Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh11 Lý Do Để Chia Sẻ Phúc Âm

11 Lý Do Để Chia Sẻ Phúc Âm

  1. Phúc Âm mang đến cuộc sống mới

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17).

Đức Chúa Trời đã đặt để nhiều người trong cuộc sống của chúng ta. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm – họ có thể đang sống hoặc chết tâm linh. Tất cả đều mang một vết thương chí mạng – tội lỗi. Nếu không lắng nghe và đáp lại Tin Lành Chúa Jêsus, họ sẽ đời đời sống trong hỏa ngục (Ma-thi-ơ 25:46).

Phúc Âm Đấng Christ ban cuộc sống mới cho những người hư mất, dùng sự công bình Ngài để biện minh cho họ, nhờ đó họ nhận được sự sống đời đời sung mãn với Đức Chúa Trời. Đây là lý do duy nhất chúng ta cần phải chia sẻ Phúc Âm.

Nhưng trong Lời Đức Chúa Trời, có ít nhất 10 lý do khác khuyến khích chúng ta chia sẻ sứ điệp cứu rỗi và biến đổi của Chúa Jêsus.

10 lý do khác để chia sẻ Phúc Âm

  1. Phúc Âm là sứ mệnh Chúa Jêsus giao cho chúng ta

“Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người” (Mác 16:15).

Mạng lệnh này của Chúa Jêsus không thể rõ ràng hơn nữa. Hãy đi. Hãy nói. Mọi môn đồ Chúa Jêsus đều nhận được mạng lệnh này. Vậy tại sao đôi khi chúng ta lại chần chừ? “Truyền giáo không phải là ân tứ của tôi” – chúng ta khẳng định. “Nếu tôi lỡ nói gì sai thì sao?” chúng ta băn khoăn. Tôi thừa nhận đôi lúc chúng ta sẽ cảm thấy khó xử khi chia sẻ Phúc Âm. Vâng phục không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đó là lý do Chúa Jêsus gọi điều này là “vác thập tự giá mình” (Ma-thi-ơ 16:24). Nhưng sự vâng lời luôn luôn đúng. Và điều đó làm đẹp lòng Chúa.

  1. Chia sẻ Phúc Âm bày tỏ tấm lòng Đức Chúa Trời

“Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ” (2 Phi-e-rơ 3:18).

Chúng ta có thể học biết thêm về Đức Chúa Trời bằng cách học Kinh Thánh. Nhưng kiến thức sẽ thật sự bén rễ khi chúng ta bắt đầu chia sẻ với người khác những gì mình biết. Tương tự như vậy, khi chia sẻ với người khác những gì chúng ta học được về Chúa Jêsus, sự hiểu biết  của chính chúng ta về Ngài cũng sẽ được củng cố. Đôi khi những câu hỏi về Đức Chúa Trời mà người khác đặt ra khiến chúng ta bối rối. Đó chẳng phải là cơ hội hoàn hảo để đào sâu vào Lời Chúa và tìm kiếm những kiến thức mới mẻ cho chính mình sao?

  1. Chia sẻ “cây Phúc Âm” và “hạt giống đức tin”.

“Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên” (1 Cô-rinh-tô 3:7).

Mọi nông dân đều biết rằng nếu không gieo và chăm sóc thì không bao giờ có ngày thu hoạch. Chúa Jêsus ví Phúc Âm như hạt giống mà chúng ta phải gieo không ngừng nghỉ. Đôi khi, Phúc Âm rơi vào một tấm lòng màu mỡ và có thể nảy mầm ngay lập tức. Cũng đôi khi, hạt giống ấy chỉ chớm thắp lên một mối quan hệ với Đấng Christ. Dù thế nào, hãy hiểu rằng yếu tố tăng trưởng của hạt giống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Một người nông dân không thể điều khiển thời tiết. Chúng ta cũng không thể tự tạo ra một mùa gặt thuộc linh bội thu. Trách nhiệm đó thuộc về Chúa.

  1. Chúa nói rằng mùa gặt thuộc linh đã đến kỳ thu hoạch 

Ngài nói với các môn đồ: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít” (Ma-thi-ơ 9:37).

Chúa muốn nói gì qua điều này? Không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ ai đã “chín muồi” để thu hoạch thuộc linh. Thực tế, hầu hết mọi người không thừa nhận nhu cầu của họ dành cho Phúc Âm. Nhưng nếu Chúa nói nhiều người đã sẵn sàng nhận lãnh Phúc Âm, thì đó là sự thật. Và, nếu chúng ta sẵn sàng, Chúa sẽ dẫn chúng ta đến với những người mong muốn được vào vương quốc Ngài. Bạn có sẵn lòng làm con gặt cho Ngài? Không gì sánh bằng niềm vui khi chứng kiến Chúa tìm kiếm và cứu rỗi một linh hồn hư mất.

