Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhChúa chỉ nhậm lời cầu nguyện khi chúng ta đủ thánh khiết?

Chúa chỉ nhậm lời cầu nguyện khi chúng ta đủ thánh khiết?

Kinh Thánh nói rất rõ ràng: để được Chúa nhậm lời cầu nguyện, chúng ta phải vâng lời Ngài (Ê-sai 1:15–18; Giăng 15:7; 1 Giăng 3:21–23; 1 Phi-e-rơ 3:7,12; 4:7; Gia-cơ 5:16…) Vậy phải nên thánh đến mức nào để được Chúa nhậm lời cầu nguyện? 

Đức Chúa Trời phán cùng Sa-lô-môn rằng: “Và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ” (2 Sử ký 7:14). Tác giả Thi-thiên cũng xác nhận điều đó qua kinh nghiệm của mình: “Tôi lấy miệng tôi kêu cầu Ngài, và lưỡi tôi tôn cao Ngài. Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi. Nhưng Đức Chúa Trời thật có nghe; Ngài đã lắng tai nghe tiếng cầu nguyện tôi” (Thi thiên 66:17–19). Cả Tân ước và Cựu ước đều dạy rằng nếu chúng ta không vâng lời, Đức Chúa Trời sẽ không ban cho chúng ta những gì mình cầu xin. Để được nhậm lời cầu nguyện, chúng ta phải vâng lời.

Nhưng có hai điều chúng ta thường hiểu lầm, gây giảm sút niềm vui trong đức tin và hạ thấp lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Hãy cùng làm rõ để tránh hai điều này. 

Vâng lời, nhưng không hoàn hảo

Quan niệm sai lầm thứ nhất: “Kinh Thánh dạy rằng chúng ta phải trọn vẹn không chỗ trách được thì mới được nhậm lời cầu nguyện.” Một đứa con ngoan ngoãn và một đứa con hoàn hảo rất khác nhau.

Trọng tâm của lời cầu nguyện Chúa Jêsus dạy chúng ta: “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma-thi-ơ 6:12). Ngay trước đó là: “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày” (Ma-thi-ơ 6:11). Điều đó có nghĩa là Chúa Jêsus muốn chúng ta cầu nguyện điều này mỗi ngày: “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi”. Chúa Jêsus không hề nghĩ rằng các môn đồ Ngài sẽ sống thánh khiết đến mức không cần cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi. 

Vì Ngài đã dạy chúng ta cầu nguyện “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi”, nên không thể nói rằng lời cầu nguyện chỉ được nhậm nếu chúng ta hoàn toàn không phạm tội. 

Không, người công chính được Chúa nhậm lời cầu nguyện (Gia-cơ 5:16) không phải là người vô tội, mà là người biết ăn năn. Lời cầu nguyện không được nhậm nếu chúng ta đắm chìm trong tội lỗi, chứ không phải lỡ phạm tội. Lời cầu nguyện không được nhậm nếu chúng ta bằng lòng tâm linh hâm hẩm, không nỗ lực để chống lại sự buông thả xác thịt mình; chứ không phải khi chúng ta đã cố gắng chiến đấu chống lại cám dỗ nhưng cuối cùng lại thua cuộc. Vì vậy, đừng bao giờ nói “Tôi phải hoàn hảo để Chúa nhậm lời cầu nguyện tôi”. 

Không xứng đáng 

Hiểu lầm thứ hai là: chúng ta phải vâng lời thì mới xứng đáng được Chúa nhậm lời cầu nguyện. Nhưng Chúa Jêsus đã hy sinh để những lời cầu nguyện của chúng ta được nhậm nhờ lòng thương xót rời rộng của Ngài.

Về bản chất, chúng ta không phải là con cái Chúa, mà là “con bạn nghịch” (Ê-phê-sô 2:3). Chúng ta chỉ được tự do bởi lòng thương xót, nhờ ân điển, để được nhận vào gia đình Đức Chúa Trời. Chúng ta không mắc nợ bất cứ điều tốt đẹp nào từ bản thân, mà chỉ mắc nợ ân điển từ Đức Chúa Trời.

Vì vậy, mọi việc lành chúng ta làm phải bắt nguồn từ lòng thương xót Chúa dành cho chúng ta. Đối với Đấng Christ, sự vâng phục duy nhất làm đẹp lòng Ngài phải xuất phát từ đức tin vào quyền năng, sự khôn ngoan và tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Lý do duy nhất để không vâng lời Đức Chúa Trời là không tin tưởng vào những gì Ngài dạy dỗ. Con cái không vâng lời cha mẹ vì nghĩ rằng đó không phải là điều tốt nhất cho chúng. Đó là lý do tại sao chúng ta không vâng lời. Chúng ta không tin cậy Chúa.

Vì mọi bất tuân đều bắt nguồn từ việc không tin lời Cha dạy, nên mọi hành động vâng lời đều bắt nguồn từ việc tin cậy Đức Chúa Trời. Có sự khác biệt rất lớn giữa việc tin cậy Chúa vì lòng thương xót Ngài, và vâng lời Chúa để được nhậm lời cầu nguyện. Việc làm chỉ nhìn vào bản thân nó và suy nghĩ về giá trị nó dâng lên Chúa. Còn tình yêu thương nhìn xa hơn bản thân và hướng đến Chúa, để biết rằng Ngài vẫn luôn dành lòng thương xót vô biên cho tôi dù tôi không xứng đáng. 

Rốt lại, Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của người vâng lời, bởi vì Ngài đẹp lòng với đức tin của họ, từ đức tin nảy sinh ra sự vâng lời. Đức tin là điều Chúa trân trọng hơn tất cả. Nhưng đức tin không có giá trị nếu chỉ tập trung vào chính nó mà bỏ qua lòng thương xót của Chúa. Vì vậy, khi được Chúa nhậm lời cầu nguyện, đừng bao giờ nói: “Tôi xứng đáng được Chúa nhậm lời cầu nguyện này”.

Cầu xin như con cái Chúa

Nếu chúng ta đã tránh được hai lỗi trên, thì bây giờ hãy làm theo lời dạy này: “Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời” (Giăng 9:31).

Khi Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta cầu xin, tìm kiếm, gõ cửa, Ngài không chỉ ra lệnh cho chúng ta cầu nguyện, mà còn phải sống như con cái chân thật của Cha Nhân Từ. “Hãy giữ Lời Ta trong lòng con. Hãy gạt bỏ mọi tội lỗi khỏi tâm linh con. Hãy yêu thương anh em. Làm điều lành cho mọi người. Và hãy xưng nhận tội lỗi mình”. Nếu bước đi trong ánh sáng vì Chúa là ánh sáng, chúng ta sẽ tin cậy nơi Chúa, và được Ngài đáp lời cầu nguyện chúng ta.

Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/interviews/do-answered-prayers-depend-on-my-holiness)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN