Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhKhi tương lai không diễn ra như mong muốn

Khi tương lai không diễn ra như mong muốn

Rất nhiều người đang đối mặt với nhiều thách thức. Cuộc hôn nhân thất bại, lạnh nhạt. Thể chất suy yếu khiến cuộc sống trì trệ, đau đớn. Con cái không tin Chúa Jêsus. Cha mẹ già cần bạn chăm sóc. Làm việc chỉ đơn thuần để kiếm tiền trang trải, chứ chẳng phát triển gì hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi hành trình phía trước trông thật ảm đạm, Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta tìm kiếm niềm vui sâu sắc nơi Ngài, qua những câu chuyện như câu chuyện của Gióp.

Phải làm gì khi mọi thứ đảo lộn 

Dù không chắc Gióp bao nhiêu tuổi khi tai họa ập đến, nhưng chúng ta biết rằng lúc ấy ông đã có 10 người con, và được mô tả là “lớn hơn hết trong cả dân Đông phương” (Gióp 1:3). Ông đứng trên đỉnh vinh quang cho đến khi thảm họa ập đến. Trong phút chốc, ông mất toàn bộ tài sản và của cải (Gióp 1:15–17), con cái (Gióp 1:19), sức khỏe (Gióp 2:7) và sự ủng hộ của vợ mình (Gióp 2:9). Tất cả những gì còn lại là mạng sống của ông, và Đức Chúa Trời. Phần đời còn lại của ông hoàn toàn khác biệt so với trước đây. 

Nhưng cuộc đời Gióp mang lại cho chúng ta nhiều hy vọng, khi tương lai dường như đi chệch hướng. Dưới đây là 3 bài học từ Gióp giúp chúng ta vui thỏa nơi Chúa, ngay cả khi những giông bão đang chờ đợi phía chân trời.

  1. Đừng nhìn lại quá khứ

Khi tương lai hứa hẹn những điều tồi tệ, chúng ta thường nhìn lại quá khứ và bị ám ảnh với những câu hỏi “liệu rằng”. Nếu như trước đây tôi đưa ra quyết định đúng đắn hơn, liệu rằng tôi có rẽ sang một con đường khác hạnh phúc hơn ở phía trước không?

Gióp là một người “vốn trọn vẹn và ngay thẳng”, ông chắc chắn không thể tự chuốc lấy đau khổ cho mình (Gióp 1:1). Nhưng chính ông và bạn bè ông lại không biết điều đó, dẫn đến việc tự dằn vặt bản thân, cố gắng xác định xem nguyên nhân nào đã gây ra tai họa này. Khi nỗi đau gây ảnh hưởng đến tương lai, chúng ta nên ăn năn về những tội lỗi mình biết, và có thể giả định rằng Đức Chúa Trời đang kỷ luật chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường không biết tại sao mình lại phải chịu đau khổ. Khi học cách chấp nhận và không tiếp tục đào sâu lý do, chúng ta sẽ được nghỉ ngơi trong cánh tay săn sóc của Đức Chúa Trời. 

  1. Chúa không nợ chúng ta một tương lai tươi sáng

Nhiều người tin rằng tương lai của họ phải thật hạnh phúc và thoải mái. Khi Đức Chúa Trời chuyển hướng câu chuyện, chúng ta rất dễ nổi giận và đòi hỏi một lý do chính đáng. Đức Chúa Trời chưa bao giờ giải thích với Gióp vì sao ông phải chịu đau khổ. Có thể Ngài cũng sẽ không giải thích cho bạn. Chúa không nợ chúng ta một lời giải thích.

“Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông sáng, hãy tỏ bày đi” (Gióp 38:4)

Đức Chúa Trời nhắc nhở rằng chúng ta không có khả năng hiểu được mục đích của Ngài, rằng tại sao tương lai sẽ không đi theo kịch bản thông thường. Có thể Chúa không thay đổi tương lai, nhưng Ngài sẽ thay đổi quan điểm của chúng ta, hướng chúng ta về phía sự uy nghiêm và tình yêu thương Ngài. Khi thực sự nhận biết rằng Đức Chúa Trời vừa là Đấng Tối Cao vừa là Đấng Tốt Lành, chúng ta có thể bình thản đón nhận mọi điều mà không hề oán giận, và vui vẻ giao trọn tương lai cho Ngài hoạch định.

  1. Dâng trình tương lai mờ mịt của bạn lên Ngài

Khi sức chịu đựng đã chạm đến ngưỡng giới hạn, thì suy nghĩ và cảm xúc bộc phát là điều tự nhiên. Trong một khoảnh khắc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ tức giận và hờn trách Chúa, sau đó lại khao khát Ngài ban sự tha thứ và đức tin.

Trong cơn túng quẫn, Gióp buộc tội Đức Chúa Trời đối xử tệ bạc và không công bằng với ông (Gióp 19:6). Nhưng ngay sau đó, ông thốt ra những lời tuyệt vời:

“Còn tôi, tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất. Sau khi da tôi, tức xác thịt nầy, đã bị tan nát, nấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời” (Gióp 19: 25–26)

Khi chật vật trên con đường đầy chông gai Chúa đặt trước mặt mình, chúng ta không cần phải giả vờ rằng mình vẫn ổn. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta mang nỗi buồn và những bối rối đến với Cha. Như Paul Miller đã nói: “Cách duy nhất để đến với Chúa là cởi bỏ chiếc mặt nạ của bạn. Bạn phải gặp Chúa bằng chính con người thật của bạn.”

Chờ ngày Chúa đến

Có thể bạn đang nghĩ: “Cuộc đời Gióp đúng là đau khổ hơn tôi thật, nhưng ít ra câu chuyện của ông cũng kết thúc có hậu. Chúa đã trả lại cho ông tất cả những gì ông đã mất. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với tôi!” Có thể bạn đúng. Cuộc đời chúng ta chứa đầy những mất mát sâu sắc không bao giờ có thể phục hồi. Khi ấy, chúng ta cần nhìn xa hơn câu chuyện của chính mình, để thấy được câu chuyện của Chúa Jêsus.

Chúa Jêsus đã chịu đựng nỗi đau và sỉ nhục khủng khiếp bằng cách luôn tập trung vào “sự vui mừng đã đặt trước mặt mình” (Hê-bơ-rơ 12:2). Kết thúc buồn của Ngài chưa phải là kết thúc cuối cùng. Và tương lai của bạn, cho dù buồn đến đâu, cũng không phải là kết thúc cuối cùng cho bạn.

Trong khi kiên trì chịu đựng đau khổ như Gióp (Gia-cơ 5:11), chúng ta cũng đang chờ đợi ngày Chúa trở lại (Gia-cơ 5:7–9). Khi ấy, Đức Chúa Trời sẽ biến đổi tương lai tăm tối của chúng ta. Một ngày không xa, những nỗi buồn chờ đợi ở phía trước sẽ hoàn toàn tan biến. Trong nháy mắt, tương lai ảm đạm của chúng ta sẽ hóa ra sáng láng. Bạn có thể hình dung ngày ấy chứ?

Như C.S. Lewis đã nói: “Vào ngày ấy, chúng ta sẽ bắt đầu Chương Một của Câu chuyện Vĩ đại mà chưa ai trên thế gian từng được đọc: một câu chuyện kéo dài mãi mãi, và mỗi chương sau đều tuyệt vời hơn chương trước đó.”

Bài: Bryan Stoudt; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/when-the-future-you-planned-for-never-comes)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN