Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhLàm sao để người cha không “chọc giận” con cái?

Làm sao để người cha không “chọc giận” con cái?

“Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy. Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người. Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa. Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:18–21)

Trách nhiệm đặc biệt của người cha

“Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” – đây là trách nhiệm tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đặc biệt giao phó cho những người cha. Câu 20 chép rằng con cái phải vâng lời cả cha lẫn mẹ: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa”. Nhưng đến câu 23, khi nói về trách nhiệm đặc biệt trong việc nuôi dạy con cái, Phao-lô không nói rằng: “Hỡi kẻ làm cha mẹ, chớ hề chọc giận con cái mình”. Nhưng ông chỉ vào một đối tượng cụ thể: “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình”.

Tất nhiên, người làm mẹ cũng không nên chọc tức con cái và làm chúng nản lòng, nhưng Phao-lô đặc biệt giao trách nhiệm này cho người cha. Cha là chủ gia đình: “Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình” (câu 18). Vì vậy, nếu con cái phải vâng lời mẹ và mẹ phải vâng phục cha, thì Đức Chúa Trời đang đặt lên vai người cha trách nhiệm lãnh đạo gia đình. Và người cha phải dẫn dắt gia đình: không khắc nghiệt với vợ, và không làm nản lòng con cái.

Lời kêu gọi người cha đừng làm con cái nản lòng là một phần trong trách nhiệm làm cha, làm chồng. Phân đoạn này nhấn mạnh “trách nhiệm” làm cha hơn là “quyền” làm cha. Chúa ban cho những người chồng, người cha gánh nặng trách nhiệm đặc biệt.

Có quyền dạy dỗ nhưng không được chọc giận

Có thể bạn cảm thấy đây là điều bất khả thi – dạy dỗ con cái nghiêm khắc nhưng không được làm chúng giận dỗi hoặc nản lòng. Đây là công việc của Đức Chúa Trời, chứ không chỉ con người. 

Vì câu 20 chép rằng con cái phải vâng lời cha mẹ, nên người cha không nên lùi bước khi con cái ngoan cố không vâng lời. Câu 21 “chớ hề chọc giận con cái mình” không hề phủ định câu 20, mà ngược lại còn kêu gọi cha mẹ yêu cầu con cái vâng lời.

Vì vậy, con cái không thể gạt bỏ trách nhiệm làm con trong câu 20, nói rằng: “Cha ơi, cha không được chọc giận con. Con đang cảm thấy nản lòng, vì vậy cha không thể yêu cầu con làm thế”. Không, bạn không thể bẻ cong Kinh Thánh như vậy. Ý của câu 21 là: có những phương cách sai lầm hoặc phản tác dụng khi yêu cầu con cái vâng lời, làm nản lòng con, và có những phương cách hữu ích để yêu cầu con cái vâng lời. Không thể dùng ý tưởng “chớ hề chọc giận con cái mình” để bao biện cho một người cha thụ động, lười biếng hoặc thờ ơ với những hành vi sai trái của con mình.

Hành động khiến con cái nản lòng

Người cha thường chọc giận, khiến con cái nản lòng bởi những hành động nào? 

  1. Cằn nhằn 

Đừng cố gắng bắt con vâng lời bằng cách cằn nhằn. Cằn nhằn có nghĩa là đòi hỏi lặp đi lặp lại hoặc yêu cầu lặp đi lặp lại, thực sự gây khó chịu và bực tức, hạ thấp giá trị của bạn. “Con đã nghe cha nói điều đó ba lần rồi. Đến đúng lúc con sẽ làm. Cha không cần phải tiếp tục bảo con làm điều này” – đó là những gì con bạn cảm nhận, ngay cả khi không nói ra. Vì vậy, đừng đòi hỏi con vâng lời bằng cách cằn nhằn.

  1. Đòi hỏi

Đừng cố gắng bắt ép con vâng lời bằng cách đòi hỏi suốt ngày. Một người cha cứ đòi hỏi sẽ không bao giờ thật sự trò chuyện với con mình. Người cha đó không bao giờ dành lời khen cho con, chúc mừng con, hay giải thích với con bất cứ điều gì. Tất cả những gì con cái thấy là những đòi hỏi liên tiếp. Vì vậy, hãy giao tiếp với con nhiều hơn, để con biết bạn không chỉ là một cha toàn đòi hỏi.

  1. Tức giận

Đừng cố gắng bắt con phục tùng bằng một giọng điệu tức giận. “Cha luôn tức giận. Cha không bao giờ yêu cầu một cách vui vẻ. Cha nghĩ rằng phải khắc nghiệt thì con mới vâng lời”. Điều đó phản tác dụng và không khuyến khích con chút nào.

  1. Roi vọt 

Đừng bắt con vâng lời bằng cách lúc nào cũng lăm le đòn roi. Đừng để bất cứ yêu cầu nào của bạn cũng đi kèm với việc đánh con.

Đòn roi vẫn có thể được sử dụng một cách cẩn thận, tỉnh táo, kiên nhẫn và nhẹ nhàng, để con biết rõ mình đã làm sai điều gì và mình xứng đáng bị kỷ luật. Nhưng đừng coi việc tát, đánh con một hành động bình thường để bắt con vâng lời. 

  1. Khiến con xấu hổ 

Đừng bắt con nghe lời bằng cách làm con cảm thấy xấu hổ, nhất là trước mặt mọi người. Hãy tìm cách để con biết rằng bạn tôn trọng con, và mong đợi con vâng lời một cách thông minh.

  1. Coi thường

Đừng đòi hỏi con vâng lời bằng cách coi thường con. Ví dụ, đừng gọi con bằng những danh xưng xúc phạm. Đừng nói những lời khiến con nghĩ cha đang khinh thường mình. Đừng ra lệnh cho con như thể một đứa trẻ 3 tuổi, trong khi con đã lớn.

  1. Đòi hỏi điều không thể

Đừng đòi hỏi những điều con không thể làm được ở độ tuổi của mình. Đừng đẩy con vào chỗ chắc chắn sẽ thất bại. Điều này khiến con cái nản lòng.

  1. Không tha thứ

Có lẽ đây là điều quan trọng nhất: đừng bắt con vâng lời mà không dạy con về sự tha thứ cho con theo Phúc Âm. Rất nhiều bậc cha mẹ đã không dạy con sớm rằng Chúa Jêsus có cách để giúp con giảm bớt cảm giác tội lỗi sau khi làm sai – cách để được tha thứ.

Nếu không học được điều này, con sẽ không biết phải làm gì với lỗi lầm của mình. Vì vậy, mỗi yêu cầu của cha mẹ đào thêm chiếc hố sâu của mặc cảm tội lỗi. Nếu không dạy con cách thú nhận và xin tha thứ, con có thể sẽ giấu diếm và lừa dối bạn. Vì vậy, người cha phải sống Phúc Âm, dạy Phúc Âm, để con hiểu được huyết Chúa Jêsus ban cho sự tha thứ, sự sống và bình an đến nhường nào. Người cha phải làm gương Phúc Âm qua việc thú nhận tội lỗi của chính mình và xin tha thứ.

Hỡi người làm cha, hãy vững lòng. Bạn có Cha trên trời làm gương cho mình. Hy vọng rằng bạn sẽ là một người cha nuôi dưỡng những đứa con ngoan ngoãn và luôn được khích lệ.

Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/interviews/how-do-i-not-provoke-my-children)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN