy. Nhưng cũng đúng khi nói rằng Đức Chúa Trời đặc biệt “nhóm con cái Đức Chúa Trời đã tản lạc lại làm một đoàn” (Giăng 11:52). Kế hoạch của Đức Chúa Trời là ban cho Đấng Christ đến thế gian và thực hiện sự cứu rỗi cho con cái Ngài (xem I Ti-mô-thê 4:10). Bạn có thể trải nghiệm việc được nhận làm con bằng cách tiếp nhận Đấng Christ (Giăng 1:12). … chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó [thịt và huyết]…
Điều này có nghĩa là Đấng Christ đã tồn tại trước khi nhập thể. Ngài là thần. Ngài là Ngôi Lời đời đời. Ngài ở với Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời (Giăng 1:1; Cô-lô-se 2:9). Nhưng Ngài đã mặc lấy thịt và huyết, và đã mặc cho thần tánh của Ngài bằng nhân tánh. Ngài đã trở thành con người hoàn toàn và vẫn là Đức Chúa Trời hoàn toàn. Đó là một bí ẩn lớn về nhiều mặt. Nhưng đó là trọng tâm của đức tin chúng ta—và là những gì Kinh Thánh dạy.
… bởi sự chết…
Lý do Ngài trở thành con người là để chết. Là Đức Chúa Trời thánh khiết và tuyệt đối, Ngài không thể chết cho tội nhân. Nhưng là một con người thì có thể. Mục đích của Ngài là chết. Vì vậy, Ngài phải được sinh ra là con người. Ngài sinh ra để chết. Ngày thứ Sáu thương khó là mục đích của Giáng sinh. Đây là điều mà mọi người ngày nay cần nghe nhất về ý nghĩa của lễ Giáng sinh.
… phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là Ma-quỷ…
Trong sự chết, Đấng Christ đã khử nanh vuốt của Maquỷ. Bằng cách nào? Bằng cách che đậy tất cả tội lỗi của chúng ta. Điều này có nghĩa là Sa-tan không có căn cứ pháp lý để buộc tội chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. “Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy.” (Rô-ma 8:33)—Ngài xưng công bình trên cơ sở nào? Nhờ huyết của Chúa Jêsus (Rô-ma 5:9)
Vũ khí tối thượng của Sa-tan chống lại chúng ta chính là tội lỗi của chúng ta. Nếu sự chết của Chúa Jêsus tước mất nó, thì vũ khí chính của Ma-quỷ—vũ khí ghê gớm nhất mà hắn có—sẽ bị tước khỏi tay hắn. Hắn không thể thưa kiện chúng ta với bản án tử hình, bởi vì Ngài là vị Thẩm phán đã tuyên bố trắng án cho chúng ta bằng cái chết của Con Ngài!
… lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.
Vì vậy, chúng ta được tự do khỏi nỗi sợ hãi về cái chết. Đức Chúa Trời đã xưng công bình cho chúng ta. Sa-tan không thể đảo ngược bản án đó. Và Đức Chúa Trời có ý định cho sự đảm bảo tột đỉnh của chúng ta để có hiệu quả ngay lập tức đến đời sống của chúng ta. Ngài có ý định cho một kết thúc có hậu bằng cách loại bỏ ách nô lệ và nỗi sợ hãi ngay
bây giờ.
Nếu chúng ta không cần phải sợ kẻ thù cuối cùng và lớn nhất của mình, là cái chết, thì chúng ta không cần phải sợ hãi bất cứ điều gì. Chúng ta có thể được tự do. Tự do vui thoả. Tự do cho mọi điều khác.
Thật là một món quà Giáng sinh tuyệt vời từ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta! Và từ chúng ta đem đến cho thế giới!
TIN VUI MỪNG LỚN
25 Bài Đọc Tĩnh Nguyện Dành Cho Mùa Vọng
https://vietnamesetheologicalreview.org/vi/desiringgod/john-piper/john-piper-tin-vui-mung-lon-2/