Nguồn Sức Mạnh Để Vượt Qua Nỗi Đau
Mang thai tháng cuối luôn là giai đoạn khó khăn nhất. Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, mỗi ngày trôi qua dài như cả tuần. Tôi tự hỏi: “Lạy Chúa, còn bao lâu nữa đứa bé này mới ra đời?”
Mang thai phản ánh khả năng chịu đựng, tương đồng với sức chịu đựng của mỗi Cơ Đốc nhân khi hành hương giữa thế gian đau khổ, chờ đợi Chúa trở lại để đưa chúng ta về nhà.
Lòng chúng ta than khóc: “Chúa ơi, còn bao lâu nữa?” Và chúng ta chờ đợi ngày mọi tạo vật đổ vỡ được làm mới lại. Chúng ta khao khát những tòa nhà kiên cố, vĩnh cửu trong những căn lều tạm bợ trần gian. Như người mẹ mang thai mong chờ được ôm con mình, chúng ta khao khát nhìn thấy kết quả của những chịu đựng này. Và đôi khi trong đau khổ, chúng ta tự hỏi liệu mình có còn chịu đựng được nữa không.
Bốn nguồn sức giúp ta kiên định
Làm sao chúng ta có thể tiếp tục chịu đựng nơi thế giới tan vỡ này? Trong thư Gia-cơ, tác giả khuyến khích chúng ta với bốn nguồn sức giúp đôi chân luôn kiên định.
- Chúa sẽ sử dụng nỗi đau của bạn
“Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Gia-cơ 1:2–4).
Chúng ta khó mà xem thử thách là vui mừng, cũng như cơn đau chuyển dạ và sinh nở chưa bao giờ dễ chịu với người mẹ. Nhưng điều Chúa đang làm thông qua thử thách ấy mới chính là niềm vui đích thực. Ngài đang nuôi dưỡng đức tin, khiến chúng ta ngày càng giống Đấng Christ, rèn giũa tâm linh ta ngày càng trưởng thành hơn.
Chúng ta có thể coi những thử thách là “vui mừng trọn vẹn” bởi vì nỗi đau rèn luyện chúng ta trong sự tin kính. Nếu không có chuyển dạ và sinh nở, em bé sẽ không được ra đời; nếu không có những thử thách đến để kiểm tra và rèn luyện đức tin, chúng ta sẽ thiếu lòng trung tín và ít sinh ra hoa trái. Chúng ta có thể chịu đựng, vì nỗi đau không phải là vô ích, và qua đó Chúa đang làm việc.
- Chúa sẽ chấm dứt nỗi đau của bạn
“Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài” (Gia-cơ 1:12)
Nhiều thử thách chẳng có vẻ gì là nhẹ nhàng hay chóng qua, nhưng Kinh Thánh chép rằng “sự hoạn nạn nhẹ và tạm” (2 Cô-rinh-tô 4:17). Kế hoạch và mục đích vĩ đại của Chúa vượt xa nỗi đau của chúng ta, và cuối cùng Ngài sẽ chiến thắng tất cả.
Bạn ơi, đau khổ rồi sẽ kết thúc – Chúa đảm bảo với bạn điều đó. Chúng ta không biết thời gian hoặc cách thức của Ngài, thậm chí không hiểu được mục đích khi Ngài để chúng ta chịu khổ ngay lúc này. Nhưng chúng ta biết lời hứa Ngài: “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (Khải huyền 21:4).
Bạn cần biết rõ điều này: Nỗi đau rồi sẽ chấm dứt. Nó không tồn tại mãi mãi. Và lời hứa này cho chúng ta niềm hy vọng để tiếp bước.
- Chúa sẽ bày tỏ chính Ngài qua nỗi đau của bạn
“Anh em biết rằng những kẻ nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ” (Gia-cơ 5:11).
Trên cả việc thoát khỏi đau khổ và nhận phước hạnh đời đời vinh hiển, điều lớn nhất chúng ta nhận được là Cứu Chúa Jêsus Christ. Ngài là mục tiêu, thành tựu, và niềm vui đặt ra trước mắt chúng ta. Chúng ta có thể chịu đựng khi chăm nhìn Chúa, tìm kiếm Ngài giữa những thử thách; và Chúa rất vui lòng sử dụng nỗi đau để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta.
Tại sao Gia-cơ nhắc đến Gióp ở cuối thư? Gióp đã chịu đựng nhiều đau khổ khủng khiếp với tấm lòng kiên định, và Chúa đã sử dụng nỗi đau để bày tỏ chính Ngài – Đấng Cứu Chuộc nhân từ hằng sống (Gióp 19:25). Nếu không kinh nghiệm đau đớn và thử thách, Gióp sẽ không biết Đấng Cứu Rỗi ông sâu nhiệm đến vậy.
Khi tuyệt vọng, chúng ta thường hướng về Chúa nhiều hơn. Khi đến với Chúa, Ngài sẽ đãi chúng ta bằng tình yêu và ân điển vô hạn. Lúc ấy, chúng ta sẽ biết Ngài cách mới mẻ và sâu nhiệm hơn.
- Chúa sẽ đón bạn trong nỗi đau của bạn
“Gióp bèn chỗi dậy, xé áo mình, và cạo đầu, đoạn sấp mình xuống đất mà thờ lạy, và nói rằng: Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va! Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời” (Gióp 1: 20–22).
Rất ít phụ nữ mang thai có thể giữ thái độ bình tĩnh trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Khi cảm thấy đau đớn, người nữ thường rên rỉ và kêu cứu. Tương tự như vậy, khi chịu đau khổ, chúng ta kêu cầu Chúa, Đấng có thể đáp ứng mọi tiếng kêu cầu, than khóc và đau buồn của chúng ta.
Gióp đã chịu đựng nỗi đau bằng cách xé quần áo, ngồi trong tro, ông còn hỏi Chúa nhiều câu hỏi – và Kinh Thánh khẳng định rằng ông không hề phạm tội. Khi bạn chịu đựng thử thách, hãy than khóc với Đấng từng trải sự đau khổ. Chúa thấu hiểu tất cả, vì Ngài từng phải chịu đựng nỗi đau kinh khiếp thay cho bạn. Than khóc không sai. Ngay cả Chúa Jêsus cũng khóc, và Ngài sẽ đón nhận bạn trong nước mắt.
Vì niềm vui
Vì niềm vui sắp đến, chúng ta có thể tiếp tục chịu đựng nỗi đau. Như người mẹ chờ đợi khoảnh khắc được ôm con sau bao tháng mang nặng, và thì thầm: “Con thật xứng đáng để mẹ chịu đau”, Hội thánh Đấng Christ cũng trông mong được gặp Ngài và lớn tiếng ngợi khen: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên” (Khải huyền 4:11).
Chúng ta tiến về phía cuối con đường đầy vinh quang với tấm lòng bền bỉ kiên định – về phía Cứu Chúa Jêsus, Đấng đáng được vinh hiển, với tất cả vẻ uy nghi kỳ diệu của Ngài.
Bài: KRISTEN WETHERELL; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/endurance-suffering/)