Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhCầu Xin Đến Khi Chúa Đáp Lời

Cầu Xin Đến Khi Chúa Đáp Lời

Cầu Xin Đến Khi Chúa Đáp Lời

Giữa những ngày vui như thế, đôi khi tôi vẫn thấy chán nản. Tôi quan tâm việc khi nào gói hàng mình đặt đến nơi, hơn là khi nào Đấng Christ sẽ trở lại để làm mới mọi điều. Tôi buồn chán vì không có quần áo đẹp, hơn là vì nhiều người ngoài kia vẫn chưa tìm thấy hy vọng và không có Chúa trong đời họ (Ê-phê-sô 2:12).

Nếu tôi chỉ cầu nguyện cho những điều mình quan tâm, thì lời cầu nguyện của tôi quả thực vô cùng tầm thường. Dietrich Bonhoeffer đã nhận xét trong quyển “Thi thiên: Sách Cầu nguyện của Kinh thánh” rằng: “Nếu chỉ quan tâm đến chính mình, chúng ta sẽ chỉ sử dụng lời cầu nguyện thứ tư trong bài cầu nguyện chung (Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày)”. Tôi đồng ý với điều này.

Tôi biết ơn Chúa “vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi 103:14). Ngài biết rõ điều sâu kín trong lòng loài người (Giăng 2:24–25). Vì thế, Ngài không để chúng ta tự vẽ ra những lời cầu nguyện của mình. Chúa không chỉ nói những gì chúng ta cần nghe, mà còn cả những gì Ngài muốn nghe từ chúng ta: “Bởi ân điển lạ lùng, Chúa bày tỏ cho chúng ta cách để trò chuyện và tạo mối tương giao với Ngài” – Bonhoeffer viết.

Dựa trên những cách thức cầu nguyện phong phú mà Chúa dạy chúng ta qua Thi thiên, Bonhoeffer thách thức độc giả: “Lời cầu nguyện của chúng ta phải thể hiện sự giàu có của Lời Chúa, chứ không phải sự nghèo nàn của lòng chúng ta”.

Không phải lúc nào chúng ta cầu nguyện với những cảm xúc đúng đắn. Tuy nhiên, khi cầu nguyện theo Kinh thánh, lời cầu nguyện chúng ta sẽ tràn đầy năng quyền, ngay cả khi xuất phát từ một tấm lòng thờ ơ. Những trái tim cứng cỏi giá băng đang dần trở nên mềm mại và sưởi ấm bởi những chính những lời Chúa dạy chúng ta cầu nguyện. Những lời cầu nguyện tưởng như ép buộc và chiếu lệ nay đã trở nên ngọn lửa nóng cháy. Trong khi vinh quang quyền năng biến đổi quy lên Chúa, chúng ta cũng nhận được niềm vui từ những lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa. 

Lòng thờ ơ

“Hôm nay tôi cảm thấy không muốn cầu nguyện.”

“Tôi không muốn giả dối và lòng tôi không thể tập trung, vì vậy hôm nay tôi sẽ bỏ qua thì giờ cầu nguyện.”

Nếu nhận được một nghìn đồng cho mỗi lần tôi nghe hoặc nói những câu tương tự, chắc có lẽ bây giờ tôi đã giàu to! Sống trong nền văn hóa hiện đại, thiên về cảm xúc, chúng ta thường hành động theo cảm tính. Như vậy, những tấm lòng thờ ơ và cứng cỏi sẽ phát ra lời cầu nguyện thiếu sót hoặc đa sầu đa cảm.

Các trước giả Kinh thánh hiểu rằng mọi việc diễn ra theo cách khác:

   “Tôi tríu mến các chứng cớ Chúa:

 Đức Giê-hô-va ôi xin chớ cho tôi bị hổ thẹn.

 Khi Chúa mở rộng lòng tôi,

 Thì tôi sẽ chạy theo con đường điều răn Chúa” (Thi thiên 119: 31–32)

Con đường của tác giả Thi-thiên đã được định sẵn, và đôi chân người cũng đang bước theo. Biết rằng lòng mình cần thay đổi, người đến với Chúa bằng niềm tin rằng Chúa sẽ mở rộng tấm lòng khi người biết vâng lời.

Trong các Thi thiên khác, chúng ta thấy những cam kết kiên định tương tự trong lời cầu nguyện, ngay cả khi tấm lòng cảm thấy xa cách Chúa (Thi thiên 42; Thi thiên 73; Thi thiên 94; Thi thiên 137). Các Thi-thiên này cho thấy tầm quan trọng của việc đến với Chúa trong lời cầu nguyện, ngay cả khi chúng ta không cảm thấy thích thú. Những lời cầu nguyện này là mô hình mà chúng ta có thể làm theo, những kịch bản mà chúng ta có thể học hỏi.

Những lời cầu nguyện tiên phong

Không hề giả dối khi cầu nguyện theo các Thi thiên mặc cho những cảm xúc mà chúng ta không cảm nhận được. Chúng ta đang rèn tập tấm lòng mình để trở nên phù hợp với ý muốn Chúa.

Khi cầu nguyện theo Thi thiên 45 (vui mừng ngợi khen) mặc dù lòng đang trào dâng nỗi buồn, chúng ta đang tự nhắc nhở mình rằng trong Cứu Chúa Jêsus Christ có niềm vui lớn lao. Chúng ta cũng nhớ lại rằng các tín đồ trên khắp thế giới đang vui mừng ca ngợi Chúa, và biết cách rũ bỏ chủ nghĩa cá nhân khi tìm thấy vị trí của mình trong thân thể Đấng Christ.

Khi cầu nguyện theo các Thi thiên than khóc mặc dù lòng đang hạnh phúc trào dâng, chúng ta tự nhắc nhở linh hồn rằng mình vẫn chưa về Nhà, và nhiều người xung quanh vẫn đang đau khổ. Chúng ta học cách khóc với những người khóc và vui với những người vui (Rô-ma 12:15).

Khi một tấm lòng thờ ơ cầu nguyện theo các Thi thiên kêu cầu sự công bình Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng mình quá hững hờ, và trỗi dậy lòng trắc ẩn đối với những người đang chịu bất công. Cõi lòng sắt đá nay trở nên mềm mại và khuấy động, khao khát lòng thương xót và công lý.

Ngay cả khi tấm lòng chúng ta không cảm thấy nóng cháy ngay lập tức, vẫn cứ hãy cầu nguyện bằng những lời sống động, tích cực Chúa ban, và tin rằng quyền năng Đức Thánh Linh đang hành động. Khi thực hành cầu nguyện theo Kinh Thánh, lòng chúng ta được uốn nắn để yêu những gì Chúa yêu, và sẵn sàng làm theo ý muốn Ngài trong những ngày trên đất.

Bài: AIMEE JOSEPH; dịch: Jennie
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/feel-praying/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN