Thứ Bảy, Tháng Chín 14, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhKhông ai thấu hiểu nỗi đau của tôi!

Không ai thấu hiểu nỗi đau của tôi!

Tôi hiếm khi tâm sự với ai về nỗi đau của mình. Tôi cho rằng nếu một người chưa từng trải qua những gì tôi đã trải qua, họ sẽ không thể hiểu được điều đó, nên có nói cũng như không.

Thay vì bày tỏ, tôi thường đẩy mọi người ra xa. Tôi cho rằng không ai có khả năng khuyên bảo mình ngoại trừ chính Chúa. Tôi gạt bỏ kinh nghiệm và lời an ủi của tất cả mọi người, bởi vì không ai có thể hoàn toàn thấu hiểu nỗi đau của tôi.

Cám dỗ cô lập bản thân

Ngay trước khi con trai tôi qua đời, hôn nhân của vợ chồng tôi cũng gặp nhiều lục đục, xác thêm muối vào nỗi đau của tôi. Có những nỗi đau tôi cảm thấy không thể chia sẻ với người khác, vì vậy tôi chắc chắn rằng không ai có thể biết được cảm giác của mình. Tôi rút lui khỏi mọi mối quan hệ, không bao giờ chia sẻ với người khác. Tôi cảm thấy mình trông thật yếu đuối nếu làm vậy. Tôi trông mạnh mẽ và “thiêng liêng” hơn khi khép mình trước mọi người.

Thái độ này vô tình làm tăng thêm nỗi đau của tôi, cắt đứt đường dẫn ân điển cứu giúp của Chúa: con dân Ngài. Nỗi đau đã cô lập tôi, đưa tôi vào căn hầm khép kín, để tự mình đối phó với những tranh đấu. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi nghe bất cứ điều gì từ người khác. Tôi đóng sầm cửa trước tất cả mọi người, và không ai dám bước vào.

Cám dỗ cô lập bản thân, xa rời cộng đồng, cho rằng không ai có thể giúp mình là điều thường xảy ra khi chúng ta đau khổ. Làm thế nào để chống lại sự cám dỗ kiêu ngạo, cho rằng không ai hiểu mình và không ai có thể giúp mình?

Đau đớn, mất mát và tội lỗi

Từng chịu đựng nhiều mất mát, tôi đã đối diện với kiểu cám dỗ này nhiều lần. Nỗi đau, giống như tội lỗi, làm cứng lòng và khiến tôi mù quáng không thấy được nhu cầu thực sự của mình.

Tôi quan tâm đến việc được tuyên dương đức tin hơn là được giải cứu khỏi tội lỗi. Tôi thấy mình là nạn nhân trong mọi nỗi đau. Tuy nhiên, ngay cả những người công bình được Đức Chúa Trời khen ngợi cũng không hoàn toàn vô tội, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23). Chẳng hạn, Gióp là một người công chính, nhưng nỗi đau vẫn hạ ông xuống, ông phải ăn năn trong tro bụi vì đã kiêu ngạo nói về những điều mình không biết (Gióp 42:5–6).

Tôi không nghĩ nỗi đau của mình có liên quan đến tội lỗi, cho đến khi tôi nghe Joni Eareckson Tada chia sẻ về việc nỗi đau và mất mát đã thánh hóa cô ấy như thế nào. Cô ấy bị liệt vì một tai nạn năm 17 tuổi. Từ đó, Chúa đã thay đổi cô, biến đổi tính cách chua ngoa và khó chịu của cô khi hàng ngày cô vâng phục Ngài. Không đổ lỗi hay trách móc, Joni quyết tâm để Chúa dùng những khiếm khuyết để trau chuốt tính cách của mình. Cô ấy viết:

“Tôi cảm thấy xấu hổ về tính cách cay đắng và phàn nàn của mình. Tôi cầu nguyện rằng: Chúa ơi, con không muốn như vậy. Nếu muốn tìm lại chính mình, tôi cần phải thoát khỏi tội lỗi!”

Vấn đề lớn nhất của tôi

Giống như Joni, vấn đề lớn nhất của tôi chính là là tội lỗi. Khi Chúa Jêsus chữa lành cho người bại liệt, trước tiên Ngài tha thứ tội lỗi cho ông ta. Vì giống như chúng ta, người bại liệt cần một sự chữa lành lớn hơn nhiều so với việc phục hồi thể chất (Lu-ca 5:17–26). Nhu cầu sâu sắc nhất của chúng ta là được xưng công bình trong mắt Chúa, được giải cứu khỏi tội lỗi mình – và nỗi đau có thể giúp chúng ta nhận biết điều đó. Đau khổ thường phơi bày tội lỗi, cho thấy chúng ta cần ân điển Đức Chúa Trời.

Tôi thường viết nhật ký buổi sáng, suy ngẫm về ngày hôm trước. Khi viết, tôi thường kể lại việc mọi người đã làm tôi khó chịu hoặc tổn thương tôi, nhưng lại bỏ qua những phản ứng tiêu cực của mình.

Một buổi sáng, tôi tức giận viết về việc mình bị người khác hiểu lầm. Nhưng lúc ấy, Lời Chúa vang lên trong đầu tôi: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ” (1 Cô-rinh-tô 13:4–5). Tôi như bị kết án, nhận ra rằng từng câu từng chữ đang chĩa mũi dùi vào tôi. Tôi đã thiếu kiên nhẫn, không tử tế, cáu kỉnh và hoàn toàn không vui vẻ khi mọi người cố gắng giúp đỡ tôi.

Điều độc ác nhất mà sa-tan làm khi chúng ta đau khổ: nó thuyết phục rằng chúng ta không cần được giải cứu khỏi tội lỗi, mà chúng ta đáng được thấu hiểu, tuyên dương, và đừng ai làm phiền.

Khi một chi thể gặp nạn

Sa-tan đang rình rập xung quanh, tìm cách ăn tươi nuốt sống chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:8). Nó thích sử dụng nỗi đau để bào chữa cho những sai lầm của chúng ta. Rằng Chúa không thể thánh hóa chúng ta qua nỗi đau. Rằng người khác không thể và không bao giờ thấu hiểu chúng ta.

Vì vậy, chúng ta đóng chặt cửa. Chúng ta dựng lên những bức tường xung quanh, tuyên bố rằng mình có thể tự lo cho bản thân. Chúng ta nói rằng mình muốn được yên. Vì vậy, rất ít người đủ can đảm để tiếp tục gõ cửa. Càng ngày, họ càng cảm thấy không đủ khả năng giúp đỡ chúng ta, sợ rằng họ sẽ nói điều gì không phải, hoặc lo lắng về phản ứng của chúng ta. Từ đó, họ tránh xa, không muốn liều lĩnh hay xúc phạm. Khi ấy, chúng ta tự tách bản thân khỏi đường dẫn ân điển Đức Chúa Trời ban cho qua cộng đồng Cơ Đốc.

Làm sao để nhận được ân điển từ cộng đồng? Chúng ta phải đón nhận mọi người, cho dù họ có lúng túng, cho dù họ không đáp ứng được mọi nhu cầu và có thể sẽ hiểu lầm chúng ta. Chúng ta được kêu gọi hiệp một trong thân thể Đấng Christ, có nghĩa là mỗi bộ phận đều có vai trò riêng. “Đầu gối” đương nhiên sẽ không có cùng quan điểm hoặc trải nghiệm với “đôi mắt”, nhưng chúng ta phải để mọi bộ phận làm việc cùng nhau. Anh chị em có thể chưa từng trải qua kinh nghiệm như chúng ta, nhưng hãy tin rằng Chúa Jêsus sẽ dùng họ để khuyến khích chúng ta theo cách độc đáo và kỳ diệu của riêng Ngài.

An ủi cho mọi nỗi đau

Chỉ duy Đức Chúa Trời có khả năng đáp ứng nhu cầu và hoàn toàn thấu hiểu chúng ta. Ngài đi cùng chúng ta qua thung lũng tối tăm nhất (Thi Thiên 23:4), nhìn thấy mọi nỗi đau và nước mắt (Thi Thiên 56:8), biết mọi điều chúng ta nghĩ và nói (Thi Thiên 139:1–4). Chúng ta có thể tin cậy Chúa khi mở lòng với cộng đồng Ngài đã ban.

Tất nhiên, những người từng trải nỗi đau tương tự như chúng ta sẽ thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc hơn, nhưng các Cơ Đốc nhân khác cũng có thể giúp đỡ chúng ta. Những người được Đức Chúa Trời an ủi trong cơn hoạn nạn có thể an ủi người khác trong “trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp” bằng chính sự an ủi họ nhận được từ Chúa (2 Cô-rinh-tô 1:3–4). Bất kỳ nỗi đau nào cũng có ý nghĩa: nếu đã từng được Chúa an ủi, chúng ta có thể dùng kinh nghiệm đó để an ủi người khác, vì Đức Chúa Trời là nguồn yên ủi thực sự. Chúa ban sự khôn ngoan cho những ai cầu xin (Gia-cơ 1:5), vì vậy ngay cả những người chưa từng trải cũng có thể nói lời an ủi nhờ Thánh Linh ban cho. Và những lời nói đầy quyền năng này sẽ mang đến niềm an ủi sâu sắc và bền lâu.

Trong đau khổ, chúng ta thường khép mình để bảo vệ bản thân khỏi nỗi đau. Sa-tan dựa vào đó để thuyết phục chúng ta rằng mình không cần bất kỳ ai khác, và những người khác sẽ chỉ làm chúng ta thêm đau buồn chứ không hề xoa dịu chúng ta. Nó muốn chúng ta cảm thấy đơn độc, tự cho mình là đúng, chìm đắm trong chính nỗi đau của mình. Tuy nhiên, khi chúng ta nương dựa nơi Chúa và anh em trong Ngài, Ngài sẽ biến đổi chúng ta thành những tôi tớ khiêm nhường, được thánh hóa và uốn nắn nhờ nỗi đau.

Bài: Vaneetha Rendall Risner; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/no-one-knows-my-pain)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN