Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Giáo sĩ WILLIAM CHARLES CADMAN

Ông bà Giáo sĩ WILLIAM CHARLES CADMAN

(1883 – 1948)

“TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM,

NƯỚC VIỆT NAM LÀ TỔ QUỐC THỨ HAI CỦA TÔI”

Để đặt một nền móng vững chắc xây dựng nên Hội Thánh Tin lành Việt Nam, Đức Chúa Trời đã dùng người của Ngài một cách đúng việc, đúng giờ một cách hữu hiệu. William Charles Cadman và phu nhân (Grace Hazenberg Cadman) là hai nhà truyền giáo của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp đi đầu trong việc giúp đỡ thành lập Hội thánh Tin Lành Việt Nam, đóng góp to lớn trong việc đào tạo những người hầu việc Chúa, dịch Kinh Thánh sang Việt ngữ và soạn thảo tài liệu học Kinh Thánh cho các Hội Thánh Chúa khắp Đông Dương.

Giáo sĩ William Charles Cadman sinh ngày 04 tháng 04 năm 1883 tại Rotherhithe, một vùng ngoại ô phía nam Luân Ðôn, thủ đô nước Anh. Ông lớn lên trong một gia đình ngoại đạo, sống đời bình dị của một thanh niên trước sự thay đổi sâu rộng của cuộc cách mạng kỹ nghệ đầu thế kỷ 20. Rồi ông chọn học ngành in ấn để làm kế sinh nhai. Ông trở thành chủ nhà in chuyên nghiệp, cũng là nhà doanh nghiệp (và sau này được giao công việc điều khiển nhà xuất bản của Hội Truyền giáo).

Một sự thay đổi có tính bước ngoặc trong cuộc đời ông là vào năm 1904, ông được Chúa Thánh Linh cáo trách tội lỗi của mình và tin nhận cùng Chúa. Một thời gian ngắn sau, Chúa kêu gọi ông bằng một khải tượng về vô số linh hồn đồng loại đang hư mất chung quanh. Và ông quyết định rời gia đình, dâng mình xuất dương du học tại trường Kinh Thánh ở Toronto, Canada, chịu huấn luyện để chuẩn bị cho chức vụ tương lai. Sau đó ông tiếp tục sang Hoa Kỳ học tại Viện Ðào tạo Giáo sĩ (Missionary Training Institude) ở Nyack, New York, dưới chân Tiến sĩ A.B. Simpson, người sáng lập Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp với chủ trương nỗ lực đem Tin Lành đến những xứ xa chưa tìm thấy ánh sáng cứu rỗi.

Ba năm sau, vào tháng 9 năm 1910, ông tốt nghiệp và được Hội Truyền giáo chỉ định cộng tác với giáo sĩ R.A. Jaffrey phục vụ 4 năm tại Trung Hoa để mang Tin Lành đến cho người Quảng Ðông. Vào thời điểm nầy, tiến sĩ A.B. Simpson đã đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam, Tây Tạng và Sudan.

Mùa xuân năm 1911, các giáo sĩ R.A. Jaffrey, Paul M. Hosler và G. Lloyd Huglers đến hải cảng Tourane, trung phần Việt Nam, mở màn cho việc rao giảng đạo Chúa ở các quốc gia nhỏ bé vùng Ðông Nam Á. Ðây là lần đầu tiên Tin Lành đến với hằng trăm ngàn dân Việt từ Bắc chí Nam.

Trong bối cảnh đó, năm 1914, Chúa đã gọi ông W.C. Cadman và ông vâng lệnh Ngài lên đường đến Việt Nam phục vụ. Tại đây ông gặp người bạn đồng tâm chí là cô Grace Hazenberg. Hai người làm lễ thành hôn vào ngày 27 tháng 7 năm 1915, tại Vân Nam, Trung Hoa.

Bà giáo sĩ Cadman, nhũ danh Grace Hazenberg, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1876 tại Fulton, một làng nhỏ thuộc tiểu bang Illinois, nằm trên bờ sông Mississippi, giáp ranh với Iowa, về phía bắc thành phố Davenport. Lúc nhỏ, bà theo gia đình đi truyền giáo ở Nam Phi cho người Afrikaners, ngày xưa gọi là người Boers[1]. Bà đi học ở Nam Phi và đậu bằng Cử nhân. Chúa muốn dọn đường cho công việc truyền giáo của bà qua sự huấn luyện và học tập nên đã gọi bà về Toronto, Canada để học tiếp và tốt nghiệp bậc cao học chuyên ngành nghiên cứu tiếng Hi-lạp và tiếng Hi-bá-lai, mở đường cho bà dấn thân vào việc phiên dịch Kinh Thánh sau này.

Năm 1913, bà là một trong 6 người đầu tiên được Ban Chấp hành Hội Truyền giáo ở New York cử đến Tourane (Ðà Nẵng). Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914, bà là người duy nhất ở lại để tiếp tục duy trì và phát triển cơ sở truyền giáo mới nầy. Ðây là giai đoạn đầy cam go và thử thách. Hầu hết các giáo sĩ đều phải rời Việt Nam vì chính quyền không cho phép họ rao giảng đạo Chúa. Người dạy Việt ngữ cho bà lúc này là bà Võ Thị Thu, một phụ nữ quyền quý trong giới Nho học, về sau đã tin nhận Chúa.

Sau khi thành hôn tại Trung Hoa, ông bà giáo sĩ Cadman trở lại Việt Nam và ở lại đây gần một năm. Tình hình chuyển biến mỗi ngày một khó khăn thêm, nên ông bà phải tạm lánh sang Trung Quốc vài tháng.

Cuối năm 1916, ông bà Cadman trở lại Việt Nam. Trong thời gian ngắn lưu tại Tourane (Đà Nẵng), ông bà mua cơ sở, thiết lập địa điểm truyền giáo đầu tiên tại vùng Ðông Nam Á. Ban đầu, ông đi lại bằng xe đạp, sau đó bằng ô tô để phát sách Tin Lành, làm chứng và giảng dạy về sự cứu rỗi và tình yêu thương vô điều kiện của Ðức Chúa Trời ở Hội An, kinh thành Huế, rồi đến Hà Nội khi gia đình ông chuyển ra Hà Nội năm 1917.

Ở Hà Nội, ông thuê nhà để ở và giảng Tin Lành. Lúc đầu ở phố Hàng Đào, sau chuyển qua phố Cầu Gỗ. Sau ít lâu, ông bà mua nhà để làm nơi trú ngụ, xây dựng nhà thờ (ngày nay là khuôn viên nhà thờ Hội thánh Tin Lành Hà Nội) và một năm sau lập cơ sở ấn loát văn phẩm Tin lành (năm 1920).

Hoạt động truyền giáo lúc đầu rất khó khăn, gặp nhiều trở ngại từ chính quyền Pháp lẫn Việt, từ địa phương đến trung ương. Thực dân Pháp rất ghét ông vì ông rất yêu mến người Việt Nam nên có lần họ đã viết bài đả kích ông trên báo chí. Nhưng hột giống do ông bà gieo đã sớm ươm mầm, kết quả. Chính nhờ công khó của ông bà mà Hội Thánh Hà Nội đã trở thành một Hội thánh vững mạnh nhất trong cả vùng Ðông Nam Á lúc bấy giờ. Từ cơ sở nầy, nhiều Hội nhánh lần lượt được mở ra tại các thành phố chính ở miền Bắc. Mục sư Lê Văn Thái là vị mục sư người Việt Nam đầu tiên của Hội Thánh Hà Nội trở thành một cộng sự lâu dài, một người bạn và sau này là Hội trưởng thứ năm của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Ông bà Cadman có một người con gái là Agnes, sinh tại Vân Nam vào năm 1916. Agnes bị vướng bệnh sốt bại liệt khi ông bà về Canada nghỉ phép dài hạn lần đầu tiên, được Chúa chữa lành nhưng hãy còn yếu. Năm 1922, Agnes Cadman về nước Chúa và được an táng tại nghĩa trang thành phố Hà Nội khi mới được 6 tuổi.

Dù bị bắt bớ và thử thách nhưng ông bà William Charles Cadman vẫn hết lòng thương yêu linh hồn tội nhân, năng nổ cộng tác với các giáo sĩ và Mục sư Truyển đạo người Việt, đổ nhiều mồ hôi và nước mắt để Tin Lành của Chúa có thể đến được tận những thôn làng hẻo lánh xa xôi ngoài Hà Nội như Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình,… Bàn chân của người truyền đạo ngày đêm không mệt mỏi đã in dấu khắp đất nước Việt Nam hình chữ S qua hình ảnh một đôi vợ chồng đầy tình yêu thương, tinh thần tận tụy, trang phục đơn sơ, ăn uống kham khổ, đi trên chiếc xe hơi cũ kỹ, ngủ trên các băng ghế nhà thờ. Tình trạng vật chất thiếu thốn nhưng dường như đã được tình yêu chan chứa dành cho người Việt che lấp, khiến ông bà không còn thời gian nghĩ đến những khó khăn mà chỉ biết quên mình, khiêm nhường phục vụ. Mục sư Trần Văn Đệ kể lại rằng khi ông đi cùng giáo sĩ Cadman đến thăm nhà cầm quyền Pháp tại Hà Nội. Người Pháp đó chỉ chiếc ghế duy nhất trong phòng làm việc mời giáo sĩ Cadman ngồi mà không chú ý gì đến Mục sư Đệ. Giáo sĩ Cadman nhấc chiếc ghế mời Mục sư Đệ ngồi, còn ông thì đứng một bên. Hành động tôn trọng người khác hơn mình đó khiến người Pháp vội cho người đem thêm chiếc ghế thứ hai để giáo sĩ ngồi.

Năm 1928, nhà nước thuộc địa Pháp và triều đình Huế ra lệnh cấm các tôn giáo ngoài Công giáo. Tin Lành bị bắt bớ. Ông bà Cadman bị giữ hộ chiếu vì vi phạm luật, cùng lúc đó Mục sư Phan Ðình Liệu bị bắt giam vì giảng đạo. Hai tháng sau, vào tháng 3 năm 1928, quan toàn quyền miền Bắc gởi cho giáo sĩ Cadman thông tư như sau: “Tôi được biết Hội Truyền bá Phúc Âm Liên hiệp bổ nhiệm ông trong chức vụ truyền giáo ở nhiều thị trấn miền Bắc và nhất là ở Nam Ðịnh. Trái với tinh thần hòa ước năm 1874 và năm 1884 giữa chánh phủ Pháp và Hoàng Ðế nước Việt Nam, tôi có nhiệm vụ khuyên ông nên sớm chấm dứt sự giảng đạo của ông.”

Noi gương tinh thần của Phi-e-rơ và các sứ đồ “Thà phải vâng lời Ðức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Cong 5:29), hai ông bà vẫn cương quyết bám trụ vào đất Việt với mong ước cứu thêm người cho Chúa.

Thành quả đáng trân trọng nhất của ông bà là việc dịch toàn bộ quyển Kinh Thánh ra tiếng Việt. Trong đó bà là người đóng vai trò trọng yếu. Cho đến nay, dù Kinh Thánh tiếng Việt đã có nhiều bản dịch nhưng bản Kinh Thánh mà hầu hết các tín hữu Tin Lành Việt Nam sử dụng trong vòng mấy mươi năm qua, kể từ lần xuất bản đầu tiên, chính là bản mà vợ chồng giáo sĩ Cadman đã khởi xướng. Mặc dù hầu việc Chúa trong giai đoạn chưa có Kinh thánh trọn bộ bằng tiếng Việt và chữ Nôm đang được nhiều người có trình độ sử dụng nhưng ông bà giáo sĩ William C. Cadman đã quyết định cho dịch các sách Phúc âm ra quốc ngữ trước tiên, kế đến là sách Công vụ rồi đến thơ tín Rôma, … Công việc dịch thuật bắt đầu từ năm 1914, bị tạm ngưng một thời gian do hoàn cảnh khách quan và được khởi sự lại vào năm 1919 với sự cộng tác đắc lực của các thành viên trong ban phiên dịch gồm có:

1. Giáo sĩ William C. Cadman (Trưởng ban)

2. Bà William C. Cadman

3. Giáo sĩ John Drange Olsen

4. Ông Trần Văn Dõng (sinh viên trường Cao Ðẳng Ðông Dương)

5. Ông Nguyễn Hữu Phúc

6. Ông Phan Khôi (học giả, văn sĩ lỗi lạc, thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và Quốc ngữ; ông yêu chữ quốc ngữ, và từng trải quen thuộc với những lỗi phát âm, thổ ngữ của từng vùng[2]).

7. Người đọc lại sau cùng là Hoa Bằng Hòa Thúc Trâm, một học giả từng làm từ điển.

Tận tụy làm việc trong suốt 10 năm, quyển Kinh Thánh Tân Ước được hoàn thành vào năm 1922 và được in ở Thượng Hải vào năm 1924.

Đến năm 1926, hai ông bà rất vui mừng khi thấy bản Kinh Thánh toàn bộ bằng tiếng Việt lần đầu tiên được xuất bản và phát hành rộng rãi để mọi người Việt Nam được đọc lời Đức Chúa Trời bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Cũng nên biết, dù chữ quốc ngữ đã được chính phủ chính thức thừa nhận vào cuối thập niên 1910 để thay thế chữ Nôm nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp nầy vẫn còn rất mới mẻ. Ngay từ ban đầu, chữ quốc ngữ đã được nhiều người ưa thích và dần trở nên rất thông dụng vì dễ đọc, dễ học, dễ nhớ, dễ in, dễ viết, ít bị câu thúc trong tư tưởng và dễ giao tiếp với các trào lưu văn minh khác. Năm 1922, giáo sĩ Cadman là giám đốc nhà in báo cáo: “Sự bán các phần Kinh Thánh, sách và truyền đạo đơn rất chạy, đến nỗi nhà in khó mà in kịp các sách tái bản. Tổng số sản xuất là 127.807 ấn bản, gồm 3.197.300 trang trong năm 1922… đến năm 1927 lên đến 5 triệu trang”.

Sự xuất hiện bản Kinh thánh bằng chữ quốc ngữ đầu tiên đã góp phần phát triển chữ quốc ngữ nước ta (vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi văn chương Hán ngữ) trong thuở mới thiết lập nền tảng. Về mặt văn chương, chữ nghĩa thì quyển Kinh Thánh nầy đã được nhiều học giả thời bấy giờ khen ngợi. Phan Khôi được giao lo về lối hành văn, các nhà truyền giáo phụ trách về phần chuyên môn và về tính chính xác của bản dịch Kinh Thánh. Chính xác, dễ hiểu, mang tính dân tộc là phương châm được ông bà Cadman đặt lên hàng đầu. Bàn về việc dịch, ông Phan Khôi có lần đã nói: “Tôi đã từng dịch kinh điển đạo Cơ Đốc từ tiếng Pháp và tiếng Tàu ra tiếng Việt Nam. Hồi đó tôi làm việc ấy dưới quyền hai ông bà mục sư W. Cadman. Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu, – vì bà biết đến 13 thứ tiếng – để chọn lấy nghĩa nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân ước và một phần ba Cựu ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành. Tôi kể việc ấy vào đây để cho thấy người ngoại quốc làm việc dịch kinh, coi là việc trọng đại lắm, không dám cẩu thả.”[3]. Thế mới biết công việc của hai vị giáo sĩ tiền phong này là lớn lao dường nào!

Nhà văn Tô Hoài, tuy là người ngoại đạo nhưng cũng đã nhận xét: “Kinh thánh cả Tân ước, Cựu ước của hội đạo Tin Lành, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã ca lời rất thơ”[4].

Đối với các tin hữu trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thì cho đến nay, khó có bản dịch nào thay thế được chỗ đứng của bản dịch năm 1926 trong lòng họ. Nhiều mục sư, tín hữu Tin Lành từ trước đến nay đã thuộc nằm lòng nhiều câu Kinh thánh bản dịch năm 1926 mặc dù ngày nay văn phong và từ ngữ trong bản dịch ấy đã lỗi thời, khó hiểu, có nhiều chỗ chưa sát với nguyên bản và hiện tại có nhiều bản dịch Việt ngữ đi chăng nữa. Hơn 80 năm qua, bản dịch Kinh Thánh với văn phong của Phan Khôi vẫn còn thịnh hành và được yêu mến đủ trả lời cho giá trị của nó. Bản dịch Kinh Thánh nầy đã được tục bản nhiều lần tại Anh Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, Ðức, Hàn Quốc và Việt Nam. Có thể khẳng định đây là bản Kinh Thánh tiếng Việt được ấn hành và sử dụng rộng rãi nhất từ trước đến nay.

(Ảnh: photos.vnbible.com)

Bà Grace Cadman đang cầm trên tay bản dịch Kinh thánh Tân Cựu ước bằng tiếng Việt đầu tiên tại Hội đồng các Giáo sĩ năm 1926.

Ngoài việc dịch Kinh Thánh, ông bà còn rất năng nổ trong việc soạn dịch Thánh catruyền đạo đơnbài học trường Chúa nhậttài liệu gia đình lễ bái bằng tiếng Việt, tiếng Cam-pu-chia, tiếng Lào, tiếng Thượng. Chính ông là người sáng lập ra tờ Nguyệt san Thánh Kinh Báo vào tháng 3 năm 1931 theo mẫu tờ Thánh Kinh Báo tại miền Nam Trung Hoa. Đây là cơ quan thông tin, xây dựng tâm linh và bài học Chủ Nhật của Hội Thánh. Ấn phẩm nầy đã giúp đỡ rất nhiều cho sự tăng trưởng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, gây dựng đời sống thuộc linh cho con cái, tôi tớ Chúa trên toàn quốc. Bà Cadman còn giúp soạn những bản tin “Tiếng gọi Đông Pháp” bằng tiếng Anh (The Call of French Indo-China) để làm cầu nối với các tín hữu bên Mỹ, trình bày những diễn tiến của công việc truyền giáo tại Việt Nam. Cơ sở ấn loát văn phẩm Tin Lành Hà Nội do ông bà thiết lập đã hoạt động trong 30 năm. Trải qua 34 năm chức vụ tại Việt Nam, ông bà đã dùng ngòi bút và công sức của mình để phục vụ Chúa và đồng loại qua việc dịch và xuất bản rất nhiều văn phẩm Cơ Đốc như đã nói ở trên. Quả thật, cơ sở ấn loát nầy đã góp phần đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa, mang sự cứu rỗi đến cho vô số linh hồn tại bán đảo Ðông Dương.

Một công trình làm mất nhiều thời gian và công sức của giáo sĩ Cadman chính là bộ “Thánh Kinh Từ điển” bằng tiếng Việt. Đây là bộ sách không thể thiếu được đối với những người muốn tra cứu học hỏi Kinh Thánh về nhiều đề tài khác nhau.

Tháng 4 năm 1943, nhà chức trách Nhật ra lệnh quản thúc tất cả giáo sĩ Mỹ (chỉ trừ ông bà giáo sĩ Jean Funé vì có quốc tịch Pháp) vào một trại binh của Pháp ở Mỹ Tho. Dù bị cầm tù nhưng ông vẫn dành nhiều thì giờ và công sức để hoàn tất quyển “Thánh Kinh Từ điển” mà ông đã bắt đầu viết từ năm 1940. Đây tài liệu tự điển về Thánh Kinh duy nhất được viết bằng Việt ngữ từ trước đến nay. Cuối cùng, quyển từ điển đã được xuất bản lần đầu năm 1951 (in Ronéo) và in Typo tại Đà Lạt năm 1958. Đến nay, bộ sách này vẫn còn được in lại và sử dụng rộng rãi như là quyển sách gối đầu giường của nhiều con cái, tôi tớ Chúa trong Hội Thánh Tin lành trên cả nước.

Trong lúc bị người Nhật lưu giữ và giam cầm tại Mỹ Tho, bà Cadman đã 66 tuổi, bị tai biến, từ đó sức khỏe bà bị yếu dần. Ngày 26 tháng 4 năm 1946, bà về với Chúa, và được an táng ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn, hưởng thọ 69 tuổi. Trong điện tín đánh về Mỹ báo tin buồn, ông viết: “Grace Cadman Trung Tín Cho Ðến Chết”. Thật vậy, bà đã trung tín với Chúa, trung tín trong chức vụ và trung tín với chồng để làm vinh hiển danh Ðức Chúa Trời.

Năm 1945, sau khi quân Nhật đầu hàng quân Đồng minh, chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, các giáo sĩ được đưa lên Sài Gòn để về Mỹ. Pháp trở lại Đông Dương chiếm đóng gây đau khổ lớn cho dân thường. Đa số các giáo sĩ không chịu về nước. Ông bà giáo sĩ E.F. Irwin, ông bà giáo sĩ D.I. Jeffrey và ông bà giáo sĩ Cadman tình nguyện ở lại Việt Nam để chăm sóc anh em tín hữu. Nhưng đến tháng 11 năm 1945, chỉ còn gia đình giáo sĩ Cadman ở lại Việt Nam. Ông là giáo sĩ độc nhất tại Việt Nam trong suốt 10 tháng cho đến khi Hội Truyền giáo tiếp tục gởi người trở lại. Ông nói: “Các anh em trong Chúa ở đây đang gặp hiểm nguy, chúng ta không thể bỏ họ đơn côi, chúng tôi quyết định ở lại với họ”. Chính ông Cadman đã đi xe đạp vào Nam vượt qua ranh giới giữa Pháp và du kích Việt Nam để cứu giúp những tín hữu và dân thường bị bắn giết từ cả hai phía. Trong tháng 12 năm 1945 ông đã đi từ Sài Gòn đến Hà Nội giúp đỡ 37 người gồm nam, nữ và trẻ em ở nhà thờ Hà Nội bị lực lượng Pháp và Việt Minh bắt giữ. Ông đòi gặp sĩ quan chỉ huy Pháp và thuyết phục họ để bảo đảm quyền tự do cho họ. Sự dũng cảm của ông đã được các cộng sự người Việt ghi nhớ mãi.

Một trong những ấn tượng khiến các cộng sự lúc ấy không bao giờ quên được về giáo sĩ Cadman đó là: Một lần nọ trong trận chiến ác liệt giữa Việt Nam và Pháp năm 1946, quân đội thực dân Pháp đã xông vào nhà thờ Tin Lành số 2 phố Ngõ Trạm, Hà Nội, trong lúc đó có khoảng 60 tín đồ đang nhóm lại bên trong. Chúng định bắn vào những tín đồ hiền lành vô tội này thì chính giáo sĩ Cadman đã đứng chặn chúng lại và nói lớn: “Nếu các ông muốn bắn họ, hãy bắn tôi trước.” Thế là quân giặc hung hãn đó phải lui bước.

Năm 1947, giáo sĩ Cadman trở về Mỹ nghỉ phép dài hạn. Ông đã lợi dụng dịp nầy để vận động mua được một máy in mới từ Anh Quốc.

Ngày 26 tháng 4 năm 1948, ông tục huyền với bà Anna G. Kegerize. Lẽ ra ông có thể nghỉ ngơi sau hơn 30 năm phục vụ ở hải ngoại, nhưng chỉ 2 tháng sau ông bà trở lại Việt Nam, đây là nhiệm kỳ thứ sáu của ông. Vừa đến Việt Nam, ông bà lên Ðà Lạt để tu sửa, tân trang ấn quán để chuẩn bị di chuyển nhà in từ Hà Nội về đây. Cũng trong thời gian nầy, ông duyệt lại quyển “Thánh Kinh Từ điển”, công trình nghiên cứu và biên soạn công phu của ông trong 8 năm qua.

Trong khung cảnh khó khăn của đất nước đang cố gắng phục hồi sau thế chiến thứ hai, ông nói: “Tôi cảm nhận sự thúc giục trong việc truyền bá sự cứu rỗi cho những linh hồn hư mất… Vì vậy chúng tôi cố gắng mở lại cơ sở ấn loát Tin Lành… Chúa Jêsus sẽ trở lại, Ngài sẽ trở lại nay mai. Khi đó chúng ta sẽ mặt đối mặt với Ngài và sẽ nhận được phần thưởng vì đã trung tín hầu việc Ngài… Chúng ta ngợi khen Chúa, Ngài là quê hương vĩnh cửu của chúng ta. Khi ẩn trú nơi Ngài, chúng ta có được sự bình yên”. Vào những ngày cuối cùng tại thế, ông tâm sự rằng: “Tôi không xem điều gì là quan trọng kể cả mạng sống và thân thể nầy để tôi có thể tận hưởng niềm vui trong khi thi hành chức vụ mà tôi đã nhận từ Ðức Chúa Jêsus để làm chứng về ân điển của Ðức Chúa Trời”.

Ngày 30 tháng 11 năm 1948, trong khi chờ đợi để ra sân bay đi Hà Nội, ông đã trải qua một cơn đau tim rất nặng trong nhiều giờ. Sau vài ngày nghỉ ngơi, ông tiếp tục làm việc lại. Chúa nhật ngày 5 tháng 12 ông vẫn có thể đến dự buổi hiệp nguyện với các giáo sĩ. Nhưng hai ngày sau đó, vào một buổi sáng sớm khi đang dùng điểm tâm, thình lình ông ôm ngực, ngã đầu về phía sau và được Chúa tiếp về lúc 7 giờ 30 sáng, ngày 7 tháng 12 năm 1948, hưởng thọ 65 tuổi, để lại người vợ mới cưới được 8 tháng, hai người anh và một em gái sinh sống ở Anh quốc.

 Phần mộ cụ giáo sĩ Willian Charles Cadman

tại nghĩa trang thành phố Ðà Lạt.

Tang lễ của giáo sĩ William C. Cadman được cử hành ngày 8 tháng 12 năm 1948, tại giảng đường của trường Ðà Lạt. Giáo sĩ Jeffrey, chủ lễ, mở đầu bằng một bài nói về cố giáo sĩ Cadman bằng tiếng Mỹ, kế đó ông Ourgaud có một bài rất cảm động bằng tiếng Pháp và mục sư Duy Cách Lâm thay mặt cho Tổng Liên hội đọc điếu văn ghi ơn người đã tận tụy hy sinh cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam từ buổi ban đầu. Bệnh viện Ðà Lạt cung cấp một xe hồng thập tự, xe được trang hoàng bằng những vòng hoa rất đẹp và mang di hài người quá cố đến nơi an nghỉ. Buổi lễ cử hành đơn sơ, đầy cảm động dưới bầu trời giá buốt của Ðà Lạt vào tháng 12. Phía dưới mộ bia của ông có đề “NGƯỜI TRUNG TÍN CHO ÐẾN CHẾT”.

Ông bà giáo sĩ Cadman đã dâng trọn cuộc đời để truyền giảng Tin Lành tại Việt Nam. Chẳng những thế, ông còn để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản của mình cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Mục sư Hội trưởng Lê Văn Thái đã phải vận động chính phủ miễn giảm thuế cho khoản tiền này để dùng vào việc xây cất Cô nhi viện Hòn Chồng, Nha Trang trên mảnh đất 18 mẫu với sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ Nhi đồng Quốc tế. Cơ sở nầy được khánh thành vào ngày 4 tháng 9 năm 1953 và bắt đầu nuôi dưỡng 27 em cô nhi, con của mục sư, truyền đạo, và 11 em cô nhi, con của tín hữu. Sau đó là trường Trung Tiểu học Bết-lê-hem và trường dạy nghề cũng trong khuôn viên của Cô nhi viện.

Trong những năm tháng phục vụ Chúa và tha nhân ở xứ người, giáo sĩ Cadman luôn luôn khiêm nhường nói rằng: “Nếu tôi sinh ra được làm người Việt Nam thì chắc chắn chức vụ của tôi kết quả hơn”. Theo hồi ký của MS Bùi Hoành Thử, ông bà Wm.C. Cardman thuộc số ít những giáo sĩ từng tuyên bố: “Tôi là người Việt Nam, nước Việt Nam là tổ quốc thứ hai của tôi…” và họ sống, hành động như vậy cho đến khi qua đời và an nghỉ tại Việt Nam – “NGƯỜI TRUNG TÍN CHO ÐẾN CHẾT”.

7

(Ảnh: photos.vnbible.com)

Hàng trước từ trái sang: William Cadman với bé Agnes Elizabeth, Grace Cadman, Robert A. Jaffray, Marie Irwin, EF Irwin với George. Hàng sau: Richmond Jackson, Marion Foster, Irving Stebbins, Hartman Mary (Stebbins), John D. Olsen (Ảnh chụp tháng 11 năm 1918 tại Tourane – Đà Nẵng).

8

(Ảnh: photos.vnbible.com)

Ông và bà William Cadman tại Hà Nội năm 1936..

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN