Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh“Trang cá nhân” của bạn có tôn vinh Chúa không?

“Trang cá nhân” của bạn có tôn vinh Chúa không?

Mỗi bài đăng trên mạng xã hội đều là lời chứng phản ánh bản thân, gia đình và Hội Thánh chúng ta, cho dù chúng ta có muốn hay không.

Những dòng trạng thái tôi đăng lên mạng phản ánh điều gì về Đấng Christ? Liệu những lời đó có bày tỏ tôi là tín đồ Đấng Christ không?

Thế giới đang phán xét Hội Thánh ngày nay. Họ muốn thấy sự khác biệt giữa chúng ta với những người hư mất. Làm sao chúng ta dám mạo hiểm lời chứng về Đấng Cứu Rỗi mình chỉ vì vài lượt thích trên mạng xã hội?

Bạn có lạm dụng quyền tự do ngôn luận?

Quyền tự do ngôn luận cho phép chúng ta nói bất cứ điều gì mình muốn mà không bao giờ bị phạt. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận chỉ áp dụng cho chính phủ và những người có thẩm quyền. Do đó, quyền tự do ngôn luận của chúng ta vẫn có những giới hạn.

Chúng ta không thể sử dụng quyền này như một cái cớ để thóa mạ người khác. Cơ Đốc nhân phải cẩn thận để không bị khiển trách và tránh ảnh hưởng đến danh tiếng của Hội Thánh địa phương.

Bạn có nghiện mạng xã hội?

Phao-lô viết cho Hội Thánh trong 1 Cô-rinh-tô 6:12: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi”. “Có ích” nghĩa là góp phần giúp chúng ta gần gũi Chúa Jêsus hơn. Chúng ta có quyền tự do theo giao ước mới với Đấng Christ, nhưng không phải mọi việc làm đều “có ích” cho lời chứng của chúng ta.

Chứng nghiện mạng xã hội khiến chúng ta bị bắt phục và bị thế giới phán xét. Các bài đăng trở thành lời chứng của chúng ta, chống lại mối quan hệ của chúng ta với Đấng Christ. Thông qua mạng xã hội, chúng ta yêu cầu thế giới chấp nhận mình, hoặc cho mình lời khuyên trong một hoàn cảnh hoặc tình huống nào đó. Khi ấy, chúng ta đang đặt mình dưới mệnh lệnh và quan điểm của một xã hội không tin kính. Trong 1 Cô-rinh-tô 6:1, Phao-lô hỏi: “Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ?”

Khi đăng đàn lên mạng xã hội để xin lời khuyên, chúng ta đang nói với cả thế giới rằng: “Tôi muốn nghe ý kiến ​​của thế gian hơn là ý kiến ​​Hội Thánh hoặc Kinh Thánh”. Tại sao những người nhận được quyền năng Thánh Linh như chúng ta lại cố khiến người khác chú ý đến mình, trong khi việc đó có thể nguy hiểm cho lời chứng về đời sống đổi mới nhờ Chúa Jêsus của chúng ta?

Bạn có suy xét trước khi đăng bài?

Trước khi đăng bài hoặc hình ảnh lên mạng xã hội, hãy xem xét liệu hành động của tôi có làm sáng danh Đấng Christ trong tôi hay không. “Làm sáng danh” có nghĩa là tôn vinh hoặc tán dương. 

Vì vậy, trước khi đăng bài, chúng ta phải tự hỏi mình: “Liệu bài đăng này có tôn vinh Đấng Christ không?” Trong 1 Cô-rinh-tô 6:20, Phao-lô giải thích: “Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.”

Nếu việc đăng bài làm tổn hại đến lời chứng của tôi hoặc cản trở bước đường người khác đến Đấng Christ, thì tại sao chúng ta nhất định phải đăng? Chúng ta không tôn vinh Đấng Christ. Nếu bài đăng của tôi gây ra những tội lỗi xác thịt như ác ý, đố kỵ hoặc căm ghét, thì chúng ta đang vô tình gây cớ vấp phạm cho người khác.

Phao-lô cảnh báo Hội Thánh trong Rô-ma 2:23-24 về việc làm ô danh Đấng Christ: “Ngươi khoe mình về luật pháp mà bởi phạm luật pháp làm nhục đến Đức Chúa Trời! Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại, như lời đã chép”. Cơ Đốc nhân cần hết sức lưu ý để không làm ô uế quyền năng Chúa chúng ta.

Bạn có đánh mất những mối quan hệ ngoài đời thật?

Bàn phím điện thoại là “cái lưỡi” của thế hệ chúng ta. Khi quá tập trung vào công nghệ, chúng ta không còn màng tới các mối quan hệ thật sự. Chúng ta mất khả năng phân biệt thái độ và tính cách của người khác, bởi vì cả hai đều khuất sau màn hình. Đôi khi sự hài hước lại bị xem là xúc phạm. Hình ảnh bị chỉnh sửa hào nhoáng đến mức chúng ta không thể nhận ra nhau khi gặp ngoài đời. 

Sách Châm-ngôn cảnh báo về sự nguy hiểm của cái lưỡi nếu chúng ta không cân nhắc kỹ lưỡng lời nói của mình. Châm-ngôn 15:2 cho chúng ta biết “Lưỡi người khôn ngoan truyền ra sự tri thức cách phải; nhưng miệng kẻ ngu muội chỉ buông điều điên cuồng”. 90% nội dung trên mạng xã hội đều ngớ ngẩn. Phần lớn nội dung không có ích lợi gì cho đời sống tâm linh, không những thế còn ảnh hưởng xấu đến thể chất, tình cảm và tinh thần của chúng ta. Châm ngôn 18:21 nói rằng: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi; kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó”.

Châm ngôn 21:23 chép: “Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn.” Nếu chúng ta không lưu tâm đến lời chứng của mình trên mạng xã hội, Hội Thánh sẽ phải gánh chịu hậu quả tâm linh.

Cái lưỡi có gây nguy hiểm cho lời chứng của bạn không?

Qua thư Gia-cơ, chúng ta có thể đoán rằng ông sẽ không bao giờ mở một tài khoản mạng xã hội vì việc này rất nguy hiểm. Gia-cơ 3:5-6 chép: “Cũng vậy, cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên! Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy”

Câu 8 cảnh báo: “Nhưng cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết”. Cái lưỡi, hay trong trường hợp này là các ngón tay lướt trên màn hình, có thể thắp lên một ngọn lửa không thể dập tắt, hủy hoại vô vàn lĩnh vực trong cuộc sống chúng ta. Hãy tự hỏi bản thân: “Liệu có đáng để mạo hiểm không?” Mong muốn trở nên nổi bật trên mạng xã hội đang âm thầm phá hủy lời chứng tâm linh của chúng ta.

Bạn tìm kiếm sự yên ủi nơi mạng xã hội hay nơi Chúa?

Hãy cẩn thận khi bày tỏ những khó khăn của mình trên mạng để được thế giới an ủi. Thành thật mà nói, thế giới không có thiện cảm với con dân Đức Chúa Trời. Thi thiên 41:5-6, Đa-vít đau khổ khi nói về kẻ thù mình: “Những kẻ thù nghịch tôi, chúc tôi điều ác, mà rằng: nó sẽ chết chừng nào? Danh nó sẽ diệt khi nào? Nếu có người đến thăm tôi, bèn nói những lời dối trá; lòng nó chứa cho nó gian ác; rồi nó đi ra ngoài nói lại.” Những lời này phản ánh một thế giới đạo đức giả. Những vị khách đến thăm không hề hy vọng rằng Đa-vít sẽ khỏe lại. Sau khi rời khỏi, có lẽ họ đã nói: “Trông anh ta có gớm không cơ chứ?” hoặc “Tôi không nghĩ anh ta sẽ khỏe lại đâu!”

Thế giới không quan tâm đến nỗi đau của bạn trên mạng xã hội. Ngay cả nếu có, thế giới cũng không có quyền hướng về Cha Thiên Thượng để cầu thay cho bạn. Mặc dù họ có thể bình luận: “tôi cầu nguyện cho bạn” hoặc “rồi bạn sẽ ổn thôi”, nhưng ngay sau đó họ có thể nhắn tin với người khác nói rằng bạn sắp chết. Khi tìm kiếm sự thông cảm và chia buồn từ thế gian, Cơ Đốc nhân đang chứng tỏ tình trạng thuộc linh yếu kém, thiếu niềm tin vào bản thân và cộng đồng Cơ Đốc. 

Lưu ý cho các lãnh đạo Cơ Đốc khi dùng mạng xã hội 

Các lãnh đạo Hội Thánh phải nhận thức sáng suốt hơn, rằng các bài đăng trên mạng xã hội có thể cản trở họ làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo Chúa giao. Không ai trong chúng ta thích bị người khác “đánh giá”. Tuy nhiên, khi công khai phần lớn cuộc sống mình lên mạng xã hội, chúng ta đang mời gợi cả thế giới đánh giá mình. Thế gian đánh giá thế nào nếu một mục sư thường xuyên đăng tải hình ảnh nhà cao cửa rộng, xe hơi sang trọng hay tài sản quý giá của ông? 

Trong 1 Cô-rinh-tô 12:20,26, Phao-lô nói rằng: Hội Thánh trên đất “có nhiều chi thể, song chỉ có một thân” và “khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu”. Vì vậy, nếu tôi bày tỏ những thứ sai trật trên mạng, tôi đang sỉ nhục cả Đấng Cứu Rỗi và Hội Thánh địa phương của mình. Một lần nữa, liệu có đáng để hy sinh lời chứng đời đời của mình chỉ để được nổi tiếng trên mạng xã hội?

Lời kết 

Mạng xã hội xuất hiện sau Kinh Thánh hơn 2000 năm. Lời Chúa đầy năng quyền và luôn chính xác trong mọi thời đại. Lời Chúa không chứa đựng những điều mơ hồ cần con người giải thích, hoặc cần thay đổi cho phù hợp với thời đại, ý muốn của con người, hoặc nhận thức của xã hội.

Các văn bản pháp luật của con người rất mơ hồ, vì những sự kiện hoặc diễn biến bất ngờ, thiếu xác thực. Còn Đức Thánh Linh là lời giải thích duy nhất cần thiết cho Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cần tham gia nghiên cứu Kinh Thánh, giảng dạy và lắng nghe Lời Đức Chúa Trời để trau dồi và định hình tư duy, nhưng Đức Thánh Linh chính là “thông dịch viên” Lời Chúa cho chúng ta.

Đức Thánh Linh hướng dẫn để Cơ Đốc nhân phân biệt được liệu những suy nghĩ, lời nói và hành động mình định làm có tôn vinh Đấng Cứu Rỗi hay không. Chúng ta phải nghe theo lời Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 10:31: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”.

Bài: Chad Napier; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/what-does-your-social-media-account-say-about-your-testimony.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN