Chúng ta chẳng nhận được gì nếu chỉ cầu xin để thỏa mãn những ham muốn, thú vui của riêng mình. Chúng ta chẳng nhận được gì nếu không ở trong Đức Chúa Jêsus. Chúng ta có quyền cầu xin Chúa, nhưng hãy xác định rõ động cơ đằng sau là gì.
“Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao? Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin. Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” (Gia-cơ 4:1-3).
Động cơ là thứ thúc đẩy chúng ta hoàn thành công việc. Nhưng đôi khi động cơ có thể sai lệch. Khi quá khao khát, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì để thỏa mãn mong muốn. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta ham thích những điều sai trái? Kiêu ngạo và ghen tị là những động cơ tiêu cực lôi kéo tâm trí chúng ta theo tư dục.
Khi cầu hỏi Chúa với động cơ sai trật, chắc chắn chúng ta sẽ không được nhậm lời. Chúa không ban cho chúng ta những thứ sai trái. Lòng lừa dối và tranh cạnh sẽ không được chấp nhận vì Chúa biết rõ động cơ chúng ta (Châm ngôn 16:2).
Nếu cứ đấu tranh để có bằng được những gì chúng ta nghĩ mình cần, thì rõ ràng chúng ta đang cầu xin những thứ sai trật. Chúng ta cầu xin Chúa vì Ngài là Đấng chu cấp và Ngài biết chính xác những gì chúng ta cần (Ma-thi-ơ 6:8).
Hiểu sự kiêu ngạo
“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Chúa thì còn lại đời đời” (1 Giăng 2:15-17).
Trong Ê-sai 14, Chúa phán rằng chính sự kiêu ngạo đã khiến kẻ thù sa vào nơi vực thẳm. Kẻ thù muốn vượt hơn Chúa, muốn được tôn thờ. Nó cũng gieo rắc sự kiêu ngạo ấy vào lòng chúng ta. Chẳng hạn, Châm ngôn 16:18 chép rằng: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.”.
Trên mạng xã hội, mọi người liên tục khoe tài sản của mình. Điều này khiến chúng ta ham muốn và nghĩ rằng đó là những gì mình cần. Nhưng sau khi có được, chúng ta lại cảm thấy thất vọng! Tất cả mọi người đều bị cám dỗ để làm những việc không thật sự cần thiết.
Châm ngôn 29:23 chép rằng: “Sự kiêu ngạo của người sẽ làm hạ người xuống; Nhưng ai có lòng khiêm nhượng sẽ được tôn vinh.” Kiêu ngạo là thứ đã hạ bệ kẻ thù, khiến hắn xa Chúa, và giờ hắn tìm cách tiêu diệt chúng ta.
Lòng kiêu ngạo thúc đẩy chúng ta làm những điều mình nghĩ mình sẽ không bao giờ làm. Chúng ta phạm tội vì kiêu ngạo. Nếu những hành động sai trái khiến chúng ta rơi xuống hố sâu, thì có lẽ đã đến lúc phải nhìn lên Chúa và hỏi xem điều gì đã khiến chúng ta ra nông nỗi này.
1 Sa-mu-ên 16:7 phản ánh động cơ lòng người. Vua Đa-vít là người được xức dầu, vượt hơn tất cả các anh mình, cho dù ông chỉ là người chăn chiên suốt ngày một mình trên đồng cỏ.
Nhưng Chúa nhìn thấy tấm lòng và chọn ông. Vì vậy, nếu sự kiêu ngạo đang chi phối lòng chúng ta, nó cũng sẽ điều khiển các quyết định và động cơ. Chúng ta phải cầu xin với tấm lòng khiêm nhường vì Đức Thánh Linh ngự trong lòng khao khát ý muốn Chúa hơn bản thân chúng ta.
Ma-thi-ơ 7:7 chép: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho”. Do đó, nếu cầu xin và tìm kiếm với động cơ sai lầm, thì điều chúng ta nhận được sẽ hoàn toàn khác với những gì chúng ta nghĩ.
Ở trong Chúa Jêsus
“Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.
Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy. Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy. Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta” (Giăng 15: 1-8).
Câu 7 chép rằng nếu bạn ở trong Chúa Jêsus và Lời Ngài ở trong bạn, thì bạn cầu gì sẽ được nấy, vì khi ấy bạn không cầu xin theo ý mình. Câu 5 cũng chép rằng bạn không thể làm gì ngoài Chúa Jêsus.
Tóm lại, nếu bạn đang cố gắng đạt được bởi sức riêng và tham muốn riêng, thì bạn không ở trong Chúa Jêsus. Vì vậy, khi cầu xin Chúa mà lại không ở trong Ngài, chúng ta đang tiếp tục đi lạc khỏi ý muốn Ngài cho cuộc đời mình.
Chúng ta chẳng nhận được gì nếu chỉ cầu xin để thỏa mãn những ham muốn, thú vui của riêng mình. Chúng ta chẳng nhận được gì nếu không ở trong Đức Chúa Jêsus, bởi vì chúng ta chọn tự quyết định và đi theo con đường riêng. Chúng ta ham muốn và đua đòi những thứ đời này vì lòng ghen tị và kiêu ngạo. Tại sao không thử ở trong Chúa Jêsus, đọc Lời Chúa và áp dụng vào cuộc sống mình?
Hãy dâng sự kiêu ngạo mình lên cho Chúa, để Ngài cho chúng ta thấy chính xác những gì mình cần. Thật ra, tất cả những gì chúng ta cần là duy nhất Chúa, không cần bất cứ điều gì khác! Nhưng Chúa biết nhu cầu chúng ta (Ma-thi-ơ 6), và Ngài thành tín ban cho chúng ta những gì mình cần. Chúng ta có quyền cầu xin Chúa, nhưng hãy xác định rõ động cơ đằng sau là gì.
Lời cầu nguyện
Lạy Cha vinh hiển, đáng tôn và thành tín. Chúng con cảm ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng con. Chúng con cảm ơn Chúa càng hơn vì Ngài thật tốt lành và đáng được tôn ngợi.
Cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng con tra xét tấm lòng và động cơ đằng sau những điều chúng con cầu xin. Xin Chúa giúp chúng con hạ mình và ngưng cảm thấy mình luôn thiếu thốn. Chúa ôi, một mình Ngài là đủ cho chúng con. Cầu xin Ngài bày tỏ điều đó cho những người chưa biết. Nhân danh Đức Chúa Jêsus, Amen.
Bài: Rebecca Mashburn; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.christianity.com/wiki/bible/what-does-it-mean-you-have-not-because-you-ask-not.html)