Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhVì Sao Nhiều Cơ Đốc Nhân Thiếu Đức Tin?

Vì Sao Nhiều Cơ Đốc Nhân Thiếu Đức Tin?

Vì Sao Nhiều Cơ Đốc Nhân Thiếu Đức Tin?

Sứ đồ Phao-lô khuyến khích Cơ Đốc nhân “bước đi bằng đức tin, chứ không bởi mắt thấy” (2 Cô-rinh-tô 5:7). Đây là hình ảnh tương phản giữa sự thật và nhận thức – giữa những gì chúng ta tin là đúng và những gì chúng ta cho là đúng. Đây cũng chính là khởi nguồn cuộc đấu tranh giữa Cơ Đốc nhân với sự thiếu đức tin. Lý do rất nhiều Cơ Đốc nhân phải tranh đấu với sự thiếu đức tin: chúng ta thường nghe theo nhận thức của mình để xác định đúng sai, hơn là tuân theo điều mà đức tin chúng ta cho biết là đúng.

Trước tiên, chúng ta cần định nghĩa chính xác về đức tin. Trái với quan điểm phổ biến, đức tin không phải là “niềm tin vô cớ.” Đây là định nghĩa về đức tin mà những người hoài nghi đặt ra. Định nghĩa này biến đức tin thành một tín ngưỡng luận tầm thường: “Bất kể bằng chứng là gì tôi vẫn tin”. Những người hoài nghi có quyền bác bỏ kiểu đức tin này, và ngay cả Cơ Đốc nhân cũng vậy. Đức tin không phải là niềm tin không có bằng chứng hoặc bất chấp bằng chứng. 

Nói một cách chính xác, đức tin là sự tin cậy hoàn toàn vào một ai đó hoặc điều gì đó. Niềm tin chúng ta đặt nơi một người sẽ được xây dựng theo thời gian, khi họ chứng tỏ mình trung tín và chân thành hết lần này đến lần khác.

Cơ Đốc giáo là một tôn giáo đặt trên nền tảng đức tin. Cơ Đốc giáo dựa trên đức tin nơi Đức Chúa Trời và Con Ngài, Đức Chúa Jêsus Christ. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Lời Ngài qua Kinh Thánh, như một bằng chứng về sự thành tín đối với dân Ngài trong suốt dòng lịch sử. 

Về bản chất, Cơ Đốc giáo là đức tin nơi bản thể và công việc của Đức Chúa Jêsus Christ. Chúa Cứu Thế Jêsus tự xưng Ngài là Đấng Mê-si và là Con Đức Chúa Trời. Ngài sống cuộc đời công bình trọn vẹn theo Luật pháp Đức Chúa Trời đã mặc khải, Ngài đã hy sinh chuộc tội cho dân Ngài, và Ngài đã phục sinh ba ngày sau đó. Khi chúng ta đặt đức tin nơi một mình Đấng Christ để được cứu rỗi, Đức Chúa Trời mang tội lỗi chúng ta đặt trên thập tự giá Đấng Christ, và ban thưởng cho chúng ta, bởi ân điển, nhờ sự công bình trọn vẹn của Đấng Christ. Tóm lại, đó chính là sứ điệp Tin Lành. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta được kêu gọi tin và sống theo sứ điệp đó.

Mặc dù vậy, nhiều Cơ Đốc nhân vẫn phải tranh đấu để có thể tin vào Lời Kinh thánh, vì Lời ấy dường như không phù hợp với nhận thức thực tế của chúng ta. Chúng ta có thể tin rằng Đức Chúa Jêsus là một con người có thật, rằng Ngài đã chết khi bị người La Mã đóng đinh trên thập tự, chúng ta thậm chí có thể tin rằng Ngài đã sống một cuộc đời trọn vẹn theo Luật pháp Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta không “thấy” được đức tin nơi Đấng Christ khiến mình trở nên công bình trước mặt Đức Chúa Trời như thế nào. Chúng ta không “thấy” cách Đức Chúa Jêsus chuộc tội cho mình. Vì không thể “ thấy” hoặc “hiểu” bất kỳ chân lý Cơ Đốc tuyệt vời nào, chúng ta phải đấu tranh với việc thiếu đức tin. Chính bởi sự thiếu nhận thức, đời sống chúng ta thường không thể hiện rằng chúng ta đang thực sự tin những gì mình nói rằng mình tin.

Lý do chính khiến Cơ Đốc nhân phải tranh đấu với sự thiếu đức tin là: chúng ta không thực sự biết Đức Chúa Trời – Đấng mà chúng ta xưng là mình tin. Trong cuộc sống, chúng ta không tin tưởng những người xa lạ. Càng quen biết một người lâu và có thời gian chứng kiến việc họ làm, chúng ta càng dễ tin những gì họ nói hơn. Nhưng, nếu Đức Chúa Trời là một Đấng xa lạ đối với chúng ta, thì chúng ta thường khó có thể tin những gì Ngài phán qua Lời Ngài. Phương án duy nhất là dành nhiều thời gian hơn cho Lời Chúa để hiểu biết thêm về Ngài.

Thế gian, xác thịt và ma quỷ thường làm chúng ta mất tập trung. Bởi “thế gian” có nghĩa là “sự khôn ngoan” thuộc về thế giới và nền văn hóa không tin kính mà chúng ta đang sống. Thế giới quan đang chi phối chúng ta bao gồm chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa vô thần. “Xác thịt” ám chỉ bản chất tội lỗi vẫn đeo bám các Cơ Đốc nhân, và chúng ta phải đấu tranh hàng ngày. “Ma quỷ” ám chỉ sa-tan và tay sai của hắn, những kẻ kích động và lôi kéo chúng ta qua chính thế gian này và các giác quan của chúng ta. Tất cả những điều này hợp lại làm khổ chúng ta và khiến chúng ta phải đấu tranh để có thể tin cậy. 

Đó là lý do Cơ Đốc nhân cần được thường xuyên nhắc nhở về những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta, và ta nên đáp ứng như thế nào. Sứ đồ Phao-lô nói: “Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Đức tin được gây dựng khi chúng ta liên tục tiếp nhận Phúc Âm. Hội thánh cần được gây dựng dựa trên việc liên tục rao giảng Lời Chúa, và thường xuyên thực hiện các giáo lễ. Tuy vậy, quá nhiều Hội thánh dành thời gian, năng lượng và nguồn lực để tạo ra các “chương trình” thiếu vắng Lời Chúa, cũng như không phân biệt rõ ràng giữa tin kính và không tin kính.

Hãy xem tấm gương của dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước. Đức Chúa Trời đã làm những phép lạ vĩ đại để giải cứu tuyển dân Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập – mười bệnh dịch, trụ mây và trụ lửa, cũng như vượt qua Biển Đỏ. Đức Chúa Trời đưa dân Ngài đến chân núi Si-na-i, ban cho họ Luật pháp và lập giao ước với họ. Ngài làm điều này không bao lâu thì dân sự bắt đầu lằm bằm và mất đức tin. Khi Môi-se lên núi, dân sự thuyết phục A-rôn tạo ra một thần tượng (việc này là trái với điều răn của Đức Chúa Trời) để họ thờ phượng (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1–6). Họ không còn bước đi bằng đức tin, mà là bằng mắt thấy. Bất chấp tất cả những phép lạ rõ ràng mà Đức Chúa Trời đã làm để cứu chuộc họ, họ vẫn mất đức tin và bắt đầu muốn sống theo nhận thức của mình.

Đó là lý do Đức Chúa Trời khuyên thế hệ sau của Y-sơ-ra-ên trước khi vào Đất Hứa, rằng phải liên tục nhắc nhở bản thân về những gì Ngài đã làm cho họ: “Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em ngày nay. Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy” (Phục truyền luật lệ ký 6:6–7). Chúa biết rằng “Tâm linh thì tha thiết, mà xác thịt lại yếu đuối” (Mác 14:38), vì vậy Ngài ra lệnh cho dân sự phải thường xuyên ghi nhớ việc Ngài làm.

Cuối cùng, hãy chú ý đến gương của môn đồ Thô-ma. Khi Thô-ma nghe câu chuyện phục sinh, ông đã không tin cho đến khi tận mắt nhìn thấy Đức Chúa Jêsus. Ngài đã giải quyết sự thiếu đức tin của Thô-ma bằng cách xuất hiện trước mặt ông, cho ông nhìn thấy và chạm vào Ngài. Bây giờ khi Thô-ma đã tin, Đức Chúa Jêsus nói: “Có phải vì thấy Ta nên con tin chăng? Phước cho những người không thấy mà tin!” 

Nhiều người hoài nghi ngày nay cũng nói giống như Thô-ma: “Nếu tôi chưa nhìn thấy Đức Chúa Jêsus mặt đối mặt, tôi sẽ không tin Ngài!” Chúng ta không được cư xử như những người không tin. Hãy luôn ghi nhớ lời khuyên của Phao-lô: “bước đi bằng đức tin, chứ không bởi mắt thấy”. Sách Hê-bơ-rơ dạy chúng ta rằng “Không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 11:6), bởi vì đức tin không sống theo nhận thức của bản thân, mà là tin cậy Lời Chúa và sống theo Lời ấy.

(Kinh thánh BTTHĐ)

Nguồn: gotquestions.org
Dịch: Jennie

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN