Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhLời cầu nguyện để chấm dứt mọi lời cầu nguyện khác

Lời cầu nguyện để chấm dứt mọi lời cầu nguyện khác

A-men, lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến! (Khải Huyền 22:20)

Lời cầu nguyện cuối cùng trong Kinh Thánh cũng là một trong những lời cầu nguyện ngắn nhất – tuy nhiên, nó lại mang theo sự ngóng trông và mong đợi, cùng nỗi đau và hy vọng, với sự thống khổ và vui mừng. Bạn có thể tưởng tượng sứ đồ Giăng, môn đồ mà Chúa Jêsus yêu mến (Giăng 13:23), đã thốt lên những từ đó – “Lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!” – trong lúc đó thì ông lại đang bị giữa bọn tội phạm trên đảo Bát-mô. Khi cuộc sống trên đất này quá khắc nghiệt và mệt mỏi, lời hứa rằng Đấng Christ sẽ tái lâm sẽ trở nên ngọt ngào hơn bao giờ hết có đúng không?

Dường như Giăng đang cố gắng kéo Chúa Phục sinh xuống thiên đàng bằng cầu nguyện thống hối mình. Mặt đất cằn cỗi, sỏi đá dưới đầu gối ông còn hơn cả một nhà tù; nó là một lời nguyền có diện tích hai mươi dặm vuông và bị tàn phá với hậu quả của tội lỗi. Chính sự đau khổ tạo nên nó. Nó giúp mắt của chúng ta được mở rộng ra để nhìn thấy tất cả những gì tội lỗi đã làm: biết bao đau đớn và tàn phá mà nó đã gây ra trên thế giới này. Tuy nhiên, kì lạ là sự đau khổ thường đánh thức chúng ta về lời hứa của ngày Chúa tái lâm.

Sự suy nhược và bệnh tật khiến chúng ta càng khao khát một cơ thể mới hơn. Xung đột quan hệ kéo dài khiến chúng ta khao khát hòa bình hơn. Chiến tranh, bão tố và động đất khiến chúng ta khao khát sự an toàn hơn. Những tội lỗi khác của chúng ta khiến chúng ta càng khao khát sự thánh khiết. “Lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!” là tiếng kêu của một người thực sự mong đợi một thế giới tốt đẹp hơn sẽ đến mau chóng. Sự đau khổ chỉ làm tăng thêm những khao khát và mong đợi mà thôi.

Một lời cầu nguyện đủ cả

Lời cầu nguyện “Lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!” thực sự là nhiều lời cầu nguyện bao hàm mọi lời cầu nguyện khác. Điều gì sẽ xảy ra khi Đấng Christ trở lại? Những câu mở đầu của Khải Huyền 21 cho chúng ta biết sẽ có rất nhiều lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được nhậm vào ngày đó.

Lạy Chúa Jêsus, xin hãy đến và lau khô nước mắt của chúng con. Những người theo Chúa Jêsus sẽ không tránh khỏi buồn phiền trong cuộc đời này. Trên thực tế, người theo Ngài thường có nhiều nước mắt hơn. Chính Chúa Jêsus đã cảnh báo chúng ta về điều này:  “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian” (Giăng 16:33). Nhưng một ngày nào đó, “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng” (Khải Huyền 21: 4). Trong thế giới đó, chúng ta sẽ không gặp hoạn nạn, đau buồn, đau khổ, hoặc bắt bớ và nguy hiểm nữa. Khi Ngài trở lại, chúng ta sẽ không bao giờ có lý do để khóc nữa.

Lạy Chúa Jêsus, xin hãy đến và chấm dứt nỗi đau của chúng con. Một vài người thì mong mỏi hết đau lòng; những người khác lại cảm nhận rõ hậu quả của tội lỗi bên trong cơ thể họ. Nỗi đau đã theo họ như một cái bóng. Khải Huyền 21: 4 tiếp tục nói: “. . . sẽ không có sự chết ,cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa” Bạn có thể tưởng tượng một người đã chiến đấu với cơn đau mãn tính trong nhiều thập kỷ, thức dậy vào một buổi sáng và không còn cảm thấy đau đớn nữa không? Nó sẽ giống như một người đàn ông chưa bao giờ nhìn rõ bất cứ thứ gì rồi sau đó đeo cặp kính đầu tiên vào. Chỉ có điều là những người bị đau sẽ cảm nhận được cảm giác vui sướng đó trong từng thớ thịt và dây thần kinh của mình. Sự biến mất của cơn đau sẽ giải phóng các giác quan của họ để họ tận hưởng thế giới theo một cách họ chưa bao giờ cảm nhận.

Lạy Chúa Jêsus, xin hãy đến, và xử tử sự chết. Chúa Jêsus đã đến để truất ngôi sự chết. Hê-bơ-rơ 2: 14–15 chép, “Vậy thì, vì con-cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá-diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma-quỉ, lại cho giải-thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi-mọi trọn đời.” Mỗi người đọc bài viết này đều đã từng bị nô lệ cho nỗi sợ hãi cái chết. Nhưng sự chết đã tiêu biến khi Con Đức Chúa Trời chết trên cây thập tự. Và một ngày nào đó, chính sự chết sẽ chết. Khi Tác giả của sự sống đến “sự chết sẽ không còn nữa” (Khải Huyền 21: 4).

Lạy Chúa Jêsus, xin hãy đến và xóa bỏ tội lỗi chúng con. Gánh nặng này nghe có vẻ nhẹ nhàng qua câu viết này, nhưng nó không hề nhẹ nhàng trong tâm của Giăng. Ông viết trong câu 3: “nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người.” Và ông rằng Đức Chúa Trời không thể ở cùng với tội lỗi. Để Đức Chúa Trời đến và ở với chúng ta, trước tiên Ngài sẽ phải xóa bỏ tội lỗi còn tồn tại trong chúng ta – và đó chính xác là điều Ngài hứa sẽ làm. Tội lỗi ẩn trong mọi góc tối và đằng sau mọi ngóc ngách sẽ đột ngột biến mất. Ngài sẽ ném mọi nguồn gốc tội lỗi vào trong lò lửa của mình (Ma-thi-ơ 13:41). “khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.” (1 Giăng 3: 2).

Lạy Chúa Jêsus, xin hãy đến và làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ. Nói cách khác, bất cứ điều gì không có trong những lời cầu nguyện ở trên cũng sẽ được thực hiện. “Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới” (Khải Huyền 21:1). Không có gì là không bị ảnh hưởng. Bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống trên trái đất khiến bạn đau khổ nhất đều sẽ thay đổi. Bất cứ nỗi sợ hãi nào cản trở bạn, bất cứ thử thách nào khiến bạn bất ngờ, bất cứ đám mây đen nào theo sau bạn, tất cả đều sẽ thay đổi và tan biến trong tích tắc. Trong thế giới mới đó, chúng ta sẽ không có gì phải sợ hãi, không có gì phải than khóc, không có gì phải chịu đựng, không có gì phải ăn năn nữa. Bạn có thể tưởng tượng được không?

Lời cầu nguyện “Lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!” còn hơn cả một lời cầu nguyện để được giải thoát, được an toàn, được chữa lành hoặc thậm chí là được tha tội. Nó là một lời cầu nguyện xin chính Chúa.

Sự hiện diện của Ngài ở thiên đàng

Trái tim cháy bỏng trong lời cầu xin của Giăng không phải vì những gì Chúa Jêsus dã làm, mà là về con người của Ngài. Điều này được thể hiện rõ ràng trong suốt sách Khải Huyền. Thế giới sắp đến là thế giới chúng ta sẽ muốn vì Chúa Jêsus sống ở đó. Suy cho cùng, lời cầu nguyện của Giăng  – “Lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!” – là lời đáp lại khi Chúa hứa ba lần trong các câu trước “Kìa, Ta đến mau chóng. . . . Nầy, Ta đến mau chóng. . . . Phải, Ta đến mau chóng.” (Khải Huyền 22: 7, 12, 20).

Trong khi vị sứ đồ này đang chết dần trong tù, ông có thể nhìn thấy Chàng Rể ở cuối đường chân trời (Khải Huyền 1: 12–16). Tóc Ngài như tuyết. Đôi mắt Ngài đầy lửa. Bàn chân của Ngài giống như đồng được đánh bóng. Khuôn mặt của Ngài như ánh mặt trời tỏa sáng đầy sức mạnh. Người đàn ông mà ông đã đi cùng, nói chuyện, vui cười và chắc chắn đã từng khóccùng, giờ đã hoàn toàn được tôn cao và đã sẵn sàng đón nàng dâu của anh ấy: Hội Thánh. Kho báu không còn nằm dưới đống ruộng nữa mà đang nằm những đám mây.

Ngay cả khải tượng về trời mới và đất mới trong Khải Huyền 21 cũng khiến chính Đức Chúa Trời trở thành giải thưởng lớn nhất: “Nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. ”(Khải Huyền 21: 3). Đúng vậy, chúng ta muốn một thế giới không đau buồn, không đau đớn, không sợ hãi, không chết chóc. Nhưng thà có một thế giới có chúng ta và Chúa, hơn là có bất kỳ thế giới nào khác mà không có Ngài. Sự hiện diện của Ngài chính là thiên đường.

Randy Alcorn viết: 

Suy nghĩ của chúng ta về thiên đường rất hay bị sai. Chúng ta nghĩ rằng những gì chúng ta muốn là tình dục, ma túy, rượu chè, một công việc mới, tăng lương, bằng tiến sĩ, vợ / chồng, một chiếc tivi màn hình lớn, một chiếc xe hơi mới, một cabin trong rừng, một căn hộ ở Hawaii. Điều chúng ta thực sự muốn là con người chúng ta được tạo ra, Chúa Jêsus, và nơi chúng ta được tạo ra, Thiên đường. Không có điều gì khác có thể làm chúng ta thỏa lòng. . . . Chúng ta có thể tưởng tượng rằng chúng ta muốn một ngàn thứ khác nhau, nhưng Chúa là Đấng mà chúng ta thực sự mong mỏi. Sự hiện diện của Ngài mang lại sự thỏa lòng; sự vắng mặt của Ngài mang đến sự khát khao và mong mỏi. Niềm khao khát thiên đàng của chúng ta là niềm khao khát Chúa. (Heaven, 166, 171)

Chúa đến lần thứ hai

Mặc dù lời cầu nguyện ngắn gọn của Giăng có thể là lời kêu gọi đáng nhớ nhất trong Khải huyền 22, nhưng đó không phải là lời mời duy nhất. Kinh Thánh không kết thúc bằng một lời khẩn nguyện tuyệt vọng sự trở lại của Đấng Christ mà nó còn bằng một lời mời nồng nhiệt đối với những người mệt mỏi, đau khổ và đang khát khao thuộc linh.

Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không. (Khải Huyền 22:17)

Trong lúc Giăng mong đợi sự trở lại của Chúa Jêsus Christ, sự tập hợp dân sự lại và sự quét sạch mọi kẻ thù của Ngài, những suy nghĩ cuối cùng của ông không phải là sự phán xét, mà là lòng thương xót. Ông kết thúc không bằng sự đau khổ, mà bằng một sự tự do dành cho tất cả những ai đến. Lời của ông vang lên giống với lời mời trong Ê-sai 55: 1–2:

Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến, mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá. 2 Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no? Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon, và cho linh hồn các ngươi vui thích trong của béo.

Khi Chúa Jêsus đến, chúng ta sẽ ăn uống và thỏa vui không ngừng. Những cơn đói và khát sẽ trở thành ký ức xa xăm. Nếu nỗi buồn đã cướp đi giấc ngủ của bạn, nếu nỗi đau đã khiến ngay cả những ngày bình thường trở nên khó khăn, nếu cái chết đã cướp đi những người bạn yêu thương, nếu cuộc sống đôi khi dường như đang chống lại bạn, nếu bạn không thể quên đi cơn đau dai dẳng của mình, thì hãy đến và ăn uống với Ngài. Thế giới này có thể là thế giới duy nhất bạn từng biết, nhưng một thế giới tốt đẹp hơn đang đến – và vẫn còn chỗ trống tại bàn đấy

Bài:Marshall Segal; dịch: Vĩnh An
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/the-prayer-to-end-all-prayers)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN