Thứ sáu, Tháng mười hai 6, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhLàm Cách Nào Để Tiếp Đón Đức Thánh Linh?

Làm Cách Nào Để Tiếp Đón Đức Thánh Linh?

  1. Đây là một ý tưởng sẽ khiến chúng ta thấy kinh ngạc: nếu bạn ở trong Đấng Christ, thì Đức Chúa Trời đã biến trái tim bạn trở thành nhà của Ngài. Có thể nói, Đức Thánh Linh đã dọn vào, lấp đầy các căn phòng của bạn với sự hiện diện của Ngài. Và Ngài sẽ không bao giờ dọn ra.

    Chúa Giê-xu nói với các môn đồ: “Nếu ai yêu-mến ta, thì vâng-giữ lời ta, Cha ta sẽ thương-yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người.” (Giăng 14:23). Trong Đấng Christ, chúng ta không chỉ có một ngôi nhà trên trời (Giăng 14:2), nhưng Chúa cũng đã xây nên một ngôi nhà cho Ngài trong lòng chúng ta. Chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào hơi ấm từ lò sưởi của Cha chúng ta, nghe thấy những giai điệu đang phát ra và ngửi thấy mùi thức ăn từ bàn của Ngài, bởi vì chính Đức Thánh Linh đang ở đây.

    Và Đức Thánh Linh thật kì diệu. Richard Sibbes (1577–1635), một trong những nhà thần học Thanh giáo vĩ đại về Đức Thánh Linh, nói rằng khi Đức Thánh Linh chiếm hữu chúng ta “để làm nên một ngôi nhà cho chính mình,” Ngài cũng sẽ trở thành Đấng Cố Vấn cho chúng ta giữa những nghi ngờ, Đấng An Ủi trong mọi nỗi đau, Cố Vấn Luật Pháp cho mọi trách nhiệm, Đấng Dẫn Dắt trong suốt cuộc đời, cho đến khi chúng ta về ở với Ngài mãi mãi trên thiên đàng, nơi Người sẽ luôn hiện diện cùng chúng ta. (Tác phẩm của Richard Sibbes, 5: 414)

    Trước khi Đức Thánh Linh đưa chúng ta về trời, Ngài đã đem một điều gì đó từ trời đến cho chúng ta. Vậy thì chúng ta thật ngu ngốc khi làm ngơ hoặc từ chối tiếp đón vị khách cao quý này.

    Tiếp Đón Đức Thánh Linh

    Sibbes thường nói về việc tiếp đón Đức Thánh Linh theo cách của riêng ông vào thế kỉ XVII. Ông nói nó giống với việc thể hiện lòng hiếu khách với Ngài (như trong Hê-bơ-rơ 13:2, “Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp-đãi thiên-sứ mà không biết.”). Nếu Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta (Rô-ma 8: 9–11), thì bổn phận và niềm vui lớn nhất của chúng ta là tiếp đãi Ngài, chào đón Ngài, yêu thương Ngài cho đến khi Ngài đưa chúng ta về trời.

    Vậy thì chúng ta phải làm điều đó như thế nào? Hãy cùng nghe bốn lời khuyên từ Sibbes, một bậc thầy về việc đón tiếp Đức Thánh Linh.

    1. Lắng nghe Ngài

    Đức Thánh Linh, giống như một vị thượng khách đến nói chuyện với chúng ta. Và mặc dù đôi khi có thể những lời Ngài nói nghe hơi khó hiểu về nó mang tính tiên tri (1 Cô-rinh-tô 12: 8,10), thông qua Thánh Kinh, Lời Ngài sẽ trở nên rõ ràng hơn và đầy thẩm quyền. Đây là những lời đã được Ngài cảm thúc (2 Ti-mô-thê 3:16; 2 Phi-e-rơ 1:21), nên đối với những người có tai để nghe, Lời Ngài trở nên “sống động và linh nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12), sự hà hơi của Thánh Linh vẫn luôn có trong Lời Ngài. Theo tôi, “hãy đọc Kinh Thánh” là lời khuyên chúng ta đã nghe quá nhiều. Nhưng Sibbes cảnh báo chúng ta về hai cách đọc Kinh Thánh bằng một đôi tai bị bít lại với Thánh Linh: nghe có chọn lọc và nghe hời hợt.

    Trước tiên, ông cho rằng: “Chúng ta sẽ làm buồn lòng Đức Thánh Linh khi thay vì cố gắng đến gần với Ngài thì chúng ta lại cố gắng lôi kéo Ngài đến gần với chúng ta” (Works, 5:420). Ông nói đến những người đọc Kinh Thánh không phải để nghe những gì Thánh Linh nói (kể cả dù khó nó có khó chịu đến đâu) mà là để nghe những điều họ muốn Ngài nói. Rất dễ để chúng ta quên rằng Lời “sống và linh nghiệm ” cũng “sắc hơn gươm hai lưỡi” (Hê-bơ-rơ 4:12) và Đức Thánh Linh là Đấng cầm thanh gươm đó. Nếu lời nói của Ngài không bao giờ làm chúng ta bị thương (và sau đó Ngài sẽ chữa lành chúng ta), thì chúng ta đang không thực sự lắng nghe Ngài nói.

    Thứ hai, Sibbes nhắm thẳng đến thế hệ hối hả của chúng ta:

    Còn một cách khác chúng ta thường làm buồn Thánh Linh của Đức Chúa Trời là khi quá nhiều thứ trong công việc bủa vây tâm trí chúng ta. . . vì sự bận rộn dẫn đến sự xao lãng; rồi khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời nói những điều tốt nhất để làm ích lợi và đem lại sự bình an của chúng ta, chúng ta không có thời gian để nghe nữa. (422)

    Tiếng nói của Thánh Linh có thể bị át bởi tiếng ồn của cuộc sống đầy xao nhãng này (Mác 4:19). Chúng ta có thể nghe Ngài nói một cách vội vàng và bâng quơ, như một người chồng nghe tiếng vợ mình lao ra khỏinhà. Chúng ta không có thời gian để lắng nghe một cách từ tốn và tập trung để tiếng nói của Thánh Linh dầm thấm hơn.

    Thự sự lắng nghe Đức Thánh Linh đòi hỏi sự khiêm tốn, thời gian và sự yên lặng, giống như chúng ta lắng nghe người phối ngẫu hoặc lắng nghe một người bạn. Chúng ta sẽ làm tốt khi nó là việc đầu tiên chúng ta làm mỗi buổi sáng, hoặc có lẽ vào những thời điểm quan trọng trong ngày. Hãy gạt bỏ tất cả những điều làm chúng ta xao lãng ra khỏi tâm hồn và mời Đức Thánh Linh lên tiếng.

    1. Chú tâm cách Thánh Linh vận hành

    Theo Sibbes, cách vận hành của Đức Thánh Linh có liên quan mật thiết đến Lời Ngài nói. Khi nói đến sự vận hành, ông không đề cập đến cái mà ngày nay gọi là “để lại ấn tượng” (thường mang nghĩa là chúng ta sẽ thực hiện một số hành động bất thường), mà là cái chúng ta có thể gọi là “sự cáo trách”. Sự vận hành là những thôi thúc thuộc linh khiến chúng ta muốn áp dụng một phần cụ thể của Kinh Thánh mà chúng ta đã đọc, đã nghe hoặc đã ghi nhớ vào cuộc sống.

    Ví dụ khi bạn nghe một bài giảng hoặc một bài chia sẻ, và như nó vừa xảy ra với tôi gần đây, bạn cảm nhận được sự vô kỉ luật của mình trong đời sống thuộc linh và cảm thấy cần phải thay đổi. Trong khoảnh khắc đó, bạn có thể cảm thấy một sự khuấy động của Thánh Linh, “Ngài được sai đến để dọn đường cho Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta” (Works, 5: 426).

    Bây giờ câu hỏi sẽ là: Bạn sẽ làm gì? Chúng ta có thể đồng cảm với Sibbes khi ông nói: “Có rất nhiều những sự khuất động thuộc linh khi chúng ta nghe giảng và tham dự các Thánh Lệ, v.v., và chúng tắt ngúm ngay khi chúng ta nghe đến phần giải pháp cho các vấn đề!” (428). Bài giảng kết thúc, chúng ta rời khỏi buổi nhóm và bị cuốn theo dòng đời rồi quên đi những gì chúng ta vừa cảm thấy (Gia-cơ 1: 22–24). Đức Thánh Linh mời gọi chúng ta đến với sự hiện diện và quyền năng của Ngài nhiều hơn, và bằng hành động của mình, chúng ta đã im lặng từ chối Ngài.

    Vậy thì chúng ta sẽ chú ý đến cách Thánh Linh vận hành như thế nào? Qua điều mà Phao-lô gọi là “quyết tâm làm điều tốt” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:11). Sibbes viết rằng: “Khi Đức Thánh Linh khuấy động trong lòng chúng ta, hãy biến những khuấy động đó thành những giải pháp thánh. Đây có phải là nhiệm vụ của tôi, và điều đó có khiến tôi thấy thoải mái không? Chắc chắn là tôi sẽ làm theo. Đừng để những sự khuấy động đó chết yểu trong chúng ta ”(428). Bài giảng kết thúc, chúng ta rời khỏi buổi nhóm và chia sẻ với một người bạn đáng tin cậy về những gì chúng ta cảm nhận được để xem thử sự cảm động đó có thực sự là từ Chúa hay không. Nếu đúng, chúng ta có thể lập kế hoạch để “đáp ứng” sự vận hành của Thánh Linh “với lòng sợ sệt run rẩy” (Phi-líp 2:12) và nỗ lực để mở mọi cánh cửa cho Ngài.

    1. Căm ghét kẻ thù của Ngài

    Việc mở toang mọi cánh cửa cho Ngài đòi hỏi chúng ta phải đóng mọi cánh cửa với tội lỗi. Như Sibbes đã viết: “Ai có thể nghĩ bản thân mình đang được chào đón thật nồng hậu khi mà kẻ thù lớn nhất của anh ta thậm chí được coi trọng và được chào đón nồng hậu hơn?” (Tác phẩm, 5: 419). Sự thánh khiết không chỉ là tuân giữ một số điều luật trừu tượng hoặc tuân theo một vài quy tắc ứng xử. Sự thánh khiết bắt đầu từ lòng hiếu khách.

    Liệu sẽ có bao nhiêu lời bào chữa cho tội lỗi sẽ bị khô héo và chết đi khi chúng ta nhớ đến vị khách Thánh trong tâm hồn mình? Chúng ta có thể đi đâu khỏi Ngài? Chúng ta có thể chạy trốn khỏi sự hiện diện của Ngài sao? Khi chúng ta tức giận tột độ, Ngài ở đó. Khi chúng ta dọn giường trong những tơ tưởng kín giấu, Ngài sẽ ở đó. Khi chúng ta bay đi với đôi cánh hừng động và phạm tội nơi không một người nào có thể nhìn thấy, ngay cả ở đó Ngài cũng hiện diện; và trái tim Ngài đau buồn (Ê-phê-sô 4:30).

    Hãy lắng nghe lời khuyên thuộc linh của Sibbes: “Hãy chú ý đến những tội mà chúng ta ít coi trọng như những gì Đức Chúa Trời thấy” (429). Đúng, hãy chú ý đến những tội nhỏ, vì mọi tội lỗi, nếu được dung dưỡng, đều sẽ tìm cách phá hủy công việc của Đức Thánh Linh. Hãy chú ý đến những câu chuyện phiếm và những chương trình không rõ rằng đen. Hãy để ý đến lòng tham và con mắt tham lam. Hãy chú ý đến sự cay đắng và những phán xét vội vàng. Hãy chú ý như cách bạn thức canh một tên trộm.

    Lời khuyên này sẽ khá nhẹ nhàng đối với những người đã có được sự thông công ngọt ngào với Đức Thánh Linh. Khi Ngài là Chủ của ngôi nhà, và mọi kẻ thù ở bên ngoài, thì âm nhạc được vang lên, bữa tiệc được bắt đầu, lửa cháy lên; khi đó linh hồn được an nghỉ trong sự hạnh phúc. Từ đó chúng ta sẽ không ngần ngại để nói rằng “xin đến giúp con giết chết kẻ thù của Ngài” (Rô-ma 8:13).

    1. Nhận lãnh ân điển của Ngài

    Tất nhiên, bất cứ ai đã tiếp đãi Thánh Linh đều biết cảm giác đau buồn của Thánh Linh là như thế nào: đó là khi chúng ta bóp nghẹt giọng nói của Ngài, giết chết những điều Ngài khuấy động, chào đón kẻ thù của Ngài (Ê-phê-sô 4:30). Nhưng ngay sau những khoảnh khắc đau khổ đó, chúng ta không cần phải đợi để đến cùng Ngài – hoặc tệ hơn, chúng ta cố gắng bằng sức của mình để sửa sai. Không, chúng ta có thể đến với Ngài ngay tại đây, ngay bây giờ, bằng cách nhận lấy ân điển của Ngài.

    Về bản chất, tiếp đón Đức Thánh Linh là chào đón Ngài trong mọi trường hợp. Và mục đích cao cả nhất của Ngài là tôn vinh Chúa Giê-xu (Giăng 16:14). Vì vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tiếp đón Ngài tốt hơn là khi chúng ta để Ngài hướng ánh nhìn của chúng ta lên Đấng Christ.

    Sibbes viết: “Đừng để trái tim tuyệt vọng của chúng ta bỏ qua Thánh Linh khi Ngài an ủi chúng ta” (Works, 5: 428). Từ chối sự an ủi của Thánh Linh, ngay cả sau khi chúng ta đã thú nhận tội lỗi của mình, có thể khiến chúng ta cảm thấy mình khiêm tốn. Nhưng những ai cố chấp từ chối sự an ủi của Thánh Linh cũng cố chấp từ chối chính Ngài, chẳng khác gì chủ nhà bỏ khách của mình ở ngoài.

    Hãy can đảm bằng trái tim đã vỡ tan của bạn. Đức Thánh Linh đến với chúng ta với ân điển. Ngài đến để an ủi. Ngài đến để ban cho chúng ta Chúa Giê-xu.

    Sự hạnh phúc thiên thượng trên đất

    Sibbes viết rằng: “Niềm hạnh phúc nhất trên thế giới là khi linh hồn trở nên đền thờ của Đức Thánh Linh; khi trái tim là nơi ‘thánh nhất của trong các nơi thánh’, đó là nơi xuất phát những lời cầu nguyện và ngợi khen dâng lên Đức Chúa Trời. . . . Trong lúc ấy Đức Thánh Linh được chúng ta tiếp đón. Chúng ta sẽ hạnh phúc khi sống, khi chết và hạnh phúc cho đến đời đời ”(Works, 5: 432).

    Niềm hạnh phúc sâu sắc nhất, lâu bền nhất, hé lộ một chút cảm giác vui sướng khi về thiên đàng, có thể được cảm nhận ngay trên đất. Đó là món quà của Chúa Thánh Linh dành cho những ai tiếp đãi Ngài. Vì vậy, hãy lắng nghe tiếng Ngài, chú ý đến những sự thôi thúc của Ngài, căm ghét kẻ thù của Ngài, nhận lãnh ân điển của Ngài – và chào đón Chúa của sự vui mừng ngự vào.

    Bài: Scott Hubbard; dịch: Vĩnh An
    (Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/how-to-entertain-the-holy-spirit)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN