Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhTrừ Ngài ra, con không có phước gì khác

Trừ Ngài ra, con không có phước gì khác

Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi; Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác. (Thi Thiên 16:2)

Trong Thi thiên 16, Đa-vít nói rằng ông đang nương náu mình nơi Đức Chúa Trời. Điều đó được thể hiện trong lời cầu nguyện nhờ cậy Đức Chúa Trời gìn giữ ông. Nói cách khác, lời cầu nguyện “phù hộ tôi” (Thi thiên 16: 1) thể hiện rõ sự nương náu nơi Đức Chúa Trời. Nhưng Đa-vít không chỉ cầu xin Chúa gìn giữ mình. Ông cũng tuyên bố một sự thật về Đức Chúa Trời. Ông gọi Đức Giê-hô-va là nơi nương náu của mình (Thi thiên 16: 2).

Cụm từ cuối cùng của câu 2 chứa đựng lẽ thật sâu sắc và là nhiên liệu quý giá cho sự thờ phượng. Vậy, Đa-vít có ý gì khi ông nói: “Trừ Ngài ra, tôi không có phước gì khác”?

Chúa là nguồn của mọi sự tốt lành

Mọi điều tốt lành đều đến từ Đức Chúa Trời vì Ngài là thiện. Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra và duy trì tất cả các tạo vật. Vì vậy, trong Sáng Thế Ký đoạn 1, Ngài sáng tạo và sau đó thẩm định công việc của mình: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành.” (Sáng thế ký 1:31).

Anselm ở thành phố Canterbury (1033–1109), nhà thần học xuất sắc thời Trung cổ, đã nhìn thấy bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của Chúa qua điều này. Ông nói rằng mọi người trên thế giới đều đồng ý rằng có rất nhiều điều tốt đẹp trên thế giới. Từ những món hàng vật chất, trí tuệ đến những mối quan hệ tốt lành. Đây là một lẽ thật cơ bản. Từ thực tế này, Anselm đặt câu hỏi: “Điều gì làm cho tất cả những điều này trở nên tốt đẹp?” Và ông kết luận rằng những điều tốt không phải là tốt do tự bản thân nó. Nói đúng hơn, phải có một số điều tốt tối thượng để làm cho tất cả những điều khác tốt đẹp.

Nói cách khác, Anselm lý luận rằng phải có một nguồn gốc của điều tốt lành để khiến cho tất cả những điều khác trở nên tốt lành. Khi làm như vậy, ông đang theo chân Đa-vít trong Thi thiên 16. Đa-vít thú nhận rằng có một Đấng Tốt Lành Tối Cao làm cho mọi thứ khác trở nên tốt đẹp. Và Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Cao đó. Hoặc, như Đa-vít cầu nguyện ở một phân đoạn khác, Đức Chúa Trời là “sự rất vui mừng” của tôi – nghĩa đen là “niềm vui của những niềm vui” (Thi thiên 43: 4). Đa-vít biết nơi nương tựa của mình là nền tảng của tất cả những niềm vui khác.

Sự tốt lành của Đức Chúa Trời là duy nhất

Tất cả những điều tốt lành được tạo ra đều mang tính hữu hạn, chúng bị giới hạn bởi thời gian và luôn luôn thay đổi. Nhưng Đức Chúa Trời là vô hạn, vĩnh cửu và bất biến. Sứ đồ Gia-cơ ca tụng Chúa vì điều này: “Mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào.” (Gia-cơ 1:17).

Những sự tốt lành thọ tạo đều có giới hạn. Mặc dù chúng là tốt lành, chúng không tốt lành mãi mãi. Chúng có giới hạn, và chúng sẽ biến mất. Nhưng Chúa thì không, Ngài không thay đổi. Sự tốt lành của Ngài là không có ranh giới hay giới hạn. Sự tốt lành của Ngài là một sự tốt lành tuyệt đối và tối quan trọng.

Chúa chính là sự tốt lành

Sự hoàn hảo của Đức Chúa Trời không chỉ là những phẩm chất mà Ngài tình cờ có được. Chúng vô cùng quan trọng với Ngài. Chúng là những mô tả của chúng ta về bản tánh và bản chất của Ngài. Chúng chính là tính Thần của Ngài. Chúng giải thích lí do Ngài là Đức Chúa Trời thánh khiết. Các thuộc tính của Ngài hoàn hảo tuyệt đối và hoàn toàn khác biệt với các thuộc tính tạm bợ và bị lệ thuộc của các tạo vật Ngài dựng nên.

Chúng ta cho một người đàn ông là công bình vì anh ta đáp ứng tiêu chuẩn của sự công bình. Chúng ta gọi một người đàn ông khôn ngoan bởi vì anh ta tuân theo khuôn mẫu của sự khôn ngoan. Nhưng Chúa chính là tiêu chuẩn đó. Ngài không chỉ đơn thuần là công bình; Ngài chính là sự công bình. Ngài không chỉ đơn thuần là khôn ngoan; Ngài chính là sự khôn ngoan. Ngài không đơn thuần là mạnh mẽ; Ngài chính là sức mạnh. Và Ngài không đơn thuần là tốt lành; Ngài chính là sự tốt lành. Một lần nữa, Chúa không chỉ công bình, khôn ngoan, mạnh mẽ và tốt lành. Ngài là Đấng Công Chính, Khôn Ngoan, Mạnh mẽ và Tốt lành.

Đây là lí do Ngài chính là Đức Chúa Trời, Ngài là Đức Giê-hô-va, Ta Là Đấng Ta Là. Đó là lý do tại sao Chúa Jêsus nói: “Chỉ có một Đấng nhân-lành, là Đức Chúa Trời.” (Mác 10:18). Ngài là suối nguồn của mọi sự tốt lành, là nguồn gốc và khởi nguyên của mọi niềm vui và sự sung sướng. Ngài là vô hạn, vĩnh cửu, bất biến, không cùng tận, tự hữu và hằng hữu.

Chúa không cần sự tốt lành của tôi

Vì Chúa là nguồn của mọi sự tốt lành, nên sự tốt lành của tôi chẳng đem lại ích lợi gì cho Chúa. Ngài chẳng cần gì vì Ngài không phải cải thiện gì cả. Như Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế-giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền-thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài.”(Công vụ 17: 24–25).

Trong sách Thi Thiên, Đa-vít đã tiết lộ sự thật rằng ông không có gì để dâng cho Đức Chúa Trời ngoài sự nghèo khó, yếu đuối và nhu cầu của ông. Ông không có món quà nào để tặng cho Đức Chúa Trời đủ xứng đáng với Ngài. Chúa là Đấng Tự Hữu, và chính vì Ngài có đầy đủ mọi điều nên Ngài mới có thể chu cấp cho tôi. Chính vì Ngài là Đấng Tối Cao nên tôi mới có thể nương náu mình nơi Ngài.

Giọt nước và Đại dương

Cuối cùng, đừng quên một sự thật rằng những lẽ thật thần học quan trọng này có ý nghĩa cá nhân sâu sắc đối với Đa-vít. Ông không chỉ thú nhận rằng Giê-hô-va là Chúa; ông còn nói: “Ngài là Chúa của tôi.” Thật tuyệt vời khi được nghe đại từ sở hữu đó. Nguồn của sự tốt lành vô hạn và vĩnh cửu bằng cách nào đó là của tôi. Mặc dù Ngài là vô lượng vô biên, Ngài đã chấp nhận hạ mình và cho phép tôi gọi Ngài là “của tôi”. Lạy Chúa, Chủ của con, Vua của con.

Và điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời không chỉ đơn thuần là Đấng Tốt lành tối thượng. Ngài là Đấng Tốt Lành của tôi. Điều đó cũng có nghĩa rằng Ngài là niềm vui lớn nhất của tôi. Hạnh phúc của tôi được tìm thấy trong Ngài và chỉ trong Ngài mà thôi. Jonathan Edwards (1703–1758) đã nói về lẽ thật vinh quang này trong bài giảng “Cuộc đời của một Cơ đốc nhân đích thực, một cuộc hành trình hướng về thiên đàng”:

Chúa là điều tốt lành nhất của những tạo vật trên đất. Niềm hạnh phúc của chúng ta là thỏa lòng trong Ngài, và đó cũng chính là niềm hạnh phúc duy nhất mà tâm hồn chúng ta cần để được thỏa mãn. Được lên thiên đàng, được thỏa nguyện trọn vẹn với Đức Chúa Trời thật tuyệt vời hơn điều tuyệt vời nhất trên đất này: điều đó tốt hơn tất cả những mối quan hệ cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, hoặc bạn bè trên đất. Chúng chỉ là những cái bóng; nhưng Đức Chúa Trời chính là bản thể của cái bóng đó. Chúng là những tia nắn; còn Chúa là mặt trời. Chún chỉ là những dòng suối; nhưng Chúa là nguồn nước. Chún là những giọt nước; còn Chúa là đại dương. (The Works of Jonathan Edwards, 17: 437–38)

Bài:Joe Rigney; dịch: Vĩnh An
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/i-have-no-good-apart-from-you)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN