Tin Chúa Khiến Khoa Học Trở Nên Thú Vị hơn!
Đây là buổi phỏng vấn Giáo sư Stephen Freeland, Giám đốc Nghiên cứu tại Đại học Maryland ở Baltimore, trong loạt bài “Kỳ quan của thế giới sống”.
Giáo sư Steve bị cuốn hút bởi câu hỏi: liệu mã di truyền có gần đạt mức tối ưu hay không? Nói cách khác, nếu sự sống tiến hóa trên một hành tinh khác, thì đặc tính sinh hóa có tương tự như trên trái đất không?
Điều gì đưa giáo sư đến với khoa học?
Sau khi tốt nghiệp, tôi đến học ở trường Đại học Oxford. Vẻ đẹp hùng vĩ ở đó thật choáng ngợp. Tôi đặc biệt yêu thích những khu vườn trong trường, Lady Margaret Hall, và South Parks. Đối với tôi, học thuật khiến cuộc sống trông thú vị và ý nghĩa. Câu trả lời chính xác cho câu hỏi này chính là “ơn gọi” – lắng nghe tiếng kêu gọi của Chúa cho cuộc đời tôi. Phải mất một thời gian, đời sống tâm linh non trẻ này mới tin rằng Chúa có thể kêu gọi tôi làm một công việc có vẻ xa vời, chẳng hạn như việc truyền giáo xuyên quốc gia.
Xin kể một chút về hành trình đức tin của giáo sư?
Tôi là một “ông cụ non”, lớn lên trong gia đình theo Chủ nghĩa Giám lý, hoạt động tích cực vào thời Đông Nam Anh vào những năm 1970. Trải qua nhiều thăng trầm đức tin, cuối cùng tôi đã đến với Hội Thánh chính thống. Gần đây nhất, tôi ở một nơi yên tĩnh để suy tư và cầu nguyện, đó chính là nơi được mô tả trong quyển “Tìm thấy Chúa ở những nơi không ngờ đến” của Philip Yancey.
Kỳ quan đóng vai trò gì trong công việc khoa học của giáo sư?
Kỳ quan là điều thúc đẩy nghiên cứu của tôi, vì vậy bất cứ khi nào cảm thấy chệch hướng, tôi biết rằng đã đến lúc phải thay đổi hướng đi. Khi theo đuổi các kỳ quan, tôi tìm ra vũ khí hiệu quả để chống lại sự kiêu ngạo – kẻ thù của tất cả các nhà khoa học nghiên cứu. Tôi thấy rằng lòng hiếu kỳ thúc đẩy khoa học tốt hơn, trái ngược với việc cố chấp chứng minh một dự đoán của bản thân. Đối với tôi, kỳ quan là một câu hỏi hiện diện trong đầu tôi nhẹ nhàng và thường trực, thường là trong suốt nhiều năm.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy các nhà sinh vật học thường tìm thấy vẻ đẹp trong những thứ phức tạp, còn các nhà vật lý có xu hướng ngưỡng mộ sự đơn giản. Giáo sư thấy vẻ đẹp ở khía cạnh nào trong các nghiên cứu của mình?
Điều đó đúng với tôi! Tôi đã nghiên cứu đến tận cùng sự vật, đó là nguyên nhân vì sao tôi là một người đơn giản. Thực ra, sự đơn giản chính là trung tâm của điều tôi kính sợ. Ở đó, tôi tìm thấy lòng tôn trọng dành cho mọi tạo vật, và ngưỡng mộ quyền năng vô hạn của Chúa. Với tư cách một nhà hóa sinh, tôi cho rằng mọi công việc đều nhằm tìm kiếm sự đơn giản. Cá nhân tôi thấy thất vọng khi tập trung vào sự phức tạp. Các nhà khoa học cảm thấy cần thiết phải đơn giản hóa để tăng khả năng giao tiếp: nói ít hơn, chỉnh sửa nhiều hơn, lược bỏ các thuật ngữ không cần thiết – đó là công việc của chúng tôi. Tôi tin rằng sự giản dị trong giao tiếp là một nghĩa vụ gần với những gì Chúa kêu gọi chúng ta làm, nhằm truyền đạt những gì chúng ta khám phá ra khi đối thoại với người khác.
Nghiên cứu tương tự cho thấy 66% các nhà khoa học cảm thấy tôn kính những điều họ khám phá ra và 58% cảm thấy như thể điều gì đó vĩ đại đang hiện diện. Giáo sư có thể mô tả khoảnh khắc nghiên cứu khoa học mang lại cho giáo sư cảm giác kinh ngạc như vậy không?
Tôi đã rất kinh hãi khi xem xét lịch thời gian của vũ trụ, từ vụ nổ Big Bang đến buổi trò chuyện này – nhìn vào toàn bộ câu chuyện, chứ không chỉ giới hạn tầm nhìn nơi vật chất. Vũ trụ khổng lồ đến thế, nhưng lại thật nhỏ bé khi so sánh với cái vô hạn. Nghịch lý ấy khiến tôi kinh ngạc. Tôi có cùng quan điểm với những người Pythagore cổ đại: các con số, và đặc biệt là mối quan hệ giữa chúng có khả năng thể hiện sự thật bao trùm toàn bộ 13,7 tỷ năm – và thậm chí có thể hé lộ một thoáng về một thực thể còn vĩ đại hơn. Phép so sánh này là một chủ đề rất sâu sắc để tâm trí tôi khám phá.
Khi viết “Kỳ quan của thế giới sống”, giáo sư đã nêu ra những câu hỏi lớn về ý nghĩa và mục đích công việc của mình. Hôm nay, những câu hỏi đó vẫn đang tồn tại, hay đã chuyển biến theo hướng khác?
Khoa học dẫn tôi đến những câu hỏi thần học. Những năm gần đây, điều tôi suy ngẫm là lượng thời gian và không gian vượt ngoài loài người. Một thời gian trước, Mục sư Richard Mouw giảng tại sự kiện BioLogos: Sáng thế ký 1 cho thấy phần lớn các sự kiện sáng tạo không liên quan đến chúng ta. Không phải chúng ta được tạo ra ngay từ đầu để quan sát và trở thành một phần của mỗi bước công trình sáng tạo. Kinh Thánh cũng không nói rằng những ngày đầu là tiền đề để có những ngày sau. Sau khi Chúa kết thúc mỗi công việc sáng tạo, Ngài đều tuyên bố điều đó là tốt lành. Chúa có mối quan hệ với vũ trụ từ rất lâu trước khi loài người xuất hiện. Điều đó không thách thức mối quan hệ đặc biệt của chúng ta với Chúa, bởi vì chúng ta được tạo ra theo hình ảnh Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cần biết có những sự thật lớn hơn về mối quan hệ giữa Chúa với mọi thứ trong vũ trụ này.
Giáo sư cho rằng mình sẽ đặt những câu hỏi nào trong mười hoặc hai mươi năm nữa? Những khám phá trong tương lai có đặt ra câu hỏi lớn hơn nữa về ý nghĩa hoặc mục đích của chúng ta?
Tôi hy vọng như vậy! Câu hỏi đặt ra là liệu tôi có để Chúa giúp mình nhìn thấy những điều đó không? Đôi mắt tôi sẽ mở ra bao nhiêu để hiểu được ý nghĩa và mục đích của việc tôi đang làm? Tôi rất vui khi Chúa khiến tôi ngạc nhiên, chẳng hạn như khi thí nghiệm đi theo hướng không ngờ đến, và chúng tôi khám phá ra điều mới mẻ hơn! Bất kỳ nghiên cứu nào được thực hiện với tinh thần tin kính đều mở đường cho Chúa đến với cuộc sống chúng ta. Tôi hy vọng mình sẽ vẫn làm điều đó trong thời gian 10 hoặc 20 năm nữa, bởi vì công việc ấy không bao giờ khiến tôi thất vọng. Lúc đó có lẽ tôi sẽ chỉ đóng một vai trò nhỏ so với những ngôi sao khoa học đang lên. Có lẽ nhiệm vụ của tôi ở tuổi trung niên là làm công tác quản lý, tạo dựng và duy trì không gian làm việc cho những bộ óc trẻ hơn, nhạy bén hơn để tiến xa hơn những gì tôi có thể. Tuy nhiên, việc tham gia trực tiếp vào nghiên cứu mang lại cho tôi những lợi ích mà các hoạt động khác hiếm khi làm được. Bất kể Chúa kêu gọi tôi làm điều gì tiếp theo, tôi biết rằng nếu càng để Chúa gần bên khi chúng ta đặt câu hỏi, thì tất cả mọi thứ càng trở nên thú vị. Kế hoạch của Chúa mang đến những thành quả tốt hơn của tôi.
Bài: Faraday Institute; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn:https://www.christiantoday.com/article/why.belief.in.god.makes.science.more.interesting.not.less/138039.htm)