Chúa Jêsus: Nhà thần học vĩ đại dạy về địa ngục
Không ai trong Kinh Thánh nhấn mạnh việc “địa ngục là hậu quả cuối cùng sau sự phán xét của Đức Chúa Trời” hơn Chúa Jêsus. Con Đức Chúa Trời là “nhà thần học” vĩ đại khi nói về chủ đề địa ngục.
Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân không nên lấy làm lạ khi thấy Đấng Christ nói về địa ngục nhiều hơn bất cứ ai khác. Chúa Jêsus đã so sánh địa ngục với Thung lũng Hi-nôm gần Giê-ru-sa-lem (còn được gọi là “Gehenna”). Đó là một bãi rác công cộng khổng lồ, đầy xác chết và rác rưởi bị thiêu đốt liên tục trong ngọn lửa âm ỉ; do đó “Gehenna” được coi là cái tên của địa ngục. Chúa Jêsus cũng so sánh địa ngục với nhà tù và bóng tối. Chính Ngài đã ví địa ngục như “lửa” ít nhất 20 lần.
La-xa-rơ và người giàu có
Chúa Jêsus từng kể một câu chuyện nổi tiếng về địa ngục trong Lu-ca 16:19–31. Theo nghĩa rộng, câu chuyện này nói về vấn đề lạm dụng của cải. Tuy nhiên qua đó, Đấng Christ cũng khai thác giáo lý về địa ngục. Phân đoạn này kể về một người giàu có sống sung sướng trong của cải, không chịu tin cậy Chúa và chẳng hề giúp đỡ mọi người. Cuối cùng, ông ta rơi vào địa ngục vì sự vô thần và ích kỷ của mình.
Phân đoạn này có vẻ giống như một dụ ngôn, nhưng lại không được gọi cụ thể như vậy. Tại đây, Chúa Jêsus không nhắm đến việc mô tả chi tiết kết cục của những người không tin, mà Ngài muốn cho chúng ta thấy quan điểm về địa ngục của chính người trong cuộc, tóm tắt những chi tiết quan trọng về chủ đề này.
Không lối thoát
Một nguyên tắc cơ bản Chúa Jêsus muốn dạy chúng ta qua bài học này: địa ngục là nơi không có lối thoát. Áp-ra-ham nói với người đau khổ quằn quại lý do ông ta không thể thoát khỏi tình trạng này: “Có một vực sâu lớn được phân định giữa chúng ta với con, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được” (Lu-ca 16:26 BTTHĐ).
Thiên đàng và địa ngục được phân định rạch ròi bởi sắc lệnh đời đời của Đức Chúa Trời. Từ ngữ “được phân định” trong Lu-ca 16:26 có ý nghĩa giống như “đúc bằng bê tông”.
Lu-ca 16 làm chứng rằng dù một người không tin Chúa ý thức được hậu quả bi thảm này ngay sau khi chết, thì cũng đã quá muộn để hạ mình trước Phúc Âm Đấng Christ và thập tự giá – lẽ thật mà anh ta đã nhiều lần chối bỏ; đã quá muộn để tin nhận Cứu Chúa Jêsus Christ; đã quá muộn để cầu xin lòng thương xót của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh lan tỏa cơ hội nhận được ân điển trọn vẹn cho cuộc đời mỗi con người. 2 Phi-e-rơ 3:9 BTTHĐ nói về lòng kiên nhẫn vĩ đại của Đức Chúa Trời: “Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn”. Tuy nhiên, con người sẽ bị diệt vong, một khi đã chết mà không chịu nhận biết Đấng Christ.
Lời cảnh báo đầy đủ
Một nguyên tắc khác mà Chúa Jêsus dạy chúng ta trong Lu-ca 16:27–30: Lời Chúa đã cung cấp cho nhân loại lời cảnh báo đầy đủ để tránh khỏi địa ngục. Khi bản thân không còn cách cứu chữa, người giàu có lần đầu tiên cảm thấy thôi thúc muốn giúp đỡ người khác. Ông cầu xin một sứ giả đến cảnh báo gia đình mình, để họ có thể tránh được hoàn cảnh của ông.
“Áp-ra-ham trả lời rằng: Chúng nó đã có Môi-se và các đấng tiên tri; chúng nó phải nghe lời các đấng ấy!” (câu 29). Lời Chúa đã đủ cho nhân loại biết mọi điều họ cần biết về tội lỗi mình và ân điển của Đấng Cứu Chuộc. Trong Lu-ca 11:28, Chúa Jêsus tuyên bố: “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!” Nhưng người giàu có cho rằng phải có những phép lạ kỳ diệu hơn Lời Chúa xảy ra để thu hút sự chú ý rộng rãi của cả công chúng, chẳng hạn như một người trở về từ cõi chết.
Không lâu sau câu chuyện này, chính Chúa Jêsus đã sống lại từ cõi chết, y như ý tưởng của người giàu có trong Lu-ca 16. Và kết quả là gì? Một số ít người ở các khu vực gần Giê-ru-sa-lem đã tin Ngài là Chúa Hằng Sống của họ. Tuy nhiên, phần lớn vẫn không tin, chế giễu, và quay lại với đời sống thường nhật, lướt mạng xã hội để khám phá xem có gì mới trong ngày hôm nay không.
Những tấm lòng chai sạn không tin kính đã phủ nhận mọi bằng chứng lịch sử về Cứu Chúa Jêsus Christ. Chính Ngài đã trở thành sứ giả kỳ diệu để cảnh báo một thế giới không tin kính, và cuối cùng thế giới ấy vẫn từ chối Ngài.
Tất cả đều là tin xấu?
Giả sử Kinh Thánh không cho chúng ta biết gì về địa ngục, thì điều đó có làm cho Lời Chúa trở nên “yêu thương” hay “nhân từ” hơn không? Việc che giấu “sự thật mất lòng” có chứng tỏ rằng bạn thật sự quan tâm đến kết cuộc của người khác không? Vượt xa hơn tất cả mọi điều, chúng ta biết rằng chính Cứu Chúa Jêsus vĩ đại đã chết và sống lại để cứu chúng ta khỏi địa ngục.
Kinh Thánh quả quyết: không có cách nào để thoát khỏi địa ngục. Tuy nhiên, Phúc Âm về tình yêu thương và lòng thương xót của Đức Chúa Trời chỉ cho chúng ta lối thoát trước khi bước vào hồ lửa. Chúa Jêsus đã nói điều đó trong Giăng 5:24: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.”
Thật là một lời hứa tuyệt vời! Nhưng Chúa Jêsus tuyên bố rằng bạn chỉ có thể chọn từ bỏ con đường chết và bước vào con đường sống ngay trong đời này, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Điều này có nghĩa là cách bạn đối diện với Đấng Christ ngay bây giờ sẽ quyết định cuộc sống của bạn trong cõi đời đời. Vì vậy, hãy đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Bài: Michael Allen Rogers; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crossway.org/articles/what-did-jesus-teach-about-hell/)