  1. Chia sẻ Phúc Âm khiến cõi Thiên Đàng mừng rỡ

“Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn” (Lu-ca 15:10).

Khi Chúa ban sự sống mới cho một linh hồn hư mất, niềm vui của bạn không là gì so với bữa tiệc mừng trên Thiên Đàng. Chúa Jêsus nói về điều này trong các dụ ngôn về những điều bị lạc mất – đồng xu lạc mất của người góa phụ, con chiên lạc lang thang và đứa con hoang đàng lạc lối. Mỗi khi tìm thấy vật/người bị mất, sẽ có một dịp ăn mừng vui vẻ. Những câu chuyện này mô tả bữa tiệc mừng trên Thiên Đàng mỗi khi có người ăn năn và trở về với Chúa. Thật là một đặc ân khi được tham gia bữa tiệc này!

  1. Chia sẻ Phúc Âm hiệp nhất những người theo Chúa

“Chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ” (1 Giăng 1:3).

Có một mối liên kết đặc biệt giữa những người theo Chúa, bắt đầu với cùng một Thánh Linh ngự trị trong mỗi chúng ta. Mối liên kết trở nên sâu sắc hơn khi chúng ta làm việc cùng nhau để chia sẻ sứ điệp Đấng Christ. Cùng hướng tới cùng một mục đích sẽ gắn chặt mối thông công giữa các cá nhân khác biệt. Phúc Âm liên kết con cái Chúa từ mọi vị trí địa lý, dân tộc, chủng tộc, văn hóa và giai cấp (Ê-phê-sô 2:14).

  1. Chúng ta noi gương Đấng Christ khi chia sẻ Phúc Âm

“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5).

Toàn bộ cuộc đời Chúa Jêsus tập trung vào Phúc Âm. Đức Chúa Trời yêu thương con người tan vỡ đến nỗi đã sai Con Một yêu dấu của Ngài xuống thế gian, sống một cuộc đời khiêm nhu để trả món nợ tội lỗi, đổ huyết Ngài trên thập tự giá. Khi làm cho Chúa Jêsus sống lại, Đức Chúa Trời đã chứng minh thẩm quyền Ngài trên sự chết, cũng như ban sự sống đời đời cho bất cứ ai tin và đầu phục Ngài. Sống và chia sẻ Phúc Âm đòi hỏi chúng ta phải hy sinh cuộc đời mình để trở nên giống như Chúa Jêsus, mặc dù mức độ hy sinh của chúng ta không thể sánh với Ngài. 

  1. Phúc Âm khích lệ các tín đồ

“Về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta” (1 Cô-rinh-tô 1:24-25).

Đương nhiên chúng ta biết rằng Phúc Âm là sứ điệp cứu rỗi. Nhưng bạn có nghĩ rằng Phúc Âm cũng là sức mạnh cho cuộc sống hàng ngày, để sự khôn ngoan Chúa tăng trưởng hàng ngày trong chính chúng ta không? Quyền năng Phúc Âm giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi và đón nhận sự công bình Đấng Christ. Khi nói về Phúc Âm với các tín đồ khác, chúng ta cũng đang khích lệ nhau sống cho Đấng Christ.

  1. Phúc Âm tăng thêm việc lành cho thế gian

“Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; 10 vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:9-10).

Chúng ta thường khoanh tay bất lực trước thế gian tội lỗi xấu xa. Liệu một cá nhân có thể thay đổi điều gì chứ? Đúng vậy, thế gian này chính xác là một “tin xấu”. Nhưng điều đó không thể cản trở Tin Lành Chúa Jêsus. Khi chúng ta truyền bá Phúc Âm, sẽ có người nhận lãnh và tiếp tục lan tỏa lòng tốt cũng như ân điển Chúa, trở thành ngọn đèn giữa thế gian tăm tối. Vâng, Phúc Âm có thể thay đổi thế giới. 

  1. Chia sẻ Phúc Âm nghĩa là tôn vinh Đức Chúa Trời

“Tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ” (Ê-sai 43:7).

Khi chúng ta dẫn mọi người đến chân thập tự giá, thì Đức Chúa Trời đang được tôn vinh. Khi một người quyết định đặt lòng tin nơi Chúa Jêsus, thì Đức Chúa Trời đang được tôn vinh. Chúng ta được tạo ra để tôn vinh Đức Chúa Trời trong mọi lời nói và hành động, nên việc chia sẻ Phúc Âm giúp chúng ta hoàn thành mục đích sống của mình. Không có việc làm nào tốt hơn!

Bài: Annie Yorty; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/-reasons-to-share-the-gospel.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN