Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhBẠN MUỐN THEO CHÚA? HÃY MỞ KINH THÁNH RA!

BẠN MUỐN THEO CHÚA? HÃY MỞ KINH THÁNH RA!

BẠN MUỐN THEO CHÚA? HÃY MỞ KINH THÁNH RA!

Lúc nào chúng ta cũng nói về “môn đồ”, nhưng liệu có thật sự hiểu ý nghĩa của nó? Ngày nay, dường như quá dễ dàng để được gọi là “môn đồ”, trong khi chưa thật sự đạt chuẩn.

Môn đồ là gì?

Trong Kinh Thánh, môn đồ là người đang học việc với thầy. Đó là người được thầy chỉ dạy và phản ánh cách sống của thầy. Trong tiếng Hy Lạp thời Tân Ước, môn đồ là người theo Chúa Jêsus, học những điều Ngài dạy và áp dụng vào thực tế, để trở nên giống Ngài hơn.

Nhiều người ngày nay đang tham gia công tác “môn đồ hóa”. Chúng ta chia sẻ về đời sống Cơ Đốc của mình và giúp nhau kiên trì trong đức tin. Nhưng bao nhiêu phần trong cuộc trò chuyện này thật sự mang tính dạy dỗ, chưa nói đến việc trưởng thành trong sự tin kính? Bao nhiêu phần trong đó thật sự giúp người khác nhận biết Chúa và trở nên giống Ngài hơn? 

Tất nhiên, có nhiều cách để nhận biết Chúa, và sống phản ánh Ngài. Nhưng cách chắc chắn để hiểu những gì Chúa dạy và sống cuộc đời giống như Ngài là nghiên cứu Lời Ngài qua Kinh thánh. Phao-lô nhắc chúng ta: “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16–17).

Bao nhiêu người trong chúng ta dám khẳng định rằng mình đã đạt được những bước tiến quan trọng trong mức độ hiểu biết Kinh Thánh – đồng nghĩa với mức độ hiểu biết về Chúa? Nếu cứ 5 năm một lần bạn làm một bài kiểm tra sức khỏe về kiến ​​thức thuộc linh, thì liệu hôm nay bạn có đạt điểm cao hơn lần trước không?

Bạn biết về Kinh Thánh bao nhiêu?

Hãy thử đọc danh sách các câu hỏi Kinh Thánh sau và xem bạn trả lời được bao nhiêu:

Vua nào của Y-sơ-ra-ên và Giu-đa trị vì lâu nhất?

Tổ tiên của Đa-vít từng ở trong đồng vắng với Môi-se tên là gì?

Trong mười chi phái Y-sơ-ra-ên, bao lâu thì vương miện đổi chủ một lần?

Ai là cha đẻ của người Hê-tít, và tên của họ từ đâu mà ra?

Ai là nhà tiên tri cuối cùng trước Đức Chúa Jêsus Christ?

Chúng ta có thường xuyên kể câu chuyện Đấng Christ làm phép lạ mở mắt cho người mù không?

Chúng ta có thường xuyên kể về việc Đấng Christ yên lặng giữa gió bão và biển sóng không?

Có bao nhiêu người đã nhìn thấy Đấng Christ sau khi Ngài phục sinh?

Có bao nhiêu người Na-xa-rét được nhắc đến trong Kinh Thánh?

Tuy không muốn, nhưng đây sự thật: ngay cả những tín đồ trung tín nhất trong Hội Thánh, hay thậm chí những người chuyên giảng dạy Lời Chúa cũng khó mà trả lời chính xác những câu hỏi này. 

Có lẽ bạn đang nghĩ: “Các dữ kiện, chi tiết này thì có gì quan trọng? Đó không phải là mấu chốt để giúp mọi người phát triển trong tình yêu thương! Tại sao không nhấn mạnh cốt truyện tổng thể của Kinh thánh, hoặc chính sứ điệp Phúc Âm, hoặc các lời dạy đạo đức?”

Bạn không sai khi đặt câu hỏi như vậy, và những điều chính yếu vẫn luôn là những điều chính yếu. Tuy nhiên, đối với những người thật sự biết Chúa, thì kiến ​​thức đầy đủ về những điều chính yếu (thứ giúp chúng ta trở nên giống Chúa) cũng đòi hỏi những hiểu biết chi tiết. Cốt truyện Kinh Thánh bao gồm các nhân vật, sự kiện, tình tiết phụ, những khúc quanh và ngã rẽ làm nền để Lời Chúa đi vào lịch sử và chứng minh cho toàn bộ cốt truyện. Và các nguyên tắc đạo đức trong Kinh Thánh không phải tự nhiên mà có; tất cả bắt nguồn từ toàn bộ lịch sử công trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta.

Trong khi trình bày chi tiết về Phúc Âm, tác giả sách Hê-bơ-rơ khuyên chúng ta:

“Về sự đó, chúng ta có nhiều điều nên nói, và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ” (Hê-bơ-rơ 5: 11–14).

Học Kinh Thánh là việc của mọi người – không chỉ cho mục sư và những người ham học hỏi, mà còn dành cho tất cả chúng ta.  Đức Chúa Trời kêu gọi tất cả mọi người đi tìm kho báu ẩn giấu trong Kinh Thánh, cả những người có học và thất học, già và trẻ, đàn ông và phụ nữ. Học giả sáng suốt nhất chưa chắc là người sẽ tìm thấy kho tàng.

Thực tế, những người nghiên cứu lâu nhất và đạt được thành tựu lớn nhất lại biết rất ít về những gì cần biết. Kinh Thánh chứa đựng vô vàn chủ đề, và không có hồi kết cho vinh quang trọn vẹn của Chúa. Vì vậy, tất cả chúng ta nên dùng cả trái tim lẫn khối óc của mình để đắm chìm vào Lời Ngài, biến việc nghiên cứu Kinh Thánh trở nên một phần tuyệt vời trong cuộc sống chúng ta.

Đừng chỉ là một người nghe thụ động, nhưng hãy xem việc tìm kiếm Lời Chúa là điều cần làm, và thực hành với lòng siêng năng, lao động nhiệt huyết giống người đang khai quật mỏ vàng.

Mọi kiến ​​thức về Chúa và ý muốn Ngài cho cuộc sống của chúng ta đến qua Lời Ngài. Hãy thừa nhận rằng mặc dù chúng ta nói rằng mình yêu Chúa, nhưng lại chưa thực sự biết rõ về Ngài. Thật đáng tiếc!

Chẳng có thần dược nào cả 

Hãy hướng tới ngày mà nhiều môn đồ sốt sắng muốn nâng cao kiến thức về Chúa – khi những lời tuyên xưng niềm tin nơi Chúa trở nên tương xứng với nỗ lực học biết Lời Ngài. Nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Nhiều năm qua, tôi đã tìm cách cách gieo mầm ước muốn được biết Chúa sâu sắc cho mọi người. Nhưng chẳng có thần dược nào cả. Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn; Ngài không phải là một chủ đề dễ hiểu!

Khảo sát cho thấy hơn một nửa Cơ Đốc nhân gặp khó khăn trong việc đọc hiểu Kinh Thánh. Họ cần được giúp đỡ trong công tác môn đồ hóa. Vì thế, đây là lời kêu gọi cho mỗi chúng ta: hãy làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ mọi người. Đừng chờ đợi một giải pháp thần kỳ không tồn tại để giải quyết thách thức này. Hãy bắt chước Phi-líp khi gặp hoạn quan Ê-ti-ô-pi-a: vâng theo lời Chúa kêu gọi, hăng hái chạy đến với những người cần chúng ta phục vụ, giúp đỡ và hướng dẫn để họ hiểu biết về Chúa và Lời Ngài. Nếu chúng ta làm vậy cách trung tín, khiêm nhường, yêu thương, thì chắc chắn họ cũng sẽ vui mừng hớn hở lên đường (Công Vụ Các Sứ Đồ 8: 26–39).

Bài: DOUGLAS A. SWEENEY; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/follow-jesus-bring-bible/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN