Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh12 Đặc Tính Của Đức Chúa Trời Chỉ Trong “10 Từ”

12 Đặc Tính Của Đức Chúa Trời Chỉ Trong “10 Từ”

Tháng 12 năm 1968, khi con tàu vũ trụ Apollo 8 quay quanh mặt trăng, giọng nói của Bill Anders vang vọng trở lại trái đất với câu Kinh Thánh quen thuộc: “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất”. Đó là lời tuyên bố về lẽ thật đơn giản nhưng sâu sắc. Tuy nhiên, ý nghĩa của câu Kinh Thánh này còn sâu nhiệm hơn thế nữa. Sáng-thế Ký 1:1 là lời kêu gọi thờ phượng đầu tiên. Trong câu mở đầu Kinh Thánh, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta thờ phượng Ngài qua việc tuyên bố danh tính và công việc Ngài. 

Thần học đằng sau thờ phượng 

Sáng-thế Ký 1:1 tượng trưng cho sự thờ phượng, vì đây là nền tảng thần học đầu tiên. Từ câu Kinh Thánh này, chúng ta có thể suy ra mười hai tính cách của Đức Chúa Trời:

  1. Chúa là Duy Nhất 

Ban đầu, chỉ có Chúa và duy nhất Chúa. Đây là lời tuyên bố tuyệt vời: “Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác, ngoài Ta, không có Đức Chúa Trời nào khác” (Ê-sai 45:5). Đức Chúa Trời là duy nhất. Ngài là Đấng Tạo Hóa chứ không phải tạo vật, một bản thể đơn thuần chứ không phức hợp. Chúa Ba Ngôi hiệp một, không tách rời. Thật vậy, trong Cựu Ước, bản chất độc nhất của Đức Chúa Trời là trọng tâm thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” (Phục truyền luật lệ ký 6:4).

  1. Chúa là Thần

Trước khi tạo dựng trời đất, không có gì khác ngoài Đức Chúa Trời. Không gian, thời gian, vật chất và năng lượng đều do Ngài tạo ra, có nghĩa là bản thân Ngài không tồn tại trong không gian, thời gian, vật chất hay năng lượng. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời mang bản chất khác biệt với thế giới Ngài dựng nên. Trong Tân Ước, Chúa Jêsus nói rõ điều này: “Đức Chúa Trời là thần linh” (Giăng 4:24).

  1. Chúa Hằng Hữu

Để có mặt trong buổi ban đầu, Đức Chúa Trời phải tồn tại trước khi vũ trụ bắt đầu, nghĩa là Ngài không phụ thuộc vào dòng thời gian. Ngài là Đấng Hằng Hữu. Đức Chúa Trời đã tồn tại trước khi khai thiên lập địa bởi vì Ngài không có khởi đầu, và Chúa vẫn tồn tại cho đến cuối cùng bởi vì Ngài không có kết thúc. Chúa đã, đang và sẽ mãi sống – Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống. “Trước khi núi non sinh ra, Đất và thế gian được dựng nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời (Thi Thiên 90:2).

  1. Chúa Vô Hạn

Cụm từ “trời và đất” thể hiện hai cực đối lập bao trọn mọi thứ ở giữa. Nói cách khác, “Ban đầu, Đức Chúa Trời tạo nên vạn vật”. Tuy nhiên, vạn vật không chỉ đơn giản là vũ trụ vật chất. Trời và đất bao hàm cả cõi vô hình cũng như hữu hình. Với bản chất tạo vật, những cõi này là hữu hạn, nhưng để tạo ra những cõi hữu hạn, bản thân Đức Chúa Trời phải là vô hạn. Kinh Thánh truyền đạt lẽ thật này bằng cách khẳng định sự vĩ đại và toàn năng Ngài (Ê-sai 6:3; Giê-rê-mi 23: 23–24), cũng như nhấn mạnh sự uy nghiêm không ai hiểu được của Ngài: “Đức Giê-hô-va thật vĩ đại và đáng ca ngợi; Sự vĩ đại vô cùng của Ngài không ai thấu hiểu được” (Thi Thiên 145:3).

  1. Chúa Bất Biến 

Trước khi tạo ra mọi vật, Đức Chúa Trời vốn đã bất biến. Không gì ngoài Chúa có thể thay đổi chính Ngài – bản thể Ngài vẫn bất biến trong suốt quá trình lịch sử. Sau khi tạo ra vạn vật, cả vũ trụ đã và đang phụ thuộc vào Ngài, nên không gì có thể thay đổi Ngài. Đức Chúa Trời đã bất biến trong suốt quá khứ, và Ngài sẽ không bao giờ thay đổi trong tương lai đời đời. Đấng đã, đang và sắp đến là cùng một Đức Chúa Trời. Nói tóm lại, Ngài là Đấng bất biến. “Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng; trong Ngài không có sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự chuyển dịch” (Gia-cơ 1:17).

  1. Chúa Tự Hữu

Đức Chúa Trời tồn tại trước khi có thế gian, do đó Chúa không phụ thuộc vào tạo vật của Ngài. Đức Chúa Trời có bản chất độc lập; Ngài không dựa vào ai hay bất cứ điều gì để tồn tại. Các nhà thần học gọi đây là sự tự hữu, có nghĩa là Chúa “đến từ chính Ngài”. Sự tồn tại của Đức Chúa Trời bắt nguồn từ chính Ngài chứ không phải bất cứ điều gì khác. Đức Chúa Trời là một bản thể Tự Hữu. Khi Môi-se hỏi về danh xưng của Ngài, Đức Chúa Trời trả lời rằng: “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13–14).

  1. Chúa là Nguồn sống

Để tạo ra sự sống trên trời và dưới đất – thiên sứ, thảm thực vật, cá, chim, bò sát, động vật… và loài người – Chúa phải có sự sống trong chính Ngài. Đức Chúa Trời là Nguồn sống để tạo ra muôn loài sống. Kinh Thánh khẳng định rằng Đức Chúa Trời là chính sự sống (1 Giăng 5:20), có sự sống trong chính Ngài (Giăng 5:26), Ngài là mạch nước của sự sống (Thi thiên 36: 9), chúng ta sống và hoạt động trong Ngài (Công vụ các sứ đồ 17:28). Thật vậy, Đức Chúa Trời nói về chính Ngài: “Ta sống vĩnh hằng!” (Phục truyền luật lệ ký 32:40).

  1. Chúa Bất Diệt

Vì Đức Chúa Trời đã tồn tại bất biến trước khi vạn vật được tạo ra, nên không gì có thể lấy đi sự sống Ngài. Mọi tạo vật đều phụ thuộc vào Ngài mãi mãi, nên không gì có thể cướp đi sự sống Ngài. Bản thân Đức Chúa Trời là sự sống, nghĩa là không gì trên trời hay dưới đất có thể lấy sự sống khỏi Ngài. Chúa không thể chết. Ngài là bất diệt. Như Phao-lô nói với Ti-mô-thê: Đức Chúa Trời “là Đấng duy nhất không hề chết” (1 Ti-mô-thê 6:16).

  1. Chúa Tạo Hóa

“Sáng tạo” là một động từ khá độc đáo trong Cựu Ước. Từ này lặp lại khoảng bốn mươi lần và chỉ có Chúa là chủ thể thực hiện “sáng tạo”. Trong Kinh Thánh, chỉ Đức Chúa Trời có khả năng “sáng tạo”, nghĩa là duy nhất Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. “Vì tất cả các thần của các dân tộc đều là hình tượng, Còn Đức Giê-hô-va đã dựng nên các tầng trời” (Thi Thiên 96:5).

  1. Chúa Toàn Năng

Nếu ngay từ đầu, Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa tạo ra vạn vật từ thinh không, thì Ngài phải là Đấng Toàn Năng. Nghĩa là Chúa có khả năng thực hiện mọi ý muốn Ngài. Như Phao-lô khẳng định với Hội Thánh Ê-phê-sô, Đức Chúa Trời “Đức Chúa Trời là Đấng hành động trong chúng ta bằng quyền năng Ngài, có thể làm trổi hơn bội phần mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng. Nguyện Ngài được tôn vinh trong Hội Thánh và trong Đấng Christ Jêsus trải qua mọi thế hệ, cho đến đời đời vô cùng! A-men” (Ê-phê-sô 3:20–21).

  1. Chúa Toàn Tri

Chúa có thể thực hiện ý muốn Ngài mà không cần bất kỳ sự hướng dẫn hoặc giúp đỡ nào. Như tiên tri Giê-rê-mi đã nói: “Chính Đức Giê-hô-va đã tạo dựng địa cầu bằng quyền năng Ngài, thiết lập thế giới bởi sự khôn ngoan Ngài, trải rộng các tầng trời bởi sự hiểu biết của Ngài” (Giê-rê-mi 10:12).

  1. Chúa Tể Trị Tối Cao

Nếu Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Toàn Tri trên vạn vật, thì sau khi tạo dựng trời và đất, Ngài tiếp tục nắm quyền kiểm soát mọi thứ. Các tầng trời và trái đất không thể vượt khỏi quyền tể trị của Đức Chúa Trời vì vạn vật được tạo ra bởi Ngài và vẫn lệ thuộc vào Ngài. Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra trên trời và dưới đất đều nằm dưới quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời. “Con biết rằng Chúa có thể làm được mọi việc, Không ai ngăn cản được ý định của Ngài” (Gióp 42:2).

Thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật

Chúng ta có thể tóm tắt 12 lẽ thật tuyệt vời về Đức Chúa Trời từ Sáng-thế Ký 1:1 như sau:

Đức Chúa Trời là Thần, là Đấng Hằng Hữu, Vô Hạn, Bất Biến, Tự Hữu, Hằng Sống và Bất Diệt trong bản thể Ngài, là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, Toàn Tri và Tối Cao tể trị vạn vật trên trời dưới đất, mọi vật hữu hình và vô hình.

Đây là Đức Chúa Trời mà chúng ta chiêm ngưỡng trong câu Kinh Thánh đầu tiên. Như vậy, chúng ta được kêu gọi thờ phượng Ngài. Mọi tạo vật trên trời đang thờ phượng ngay lúc này: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa của chúng con, Chúa đáng được vinh quang, tôn trọng và uy quyền, vì Chúa đã tạo dựng muôn vật, và do ý muốn của Chúa mà muôn vật hiện hữu và được tạo dựng” (Khải Huyền 4:11). Nếu các tạo vật trên trời đã dâng tiếng ngợi khen khi được chiêm ngưỡng Đức Chúa Trời và công trình sáng tạo của Ngài, thì những tạo vật trên đất của Ngài – chúng ta nên làm gì?

Những câu tiếp sau Sáng-thế Ký 1:1 sẽ giúp ích cho chúng ta. Sau khi tạo dựng trời đất, Thần của Đức Chúa Trời hiện diện (Sáng-thế Ký 1:2), lướt trên mặt nước. Rồi Đức Chúa Trời dùng tiếng phán Ngài để dựng nên mọi tạo vật (Sáng-thế Ký 1:3–2:3). Vì vậy, công việc sáng tạo của Đức Chúa Trời có thể được tóm tắt như thế này: Ban đầu, Đức Chúa Trời đã tạo ra vạn vật từ hư không bằng Lời Ngài và Thánh Linh Ngài.

Sứ đồ Giăng phân tích lẽ thật này: quả thật là Đấng Christ, Ngôi Lời Hằng Sống, đã hiện diện từ ban đầu với Đức Chúa Trời, đồng công với Ngài trong sự sáng tạo (Giăng 1:1–5). Và sứ đồ Phao-lô viết về Đấng Christ theo những thuật ngữ tương tự:

“Chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình, là Đấng sinh ra trước tất cả mọi loài thọ tạo. Vì trong Ngài mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng. Hoặc ngôi vua, hoặc quyền thống trị, hoặc các lãnh tụ, hoặc giới cầm quyền đều được tạo dựng bởi Ngài và vì Ngài. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật được giữ vững trong Ngài” (Cô-lô-se 1:15–17).

Vì vậy, Sáng-thế Ký 1:1–3 là lời kêu gọi chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời vì bản thể và công việc sáng tạo của Ngài – qua Đấng Christ và vì Đấng Christ.

Quy vinh hiển lên Ngài

Tất nhiên, việc thờ phượng Đức Chúa Trời còn bao hàm nhiều điều hơn thế. Nhưng những câu đầu tiên của Kinh Thánh đã cung cấp cho chúng ta điểm khởi đầu và nền tảng của sự thờ phượng Cơ Đốc. Vì vậy, câu mở đầu sách Sáng-thế Ký là lời Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến thờ phượng Ngài qua Đức Con và Đức Thánh Linh. Đó là điều các tạo vật trên trời đã thực hiện từ buổi đầu sáng thế:

“Tôn vinh Chân Thần, nguồn ơn vô đối,

Dưới đất chúng con cùng hát khắp nơi,

Trời cao cũng chung ca ngợi Ba Ngôi,

Chúa Cha cùng Con với Linh muôn đời. A-men”.

(Kinh Thánh: BTTHĐ)

Bài: Jonny Gibson; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: //www.desiringgod.org/articles/the-first-call-to-worship)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN