Tại sao những điều tồi tệ, bi thảm ập đến với chúng ta? Đây là câu hỏi mà bất cứ ai cũng phải đối mặt một lúc nào đó. Khi bi kịch, đổ vỡ xảy ra trong cuộc sống, chúng ta tự nhiên đi tìm kiếm một lời giải thích. Người ta thường nói rằng thảm kịch xảy ra vì những lời “nguyền rủa”. Tại sao tôi mất việc? Tôi đang bị nguyền rủa! Tại sao hôn nhân của tôi tan vỡ? Tôi đang bị nguyền rủa! Tại sao tôi mắc căn bệnh này? Tôi đang bị nguyền rủa!
Đáng buồn thay, ngay cả nhiều người trong Hội Thánh cũng tin điều này. Họ cho rằng sự rủa sả tâm linh có thể tước đi phước hạnh trong đức tin. Nếu bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, ắt hẳn bạn đã bị nguyền rủa. Sự hiểu biết này có phù hợp với Kinh Thánh không? Một Cơ Đốc nhân có thể bị nguyền rủa không?
Nếu người theo Chúa Jêsus vẫn đang bị nguyền rủa, vậy chẳng lẽ họ vẫn sống dưới ách thống trị đen tối của thế gian này sao? Rốt cuộc, làm sao một người được bao bọc bởi tình yêu cứu chuộc của Đấng Christ có thể bị nguyền rủa? Không, Cơ Đốc nhân không thể bị nguyền rủa. Một khi đã xưng nhận Chúa Jêsus là Cứu Chúa và Đấng Cứu Rỗi mình, thì lời nguyền rủa của kẻ thù không còn quyền lực trên chúng ta nữa. Sự rủa sả không còn tác dụng trên những người đã được thánh hóa trong Cứu Chúa Jêsus Christ.
Nguyền rủa là gì?
Kinh Thánh sử dụng từ “nguyền rủa” hay “rủa sả” theo hai cách riêng biệt. Nguyền rủa bằng lời nói khác với rủa sả tâm linh. Lời rủa sả là nói xấu ai đó; sử dụng lời nói để hạ thấp phẩm giá của họ. Chẳng hạn như “mắng nhiếc cha mẹ” (Ma-thi-ơ 15:4) là nói với họ những lời thiếu tôn trọng. Nguyền rủa bằng lời nói sẽ gây ra xúc phạm và chế giễu.
Đáng buồn thay, tất cả chúng ta đều có khả năng bị nguyền rủa bằng lời nói. Chúng ta rất đau lòng khi phải nghe những lời chửi rủa kiểu này. Lời nói sắc hơn dao, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta. Nhưng một lời nói rủa sả cũng chỉ đơn thuần là lời nói mà thôi. Những lời nói công kích của kẻ thù không có sức mạnh tâm linh. Nó có thể gây tổn thương, nhưng không có thẩm quyền. Những lời tiêu cực của người khác không thay đổi thực tế cuộc đời chúng ta. Khi Chúa Jêsus kêu gọi các môn đồ “chúc phước cho kẻ rủa mình” (Lu-ca 6:28), Ngài đang nói đến hình thức nguyền rủa bằng lời nói. Chúng ta nên đáp lại những lời nói xé lòng, phá hoại bằng những lời lẽ gây dựng và hàn gắn.
Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng nói về việc nguyền rủa với quyền lực tâm linh nhằm kết án hoặc hủy diệt. Chẳng hạn, khi Chúa Jêsus nguyền rủa cây vả, nó ngay lập tức khô héo (Ma-thi-ơ 21:9). Trong trường hợp này, nguyền rủa không phải chỉ là lời nói mà là biểu hiện của sức mạnh và uy quyền tâm linh. Kiểu nguyền rủa này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm linh.
Khi người ta nói mình bị “nguyền rủa”, đó thường là hình thức nguyền rủa thứ hai: họ sợ rằng mình đang bị một thế lực tâm linh rủa sả. Họ tin rằng một thế lực tâm linh đã ám hại và tác động tiêu cực lên họ. Người ta cho rằng kiểu nguyền rủa này sẽ ngăn mỗi người kinh nghiệm phước hạnh Đấng Christ. Họ bị giam cầm trong sợ hãi, cho đến khi lời nguyền được “phá bỏ”. Người ta tin rằng lời nguyền đó là hàng rào ngăn cản quyền năng của ân điển và tình yêu Đấng Christ.
Theo Kinh Thánh, lời nguyền tâm linh không thể xảy ra với Cơ Đốc nhân. Vì mỗi Cơ Đốc nhân đều an ninh dưới thẩm quyền và quyền năng cứu chuộc của Đấng Christ. Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực” (Cô-lô-se 2:10). Không thế lực tâm linh nào có thể sánh ngang với quyền năng Đấng Christ.
Mọi sự nguyền đều nằm dưới thẩm quyền của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh có nói về rủa sả thuộc linh không? Có! Ví dụ như sau khi A-đam và Ê-va sa ngã, con rắn cám dỗ họ đã “bị rủa sả trong vòng các loài súc vật” (Sáng Thế Ký 3:14). Con rắn phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực khi nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời.
Tương tự, sách Dân Số Ký nói về sự kiện vua xứ Mô-áp yêu cầu Ba-la-am: “Vậy, ta xin ngươi hãy đến bây giờ, rủa sả dân nầy cho ta, vì nó mạnh hơn ta. Có lẽ ta sẽ đánh bại dân nầy và đuổi nó khỏi xứ được; vì ta biết rằng kẻ nào ngươi chúc phước cho, thì được phước; còn kẻ nào ngươi rủa sả, thì bị rủa sả” (Dân số ký 22:6). Vua không yêu cầu một lời nói rủa sả, mà là một lời nguyền tâm linh. Ba-lác tin rằng Ba-la-am có thể gây tổn hại về tâm linh cho dân tộc Y-sơ-ra-ên, khiến họ dễ khuất phục hơn trong trận chiến.
Tuy nhiên, Ba-la-am biết sự thật. Khả năng của chính ông hay danh hiệu tiên tri cũng không thể mang đến thẩm quyền nguyền rủa dân Chúa. Ba-la-am nói với Ba-lác rằng: “Nầy tôi đã đến cùng vua, bây giờ tôi há có thể nói ra lời gì chăng? Tôi sẽ nói điều chi Đức Chúa Trời đặt trong miệng tôi vậy” (Dân số ký 21:38). Lời nguyền sả và chúc phước đều nằm dưới quyền của Đức Chúa Trời, vì vậy Ba-la-am chỉ có thể nói lên lẽ thật mà Đức Chúa Trời giao phó cho ông.
Đức Chúa Trời không chỉ ngăn cản Ba-la-am nguyền rủa dân Y-sơ-ra-ên về mặt tâm linh, mà còn bảo vệ dân Ngài khỏi bị nguyền rủa tâm linh. Đức Chúa Trời chỉ thị Ba-la-am: “Ngươi chớ đi với chúng nó, chớ rủa sả dân nầy, vì dân nầy được ban phước” (Dân số ký 21:12). Là dân sự Đức Chúa Trời, Y-sơ-ra-ên được ơn thiêng che chở khỏi những lời nguyền tâm linh. Ơn phước Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn mọi lời rủa sả.
Mọi lời nguyền tâm linh đều nằm dưới quyền Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chứng minh rằng những lời nguyền tâm linh ứng nghiệm chỉ đến từ duy nhất Đức Chúa Trời. Cả ma quỷ và kẻ ác đều không đủ quyền năng để nguyền rủa những người Đức Chúa Trời đã ban phước.
Nhưng điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời có thể rủa sả chúng ta? Tuyệt đối không! Hành động nguyền rủa không bao giờ hướng về dân sự Ngài. Cơ Đốc nhân sống dưới thẩm quyền cứu chuộc, phước hạnh và ân điển Đấng Christ. Đây là lẽ thật cơ bản trong cuộc đời chúng ta.
Chúa Jêsus đắc thắng mọi lời rủa sả.
Nếu Cơ Đốc nhân vẫn bị ảnh hưởng bởi lời nguyền tâm linh, điều này sẽ đặt một dấu chấm hỏi lớn về năng quyền thập tự giá. Chẳng khác nào sự hy sinh của Đấng Christ không thể phá hủy quyền lực của sự rủa sả. Điều này ngầm phủ nhận hoàn toàn chiến thắng của Đấng Christ trước tội lỗi và sự chết.
Cơ Đốc nhân công nhận rằng vẫn có các thế lực tâm linh đang nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, nhưng chúng không thể phá hủy công việc Chúa Jêsus đã hoàn thành trên thập tự giá. “Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài” (Cô-lô-se 1:13). Cơ Đốc nhân được giải phóng khỏi quyền lực tối tăm, nơi chất chứa những lời nguyền tâm linh. Phao-lô nhắc nhở chúng ta “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ; vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết.” (Rô-ma 8:1-2). Chiến thắng của Đấng Christ trên thập tự giá đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời chúng ta.
Trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã tuyên bố chúng ta là của riêng Đức Chúa Trời cho muôn đời. Vì điều này, chúng ta có thể tự tin để chống lại bất kỳ thế lực tiêu cực hoặc phá hoại nào trên thế giới này. Như Phao-lô viết, “nếu Đức Chúa Trời ở vì chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta” (Rô-ma 8:31). Cơ Đốc nhân sống dưới sự chiến thắng của Chúa Jêsus.
Khi nói rằng Cơ Đốc nhân có thể bị nguyền rủa, người ta đang ngầm khẳng định vẫn có một thế lực vượt ngoài quyền năng và thẩm quyền thống trị của Đức Chúa Trời. Bị rủa sả là chịu ảnh hưởng tâm linh của thế lực gian ác và xấu xa – tình huống này hoàn toàn không thể xảy ra đối với những người đã tin nhận Đấng Christ. Hơn nữa, việc này càng không thể xảy ra đối với những người đã nhận được Đức Thánh Linh. Xét cho cùng, “Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian” (1 Giăng 4:4).
Chúa Jêsus đã gánh mọi lời rủa sả.
Thập tự giá là bằng cớ đảm bảo Cơ Đốc nhân không thể bị nguyền rủa. Trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã đánh bại quyền lực tội lỗi và sự chết, đồng thời phá hủy quyền cai trị của sa-tan trên thế gian này. Hơn nữa, trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã gánh lấy mọi nguyền rủa của loài người. Lý do Cơ Đốc nhân không thể bị nguyền rủa: Chúa Jêsus đã chịu hết mọi nguyền rủa vì chúng ta!
Kinh Thánh dạy rằng bất cứ ai chết treo đều là kẻ bị Đức Chúa Trời nguyền rủa. Phục truyền luật lệ ký 21 chép: “kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả” (Câu 23). Không nghi ngờ gì nữa, đóng đinh cũng là một hình thức chết treo. Vì vậy, chính hình thức cái chết của Chúa Jêsus chứng minh rằng Ngài đã gánh lấy sự rủa sả của Đức Chúa Trời trên tội lỗi loài người. Phao-lô chỉ ra điều này: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga-la-ti 3:13). Về bản chất, Chúa Jêsus không có tội, nhưng Ngài phải chịu đựng như thể bị rủa sả, để chúng ta có thể thoát khỏi một lời nguyền kinh hoàng như vậy.
Chốt lại, không có bất kỳ lời nguyền nào đủ khả năng chống lại Cơ Đốc nhân, vì Đấng Christ đã gánh mọi sự rủa sả thay cho chúng ta. Trên thập tự giá, Chúa Jêsus gánh thay tội lỗi chúng ta, mang lấy sự rủa sả chúng ta, và chịu thay cái chết thuộc linh của chúng ta. Khi làm điều đó, Chúa Jêsus đã phá bỏ quyền lực của mọi lời nguyền tâm linh. Hơn nữa, Chúa Jêsus phục sinh đã đắc thắng mọi thế lực tâm linh gian ác, đồng thời mang đến phước hạnh cứu rỗi cho tất cả những ai hướng về Ngài.
Bài: Rev. Kyle Norman; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/can-christians-be-cursed.html)